1.1. NGUYÊN NHÂN, CƠ CHẾ BỆNH SINH, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ ZONA THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI
1.1.6. Điều trị bệnh Zona
- Thuốc kháng virus: Là thuốc được lựa chọn hàng đầu, thường đáp ứng tốt trong 72 giờ sau khi bắt đầu xuất hiện mụn nước, chỉ định dùng cho Zona trong 7 ngày đầu [4],[19]
+ Acyclovir 800mg × 5 viên/ngày × 7 ngày, cách 4 giờ uống 1 viên.
Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian bài xuất virus, ngừng hình thành tổn thương mới, rút ngắn thời gian liền sẹo và làm giảm mức độ đau.
+ Famcyclovir 500mg × 3 viên/ngày × 7 ngày, cách 8 giờ uống 1 viên + ValAcyclovir 1000mg × 3 viên/ngày × 7 ngày, cách 8 giờ uống 1 viên Acyclovir sử dụng enzym Thymidin kinase của virus để chuyển hoá thành acylovir monophosphat, sau đó chuyển tiếp thành Acyclovir diphosphat và Acyclovir triphosphat có tác dụng ức chế tổng hợp DNA của virus và ức chế sự nhân lên của virus. Các thuốc này chỉ hoạt động khi có mặt virus và chỉ có hiệu quả khi virus đang sao chép nên không có tác dụng điều trị dự phòng.
Nói chung cả 3 loại thuốc trên đều an toàn, khả năng dung nạp tốt, không có chống chỉ định. Các tác dụng hiếm gặp, bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu [20].
Theo Smith và cộng sự, thuốc kháng virus trong điều trị Zona chỉ làm khống chế sự lan rộng tổn thương, do đó nó có thể làm giảm được cơn đau cấp và rút ngắn thời gian đau [20]. Nhưng nó không phải là thuốc giảm đau và do đó nó không ngăn chặn hoàn toàn được đau do Zona.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các thuốc kháng virus như:
Acyclovir, Famcyclovir,… có tác dụng rút ngắn thời gian bài xuất virus, làm ngưng sự hình thành thương tổn mới nhanh chóng, đẩy nhanh tốc độ liền sẹo, giảm độ nặng của cơn đau cấp [20]. Tuy nhiên, đau dây thần kinh sau Zona vẫn có thể xảy ra trên nhóm phụ bệnh nhân được điều trị kháng virus. Trên giả thuyết, kết hợp thuốc kháng virus với giảm đau, chống trầm cảm cấu trúc ba vòng hoặc thuốc chống động kinh ngay lúc khởi phát Zona có thể làm giảm chứng đau dây thần kinh sau Zona. Những bước tiếp cận này chưa được chứng minh hiệu quả nhưng cần được khảo sát thêm [20].
- Kháng sinh toàn thân
Dùng kháng sinh toàn thân khi có nhiễm khuẩn thứ phát, người già có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Một số kháng sinh có thể lựa chọn:
+ Cephalexin 500mg × 4 viên/ngày × 7 ngày hoặc + Doxycyclin 100 mg × 2 viên/ngày × 7 ngày hoặc + Erythromycin 500 mg × 4 viên/ngày × 7 ngày...
- Thuốc giảm đau:
Đau nhẹ và vừa: Dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid như: Paracetamol, Ibuprofen, Acetaminophen...
Đau nặng, đau sau Zona dùng các thuốc như: Gabapentin, Amitriptyline, Doxepin, Pregabalin...
- Vitamin nhóm B liều cao.
Ngoài dùng thuốc, có thể điều trị Zona và đau Zona bằng châm cứu, điện châm, phong bế tại chỗ các thụ cảm thể ngoại vi, phẫu thuật cắt, đốt điện, phong bế làm liệt hạch thần kinh giao cảm.
1.1.6.2. Điều trị đau do Zona
Điều trị đau Zona bằng phương pháp không dùng thuốc - Điện châm.
- Vật lí trị liệu (chiếu tia tử ngoại, hồng ngoại, máy siêu âm, sóng ngắn...).
Điều trị đau Zona bằng thuốc
Tại chỗ: Khi thương tổn da lành sẹo mà vẫn còn đau dai dẳng thì dùng các thuốc bôi giảm đau như: kem EMLA, Lidocain gel, Proxicam gel, kem Capsaicin, Benzydamin, Irifori.
