Để đánh giá hiệu quả khi chăn nuôi gà Ri x Mía, chúng tôi sơ bộ hạch toán kinh tế (đ/kg gà thịt) trong TN, kết quả tính toán được thể hiện ở bảng 3.13.
Bảng 3.13. Sơ bộ hạch toán kinh tế cho 1 kg gà thịt xuất chuồng (vnđ)
Diễn giải Lô I Lô IIa Lô IIb
Gà giống 7.300 7.300 7.300
Thức ăn 49.800 45.700 45.500
Đệm lót 1.200 1.200 1.200
Thuốc TY và vắc cin 5.000 5.000 5.000
Vật liệu mau hỏng 1.000 1.000 1.000
Tiền điện, nước 1.600 1.600 1.600
Tổng chi phí trực tiếp (đ/kg) 64.900 61.800 61.600
Giá bán (đ/kg) 110.000 110.000 110.000
Chênh lệch thu-chi (đ/kg) 45.100 54.200 58.400
So sánh với lô 1(%) 100 120,2 129,4
Qua kết quả bảng 3.12 cho thấy:
Sau 20 tuần tuổi nuôi, sơ bộ hạch toán (thu - chi) gà ở lô IIb đạt hiệu quả cao nhất với chênh lệch thu - chi là 58.400đ/kg, lớn hơn lô I hay tương ứng 129,4%; Thấp hơn 1 chút là lô IIa với chệnh lệch thu- chi cao hơn lô I tới 9.100đ/kg, tương ứng với 120,2%.
Như vậy, trong điều kiện chuyển đổi thức ăn gà F1 (Mía x Ri), đã mang hiệu quả cao hơn không chuyển đổi. Dù giá bán cao hơn hẳn xong gà lại được người tiêu dùng chấp nhận với nhận xét cho rằng: gà nuôi theo phương thức bán chăn thả kết hợp sử dụng thức ăn từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên tại địa phương đã làm cho thịt gà dai, chắc hơn, ít mỡ và thơm ngon hơn. Tuy nhiên phương thức chuyển đổi thức ăn sớm hơn ở 12 tuần tuổi của lô IIb mang lại hiệu quả cao hơn lô IIa tới 4,9% (≈ 2.200đ/kg) do có thể tiết kiệm chi phí thức ăn bởi giá thành thấp hơn ở những tuần nuôi này bằng thức ăn nguyên liệu tự nhiên sản xuất tại địa phương có giá thành rẻ hơn. Đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của các hộ chăn nuôi vừa giảm giá thành vừa đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn an toàn, có nguồn gốc để chủ động trong chăn nuôi, không phải phụ thuộc vào giá cả cám trên thị trường và kiểm soát được chất lượng thịt gà đồi Ba Vì không có chất kháng sinh, chất tạo nạc để cung cấp cho người tiêu dùng thịt gà an toàn.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ 1. Kết luận
Từ những kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của việc chuyển đổi thức ăn đến khả năng sản xuất và chất lượng thịt của gà đồi Ba Vì chúng tôi rút ra những kết luận sau:
1/. Tỷ lệ nuôi sống của gà F1 (Mía x Ri) ở thí nghiệm I, IIa, IIb đều khá cao với tỷ lệ đạt từ 94,67% - 96%.
2/. Khả năng sinh trưởng của gà F1(Mía x Ri) ở các phương thức nuôi chuyển đổi thức ăn tại các lô khá tốt, kết thúc TN ở lúc 20 tuần tuổi: Sinh trưởng tích lũy lô TN I cao nhất đạt 1.746,4g; cao hơn lô IIa là 90,5 g và lô IIb là 86,1g. Sinh trưởng tuyệt đối bình quân cả 3 lô đạt lần lượt 12,29g;
11,65g; 11,68g/con/ngày. Không có sự sai khác nhau về khối lượng bình quân/con giữa các lô với Pα>0,05.
3/. Tiêu tốn thức ăn cộng dồn tại thời điểm 20 TT ở lô TN I, IIa,IIb lần lượt là: 4,68; 4,92; 4,90 kgTTTA/1kg tăng trọng. Tiêu tốn năng lượng ở lô TN I, IIa, IIb lần lượt là: 13572; 14268; 14210. Tiêu tốn CP ở các lô TN lần lượt là: 796,5; 757,7; 754,6.
Tiêu tốn TA, năng lượng và CP/1kg tăng trọng theo tuần và cộng dồn tại 20 TT của gà lô IIb <IIa<TN1. Sự chênh lệch này giữa 3 lô có sự sai khác nhau rõ rệt về TTTA với P<0,05 và rất rõ rệt về năng lượng, Protein thô với P<0,01.
4/. Tỷ lệ thân thịt trung bình của gà trống và mái ở lô TN I nuôi bằng TACNHC đạt cao 83,9%, cao hơn lô IIa và IIb nuôi chuyển đổi bằng thức ăn tự trộn (chỉ 79,7% và 79,2% ) tương ứng, có sự sai khác rõ rệt về thống kê ở mức P<0,01. Tỷ lệ thịt đùi và thịt ngực của lô IIa và IIb lại cao hơn thịt đùi và thịt ngực lô TN I tới 0,82% và 0,74%; Tỷ lệ mỡ bụng ở lô TNI cao hơn lô IIa và IIb lần lượt là: 0,57% và 0,59%.
5/. Sau khi giết mổ bảo quản: Độ pH thịt biến động trong phạm vi cho phép, trong đó lô IIa và lô IIb có độ pH thấp hơn lô I, giúp cho quá trình chế biến bảo quản tốt hơn. Tỷ lệ mất nước trong thịt đùi cao hơn thịt ngực ở cả 3 lô; Lô IIa và IIb có tỷ lệ mất nước thấp hơn lô TN 1 ở cả 2 thời điểm bảo quản.
6/. Kết quả xét nghiệm thịt cho thấy: gà đồi Ba Vì có thịt không chứa chất kháng sinh và chất tạo nạc, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm để cung cấp ra thị trường.
7/. Kết quả hạch toán sơ bộ cho thấy: gà nuôi bán chăn thả và chuyển đổi thức ăn sớm từ 12 tuần tuổi ở lô IIb cho hiệu quả kinh tế cao nhất với chênh lệch thu - chi = 58.400đ/1kg (= 129,4% so với lô TN 1); chuyển đổi muộn hơn từ 15 tuần tuổi ở lô IIa chênh lệch 54,200 đ/1kg (= 120,2% so với lô TN1).
2. Đề nghị
Đề nghị Hội Chăn nuôi Gà đồi Ba Vì sử dụng kết quả nghiên cứu đưa vào bổ sung hoàn thiện thêm trong qui trình chăn nuôi gà đồi Ba Vì giống Mía x Ri với phương thức nuôi thả vườn và chuyển đổi thức ăn từ tuần tuổi 12 để làm tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi và tăng chất lượng gà thịt khi xuất bán, góp phần làm tăng giá trị thương hiệu gà đồi Ba Vì trên thị trường trong và ngoài nước.
Đề nghị Hội chăn nuôi Gà đồi Ba Vì tuyên truyền, phổ biến cho các hộ chăn nuôi các kỹ thuật chăn nuôi và phương thức chuyển đổi thức ăn cho gà đồi Ba vì để nhân rộng mô hình chăn nuôi gà an toàn trong toàn Huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.