4.2. HIỆU QUẢ CỦA CÁC QUY TRÌNH PHÂN LẬP, BẢO QUẢN VÀ HOẠT HÓA TẾ BÀO GỐC MÔ MỠ
4.2.3. Hoạt hóa tế bào gốc mô mỡ bằng huyết tương giàu tiểu cầu và ánh sáng đơn sắc
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá kết quả hoạt hóa TBG mô mỡ bằng HTGTC và ánh sáng đơn sắc trên in vitro thông qua các chỉ số về tốc độ bám dính của tế bào vào bề mặt đĩa nuôi cấy khi được nuôi cấy trong môi trường phân lập chọn lọc TBG trung mô và khả năng tạo cụm tế bào.
Kết quả bảng 3.14 cho thấy, các TBG khi nuôi cấy chọn lọc TBG trung mô có tốc độ bám dính vào bề mặt đĩa nuôi cấy nhanh hơn (4,79 ngày so với 5,36 ngày). Dù thời gian nhanh hơn chỉ 1 ngày có thể không có ý nghĩa nhiều về phương diện thời gian của quy trình điều trị, tuy nhiên đây là minh chứng phản ánh tính “linh hoạt”, hoạt động tích cực hơn của TBG khi được hoạt hóa.
Điều này rõ hơn khi khảo sát khả năng tăng sinh tạo CFU của tế bào. Số lượng CFU-F mọc được từ tế bào được hoạt hóa và tế bào không hoạt hóa bằng HTGTC và ánh sáng đơn sắc là 14,33 CFU và 10 CFU/giếng. Các tế bào được hoạt hóa tăng sinh tạo cụm tế bào mạnh hơn với số lượng CFU mọc nhanh hơn và nhiều hơn với kích thước CFU lớn hơn (hình 3.6, bảng 3.15).
Dù không thể ngoại suy một cách hoàn toàn tác dụng in vitro sang in vivo, các số liệu đánh giá hoạt tính của TBG mô mỡ sau hoạt hóa bằng HTGTC tự thân và ánh sáng đơn sắc trong nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của Mvular trên cùng đối tượng TBG mô mỡ người trưởng thành, làm cơ sở để giải thích cho các cơ chế tác dụng thu được trên lâm sàng [82], [83]. Theo nghiên cứu của nhiều tác giả, trong mô mỡ cắt lát chứa nhiều CFU nhất là 28000 CFU/gram, còn đối với dịch mỡ hút là 3600-10700 CFU/gram. Lượng CFU trong máu cuống rốn là 200-20000 CFU/ml còn tủy xương có từ 100- 1000 CFU/ml. Chính vì vậy mô mỡ là một nguồn cung cấp lý tưởng cho liệu pháp TBG trong tương lai [18], [90].
Cho tới nay, đã có nhiều nghiên cứu sử dụng HTGTC tiêm nội khớp gối để điều trị THK. Mặc dù vậy, các cơ chế HTGTC tham gia vào quá trình tái tạo sụn khớp còn chưa rõ ràng và nếu có thì đó là cơ chế gián tiếp tác động lên các TBG tại chỗ cùng với các tế bào khác trong ổ khớp và bề mặt khớp để
tái tạo sụn khớp. Trên bình diện TBG, THK được xem như tình trạng “suy tế bào gốc” của khớp từ đó cần được bổ sung các TBG từ vị trí khác đến tăng cường cho hoạt động tái tạo của khớp, do vậy xử lý TBG với HTGTC cả trước khi tiêm cũng như cùng lúc tiêm với TBG vào ổ khớp có thể phát huy tính chất “lưỡng dụng” của HTGTC - vừa tham gia hoạt hóa TBG được tiêm vào vừa tham gia vào quá trình trị liệu của chính HTGTC khi được tiêm vào ổ khớp.
Về phía TBG được hoạt hóa bởi HTGTC. Ngoài tác dụng sinh học của tổ hợp các yếu tố tăng trưởng từ tiểu cầu, có thể nhờ tác dụng kết dính của tiểu cầu khi tiểu cầu bám lên bề mặt các TBG khi được tiêm vào ổ khớp sẽ có tác dụng giúp các TBG bám và định cư (homing) tốt hơn tại các vị trí tổn thương trong ổ khớp. Thật vậy, các nghiên cứu gần đây sử dụng TBG tự thân từ tủy xương và từ mô mỡ trộn với HTGTC tự thân để tiêm vào ổ khớp điều trị THK gối nhằm mục tiêu phát huy đồng thời tác dụng trực tiếp của các yếu tố nguồn gốc tiểu cầu lên quá trình liền vết thương và tác dụng tăng cường khả năng bám và định cư của TBG vào vị trí tổn thương để tái tạo lại vùng tổn thương [17], [81], [88], [89].
Bên cạnh HTGTC, các TBG trong nghiên cứu này còn được hoạt hóa bởi ánh sáng đơn sắc từ nguồn đèn LED năng lượng thấp AdiLight. Quang trị liệu là phương pháp đã được dùng từ lâu để thúc đẩy các quá trình liền vết thương, chống viêm và làm tăng lưu thông mạch máu. Các nghiên cứu của Mvula và CS hoạt hóa TBG mô mỡ với ánh sáng cho thấy tỷ lệ tế bào sống cao hơn, các tế bào tăng sinh mạnh hơn và biểu lộ nhiều phân tử kết dính. Kết quả trên cho thấy, hoạt hóa quang học là một cách đơn giản và hiệu quả thúc đẩy các hoạt động của TBG, trong đó có hoạt động tăng sinh tạo cụm tế bào mạnh hơn với số lượng CFU mọc nhanh hơn và nhiều hơn với kích thước CFU lớn hơn [81], [82].
Câu hỏi đặt ra là, nếu HTGTC đã là một chế phẩm điều trị tại sao phải bổ sung HTGTC vào cùng với TBG và liệu tác dụng điều trị có được là nhờ HTGTC hay nhờ TBG? Như trên đã đề cập, HTGTC có tác dụng giảm đau và kích thích các TBG tại chỗ của khớp tham gia vào tái tạo bề mặt sụn khớp.
Đây là tác dụng gián tiếp qua các tế bào tại chỗ. Mặt khác TBG cũng được kỳ vọng vừa có tác dụng gián tiếp thông qua tương tác tế bào-tế bào cũng như chế tiết các yếu tố tăng trưởng từ TBG đồng thời bản thân TBG khi vào vi môi trường ở khớp sẽ được định hướng biệt hóa in vivo thành các tế bào khác nhau của khớp (bao gồm cả tế bào sụn) và qua đó trực tiếp tham gia vào quá trình tái tạo khớp. Trên phương diện ý nghĩa thực tiễn hướng tới lợi ích lâm sàng, việc phối hợp hai tác nhân sinh học (TBG và HTGTC) không phải là tổ hợp chống chỉ định mà được lựa chọn trên cơ sở phát huy tính ưu việt của cả hai tác nhân và việc dùng chung hai tác nhân với kỳ vọng bổ trợ cho nhau.
Trên bình diện khoa học hàn lâm việc chứng minh vai trò thực sự của TBG khi được dùng đơn lẻ không được hoạt hóa bởi HTGTC cũng như tác dụng thực sự là của TBG ngay cả khi dùng chung với HTGTC sẽ là một câu hỏi rất thú vị về khoa học. Tuy nhiên, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu này - nghiên cứu lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật mới vào Việt Nam chưa đặt mục tiêu thiết kế nghiên cứu để chứng minh câu hỏi khoa học này.