Khái quát về phát triển nông nghiệp ở Trung du miền núi phía Bắc

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp tỉnh cao bằng trong giai đoạn 2005 2015 (Trang 48 - 80)

Chương I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.2. Khái quát về phát triển nông nghiệp ở Trung du miền núi phía Bắc

1.2.2.1. Vị trí của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế vùng TDMNPB

TDMNPB là khu vực chậm phát triển so với các vùng kinh tế trong cả nước. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của vùng, đặc biệt là các tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn. Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, khoảng 30% tổng sản phẩm nội vùng. Trên 75% dân số và lao động sinh sống

ở nông thôn và hoạt động nông nghiệp. Một số mặt hàng nông sản trong vùng như các loại hoa quả cận nhiệt và ôn đới (mận, đào, lê, cam, quýt), các loại dược liệu (hồi, quế, thảo quả), chè,… trở thành các mặt hàng thế mạnh, đang dần khẳng định vị trí trên thị trường trong nước.

Sự phát triển của nông lâm nghiệp vùng TDMNPB đóng vai trò to lớn cả về kinh tế, xã hội và sinh thái, môi trường với vùng nói riêng và cả nước nói chung, góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc vùng núi, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.

1.2.2.2. Giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp Sản xuất nông nghiệp có nhiều thành tựu to lớn trong giai đoạn 2005 – 2015, giá trị sản xuất liên tục tăng qua các năm. Không những thế, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cũng ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hoá, đáp ứng được các yêu cầu khó tính của thị trường trong và ngoài nước.

Bảng 1.4: Giá trị sản xuất nông nghiệp khu vực TDMNPB giai đoạn 2010 – 2015 (giá so sánh 2010)

Năm 2010 2011 2012 2013 2014 2015

GTSX (Tỉ đồng)

127842,1 133706,9 137546 141003,4 144956,7 149239,4

Nguồn: [25]

Giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng tăng từ 127842,1 (2010) lên 149239,4 tỉ đồng năm 2015, tăng lên 21397,3 tỉ đồng, tăng gấp gần 1,2 lần.

Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng chiếm 14,4% giá trị sản xuất của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng chậm và thấp hơn mức trung bình của cả nước (3,23%/ năm) và không ổn định, đạt trung bình dưới 3%/ năm. Nền sản xuất nông nghiệp trong vùng những năm gần đây đã có những phát triển đáng kể nhưng còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện tự nhiên và thiên tai nên tốc độ tăng trưởng bất ổn định.

1.2.2.3. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp phân theo ngành.

Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch theo xu hướng chung của cả nước, tuy nhiên tốc độ chuyển dịch còn chậm và cơ cấu bất cân đối.

Đơn vị: %

Biểu đồ 1.1: Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp vùng

Trung du miền núi phía Bắc phân theo ngành (2010 - 2015) [25],[26]

Tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu nông – lâm - thuỷ sản đang giảm dần nhưng vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối, 83,3% năm 2015. Ngành lâm nghiệp chiếm một tỉ trọng nhỏ bé, 2,6% năm 2015 và tăng lên không đáng kể dù TDMNPB là khu vực đồi núi. Ngành thuỷ sản đang tăng chậm từ 11,7% (2010) lên 14,1% (2015).

a. Nông nghiệp

Trong nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm ưu thế với hơn 60% nhưng đang giảm khá nhanh. Ngành chăn nuôi đã tăng dần về tỉ trọng, năm 2015 đạt gần 37%. Dịch vụ nông nghiệp trong vùng vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ và giá trị nhỏ bé, chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất.

2010 2012 2015

- Trồng trọt

TDMNPB đứng thứ 4/7 vùng về diện tích và sản lượng lúa, liên tục tăng trong những năm gần đây nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật như giống mới cho năng suất và chất lượng cao, thuỷ lợi, các biện pháp canh tác cải tiến… bước đầu đảm bảo được an ninh lương thực trong vùng dù bình quân sản lượng lúa/ người/ năm vẫn còn thấp. Trong vùng còn có hình thức canh tác lúa rất đặc trưng là lúa nương với chất lượng gạo rất tốt và trở thành nông sản hàng hoá đặc trưng của vùng. Tuy nhiên, hình thức này cho năng suất thấp nên cần nghiên cứu và cải tiến giống và các biện pháp canh tác hợp lý và nâng cao hiệu quả. Lúa mùa vẫn chiếm ưu thế, chiếm trên 60% sản lượng và diện tích dù năng suất thấp hơn vụ đông xuân. Lúa được canh tác ở các đồng bằng ven sông, thung lũng giữa núi, vùng trũng thấp và ruộng bậc thang,… cần đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, nâng cao diện tích canh tác vụ đông xuân, tăng diện tích và sản lượng lúa, đưa bình quân sản lượng lúa/người đuổi kịp mức trung bình của cả nước.

