Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố nông nghiệp

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp tỉnh cao bằng trong giai đoạn 2005 2015 (Trang 27 - 35)

Chương I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố nông nghiệp

Tác động tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp gồm ba nhóm nhân tố chính là: vị trí địa lý, các nhân tố tự nhiên và các nhân tố kinh tế - xã hội.

Mức độ tác động của từng nhóm nhân tố là khác nhau đối với từng ngành nông – lâm – thuỷ sản và thay đổi phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất [29].

1.1.4.1. Vị trí địa lý

Vị trí địa lý là nhân tố ảnh hưởng hàng đầu đến phát triển sản xuất nông nghiệp, quy định đặc điểm và tính chất của nền nông nghiệp mỗi quốc gia cũng như vùng lãnh thổ. Vị trí địa lý quy định đặc điểm của các nhân tố tự nhiên quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là đất đai, khí hậu và nguồn nước, quy định sự có mặt hay vắng mặt, sự thuận lợi hay khó khăn của quá trình sản xuất. Chính vì vậy, những vùng hoang mạc hay sa mạc khô hạn khác biệt hoàn toàn với những đồng bằng châu thổ hay thảo nguyên màu mỡ, các nước ven biển khác với các nước nằm sâu trong nội địa, các khu vực ôn đới khác với các khu vực nhiệt đới… góp phần tạo ra một bức tranh nông nghiệp đa sắc màu [29].

Vị trí địa lý và lãnh thổ gắn với đất liền, biển, các quốc gia khác trong khu vực và nằm trong đới tự nhiên nhất định sẽ ảnh hưởng đến phương hướng sản xuất, lịch sử khai thác lãnh thổ và phân công lao động trong nông nghiệp.

1.1.4.2. Nhóm các nhân tố tự nhiên

Các nhân tố tự nhiên đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì sự tồn tại và phát triển của các nền nông nghiệp gắn liền với đặc trưng của các đới tự nhiên. Cây trồng và vật nuôi chỉ có thể sinh trưởng và phát triển trong những điều kiện tự nhiên nhất định. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên tác động đến tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, quy định tính chuyên môn hoá, ảnh hưởng đến sự phân công lao động, phân phối và trao đổi sản phẩm.

Sự bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp phần nhiều do các tác động tiêu cực

của tai biến thiên nhiên và sự khắc nghiệt của thời tiết. Vì vậy, phân tích tác động của các nhân tố tự nhiên, đặc biệt là đất, khí hậu và nước có ý nghĩa to lớn với phát triển nông – lâm – thuỷ sản.

a, Địa hình và đất trồng

Địa hình có ảnh hưởng quan trọng trong quy mô và tính chất của các loại đất, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hoặc khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Địa hình bằng phẳng, đất đai thường màu mỡ do khả năng tích tụ vật liệu lớn, giữ độ ẩm cho đất dễ dàng, thuận lợi cho áp dụng các tiến bộ của khoa học kĩ thuật như cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá… hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Ngược lại, địa hình dốc hoặc bị chia cắt mạnh, các vật liệu nhanh chóng bị rửa trôi, xói mòn, khó khăn trong làm đất, thuỷ lợi và cơ giới hoá. Trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi, địa hình cũng có một vai trò đáng kể.

Đất là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế trong nông nghiệp, là đặc điểm quan trọng để phân biệt sản xuất nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Quy mô, chất lượng, đặc điểm của đất sẽ quy định quy mô sản xuất, năng suất và hiệu quả cũng như tính chất, cơ cấu và sự phân bố của các sản phẩm nông nghiệp [28].

Quy mô đất sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiến hành cơ giới hoá và hình thành các vùng chuyên canh, sẽ quyết định sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hoá hay truyền thống.

Chất lượng đất, đặc biệt là độ phì và các yếu tố khác như thành phần cơ giới, độ mùn trong đất, độ dày của tầng đất sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng. Đất tơi xốp, màu mỡ, tầng đất dày và những đặc tính lý hoá phù hợp sẽ cho năng suất cây trồng cao và ngược lại ở những khu vực đất đai khô cằn, tầng đất mỏng, đất chặt.

