Đánh giá hiệu quả lâm sàng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phân lập, bảo quản, hoạt hóa và đánh giá hiệu quả điều trị của tế bào gốc mô mỡ tự thân đối với bệnh nhân thoái hoá khớp gối (Trang 124 - 128)

THK là bệnh lý hay gặp, ngày càng gia tăng theo sự già hóa của dân số.

Việc điều trị bằng các phương pháp cổ điển ngày càng tỏ ra hạn chế vì vậy đã thu hút sự quan tâm của các nhà lâm sàng cũng như nghiên cứu với hy vọng chăm sóc điều trị bệnh này ngày càng tốt hơn. Các biện pháp mới như:

HTGTC, TBG đang mở ra hy vọng mới cho bệnh THK. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù có nhiều nghiên cứu nhưng đều chưa đưa ra công bố nào chính thức và đầy đủ hoặc khuyến cáo cho các nhà lâm sàng.

Một trong những mục tiêu nghiên cứu trong đề tài là nhằm xác định phương pháp ghép TBG tự thân từ mô mỡ có hiệu quả đối với THK gối như thế nào. Thiết kế nghiên cứu bao gồm cả đánh giá điểm đau theo thang điểm VAS và rối loạn chức năng vận động theo thang điểm WOMAC, kết quả trong nghiên cứu đã chứng minh rằng: phương pháp TBG tự thân từ mô mỡ có cải thiện triệu chứng lâm sàng có ý nghĩa thống kê. Điều này nhất quán cả theo thang VAS và thang điểm WOMAC.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã điều trị cho 42 bệnh nhân THK gối (với 84 khớp) bằng TBG mô mỡ tự thân và 42 bệnh nhân THK gối được điều trị bằng tiêm nội khớp dung dịch sodium hyaluronate 2 ml. Trong quy trình điều trị, mỗi bệnh nhân trong cả hai nhóm đều được tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 tháng. Số lượng tế bào tiêm 1 lần cho mỗi bệnh nhân của nhóm nghiên cứu là tương đương nhau, khoảng 20x106 tế bào/khớp (bảng 3.16). Điểm đau đánh giá theo thang điểm VAS đã giảm 65% từ 61,67 ± 10,67 còn 22,38 ± 10,76 và 22,67 ± 10,44 điểm sau 6 tháng và 12 tháng. Điểm đánh giá rối loạn

chức năng vận động theo thang điểm WOMAC cũng giảm 70% từ 54,26 ± 10,61 điểm xuống còn 16,26 ± 10,59 và 16,70 ± 9,47 điểm tại các thời điểm theo dõi tương ứng. Qua theo dõi dọc 12 tháng chúng tôi nhận thấy, cả hai nhóm đều cải thiện triệu chứng đau. Trong đó, kết quả ở các bàng từ 3.17 đến 3.20 cho thấy nhóm nghiên cứu có điểm đau thấp hơn so với trước can thiệp tất cả các thời điểm và so với nhóm chứng có ý nghĩa thống kê ở các thời điểm T8, T24, T48 sau điều trị, điểm cải thiện đau tốt nhất sau 6 tháng, trong khi nhóm chứng có điểm đau thấp nhất sau 4 tuần. Với tỷ lệ 61,90% đau vừa và 38,10% đau nặng trước điều trị chỉ còn 4,76% đau vừa ở cuối nghiên cứu cũng là sự cải thiện đáng kể, đồng thời với giảm đau đã mang lại sự cải hiện chức năng vận động với 64,28% rối loạn chức năng vừa và 35,72% rối loạn chức năng nặng trước điều trị xuống còn 8,33% và 0% ở cuối nghiên cứu.

