Tuổi bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi thay đổi từ 21 – 89 (tuổi), trung bình là: 58,88 ± 16,00 (tuổi). Tuổi cao nhất là 89 tuổi tuổi thấp nhất là 21 tuổi. Kết quả ở biểu đồ 3.1 cho thấy, tuổi gặp nhiều bệnh nhân XHTH 40-60 tuổi. Kết quả này cũng phù hợp với nhiều tài liệu trong nước báo cáo về tuổi trung bình ở bệnh nhân XHTH đều ở mức tuổi trung niên như nghiên cứu của Lê Hùng Vương về đặc điểm lâm sàng, nội soi dạ dày của bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao nhóm gặp cao nhất là nhóm tuổi > 60 tuổi (35,1%) [58], [59].
Theo tác giả Koki Kawanishi và cộng sự nghiên cứu 504 bệnh nhân sau nội soi cầm máu cho thấy tuổi cao > 75 tuổi, là yếu tố nguy cơ cao cho sự phát triển viêm phổi sặc trong quá trình nội soi cầm máu [60].
4.1.2. Đặc điêm về giới
Kết quả nghiên cứu được trình bày ở biểu đồ 3.2 cho thấy có 11 bệnh nhân nữ chiếm tỷ lệ 19,3% và 46 bệnh nhân nam chiếm tỷ lệ 81,7%. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự như các tác giả Phạm Thị Khánh Hồng, Lê Hùng Vương [58],[59]. Kết quả chênh lệch giữa nam và nữ do tình trạng nam giới của nước ta liên quan đến việc sử dụng thuốc lá và bia rượu thường xuyên và trong một thời gian dài dẫn đến xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
4.1.3. Đặc điêm về cân nặng
Cân nặng trung bình của bệnh nhân 54,6 ± 6,9 kg. Cân nặng thấp nhất là 40 kg cao nhất 69 kg. Qua kết quả cho thấy: nhìn chung cân nặng trung bình khoảng 54 kg. Kết quả này tương đối phù hợp với hằng số người Việt Nam thuận lợi trong quá trình gây mê trước khi đặt ống GL và sau rút ống.
Do trọng lượng và tỉ lệ mỡ thấp nên số lượng thuốc gây mê profopol tái giải phóng từ mô ra tuần hoàn thấp nên không gây tác dụng phụ của thuốc gây mê sau rút ống GL [61].
4.1.4. Đặc điêm về tiền sử bệnh tật
Bệnh nhân có tiền sử được chẩn đoán xơ gan, viêm gan (47,2%) và loét dạ dày tá tràng (24,7%) chiếm tỉ lệ cao. Kết quả này cũng phù hợp với các tác giả Phạm Thị Dung, Phạm Thị Khánh Hồng [59], [62]. Khi bệnh nhân có tiền sử
bị loét dạ dày, xơ gan vào viện do nôn ra máu thì các triệu chứng càng nặng hơn do bệnh nhân đã được soi cầm máu nhiều lần, ổ loét xơ chai xâm lấn vào mạch máu, búi giãn tĩnh mạch cũng trong tình trạng xơ chai gây chảy máu nhiều hơn.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng gặp 4 bệnh nhân có các bệnh lý về thần kinh: xuất huyết não do dùng thuốc chống đông (1 bệnh nhân), viêm màng não (1 bệnh nhân), di chứng tai biến mạch não (2 bệnh nhân), tuy tình trạng xuất huyết tiêu hóa không nặng nề nhưng do ý thức hôn mê nên cần phải đặt ống bảo vệ đường thở cho bệnh nhân. Điều này phù hợp với các tác giả Ashraf Almashhrawi, Rubayat Rahman có nghiên cứu gộp năm 2015 đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trước khi nội soi tiêu hóa có ý
thức không tỉnh táo làm giảm tỉ lệ tử vong [5].
4.1.5. Đặc điêm lâm sàng lúc bệnh nhân vào viện 4.1.5.1. Đặc điểm về ý thức
Theo nghiên cứu của chúng tôi số bệnh nhân có ý thức lơ mơ chiếm 52,6%. Trong đó có 1 bệnh nhân hôn mê Glasgow 8 điểm sau khi đặt ống GL bảo vệ đường thở để nội soi bệnh nhân bệnh nhân ý thức có cải thiện hơn chúng tôi đã rút ống và chuyển bn về khoa tiêu hóa, như vậy đã tránh cho bệnh nhân không phải đặt ống nội khí quản phải thở máy trong thời gian dài hơn. Những bệnh nhân này có nguy cơ cao hít phải dịch dạ dày gây viêm phổi sặc cao do ý thức không tỉnh, không có khả năng bảo vệ đường thở.