Toàn thân: Có nhiều loại thuốc có thể lựa chọn để điều trị đau Zona - Điều trị bằng thuốc giảm đau, chống viêm không Steroid
Paracetamol 10mg/kg × 3 - 5 lần/ngày uống khi đau, mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ hoặc
Ibuprofen 400mg × 2 lần/ngày - Điều trị bằng Corticoid
Liệu pháp kết hợp mang lại một chất lượng cuộc sống được cải thiện, thể hiện qua việc sử dụng giảm thuốc giảm đau, thời gian có giấc ngủ khôngg bị ngắt quãng dài hơn và thời gian trở lại sinh hoạt sơm hơn. Tuy nhiên có rất nhiều biến chứng và tác dụng phụ.
- Kháng Histamin: Do có tổn thương thần kinh nên giải phóng nhiều Histamin là yếu một tố kích thích gây đau. Có thể dùng các thuốc sau:
Chlopheniramin 4mg hoặc
Fexofenadin (Telfast) 120 mg hoặc Desloratadin (Aerius) 5 mg
- Điều trị đau do Zona bằng Gabapentin (Neurontin) Hàm lượng viên nang mềm 100mg, 300mg, 400mg.
Cơ chế tác dụng. Gabapentin ức chế kênh Ca++ và tăng lượng GABA trong não. Không gắn kết với thụ cảm thể GABA hoặc các thụ cảm thể thông thường khác. Không làm thay đổi chuyển hoá GABA, không làm thay đổi hoạt tính của chất ức chế GABA. Gabapetin có ái lực cao với các vùng vỏ não, hồi hải mã.
- Chỉ định điều trị:
+ Đau thần kinh: Gabapentin được chỉ định điều trị đau thần kinh ở người lớn từ 18 tuổi trở lên. Liều dùng trong đau thần kinh ở người lớn: liều khởi đầu là 300mg/ngày, 1 - 2 ngày sau đó tăng dần: 600 - 900 - 1200 mg/ngày chia làm 3 liều nhỏ bằng nhau và tăng lên nếu cần thiết, tuỳ theo đáp ứng, lên đến liều tối đa 3600mg/ngày. Có thể dùng liên tục 2 - 3 tháng. Liều độc: 49 gram.
Chống chỉ định: trẻ em < 3 tuổi, quá mẫn cảm với Gabapentin hay bất kì thành phần nào của thuốc.
Thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Amitriptyline (Elavil)
Amitriptyline thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc đã được FDA chấp thuận cho đưa vào sử dụng từ tháng 5 năm 1983. Gần đây thuốc được sử dụng để điều trị trong một số hội chứng đau mạn tính.
+ Cơ chế tác dụng:
Amitriptyline ức chế tái nhập các monoamin, serotonin và noradrenalin ở các neuron monoaminergic. Amitriptyline cũng có tác dụng kháng cholinergic ở cả thần kinh trung ương và ngoại vi. Về cơ chế giảm đau của Amitriptyline còn chưa rõ nhưng nhìn chung liều dùng để điều trị đau thấp hơn liều điều trị trầm cảm.
+ Dược động học:
Amitriptyline hấp thu nhanh qua tiêu hoá, tác dụng xuất hiện sau 30 phút. Phân bố nhanh vào các mô não, gan, thận. Chuyển hoá ở gan qua nhiều giai đoạn, khoảng 5% thải trừ nguyên chất qua nước tiểu. Thời gian bán thải 15 - 50 giờ. Gắn vào albumin huyết tương khoảng 90%. Amitriptyline không gây nghiện [21].
+ Chỉ định:
- Chống trầm cảm.
- Các triệu chứng đau do ung thư, viêm dây thần kinh.
Liều dùng: Bắt đầu từ liều nhỏ, uống nhiều lần, tăng dần cho đến khi có tác dụng phụ hoặc tác dụng điều trị. Thường khởi đầu với liều 10 - 25mg/
ngày, sau đó nếu không có tác dụng có thể tăng lên 50mg đến 75mg/ngày, thời gian dùng thuốc có thể kéo dài đến 90 ngày [22].
Với viêm đau dây thần kinh thường dùng liều Amitriptyline 25mg × 1 viên/ngày, uống tối.
+ Chống chỉ định:
Hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tim mạch, glôcôm, u tuyến tiền liệt, người già có xơ vữa mạch, động kinh nghiện rượu.
+ Tác dụng không mong muốn:
- Loạn thần: Lo lắng, ác mộng, ảo ảnh, hoang tưởng, lú lẫn, cơn hưng cảm, dẫn đến dễ tự tử.
- Rối loạn thần kinh: Mất thăng bằng, run đầu chi, co giật, loạn cảm giác.
- Rối loạn chuyển hoá: Tăng cân.
- Rối loạn nội tiết và tình dục: Mất kinh, thiểu lực, chậm khoái cảm cực độ.