CHƯƠNG 3: NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA NGHI LỄ VÕNG ĐỜI CỦA NGƯỜI ÊĐÊ MDHUR Ở HUYỆN SÔNG HINH, TỈNH PHÚ YÊN
3.3. Những yếu tố biến đổi đến nghi lễ vòng đời của người Êđê Mdhur ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên
Từ thời xa xưa, các dân tộc thiểu số trong đó có người Êđê Mdhur luôn sống khép kín trong phạm vi buôn, làng của mình. Nhìn tổng thể xã hội họ có sự tăng trưởng về dân số tự nhiên khá chậm chạp. Quan hệ xã hội để lại dấu ấn đậm nét nhất là quan hệ công xã thị tộc mẫu hệ. Đời sống của đồng bào người Êđê Mdhur chủ yếu là làm nương rẫy, chồng đi trước chọc lỗ vợ đi sau gieo hạt. Việc chăn nuôi không có chuồng trại chủ yếu là thả rông. Việc săn bắn, hái lượm chiếm một vị trí quan trọng;
đàn ông săn bắn còn phụ nữ thì hái lượm, bữa ăn hàng ngày của họ phụ thuộc vào việc săn bắn, hái lượm ấy. Các ngành nghề thủ công không chú trọng nâng cao tay nghề mà chủ yếu là dệt những trang phục hằng ngày, những vật dụng trong nhà bằng mây tre,…
Việc trao đổi hàng hóa được thể hiện bằng hiện vật giữa các gia đình trong làng hoặc một số dân cư, làng lân cận hoặc thương nhân từ xa tới theo mùa. Đơn vị tính thường là bò, heo, đo bằng gang tay.
Về kinh tế, người Êđê Mdhur chủ yếu là tự cung, tự cấp trong phạm vi buôn làng là chính. Trong những bữa cơm hàng ngày, người Êđê Mdhur rất giản dị, đơn sơ và đạm bạc chỉ cơm tẻ lúa rẫy với rau rừng, muối ớt, lâu lâu mới có thịt cá, việc chăn nuôi gia súc chủ yếu phục vụ cho việc cúng thần. Hằng ngày bà con uống nước suối không đun nấu. Phụ nữ mới sinh con được uống lá rừng đun sôi 7 ngày, sau 7 ngày đi làm bình thường. Nam, nữ có tập quán cà răng, căng tai, nam hút thuốc lá cuốn bằng tẩu, phụ nữ cuốn bằng lá chuối. Sau này, nhiều phong tục tập quán của người Êđê Mdhur đã dần thay đổi, có nhiều phong tục tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt nhưng cũng có những phong tục phát triển theo chiều hướng xấu. Đầu tiên phải kể đến việc nuôi dạy con cái. Ngày xưa, việc nuôi dạy con cái chỉ trong phạm vi buôn làng, trẻ em phải lao động khá sớm. Lên sáu tuổi, người lớn đã cho trẻ em đi lấy nước, bế đi chơi, đi chăn bò ở nương rẫy. Từ 7 đến 10 tuổi, trẻ em thường theo cha mẹ lên nương rẫy học cách làm rẫy, hái rau, học bắt cá, …. Từ 15 – 16 tuổi, trẻ em trở thành lao động chính trong nhà. Viêc nuôi dạy trẻ em chủ yếu do gia đình truyền lại các kiến thức cơ bản để duy trì nền kinh tế và nền văn hóa truyền thống. Ngày nay, việc dạy học đã được chính quyền địa phương tổ chức ở tất cả các buôn làng; trẻ em không chỉ học ở gia đình mà còn là xã hội. Rất nhiều em biết đem kiến thức đã học áp dụng vào
cuộc sống của buôn làng mình, họ đã biết ăn ở có vệ sinh hơn, chăn nuôi gia súc, gia cầm có khoa học hơn,… Yếu tố thần linh vẫn luôn tồn tại nhưng thế hệ trẻ không còn tin tưởng tuyệt đối nữa. Người Êđê Mdhur đã biết đi bệnh viện khi ốm đau. Về kinh tế cũng có nhiều thay đổi theo chiều hướng phát triển, họ đã biết trồng các loại hoa màu, các loại cây công nghiệp khác như: cây đậu phộng, cây đậu đỏ, cây mía,… và đặc biệt là trồng lúa nước. Được Đảng và Nhà nước định hướng, rất nhiều người Êđê Mdhur đã biết làm kinh tế, có của ăn của để, sắm sửa được xe máy, tivi,… Mối quan hệ của họ đã được mở rộng, không chỉ trong buôn làng của mình mà còn đi xa hơn rất nhiều so với thế hệ cha ông. Họ đã có mối quan hệ rất thân thiện với người Kinh, rất nhiều người Êđê Mdhur đã biết các phong tục tập quán của người Kinh. Vào các dịp lễ cúng của mình họ mời bạn bè là người Kinh đến tham dự. Với bản chất của văn hóa là giao lưu, tiếp biến rất nhiều thanh niên người Êđê Mdhur đã hiểu biết được văn hóa của dân tộc mình và các dân tộc khác kể cả dân tộc Kinh, họ có thể hát được dân ca, nhạc cổ, nhạc hiện đại của người Kinh. Bên cạnh đó, với mối quan hệ được mở rộng, con em người Êđê Mdhur đã được đi học xa nên các mối quan hệ, giao lưu ngày càng rộng lớn hơn dẫn đến việc nam nữ phát sinh tình cảm yêu nhau rồi cưới nhau. Trước kia, hôn nhân của người thanh niên Êđê Mdhur chủ yếu là do cha mẹ sắp đặt vì khi ấy thanh niên Êđê Mdhur chỉ sống trong phạm vị buôn làng, chưa có điều kiện đi học, đi làm xa.