Tính chất của đất biểu hiện qua các đặc tính lý hoá (ngọt, chua, mặn, phèn…) sẽ quy định cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, một số loại cây khó tính chỉ sinh trưởng và phát triển trên những loại đất nhất định như kinh nghiệm dân gian “đất nào cây nấy” hay “khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen” [28].

Những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu trên thế giới đều là những vùng nông nghiệp trù phú. Những vùng đất đen có tầng mùn dày, độ phì cao ở khu vực ôn đới của châu Âu, Bắc Mỹ trở thành vựa lúa mỳ lớn trên thế giới.

Những kho lúa gạo của nhân loại thuộc về các vùng phù sa châu thổ sông Mê Công, Trường Giang, sông Hằng, sông Hồng của châu Á gió mùa.

Đất là tài nguyên quan trọng nhưng không phải vô tận, đặc biệt trong bối cảnh tài nguyên đất đang ngày càng suy giảm dưới sức ép của gia tăng dân số, chuyển đổi cơ cấu sử dụng và nguy cơ hoang mạc hoá. Đất nông nghiệp ngày càng suy giảm tỉ lệ trong tổng diện tích đất tự nhiên nên cần sử dụng hợp lý, duy trì và tăng cường độ phì cho đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

b, Khí hậu

Khí hậu được đặc trưng bởi các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng, độ ẩm, chế độ gió và cả những hiện tượng bất thường của thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán, gió nóng,… ảnh hưởng rất lớn tới việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tính mùa của khí hậu quy định tính mùa trong sản xuất và cả trong tiêu thụ sản phẩm.

Mỗi loại cây trồng, vật nuôi chỉ thích hợp với những điều kiện khí hậu nhất định (nghĩa là trong điều kiện đó cây trồng, vật nuôi mới có thể phát triển bình thường). Vượt quá giới hạn cho phép, chúng sẽ chậm phát triển, thậm chí bị chết [28].

Những vùng dồi dào về nhiệt, ẩm và lượng mưa, về thời gian chiếu sáng và cường độ bức xạ như nhiệt đới và cận nhiệt có thể cho phép trồng nhiều vụ trong năm với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, có khả năng xen canh gối vụ. Khu vực ôn đới, với một mùa đông tuyết phủ nên có ít vụ trong năm. Trên thế giới, sự hình thành 5 đới trồng trọt chính (đới nhiệt đới, đới cận nhiệt, đới ôn hoà có mùa hè dài và nóng, đới ôn hoà có mùa hè mát và ẩm và đới cận cực) phụ thuộc rõ nét vào sự phân đới khí hậu.

Trong bối cảnh hiện nay, BĐKH toàn cầu đang tác động mạnh mẽ và rõ nét đến sản xuất nông nghiệp. Biểu hiện rõ rệt nhất chính là các diễn biến thất thường của thời tiết, sự gia tăng cả tần suất và cường độ của các thiên tai, sự tan băng làm mực nước biển dâng cao đe doạ thu hẹp diện tích các vùng nông nghiệp trù mật nhất thế giới,… đe doạ sản xuất nông nghiệp cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông phẩm. Sự phụ thuộc chặt chẽ vào khí hậu đòi hỏi cần có những biện pháp hợp lý nhằm thích nghi với BĐKH, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

c, Nguồn nước

Nước đóng vai trò tiên quyết trong phát triển và phân bố ngành thuỷ sản.

Trong nông nghiệp, vai trò của nước cũng được xếp lên hàng đầu như ông cha ta đã khẳng định “nhất nước, nhì phân”. Với vai trò quan trọng như vậy, nước ảnh hưởng đến mọi mặt trong quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch và chế biến nông phẩm, quyết định năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi.

Nước là môi trường sống của các loài thuỷ sản, cung cấp nước tưới, nước uống cho các loại cây, con [28].

Những khu vực có nguồn nước dồi dào là những vùng nông nghiệp phát triển và ngược lại ở các hoang mạc, sa mạc, núi cao khô hạn. Tuy nhiên, một trong những đặc tính của nước trên Trái đất là phân bố không đều trong không gian và biến động theo thời gian. Vì vậy cần đầu tư phát triển thuỷ lợi để cân bằng nguồn nước, đảm bảo tưới tiêu hợp lý, phát triển nông nghiệp hiệu quả.

