1.1. Cơ sở khoa học của vấn đề nghiên cứu
1.1.3. An toàn sản phẩm chăn nuôi
An toàn sản phẩm chăn nuôi là một khái niệm được đề cập ngày càng rộng rãi và cấp thiết. Từ nhận thức về ý nghĩa sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa) không phải chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng cho con người mà vấn đề còn là sản phẩm chăn nuôi ấy hình thành và được cung cấp bằng cách nào.
Chỉ có sản phẩm chăn nuôi được cung cấp từ vật nuôi khỏe mạnh, được sống trong môi trường trong sạch, được ăn, uống sạch... thì chúng mới có thể cung cấp cho con người nguồn thức ăn động vật thực sự có ý nghĩa tốt với sức khỏe thể chất, trí tuệ của con người mà thôi.
Vấn đề an toàn sản phẩm chăn nuôi ít được quan tâm đến trong một nền kinh thế sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong xã hội ít có biến động lớn.
Trong những thập kỷ gần đây, kinh tế xã hội của đất nước có những chuyển đổi to lớn, nước ta đang từng bước hội nhập cùng các nước khu vực và thế giới thông qua việc Chính phủ ký kết gia nhập nhiều hiệp hội, hiệp ước lớn như Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định với Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định phát triển thương mại xuyên Châu Á- Thái Bình dương (TPP)… Việc giao lưu kinh tế thương mại phát triển làm nảy sinh những vấn đề lớn mang tính toàn cầu trong đó có vấn đề an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm… Và từ đây, việc cạnh tranh trong sản xuất chăn nuôi đã gây ra rất nhiều hệ lụy tới vấn đề chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong đó có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Vấn đề sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, đã từ lâu kháng sinh là một chế phẩm được sử dụng rất hiệu quả để chống các bệnh vi khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh được Tổ chức Y tế thế giới (HWO) ra nhiều văn bản hướng dẫn trong đó có danh mục các kháng sinh được phép hoặc hạn chế sử dụng trong chăn nuôi. Bộ Y tế nước ta và Cục thú y - Bộ NN &PTNT cũng thường xuyên cập nhật và ra những văn bản về việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi (Ví dụ như Thông tư 06/2016/TT-NNPTNT ban hành ngày 31/05/21016:
về Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng; Thông tư 28/2014/TT - BNNPTNT ban hành ngày 04/9/2014 về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất và sử dụng trong chăn nuôi…).
Sở dĩ vấn đề sử dùng kháng sinh trở nên rất được chú ý trong chỉ đạo thực tiễn của các cơ quan quản lý vì nó gây hệ lụy lớn nhất là tình trạng nhờn kháng sinh của vi khuẩn dẫn tới mất hiệu lực của thuốc và việc kiểm soát bệnh vi khuẩn trở nên cực kỳ phức tạp. Hơn nữa, khi kháng sinh từ vật nuôi theo sản phẩm chăn nuôi đi vào cơ thể người còn gây những tác dụng phụ gây tổn hại sức khỏe và sinh mạng ví dụ như: Chloramphenicol có thể gây tình trạng suy tủy xương, streptomyxin làm tổn thương thần kinh thính giác, tetracycline làm yếu và vàng men răng….
Từ những hệ lụy trên, việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vì lợi nhuận người quản lý cũng như người chăn nuôi có thể bất chấp các quy định mà sử dụng kháng sinh bất hợp pháp, không đúng chủng loại, liều lượng, liều trình…. dẫn tới làm tăng lượng tồn dư trong sản phẩm và gây hại cho con người qua các kênh tiêu dùng.
- Vấn đề sử dụng các chất kích thích sinh trưởng ở vật nuôi.
Trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động chăn nuôi, người ta phát hiện ra nhiều chất hóa học có tác dụng kích thích sinh trưởng và làm tăng năng suất sinh sản ở vật nuôi. Trong đó hormone và các dẫn suất của nó vốn dễ dàng được tổng hợp trong phòng thí nghiệm là những chất kích thích đứng đầu bảng. Chỉ cần bổ sung với liều 1kg/tấn thức ăn hormone tổng hợp có hoạt tính testosterone thì vật nuôi (ví dụ như bò thịt, lợn thịt, gà thịt) đã có mức sinh trưởng cao hơn từ 18 -25 -40% so với đối chứng). Tác động này mang lại siêu lợi nhuận cho người sản xuất và sử dụng hormone để chăn nuôi. Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ về vai trò của chất kích thích góp phần làm gia tăng lợi nhuận khủng cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo thời gian người ta thu được những bằng chứng thuyết phục về tác động phụ khi những hormone này
lọt vào cơ thể người qua đường sử dụng sản phẩm chăn nuôi trong bữa ăn vốn ngày càng tăng lên trong một xã hội phát triển, đó là tình trạng rối loạn giới tính thai nhi, ung thư và nhiều hệ lụy khác.
Chất kích thích có tác dụng hormone phổ biến hiện nay thường được gọi là chất tạo nạc nó gồm các chế phẩm như clenbuteron, salbutamol…vốn rất dễ dàng sản xuất trong những điều kiện tối thiểu để thu được lợi nhuận tối đa nên được buôn bán và sử dụng bất hợp pháp một cách rộng rãi trong chăn nuôi nước ta hiện nay. Mặc dù các quan quản lý đã có rất nhiều cố gắng kiểm soát thông qua ban hành các văn bản pháp lý, tăng cường các phòng thí nghiệm có khả năng xác định chất cấm cũng như tăng cường các hoạt động thanh tra kiểm soát việc sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi nhất là thức ăn công nghiệp…Tuy nhiên, các sản phẩm bất hợp pháp này vẫn âm thầm lưu hành theo những kênh rất phức tạp và nỗi nghi ngờ về việc dùng thức ăn công nghiệp là nguyên nhân làm giảm chất lượng và giảm tính an toàn sản phẩm thịt vẫn thường trực trong tâm thức người tiêu dùng.
Người tiêu dùng hiện nay vẫn có thể phát hiện ra sự có mặt của chúng trong thịt, cá với những thông tin cảm quan về sản phẩm được hướng dẫn trên truyền thông đại chúng.
Từ sự phức tạp và khó khăn của việc kiểm soát kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi mà vấn đề an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm thịt sạch luôn là vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay. Từ thực tế ấy, người chăn nuôi đã sáng tạo trong thực tiễn giải pháp chuyển đổi thức ăn với hy vọng vừa khai thác được ưu thế của thức ăn công nghiệp (chất lượng, cân đối dinh dưỡng, tính tiện dụng…) nhưng rất khó biết thực chất của mức độ sử dụng kháng sinh và chất kích thích sinh trưởng sang dùng thức ăn tự phối trộn ở giai đoạn trước lúc xuất bán sản phẩm để trông đợi vào sức tự đào thải của con vật với kháng sinh và chất kích thích. Bằng cách này sau một khoảng thời gian nhất định, người ta hy vọng có sự cải thiện chất lượng và sự an toàn của sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng.
Vấn đề đặt ra là phải tổ chức thực nghiệm khoa học để giải tỏa nỗi băn khoăn về thức ăn công nghiệp là một trong những nguyên nhân làm mất an toàn sản phẩm thịt gà (nếu có). Ngược lại nếu thực nghiệm chứng minh được rằng thức ăn công nghiệp không hẳn là nguyên nhân gây ra vấn đề sản phẩm thịt gà không an toàn hiện nay thì việc thực nghiệm chuyển đổi thức ăn chỉ còn có ý nghĩa kéo dài thời gian nuôi để đạt tới khung khối lượng thích hợp khi xuất bán đồng thời cải thiện được các chỉ tiêu cơ lý về chất lượng sản phẩm mà thôi và khi đó bản chất của thực nghiệm tiến hành trong luận văn này chỉ nhằm giải tỏa những vấn đề về an toàn và chất lượng sản phẩm thịt vốn còn chưa có câu trả lời rõ ràng trong chăn nuôi gà thịt thả vườn hiện nay mà thôi.