Các tỉnh có năng suất và diện tích lúa cao nhất trong vùng là các tỉnh miền trung du: Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ,…

TDMNPB là vùng sản xuất ngô lớn nhất cả nước với diện tích năm 2015 là 519,3 nghìn ha, chiếm 44% cả nước và sản lượng đạt 1909,7 nghìn tấn, chiếm 36,1% cả nước. Cây ngô là cây trồng có biên độ sinh thái rộng và trồng được nhiều vụ trong năm, đang trở thành nông sản hàng hoá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc vùng cao. Việc cải tiến giống ngô với nhiều giống có năng suất và hiệu quả cao đã góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo cơ sở nền tảng thức ăn để phát triển ngành chăn nuôi.

TDMNPB còn là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ ba cả nước sau Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cây chè là cây công nghiệp lâu năm đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng cả nước và đang dần vươn ra thị trường thế giới, các cây hàng năm điển hình là lạc và đậu tương.

Chè là cây công nghiệp cận nhiệt đới điển hình và được trồng ở hầu khắp các tỉnh trong vùng. Năm 2015, diện tích chè của vùng đạt hơn 90 nghìn ha, chiếm hơn 70% diện tích và gần 65% sản lượng chè cả nước. Các vùng chuyên canh chè nổi tiếng tập trung ở vùng trung du: Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La… Các giống chè nổi tiếng mang lại giá trị kinh tế cao như:

Chè xanh Tân Cương (Thái Nguyên), chè Shan, chè tuyết (Hà Giang), chè Suối Giàng (Yên Bái), chè đắng (Cao Bằng),…

Lạc và đậu tương là hai cây công nghiệp hàng năm có vai trò quan trọng được trồng xen với các vụ chính. TDMNPB là vùng trồng đậu tương lớn thứ 2 cả nước với diện tích năm 2015 là 47,5 nghìn ha, chiếm 46% cả nước. Sản lượng đậu tương năm 2015 đạt 90,6 nghìn tấn, chiếm gần 60% sản lượng của cả nước. Riêng Hà Giang đã chiếm gần 1/3 diện tích và sản lượng đậu tương toàn quốc. Cây lạc đứng thứ hai cả nước sau vùng Bắc Trung Bộ, diện tích và sản lượng lạc của vùng chiếm gần 1/5 cả nước.

Trồng cây ăn quả cận nhiệt và ôn đới như: mận, đào, lê, táo…; các loại rau vụ đông như su hào, bắp cải, khoai tây, súp lơ,… là ưu thế của vùng dựa trên điều kiện khí hậu đặc trưng. Vùng trồng rau và hoa nổi tiếng trong khu vực là Sa Pa và Mộc Châu.

- Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc lớn là thế mạnh của TDMNPB với tiềm năng to lớn là các đồng cỏ, các bãi chăn thả tự nhiên và phụ phẩm của ngành trồng trọt. Đàn trâu của vùng có 1456,1 nghìn con, năm 2015, chiếm hơn 57% tổng đàn trâu cả nước do thích nghi được với khí hậu tương đối khắc nghiệt trong vùng.

Tuy nhiên số lượng đàn trâu không ổn định và đang có xu hướng giảm dần do có các phương tiện cơ giới hiện đại thay thế cho sức kéo của trâu, chăn nuôi trâu thương phẩm để lấy thịt chưa thực sự phát triển. Các vùng nuôi nhiều trâu như Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng,… Đàn bò trong vùng chiếm khoảng 1/5 đàn bò cả nước với 961,2 nghìn con và đang có xu hướng tăng

nhanh qua các năm. Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh ở Mộc Châu (Sơn La) với số lượng chiếm hơn 70% đàn bò sữa trong vùng, tạo nên thương hiệu sữa khá nổi tiếng trong nước. Ngoài ra Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ cũng nuôi khá nhiều bò.