Mặt khác, nguồn nước sạch trên thế giới hiện nay ngày càng suy giảm mạnh mẽ do ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế của con người. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, áp dụng khoa học kĩ thuật để cải tạo nguồn nước là các vấn đề cần được quan tâm để đảm bảo nguồn nước không chỉ cho phát triển nông nghiệp.

d, Sinh vật

Tài nguyên sinh vật trong tự nhiên xưa kia là cơ sở để con người thuần dưỡng, lai tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi hiện nay. Sự đa dạng về hệ sinh thái, các thảm thực vật, các tập đoàn cây, con giống là cơ sở để phát triển một nền nông nghiệp có cơ cấu đa dạng. Trong khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là khai thác, nguồn lợi sinh vật giữ vai trò quyết định sự phát triển và hiệu quả kinh tế của ngành.

Tài nguyên sinh vật không chỉ cung cấp nguồn gien, các giống cây trồng mà còn là cơ sở thức ăn tự nhiên cho ngành chăn nuôi. Các vùng đồng cỏ, các bãi chăn thả, khu vực có diện tích mặt nước lớn là điều kiện quan trọng để phát triển chăn nuôi dù phương pháp chăn nuôi công nghiệp dựa vào nguồn thức ăn chế biến đang được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp [28].

1.1.4.3. Nhóm nhân tố kinh tế - xã hội

Các nhân tố tự nhiên là cơ sở để hình thành và phát triển các ngành nông – lâm – thuỷ sản và các nhân tố kinh tế xã hội đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của nó. Dưới tác động của các yếu tố dân cư và nguồn lao động, khoa học kĩ thuật, vốn, cơ sở hạ tầng và cơ sở kĩ thật, quan hệ sở hữu và chính sách, thị trường tiêu thụ nền nông nghiệp của mỗi khu vực, quốc gia lại có trình độ phát triển khác nhau và mang những màu sắc riêng biệt dù điều kiện tự nhiên có thể tương đồng với nhau.

a, Dân cư và nguồn lao động

Dân cư và nguồn lao động vừa là lực lượng sản xuất vừa quyết định thị trường tiêu thụ nên có vai trò to lớn đối với phát triển nông – lâm – thuỷ sản.

Là lực lượng sản xuất, số lượng và chất lượng của nguồn lao động tác động đến phát triển nông nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu. Lực lượng lao động đông đảo, dồi dào là điều kiện để mở rộng sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích, tăng cường quy mô sản xuất. Lực lượng lao động có trình độ, có khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật là điều kiện tiên quyết để phát

triển nông nghiệp theo chiều sâu và nông nghiệp hàng hoá. Các cây trồng, vật nuôi đòi hỏi nhiều công chăm sóc thường phân bố ở các vùng đông dân cư và ngược lại [28]. Tuy nhiên nếu dân số quá đông mà trình độ hạn chế sẽ tạo ra gánh nặng cho sản xuất nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Là lực lượng tiêu thụ, quy mô dân số và nhu cầu sử dụng hàng hoá sẽ tác động đến quy mô sản xuất. Nông nghiệp cung cấp và đảm bảo an ninh lương thực nên quy mô dân số càng lớn thì nhu cầu về hàng hoá thuộc nhóm nông – lâm – thuỷ sản càng cao. Đồng thời các thói quen, tập quán sinh hoạt của từng khu vực, tôn giáo cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất nông nghiệp.

b, Khoa học kĩ thuật và trình độ phát triển kinh tế

Cách mạng khoa học kĩ thuật đã tạo ra một bước chuyển biến mới trong nông nghiệp và đưa nông nghiệp thành một ngành sản xuất hàng hoá. Với các thành tựu trong cải tiến giống cây trồng, vật nuôi, khoa học- công nghệ đã thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nông nghiệp.

Nhờ nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, con người hạn chế được những ảnh hưởng của tự nhiên, chủ động hơn trong hoạt động nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá.