Theo các nhà nghiên cứu Fonclo học thì Phú Yên có gần 100 bộ sử thi, trong đó huyện Sông Hinh có khoảng 1/3 trong tổng số các bộ sử thi ấy. Cách đây 17 năm, trong một lần nhà nghiên cứu văn hóa dân gian giàu kinh nghiệm Phan Đăng Nhật, nhà Fonclo học của Việt Nam đi khảo sát một số xã phía Nam và phía Tây Sông Hinh, vùng giáp ranh với huyện Ma Đrắc, Đắc Lắc đã nhận xét Sông Hinh là quê hương của sử thi đồ sộ, có giá trị văn hóa rất cao. Đặc biệt đây là nơi sản sinh ra trường ca Đam San – Xinh Nhã; sử thi A Ma Wứ, Đam pư, Đam pư chặt đọt măng; Mrông Tung,…
Trong quá trình làm luận văn, chúng tôi đã có cuộc khảo sát thực trạng văn hóa phi vật thể của người Êđê Mdhur ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Theo cuộc khảo sát của chúng tôi thật đáng lo ngại khi có rất nhiều nghệ nhân dân gian có vốn sử thi vô cùng phong phú, có nhiều người tuổi đã cao như: nghệ nhân Ksor Y Tốp (Oi Bôn) sinh năm 1923 hiện nay mù mắt tại buôn Ma Sung, xã Ea Bia; nghệ nhân Oi Đức sinh năm 1935
ở buôn Đức, xã Ea Trol; nghệ nhân Aley Đúp (Oi Dung) sinh năm 1936 ở buôn Bầu xã Ea Trol;… người trẻ tuổi nhất cũng sinh năm 1957, có rất ít thanh niên người Êđê Mdhur từ 25 tuổi trở lên biết kể chuyện và hát dân ca, sử dụng các nhạc cụ dân tộc của tộc người mình.
Về trang phục: rất nhiều người Êđê Mdhur không còn mặc trang phục truyền thống của họ nữa. Người đàn ông Êđê Mdhur dần thay những chiếc khố truyền thống bằng quần Âu, chiếc áo truyền thống bằng áo thun, áo sơ – mi. Người phụ nữ Êđê Mdhur cũng thay dần chiếc áo truyền thống bằng áo thun, áo bà ba hoặc áo sơ mi. Mẫu áo nữ kiểu truyền thống ngày nay cũng được cắt may gần nguyên dạng và được các phụ nữ lớn tuổi mặc, tuy nhiên với loại vải dệt công nghiệp hiện nay, đa phần là vải bóng màu đen. Váy truyền thống của nữ giới (hay còn gọi là ênh), nay cũng được những người phụ nữ Êđê Mdhur ưa chuộng. Tuy nhiên ngày nay, người Êđê Mdhur không còn trồng bông, xe chỉ, nhuộm vải bằng các loại lá, cây rừng nữa thay vào đó, những người phụ nữ tự dệt váy, áo, khố, mền đắp, … bằng chỉ mua từ vùng đồng bằng, mua ênh bằng vải satin đen từ các chợ xung quanh. Nhiều thanh niên Êđê Mdhur không còn đeo trang sức bằng cong đồng nữa mà họ đeo đồng hồ tay hoặc đeo hạt cườm giống như các thanh niên người Kinh.
Hình 3.1. Trang phục phụ nữ Êđê Mdhur hiện nay.
Ảnh: Như Ngân, 05/2016.