Chăn nuôi lợn và gia cầm tương đối phát triển trong vùng. Năm 2015, tổng đàn lợn là 7198,4 nghìn con, chiếm 25% cả nước và đứng thứ hai sau vùng Đồng bằng sông Hồng. Đàn gia cầm tương đối phát triển với trên 80%

là chăn nuôi gà. Các loại khác: vịt, ngan, ngỗng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Các trang trại chăn nuôi lợn, gà có quy mô lớn thường nằm ở khu vực trung du, thuộc các tỉnh kinh tế tương đối phát triển như Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh,…

b. Lâm nghiệp

TDMNPB là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước với trên 5,4 triệu ha rừng năm 2015, chiếm 39% tổng diện tích rừng cả nước. Độ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm từ 2005 với hơn 43% đến 2015 đã đạt 50,5%

là thành quả của công tác trồng và bảo vệ rừng, giao đất giao rừng cho người dân chăm sóc và khai thác.

Năm 2015, giá trị sản xuất lâm nghiệp vùng TDMNPB đạt 3814,8 tỉ đồng, chiếm 15% cả nước. Là vùng có sản lượng khai thác gỗ và củi lớn nhất cả nước. Bên cạnh các loại gỗ quý trong tự nhiên có giá trị kinh tế cao như nghiến, lim, pơ mu, đinh,… sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất phục vụ cho chống hầm lò, làm giấy, sản xuất thủ công mĩ nghệ,… cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi rừng tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là chất lượng rừng thì trồng rừng và khai thác rừng trồng đóng vai trò quan trọng nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của con người về gỗ, lâm sản và thay thế các nguồn nguyên liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt.

Rừng ở TDMNPB có ý nghĩa to lớn đối với môi trường sinh thái của vùng và cả nước, là khu vực phòng hộ cho vùng đồng bằng, hạn chế lũ lụt, xói

mòn, điều hoà khí hậu. Mặc dù lâm nghiệp là ngành kinh tế có tiềm năng to lớn, vai trò quan trọng song hiệu quả sản xuất chưa cao, tốc độ tăng trưởng chậm và tỉ trọng tăng lên không đáng kể. Đời sống của người dân trong vùng còn phụ thuộc nhiều vào rừng và các hoạt động khai thác, chế biến lâm sản nên phát triển lâm nghiệp hợp lý, bền vững sẽ là hướng đi đúng đắn nhằm cải thiện đời sống người dân.

c. Thuỷ sản

TDMNPB là một trong hai vùng có sản lượng và giá trị sản xuất thuỷ sản thấp nhất cả nước do đặc điểm địa hình và điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển thuỷ sản. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong vùng có lợi thế về khai thác và nuôi trồng thuỷ sản và chiếm gần 50% sản lượng cũng như giá trị sản xuất thuỷ sản toàn vùng.

Bảng 1.5: Sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng vùng TDMNPB năm 2005 và 2015

(Đơn vị: Tấn)

Năm 2005 2015

Sản lượng thuỷ sản 98809 206731

Khai thác 42638 58051

Nuôi trồng 56171 148680

Nguồn: [25]

Sản lượng thuỷ sản tăng gấp đôi trong vòng 10 năm từ 2005 đến 2015, trong đó thuỷ sản nuôi trồng ngày càng chiếm ưu thế, khoảng 70% sản lượng năm 2015.

Giá trị sản xuất thuỷ sản của vùng tăng từ 14971,5 năm 2010 lên đến 21066,4 tỉ đồng năm 2015, gấp 1,4 lần cho thấy đây là mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Mặc dù có những bước phát triển đáng khích lệ cả về giá trị sản xuất và sản lượng song ngành thuỷ sản TDMNPB vẫn chiếm một tỉ lệ khiêm tốn trong cơ cấu ngành thuỷ sản của cả nước, dưới 10%.

Sự phát triển nông nghiệp ở TDMNPB đã có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, năng suất cây trồng còn thấp, chỉ bằng 60% cả nước và hơn 40% so với Đồng bằng sông Hồng.

Công nghiệp chế biến và sơ chế chưa phát triển, chủ yếu phân bố ở vùng trung du cũng gây khó khăn trong việc bảo quản và nâng cao giá trị nông sản hàng hoá. Sự phân hoá giàu nghèo và trình độ phát triển nông nghiệp giữa các tỉnh trung du và miền núi ngày càng rõ rệt.