Như vậy là, trong nhóm bệnh nhân được điều trị bằng TBG mô mỡ tự thân, chỉ số VAS và WOMAC thay đổi theo thời gian, đến tận thời điểm cuối nghiên cứu tức sau 12 tháng, hầu hết các bệnh nhân đều có chỉ số VAS và WOMAC thấp. Nhìn chung, 100% bệnh nhân điều trị bằng TBG mô mỡ tự thân hài lòng với kết quả điều trị. Kết quả trên cũng phù hợp với một số nghiên cứu trong và ngoài nước. Centeno và CS (2008) nhận thấy ở bệnh nhân được điều trị THK gối bằng HTGTC, điểm VAS giảm 95% so với trước điều trị sau 24 tuần [31]. Nghiên cứu của Fereydoun Davatchi và CS (2011) trên 4 trường hợp được điều trị THK gối bằng TBG mô mỡ tự thân nhận thấy điểm VAS giảm có ý nghĩa thống kê [38]. Nghiên cứu của Pak và CS (2011) tại Hàn Quốc cũng cho kết quả tương tự [88].

Ở Việt Nam cũng có một số tác giả nghiên cứu ứng dụng TBG mô mỡ điều trị THK gối. Bùi Hồng Thiên Khanh và CS (2014) đã triển khai nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của quy trình điều trị THK gối bằng TBG mỡ tự thân và HTGTC tiến hành trên 21 bệnh nhân THK độ II, III. Kết quả cho thấy những cải thiện đáng

kể về chức năng khớp sau 8,5 tháng, số điểm đau VAS giảm rất nhiều từ 7,6  0,5 xuống còn 1,5  0,5 sau 6 tháng [68]. Tác giả Mai Trọng Khoa và CS (2014) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá kết phục hồi sụn khớp và cải thiện triệu trứng trên 48 khớp gối thoái hóa nguyên phát. Bằng phương pháp tiêm 2ml acid hyaluronic vào khớp gối với mục đích làm giá đỡ, sau đó tiêm 4ml dung dịch chứa HTGTC và khoảng 30-50 triệu TBG đã được kích hoạt cho mỗi khớp gối người bệnh. Sau điều trị 6 tháng, ở 24 bệnh nhân (48 khớp) THK gối nguyên phát, các triệu chứng lâm sàng đều được cải thiện: điểm VAS trung bình giảm từ 6,8 ± 0,7 xuống 2,4 ± 1,3; điểm WOMAC giảm từ 45,1 ± 7,8 xuống 13,1 ± 10,1; điểm LEQUESNE giảm từ 16,6 ± 2,1 xuống 6,4 ± 3,5 với p < 0,05 [10]. Nghiên cứu của Bùi Hải Bình (2016) trên 84 bệnh nhân THK gối (122 khớp) nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của của liệu pháp HTGTC tự thân, trong đó có 45 bệnh nhân (65 khớp) nhóm can thiệp tiêm HTGTC tự thân và 39 bệnh nhân (57 khớp) nhóm chứng tiêm acid hyaluronic. Ở nhóm can thiệp tiêm HTGTC tự thân, sau 6 tháng và 12 tháng điều trị, thang điểm VAS giảm 56% và 43% (6,7 ± 0,83 xuống 2,9 ± 2,0 và 3,8 ± 2,24). Thang điểm WOMAC giảm 65% và 53% từ 37,6 xuống còn 13,5 và 17,8 tại các thời điểm tương ứng [3]. Kết quả này so sánh với nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức độ cải thiện các triệu chứng lâm sàng kém hơn.

Điều này gợi ý rằng, sử dụng liệu pháp TBG mô mỡ tự thân hoạt hóa bằng HTGTC tự thân và ánh sáng đơn sắc điều trị THK gối có tác dụng tốt hơn và kéo dài hơn so với phương pháp HTGTC tự thân đơn thuần.

