Giá trị nghệ thuật

Một phần của tài liệu NGHI LỄ VÒNG ĐỜI NGƯỜI ÊĐÊ MDHUR Ở HUYỆN SÔNG HINH, TỈNH PHÚ YÊ (Trang 82 - 86)

CHƯƠNG 3: NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA NGHI LỄ VÕNG ĐỜI CỦA NGƯỜI ÊĐÊ MDHUR Ở HUYỆN SÔNG HINH, TỈNH PHÚ YÊN

3.1. Các giá trị văn hóa nghi lễ vòng đời của người Êđê Mdhur ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên

3.1.3. Giá trị nghệ thuật

Người Êđê Mdhur theo tín ngưỡng đa thần. Theo quan niệm của họ, mọi vật hiện hữu xung quanh đều có các vị thần trú ngụ. Với quan niệm như vậy, sống giữa thiên nhiên cây cỏ người Êđê Mdhur đã hình thành cho mình một hệ thống các nghi lễ cầu cúng với mong muốn các thần linh phù hộ cho sức khỏe, an toàn và thịnh vượng của họ.

Trong đời sống người Êđê Mdhur, sự tồn tại của tín ngưỡng dân gian gắn bó mật thiết với nghệ thuật dân gian. Trong các nghi lễ vòng đời của người Êđê Mdhur những loại hình nghệ thuật dân gian này thể hiện rõ nét ở nghệ thuật điêu khắc, âm nhạc, múa hát,…

Nói đến nghệ thuật điêu khắc của người Êđê Mdhur, trước tiên phải nhắc đến nghệ thuật điêu khắc trong nhà dài. Những hoa văn điêu khắc ở nhà dài được trang trí ở hiên nhà phía cửa chính của ngôi nhà như: cầu thang ván lên xuống, cột chỉ, cột đứng, xà ngang, cột ngăn,… của nhà dài là những hình ảnh như: đôi bầu sữa, vầng trăng khuyết, nồi đồng, con rùa, chim cu đất, mảnh trăng non,… phản ánh đậm nét về chế độ mẫu hệ, sự giao thoa giữa trời đất và vạn vật, sự giàu có của cải, vị thế của người chủ gia đình,… Kỹ thuật chạm khắc cơ bản của người Êđê Mdhur là chạm khắc nổi và chạm khắc chìm, trong đó, các nét khắc chìm đa số còn mang tính thô sơ, nhưng các đường nét khắc nổi lại rất tinh tế mang tính hiện thực rất cao. Nghệ thuật điêu khắc của người Êđê Mdhur còn thể hiện ở tượng nhà mồ. Ở khu nghĩa địa, trước khi làm lễ bỏ mã, người Êđê Mdhur làm nhà mồ. Nhà mồ có kiểu dáng hình chữ nhật, dài từ 2 đến 3 mét, rộng từ 1 đến 1,5 mét, bốn cột chính của nhà mồ có kích thước cao hơn mái. Chỉ bằng những chiếc rìu, chiếc rựa cùng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của mình, các nghệ nhân đã tạo ra những chiếc tượng thể hiện các hoạt động trong đời sống hằng ngày của họ như: người đàn ông vỗ trống, đàn bà giã gạo, mang gùi, chiếc cối giã gạo,… Mỗi hình tượng trang trí đều có ý nghĩa khác nhau về tâm linh. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc này có đường nét thô sơ, không chau chuốt nhưng khá tự nhiên và sinh động, mang tính hiện thực cao.

Âm nhạc và múa của người Êđê Mdhur với sự sáng tạo mang tính dân giản bản địa, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng. Qua những di sản nghệ thuật điêu khắc, có thể thấy nghệ thuật âm nhạc và múa của người Êđê Mdhur cũng đã phát triển rực rỡ và có sức ảnh hưởng đến các dân tộc khác, trong đó có người Việt. Trong nghi lễ vòng đời, dàn chiêng chỉ xuất hiện từ lễ cúng sức khỏe cho đến lễ bỏ mã. Đó là những nghi lễ lớn mà vật hiến sinh là heo, bò, gà, nhiều ché rượu,… và có nhiều người tham gia để góp vui nên cần phải có cồng chiêng để góp vui còn những lễ cúng nhỏ thì không cần đánh chiêng. Dàn chiêng được xem là nhạc cụ thiêng có khả năng “kết nối”

với thần linh vì thế khi trong nhà có lễ cúng thì mới được đánh chiêng, vào những ngày bình thường, người Êđê Mdhur không bao giờ được phép đánh chiêng, chiêng đang đánh cũng không được phép tháo xuống. Không gian biểu diễn thường là ở nhà hoặc ở nghĩa địa; trong lúc xem, nghe, tán thưởng, mọi người ăn cơm với các món ăn được chế biến từ thịt con vật được hiến sinh, uống rượu cần, hút thuốc lá.