Các biện pháp kỹ thuật như điện khí hoá (sử dụng điện trong nông nghiệp và nông thôn), cơ giới hoá (sử dụng máy móc trong các khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch), thủy lợi hoá (xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu hoặc áp dụng tưới tiêu theo khoa học), hoá học hoá (sử dụng rộng rãi phân hoá học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các chất kích thích cây trồng, vật nuôi), sinh học hoá (áp dụng công nghệ sinh học như lai giống, biến đổi gien, cấy mô) nếu được áp dụng rộng rãi thì năng suất trên một đơn vị diện tích và của một người lao động sẽ thực sự được nâng cao [29].

Mỗi trình độ phát triển kinh tế - xã hội sẽ tương ứng với một phương thức tổ chức sản xuất điển hình. Nông nghiệp cổ truyền gắn với canh tác quảng canh, công cụ thô sơ, sử dụng nhiều sức người, quy mô sản xuất nhỏ, cơ cấu cây trồng vật nuôi đa dạng và mục đích sản xuất là tự cung tự cấp, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật hạn chế, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn liền với quy mô sản xuất lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, thâm canh, chuyên canh, mục tiêu là hướng tới xuất khẩu nông sản hoặc các thị trường rộng lớn, hiệu quả và năng suất cao. Phụ thuộc vào thời gian và trình độ phát triển mà hai hình thức sản xuất tồn tại song song hoặc phương thức nào chiếm ưu thế.

c, Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật

Cơ sở hạ tầng bao gồm mạng lưới giao thông vận tải, thông tin liên lạc, hệ thống điện, nước… ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển và trình độ phát triển của ngành nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng là tiền đề quan trọng để phát triển một nền nông nghiệp có quy mô lớn theo hướng hàng hoá, phục vụ nhu cầu của thị trường. Các loại nông sản hầu hết khó bảo quản nên muốn giữ được hàm lượng dinh dưỡng, tươi ngon cần mạng lưới giao thông phát triển để vận tải phân phối kịp thời. Mạng lưới thông tin liên lạc hỗ trợ việc tiếp cận các thông tin thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng, các xu hướng sản xuất. Hệ thống điện, nước là cơ sở cơ bản để áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản [28].

Thực tế cho thấy, các vùng có cơ sở hạ tầng tốt sẽ có nền nông nghiệp hàng hoá phát triển và ngược lại, nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp ở những vùng hạn chế về điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là biện pháp quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nông thôn, giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy chuyên canh và phân công lao động hiệu quả.

Cơ sở vật chất kĩ thuật bao gồm hệ thống thuỷ nông, các trạm giống, thú y, các xí nghiệp chế biến… là nền tảng của việc phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng hàng hoá. Các nhân tố này hỗ trợ cho việc tăng cường năng suất, chất lượng và hiệu quả phát triển của cây trồng, vật nuôi. Cơ sở vật chất kĩ thuật tốt đồng nghĩa với một nền nông nghiệp phát triển và ngược lại những vùng hạn chế về thuỷ nông, cơ sở chế biến, giống… thì khó khăn trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá.

d, Nguồn vốn và thị trường tiêu thụ

Nguồn vốn và thị trường tiêu thụ là nhân tố đầu vào và đầu ra quan trọng, tác động mạnh đến sản xuất nông sản và giá cả sản phẩm.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn vốn có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ đối với ngành nông nghiệp mà toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Vốn là cơ sở để đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. So với các ngành kinh tế khác, nông nghiệp là ngành khó thu hút vốn đầu tư hơn cả do tốc độ tăng trưởng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro vì phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện tự nhiên, cần diện tích sản xuất lớn… Vì vậy, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy thâm canh và chuyên canh, tạo ra các dự án nông nghiệp hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp để mở rộng sản xuất trên quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Thị trường tiêu thụ là yếu tố đầu ra quyết định nhu cầu, giá cả của nông sản. Đây cũng là nhân tố cơ bản tác động đến quy mô, cơ cấu, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp. Thị trường có vai trò định hướng xu hướng tiêu dùng, vì thế cũng điều tiết và hướng dẫn hoạt động sản xuất, hình thành các vùng chuyên môn hoá, làm thay đổi giá cả sản phẩm. Quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế quyết định nhu cầu của thị trường và quy mô sản xuất.

Dân số đông sẽ có thị trường lớn song dân số có trình độ phát triển cao với

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp tỉnh cao bằng trong giai đoạn 2005 2015 (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)