Đặc điểm về dịch tễ học

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phân lập, bảo quản, hoạt hóa và đánh giá hiệu quả điều trị của tế bào gốc mô mỡ tự thân đối với bệnh nhân thoái hoá khớp gối (Trang 107 - 110)

4.1. ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỐI TƢỢNG NGHIÊN CỨU

4.1.1. Đặc điểm về dịch tễ học

4.1.1.1. Đặc điểm tuổi

Nghiên cứu được thực hiện trên 84 bệnh nhân THK gối được chia đều thành hai nhóm: Nhóm nghiên cứu: 42 bệnh nhân (84 khớp) được điều trị bằng TBG mô mỡ tự thân hoạt hóa bằng HTGTC tự thân và ánh sáng đơn sắc;

Nhóm chứng: 42 bệnh nhân (84 khớp) đã tiêm đủ phác đồ 3 mũi sodium hyaluronate vào ổ khớp gối. Tuổi trung bình của các bệnh nhân nhóm nghiên cứu là 54,02 ± 7,13 (cao nhất là 66 tuổi, thấp nhất là 40 tuổi), lứa tuổi hay gặp nhất là 50-59 tuổi (chiếm 50%). Tuổi trung bình của nhóm chứng là 54,19 ± 9,43, không có sự khác biệt về tuổi giữa 2 nhóm với p > 0,05. Kết quả của chúng tôi tương tự nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Châu (2012) là 54,0 ± 9,32 tuổi, trong đó lứa tuổi 50 - 60 chiếm 43,6% [4]. Tuy nhiên, kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Bùi Hải Bình (2016) là 59,7 ± 7,16 tuổi [3], của Nguyễn Mai Hồng (2011) là 58 tuổi [8], của Đặng Hồng Hoa (1997) là 58,6 ± 10 tuổi [7]. Nhiều nghiên cứu cho thấy THK nguyên phát có vai trò lớn của tuổi: tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Thống kê tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ THK gối gây triệu chứng chiếm khoảng 4,9% người trên 26 tuổi, 12,1%

người trên 60 tuổi [52]. Theo Felson, tỷ lệ mắc bệnh THK nói chung ở nhóm 65 tuổi cao gấp từ 2-10 lần so với nhóm 30 tuổi và càng tăng khi tuổi càng cao. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Framingham thì tuổi là yếu tố nguy cơ thoái hóa rõ rệt hơn ở nhóm nữ giới (OR= 1,3) so với nam giới (OR= 0,9) [47], [48].

4.1.1.2. Đặc điểm giới

Trong nghiên cứu của chúng tôi, đa số bệnh nhân là nữ chiếm tỷ lệ 77,38%, như vậy tỷ lệ nam/nữ là 1/3,5 (bảng 3.1). Nhận xét này cũng tương tự với nhiều tác giả khác là tỷ lệ bị THK gối ở phụ nữ cao hơn nam giới: theo Bùi Hải Bình (2016) nghiên cứu trên 84 bệnh nhân thấy tỷ lệ nam/nữ là 1/4 [3], Đặng Hồng Hoa (1997) nghiên cứu trên 42 bệnh nhân thấy tỷ lệ nam/nữ là 1/6 [7], Nguyễn Ngọc Châu (2012) nghiên cứu 101 bệnh nhân THK cũng cho kết quả tương tự là 1/3,5 [4], trong khi nghiên cứu của Nguyễn Mai Hồng (2011) trên 118 bệnh nhân cho tỷ lệ là 1/2 [8]. Tỷ lệ giữa các giới tính ở nhóm bệnh nhân THK trong nghiên cứu này cũng phù hợp với nhiều tác giả cho rằng THK gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới, đặc biệt là sau tuổi 50 [4]. Theo tác giả Felson, ở lứa tuổi trước 50 tuổi, tỷ lệ thoái hóa ở đa số các khớp của nhóm nam cao hơn nữ, nhưng từ sau 50 tuổi thì nhóm nữ cao hơn nam giới [47]. Niu và CS cũng cho thấy tỉ lệ mắc THK ở nữ cao hơn nam giới và ở nữ thì tỉ lệ THK gối, mức độ tổn thương và biến dạng khớp gối cũng cao hơn ở nam giới [84]. Hầu hết các tác giả cho rằng tỷ lệ nữ bị THK nhiều hơn nam do sự thay đổi hocmon, đặc biệt sự thiếu hụt hormon estrogen sau mãn kinh.

4.1.1.3. Đặc điểm chỉ số BMI

Cùng với tuổi tác và yếu tố nghề nghiệp thì chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) cũng là yếu tố thúc đẩy THK, đặc biệt là các khớp chịu lực như khớp gối, khớp háng. Theo cơ chế bệnh sinh THK thì yếu tố cơ học (trong đó có béo phì) góp phần khởi phát cũng như làm gia tăng tốc độ thoái hoá của sụn khớp. Bảng 3.2 cho thấy, ở cả hai nhóm đều có 26 bệnh nhân (61,90%) có tình trạng thừa cân và béo phì (BMI ≥23). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự nghiên cứu của Bùi Hải Bình (2016) có tỷ lệ thừa cân là 60,7% [3].