Song song với thời gian nghiên cứu này được tiến hành, tại Hàn Quốc, nhóm tác giả Jo và CS (2014) thực hiện nghiên cứu lâm sàng điều trị THK gối bằng tiêm vào ổ khớp TBG trung mô từ mỡ tự thân với 18 bệnh nhân. Trong nghiên cứu này, tác giả chia 2 pha. Trong pha I, tiến hành tiêm 3 liều TBG khác nhau (liều thấp 1 x 107 tế bào, liều trung bình 5 x 107 tế bào và liều cao 1 x 108 tế bào) vào 3 nhóm khác nhau (mỗi nhóm 3 bệnh nhân). Pha II, tiêm

TBG với liều cao cho 9 bệnh nhân còn lại. Kết quả nhận thấy không có tác dụng phụ liên quan đến điều trị. Ở nhóm tiêm liều cao: điểm số WOMAC cải thiện tại thời điểm 6 tháng sau tiêm, giảm 39%, từ 54,2 ± 5,2 xuống 32,8 ± 6,3 (p = 0,003); điểm VAS cũng giảm 45%, từ 79,6 ± 2,2 xuống 44,2 ± 6,3 (p <

0,001). Điểm KSS gối (knee society clinical rating system score) tăng có ý nghĩa thống kê ở cả nhóm tiêm liều thấp (từ 41,3 ± 6,8 lên 79,0 ± 12,5;

p = 0,025), và nhóm tiêm liều cao (từ 47,2 ± 2,6 lên 71,0 ± 4,4; p < 0,001).

Trong khi điểm KSS chức năng chỉ tăng ở nhóm tiêm liều thấp (từ 60,0 ± 5,8 lên 83,3 ± 8,8; p = 0,01) [65].

Các nghiên cứu gần đây về cơ chế bệnh sinh của THK cho thấy, PKCδ đóng vai trò như bộ phận nhận cảm đau của các mô khớp gối ngoại vi (sụn, hoạt dịch, sụn chêm, xương dưới sụn) và hoạt động thần kinh gai đệm.

Khi bị kích thích, PKCδ lần lượt hoạt hóa các MAPK (ERK1/2, p38 và JNK) và NFκB, qua đó cùng phối hợp ức chế các tín hiệu đồng hóa (IGF-1, BMP- 7), ức chế sản xuất aggrecan và tăng các protease dị hóa (MMP, ADAMTS) (hình 1.5) [73]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tác dụng giảm đau liên quan trực tiếp đến vai trò của SVF có chứa TBG mô mỡ và HTGTC. Thật vậy, từ kết quả của các nghiên cứu trước đây, HTGTC được báo cáo là ức chế con đường NFκB, do đó ngăn cản việc cảm ứng các gen đích NFκB thông qua một số yếu tố phiên mã [109]. Tác dụng chống viêm, giảm đau cũng liên quan đến vai trò của các yếu tố tăng trưởng có trong HTGTC như PDGF, HGF, IGF, TGF-β, EGF và FGF; trong đó HGF được biết đến là một yếu tố kích thích các chất ức chế NFκB làm giảm các yếu tố gây viêm như IL-6 và tăng yếu tố chống viêm như IL-10 [23], [73]. Bên cạnh HTGTC, TBG mô mỡ cũng tiết ra một loạt các yếu tố tăng trưởng (như HGF, VEGF, NGF, FGF, TGF-β), không những có tác dụng giảm đau, chống viêm mà còn cần thiết cho quá trình tạo mạch, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch, vì vậy mà nó có vai trò to lớn trong việc tái tạo mô [56], [57], [69], [108].

Từ các kết quả thu được trong nghiên cứu này, đối chiếu với các nghiên cứu tương tự được thực hiện trong và ngoài nước đã góp phần củng cố thêm rằng, việc điều trị THK gối bằng TBG đem lại sự cải thiện về tình trạng đau của khớp gối. Đây là một trong các yếu tố quan trọng trong điều trị THK gối, ngoài hạn chế các biến chứng tàn phế ở bệnh nhân còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phân lập, bảo quản, hoạt hóa và đánh giá hiệu quả điều trị của tế bào gốc mô mỡ tự thân đối với bệnh nhân thoái hoá khớp gối (Trang 124 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)