Âm nhạc còn được thể hiện xuyên suốt trong các nghi lễ vòng đời người Êđê Mdhur từ khi mới sinh ra cho đến khi chết đi. Trẻ em Êđê Mdhur từ khi còn rất nhỏ đã được nghe lời ru đầy nhạc điệu của mẹ. Người mẹ thường điệu con trên lưng đi làm nương rẫy, xuống suối lấy nước, khi nghỉ ngơi, người mẹ mang con trước ngực vừa cho con bú vừa hát ru con ngủ:

“Ơ con trai cha yêu mẹ quý Lớn lên mau mẹ cha được nhờ.

Làm nương rẫy nhiều lúa Kiếm các thịt nuôi mẹ nuôi cha.

Khi mẹ già, cha yếu, Ngủ đi con, ngủ đi ….”

Khi người con trai đến tuổi trưởng thành, cha mẹ làm lễ cầu cúng sức khỏe cho con của mình. Bắt đầu buổi lễ, thầy cúng cất lời khấn cầu có vần điệu xin các thần linh về phù hộ cho đứa con trai được khỏe mạnh như mong ước của cha mẹ:

“Ba tháng, ba ché rượu Ba con gà cầu mong.

Ba năm, năm ché rượu, Một con heo đực con.

Nay mẹ cha, chị em, Cúng cho bảy ché rượu.

Một con heo thiếu béo trong, Gọi thần ông, thần chú bác Đến uống rượu ăn thịt heo,

Mong cho đứa con trai mạnh khỏe …”

Khi đã cưới được vợ, người con trai bây giờ phải làm việc ở gia đình vợ như gia đình của mình, nếu mặc phải si lầm, người ta đến kiện tụng dòng họ bên vợ phải mời Pô phakđi (người xử kiện) đến xét xử. Người đàn ông sẽ được Pô phakđi hát đọc những câu để răn đe:

“Leo dưới gầm kho lúa thuộc về vợ con, Bừa bãi nói cười thuộc về chị em”

Người đàn ông đau ốm và chết đi, vợ con, họ hàng khóc than thảm thiết, lòi hát khóc của họ khiến người trong buôn đều thương cảm, phải rơi lệ khóc theo. Người vợ đem cơm đến cho người đàn ông ở khu nhà mồ và khóc hát:

“Anh ơi!

Anh chết đi,

Bỏ lại con không ai nuôi.

Nhà rách nát không ai sửa … Mỗi ngày em đều nhớ đến anh, Mỗi ngày,

Em bón cơm cho anh ăn, Đem thuốc cho anh hút Tắm rửa cho anh …”

Cứ như vậy suốt một vòng đời người Êđê Mdhur luôn sống trong ngôn ngữ của nhạc điệu và thơ ca.

Không phổ biến như các dân tộc khác, múa xuất hiện không nhiều trong đời sống của người Êđê Mdhur mặc dù ai cũng yêu thích múa. Trong những ngày lễ hội, người Êđê Mdhur lại có dịp được múa theo tiếng trống, tiếng cồng chiêng song phần lớn các sinh hoạt múa của người Êđê Mdhur đều mang tính cộng đồng, hiếm hoi mới có tiết mục múa cá nhân. Khi cúng tổ tiên, lễ vật cúng được đặt ở cửa sổ phía Đông, nghê nhân vừa thực hiện điệu múa vừa đánh trống ở dưới đất trước cửa sổ. Điệu múa và nhịp trống kết hợp với phần đệm của những chiếc chiêng để mời gọi tổ tiên về dự lễ

cúng và phù hộ cho gia đình. Trong lễ bỏ mã, người Êđê Mdhur những người phụ nữ lớn tuổi thường thể hiện động tác xoang truyền thống, động tác này múa cách điệu theo kiểu bay của chim Grư. Số lượng ít hay nhiều không quan trọng miễn là tạo được một vòng tròn khép kín to hay nhỏ. Vòng tròn của những người múa này sẽ biểu diễn xoay quanh cột đâm trâu, phối hợp nhịp nhàng với giai điệu cồng chiêng, trống.

Với những sắc thái văn hóa riêng vốn có của mình, người Êđê Mdhur đã để lại những giá trị văn hóa nghệ thuật phong phú. Những giá trị văn hóa nghệ thuật ấy vẫn được bảo lưu trong hệ thống nghi lễ vòng đời người Êđê Mdhur.

Một phần của tài liệu NGHI LỄ VÒNG ĐỜI NGƯỜI ÊĐÊ MDHUR Ở HUYỆN SÔNG HINH, TỈNH PHÚ YÊ (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)