Trình độ của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, thiếu lực lượng lao động có chuyên môn kĩ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng cao người dân vẫn chủ yếu canh tác và sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm truyền đời, hiệu quả thấp, lãng phí tài nguyên.

Sự biến đổi thất thường của thời tiết, sự gia tăng tần suất và thiệt hại do các thiên tai tự nhiên như lũ quét, lũ ống, hạn hán, sương muối, rét đậm, rét hại, các vấn đề môi trường… cũng đang cản trở sự phát triển nông nghiệp của vùng.

Tiểu kết chương 1

Nông nghiệp là ngành kinh tế gắn với sự tồn tại và phát triển của con người, giữ vai trò quan trọng và không thể thay thế đối với mọi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết việc làm cho dân số đông, là tiền đề để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Với những đặc điểm khác biệt hoàn toàn với các ngành kinh tế khác như đất đai là đối tượng sản xuất, đối tượng lao động là các cơ thể sống, phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện tự nhiên, tính thời vụ,… cho thấy sản xuất nông nghiệp có sự phân hoá rõ ràng trên thế giới cũng như trong mỗi quốc gia, là lĩnh vực được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và tìm hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau.

Thực tiễn phát triển nông nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2005 – 2015 cho thấy nền nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Giá trị sản xuất liên tục tăng qua các năm, cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tuy không cao như những ngành kinh tế khác nhưng tương đối ổn định. Nông nghiệp đã tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, cung cấp nguyên liệu, xuất khẩu tạo nguồn thu ngoại tệ, tạo nền tảng nhất định góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cùng với sự chuyển biến tích cực theo ngành, chú trọng phát triển thuỷ sản và chăn nuôi, cây công nghiệp,… các vùng chuyên canh được hình thành và chuyên môn hoá ngày càng rõ nét, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên.

Trung du miền núi phía Bắc là vùng nông nghiệp có diện tích rộng lớn nhất cả nước và có nhiều tiềm năng về chăn nuôi đại gia súc, phát triển lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu. Đồng thời, khí hậu

nhiệt đới gió mùa có một mùa đông lạnh sâu sắc điển hình cho phép vùng phát triển một nền nông nghiệp cận nhiệt với những sản phẩm đặc trưng riêng có như: chè, cây ăn quả cận nhiệt và ôn đới, rau và hoa vụ đông,…

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản vẫn tồn tại những khó khăn và hạn chế cần khắc phục về đặc điểm địa hình, giao thông, sự thất thường của thời tiết, khí hậu, trình độ của lực lượng lao động và cơ sở vật chất, kĩ thuật cho phát triển nông nghiệp. Cần đánh giá chính xác các nguồn lực, các nhân tố ảnh hưởng để có chính sách phát triển phù hợp cho mỗi tỉnh trong vùng.

Chương 2

CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH CAO BẰNG

2.1. Vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ 2.1.1. Vị trí địa lý

Cao Bằng là một tỉnh miền núi nằm ở biên giới phía Bắc nước ta, thuộc khu vực Đông Bắc, đường biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) dài 333km, được giới hạn bởi hệ toạ độ 23°07'12" - 22°21'21" vĩ Bắc, 105°16'15"

- 106°50'25" kinh Đông.

Phía Tây giáp Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn, kéo dài 80 km từ Bắc xuống Nam, từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm đến xã Quang Trọng, huyện Thạch An và 170 km từ Đông sang Tây, từ xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đến xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm [33].

Vị trí địa lý của tỉnh đã quy định một số điều kiện tự nhiên về địa hình, đất đai, khí hậu, sinh vật, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển một nền nông nghiệp cận nhiệt điển hình với các loại cây trồng ôn đới và cận nhiệt.

Đồng thời, là một tỉnh biên giới miền núi ở địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, việc giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hoá với các vùng khác gặp nhiều khó khăn và hạn chế do mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng còn chưa phát triển. Một số cửa khẩu, chợ biên giới được mở ra thúc đẩy trao đổi hàng hoá hai bên đường biên xong quy mô và hiệu quả vẫn còn thấp.

2.1.2. Phạm vi lãnh thổ

Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 6700,26 km2, chiếm 2% diện tích tự nhiên của cả nước, 6,6% vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, 11,6% diện tích vùng Đông Bắc.

Cao Bằng có lịch sử phát triển lâu đời, trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, chia cắt, sát nhập với Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn suốt

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp tỉnh cao bằng trong giai đoạn 2005 2015 (Trang 48 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)