Theo Vũ Thị Thanh Thủy và CS (2001), nghiên cứu ở cộng đồng với 668 nam giới cho thấy BMI trung bình là 20,8. Số liệu này thấp hơn với BMI trung bình của cả 2 nhóm nghiên cứu và nhóm chứng của chúng tôi (23,18 và 22,37) (dẫn theo [4]). Nghiên cứu của Đặng Hồng Hoa có BMI thừa cân

chiếm 52,4% [7]. Theo chúng tôi, tỉ lệ thừa cân tăng có thể do điều kiện kinh tế nâng cao dẫn tới chế độ dư thừa năng lượng cũng như cuộc sống ít vận động và điều này cũng là yếu tố thuận lợi của THK. Hart và cộng sự nghiên cứu trong 2 năm ở những phụ nữ từ 45-64 tuổi bị THK gối một bên đã chỉ ra rằng béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra THK. Phụ nữ thừa cân có nguy cơ THK gối cao gấp 4 lần phụ nữ có cân nặng bình thường. Các tác giả cho rằng, béo phì là yếu tố quan trọng nhất gây tiến triển THK gối, nếu trọng lượng cơ thể tăng thêm 5 kg thì nguy cơ mắc bệnh tăng thêm 35% [4]. Cho tới nay, rất nhiều các nghiên cứu đều nhận thấy vai trò của chỉ số khối lượng cơ thể ảnh hưởng đến THK, đặc biệt là khớp gối. Theo Hồ Phạm Thục Lan và CS, tỷ lệ THK gối ở nhóm có BMI > 25kg/m2 cao gấp 2 lần so với nhóm có BMI dưới 18,5 kg/m2, và cứ tăng mỗi đơn vị BMI thì nguy cơ THK gối tăng 14% [76]. Theo nghiên cứu của Niu và CS trên 2623 người (5159 khớp gối) cho thấy người béo phì (BMI từ 30-35 kg/m2) và rất béo phì (≥ 35 kg/m2) có nguy cơ THK gối trên Xquang tăng cao gấp 2,4 và 3,2 lần người có BMI bình thường [84]. Cơ thể béo phì gây THK sớm hơn và tình trạng THK nặng hơn, việc tăng cân quá mức tỉ lệ thuận với sự tăng các triệu chứng của bệnh.

Ngược lại, việc giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh THK.

4.1.1.4. Đặc điểm thời gian phát hiện bệnh và giai đoạn bệnh

Thời gian phát hiện bệnh trung bình ở nhóm nghiên cứu là 3,4 năm, khác biệt không có ý nghĩa thống kê với nhóm chứng (3,9 năm). Kết quả này tương đương với nghiên cứu của Bùi Hải Bình (40 tháng) [3] và của Nguyễn Mai Hồng (39 tháng) [8] trên các bệnh nhân THK gối. Tuy nhiên, thời gian phát hiện bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Châu (54 tháng) [4]. Sự khác biệt này có thể do phạm vi nghiên cứu của chúng tôi chỉ tiến hành trên các khớp gối, còn nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Châu tiến hành trên nhiều khớp khác nhau ở tất cả các giai đoạn thoái hóa.

Giai đoạn tổn thương khớp gối của các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu chỉ có giai đoạn I và II (trong đó, giai đoạn I chiếm 19,05 % và giai đoạn II chiếm 80,95%). Sở dĩ chúng tôi lựa chọn như vậy vì đây là nhóm đối tượng điều trị có tiềm năng nhận được các lợi ích đáng kể của phương pháp điều trị mới do chưa có các biến đổi gây hạn chế hoặc mất vận động khớp, sự phát triển của mô sụn ở khớp sẽ làm tăng khả năng vận động cho bệnh nhân.

4.1.1.5. Đặc điểm tỷ lệ các nhóm nghề nghiệp

Có 66,7% bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi thuộc nhóm lao động chân tay (biểu đồ 3.1). Nhận xét của chúng tôi cũng tương tự với kết quả nghiên cứu của Bùi Hải Bình [3] khi nhóm bệnh nhân THK có nghề nghiệp lao động chân tay chiếm tỉ lệ 61,9%, nghiên cứu của Đặng Hồng Hoa [7] là 64,3%. Đây là những người phải mang vác nặng và đi lại trong nhiều giờ làm cho khớp gối phải chịu tải lớn và hoạt động nhiều nhanh dẫn đến thoái hóa. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Rosignol (2005) nhận thấy, những nghề có tỷ lệ THK gối nhiều nhất là: phụ nữ làm nghề quét dọn (OR 6,2; 95 % CI: 4,6-8,0), thợ xây nam và nông dân (OR 2,8; 95 % CI: 2,5- 3,2) [96]. Yếu tố nghề nghiệp đã được chứng minh là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh THK. Cooper trong một nghiên cứu trên 2101 người cả nam và nữ trên 50 tuổi cho thấy những người có tư thế ngồi xổm hay quỳ trên 30 phút mỗi ngày, hoặc lên xuống cầu thang máy bay trên 10 chuyến bay mỗi ngày có nguy cơ thoái hóa tăng lần lượt là 6,9; 3,4 và 2,7 lần [33]. Ở Việt Nam, những nghề có công việc nặng nhọc kéo dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần như: làm ruộng, gánh nặng, bưng bê, khuân vác nặng, đứng lâu, đi lên xuống cầu thang bộ nhiều lần trong ngày… là những nghề nghiệp có nguy cơ cao với bệnh THK gối.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phân lập, bảo quản, hoạt hóa và đánh giá hiệu quả điều trị của tế bào gốc mô mỡ tự thân đối với bệnh nhân thoái hoá khớp gối (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)