Theo tác giả John R Saltman trong uptodate 2016 đây chính là đối tượng bệnh nhân cần phải đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở trước khi nội soi [4].
Trên thế giới có những nghiên cứu của các tác giả Staphen J Rudolph, Asharaf A. Almashhrawi [5], [63], chứng minh hiệu quả đặt ống nội khí quản dự phòng cho bệnh nhân XHTH mức độ nặng trước khi nội soi cấp cứu làm giảm tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên do ống GL với đặc điểm đặt ở vùng hầu họng nên chỉ áp dụng chủ yếu cho bệnh nhân không tỉnh táo, ý thức lơ mơ để hỗ trợ thông khí và bảo vệ đường thở trong thời gian ngắn, chứ không áp dụng cho những đối tượng bệnh nhân cần phải hỗ trợ và kiểm soát đường thở trong thời gian dài, đối với nhóm đối tượng đó ống nội khí quản vẫn là tiêu chuẩn vàng để áp dụng bảo vệ và thông khí cho bệnh nhân [10], [49], [56].
4.1.5.2. Đặc điểm về nôn máu
Tất cả các bệnh nhân ngay lúc đầu vào viện được đặt shonde dạ dày đều có máu chảy qua sonde. Chúng tôi theo dõi tình trạng máu chảy qua shonde dạ dày và tình trạng nôn ra máu của người nhà cung cấp trước khi vào viện, chúng tôi nhận thấy có 59,6% bệnh nhân nôn ra máu mức độ nặng (≥ 500 ml). Kết quả của chúng tôi cao hơn so với các tác giả nghiên cứu trong nước như Lê Hùng Vương [58]. Điều này được giải thích do nhóm đối tượng của chúng tôi là những bệnh
nhân XHTH với mức độ nôn nhiều máu hoặc có nguy cơ tiếp tục nôn máu có nguy cơ sặc trong khi nội soi nên số lượng máu chảy ước lượng nhiều hơn.
Chúng tôi nhận thấy thủ thuật đặt shonde dạ dày là thủ thuật đơn giản nhưng rất quan trọng ngoài việc theo dõi tình trạng máu chảy để tiên lượng, điều trị mà nó còn hữu ích làm giảm áp lực máu trong dạ dày, làm giảm nguy cơ hội chứng dạ dày đầy trước khi đặt ống bảo vệ đường thở [4], [50].
Cũng theo tác giả John R Saltman khi những bệnh nhân tiếp tục nôn ra máu với mức độ nhiều cũng cần phải đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở do trong quá trình nội soi số lượng máu tiếp tục chẩy ra ồ ạt là nguyên nhân làm cho bệnh nhân sặc vào phổi thậm chí nặng hơn là nguyên nhân gây suy hô hấp và tử vong trong khi soi nếu không được cấp cứu kịp thời [4].
4.1.5.3. Đặc điểm về dấu hiệu về tuần hoàn và hô hấp
Các bệnh nhân vào viện có mạch trung bình 115 ± 15,5 lần/ phút, huyết áp tâm thu trung bình 90,3 ± 23,7 mmHg. Độ bão hòa oxy trung bình 94,4 ± 3,0%. Kết quả này cũng phù hợp với tác giả Lê Hùng Vương, đây chính là các thông số đánh giá tình trạng mức độ nặng của bệnh nhân XHTH [58].
Theo các tác giả trên thế giới khi bệnh nhân có tình trạng tụt huyết áp, mạch nhanh do mất máu khối lượng lớn khoảng 10 - 20% thể tích máu cơ thể có tỉ lệ nguy cơ rủi ro cao trong khi soi. Do vây cần phải kiểm soát hô hấp và tuần hoàn trước khi soi bằng bồi phụ đủ khối lượng tuần hoàn như truyền dịch, truyền máu …, hỗ trợ oxy như thở oxy kính, oxy mask …[4], [7], [8].
4.1.5.4. Đặc điểm về xét nghiệm
Trong bảng 3.8 kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương ứng với hồng cầu, hemoglobin của nhóm bệnh nhân mức độ xuất huyết nặng [4], [7]. Kết quả này cũng phù hợp với tác giả Lê Hùng Vương (Hb là 66 ± 10, hồng cầu 2,2 ± 0,3, Hematocrit 20 ± 3,6) [58]. Dấu hiệu tụt giảm số lượng hồng cầu,
hemoglobin do bệnh nhân mất máu số lượng nhiều. Nhưng đây không phải là dấu hiệu để chỉ chỉ định việc đặt ống bảo vệ đường thở cho bệnh nhân. Tuy nhiên nó là xét nghiêm rất quan trọng trong việc chỉ định truyền máu để đảm bảo chức năng sống cho bệnh nhân trước khi nội soi [6], [23].