Trong những năm gần đây, thực hiện chính sách và quy hoạch của Đảng và Nhà nước cùng với sự ảnh hưởng từ kiến trúc của người Kinh và các kiến trúc bên ngoài
khác, các vật liệu xây dựng nhà của Êđê Mdhur cũng dần bị thay thế bằng: gạch, ngói, xi măng, tôn, cát, đá,... Do đó, nhà sàn của người Êđê Mdhur đã có sự thay đổi rất nhiều như: tấm lợp bây giờ được thay đổi bằng tôn, ngói, xi măng,... Sàn, vách, cầu thang được thay bằng gỗ, ván ép, xây bê tông,… Cửa được làm bằng kim loại, mica, kính,... nhưng hình dáng và cấu trúc nhìn chung vẫn không thay đổi gì nhiều. Một số nhà được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống nhưng xây lầu, đổ bê tông và trang trí nội thất cầu kỳ.
Hình 3.2. Nhà sàn hiện nay.
Ảnh: Như Ngân
Với tín ngưỡng của mình, suốt một vòng đời người Êđê Mdhur là hàng chục nghi lễ lớn nhỏ đang là gánh nặng cho mỗi người Êđê Mdhur. Có những nghi lễ chỉ trong phạm vi gia đình nhưng cũng có nghi lễ bao gồm cả gia đình và dòng tộc. Nghi lễ vòng đời tuy chỉ là những nghi lễ của gia đình và dòng tộc nhưng lại là những nghi lễ gây tốn kém về thời gian và tiền bạc. Bất kỳ nghi lễ nào cũng đòi hỏi có lễ vật. Nhỏ thì vài trăm nghìn, lớn thì vài chục triệu đồng. Nhiều gia đình không có điều kiện kinh tế nhưng vẫn không dám bỏ qua vì sợ đắc tội với thần linh và tổ tiên; mặt khác, những gia đình có điều kiện kinh tế lại tổ chức rất linh đình với mục đích khoa trương danh thế của gia đình.
Trong thời gian gần đây các nghi lễ truyền thống của người Êđê Mdhur đang có những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Về phần nghi lễ, lễ vật dâng lên thần linh thường là một chiếc cong đồng, dây chuyền vàng hoặc bạc và 01 ché rượu, ngày nay người Êđê Mdhur thay chiếc cong đồng bằng tiền vì họ nghĩ rằng tiền sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích hơn là một chiếc coong để đeo, dây chuyền vàng hoặc bạc cũng được thay thế bằng vàng hoặc bạc giả xuất xứ từ Trung Quốc. Yếu tố thiêng, phần lễ bị coi nhẹ hơn phần hội. Đã xuất hiện một số lễ hội chạy theo kịch bản, không có được không gian tự nhiên và tâm linh văn hóa của buôn, làng. Với các hộ gia đình khá giả họ thuê mướn đồng la, trống, chiêng về múa hát nhưng ngược lại với các hộ gia đình khó khăn họ sử dụng các bảng ghi âm sẵn phần trống, chiêng, đồng la từ trên mạng Internet hoặc ghi âm lại từ những nghi lễ của các gia đình khác rồi sử dụng loa và âm li phát ra làm mất đi nét truyền thống của nghi lễ.
Hình 3.3. Loa và âm li dùng để phát bảng ghi âm trống, chiêng, đồng la.
Ảnh: Như Ngân, 05/2016.
Bên cạnh việc một số người dân thờ ơ với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thì số người hiểu biết, say mê và thực sự tâm huyết với giá trị văn hóa, giá trị truyền thống ngày một ít đi. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức trẻ tuổi cho đến lớn tuổi và phần lớn học sinh, sinh viên người Êđê Mdhur chỉ biết nói tiếng mà không biết viết chữ “mẹ đẻ” mà tiếng nói và chữ viết là biểu hiện sinh động và
mạnh mẽ nhất của bản sắc văn hóa tộc người, những hiện nay đang dần mất đi và diễn ra khá phổ biến. Điều này càng làm cho con người dần mất đi tâm hồn và tính cách, xa rời những giá trị cơ bản của văn hóa tộc người. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng nhận xét rằng: “Nghi lễ cúng vòng đời của người Êđê Mdhur đã biến đổi theo cách mạng khoa học, kỹ thuật phát triển như vũ bảo hiện nay, chính vì thế những giá trị văn hóa cũng đang dần bị mất đi. Thật là một điều đáng lo ngại! Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được coi là mục tiêu cấp bách, quan trọng hàng đầu, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, tạo cho lớp trẻ có sức đề kháng trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài.”