Các hình thức TCLTNN chủ yếu

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp tỉnh cao bằng trong giai đoạn 2005 2015 (Trang 35 - 38)

Chương I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.5. Các hình thức TCLTNN chủ yếu

TCLTNN có nhiều hình thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Theo quan điểm phổ biến nhất hiện nay, đề tài chỉ tập trung vào một số hình thức tiêu biểu là hộ gia đình, trang trại, vùng chuyên canh và tiểu vùng nông nghiệp.

1.1.5.1. Hộ gia đình (nông hộ)

Hộ gia đình là hình thức vốn có của sản xuất nhỏ, tồn tại phổ biến ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam. Các thành viên trong hộ gia đình có mối quan hệ gắn bó về huyết thống cũng như về kinh tế, cùng chung sống trong một mái nhà, cùng tiến hành sản xuất và có chung một nguồn thu nhập. Các đặc điểm cơ bản của hộ gia đình là:

Về đất đai, qui mô canh tác nhỏ bé, biểu hiện rõ tính chất tiểu nông.

Ở nước ta, hộ gia đình không có quyền sở hữu ruộng đất mà chỉ có quyền sử dụng.

Về vốn, đại bộ phận rất ít, qui mô thu nhập nhỏ, khả năng tích luỹ thấp làm hạn chế khả năng đầu tư tái sản xuất. Vật tư được mua phục vụ cho sản xuất từ tiền bán nông phẩm.

Về lao động, chủ yếu sử dụng lao động gia đình. Sức lao động của nông hộ không phải hàng hoá, mà là tự phục vụ nhằm thoả mãn nhu cầu của gia đình.

Kỹ thuật canh tác và công cụ sản xuất ít biến đổi, mang nặng tính truyền thống.

Qui mô sản xuất nhỏ bé.

Mục đích sản xuất: tự cung, tự cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng [19]

Hộ nông dân là tổ chức kinh tế phổ biến nhất cho mọi nền nông nghiệp, chiếm đại đa số trong cư dân nông nghiệp. Hộ nông dân tồn tại ở cả chế độ phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Đối với các nước đang phát triển, hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn xã hội, phát triển kinh tế nông thôn, là cơ sở đảm bảo cho kinh tế tập thể tồn tại và thúc đẩy nông thôn quá độ tiến lên một trình độ cao hơn: nông thôn sản xuất hàng hoá [20].

1.1.5.2. Trang trại

Trang trại là hình thức tiến bộ của sản xuất nông nghiệp thế giới, là hình thức tổ chức sản xuất cao hơn hộ gia đình, là sự phát triển tất yếu của nền nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá. Chính công nghiệp hoá đã tạo ra yêu cầu khách quan cho việc phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại hình thành và phát triển.

Hoạt động của kinh tế trang trại chịu sự chi phối của nền kinh tế thị trường và tuân theo qui luật cung cầu, chấp nhận cạnh tranh. Các đặc điểm nổi bật của trang trại bao gồm:

Qui mô đất đai tương đối lớn, tuy có sự khác nhau giữa các nước. Tư liệu sản xuất (đất đai) thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng (như ở Việt Nam) của một người chủ độc lập (tức là người có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh).

Mục đích chủ yếu của trang trại là sản xuất nông phẩm hàng hoá theo nhu cầu của thị trường. Đây là bước tiến bộ từ kinh tế hộ tự cấp tự túc lên các hộ nông nghiệp hàng hoá.

Cách thức tổ chức sản xuất tiến bộ, đẩy mạnh chuyên môn hoá (chứ không sản xuất đa canh), tập trung vào những nông sản có lợi thế so sánh và khả năng sinh lợi cao hơn và vào việc thâm canh (đầu tư tương đối lớn về vốn, công nghệ, lao động... trên một đơn vị diện tích).

Các trang trại đều có thuê mướn lao động (lao động thường xuyên và lao động thời vụ).

Tại các nước đang phát triển, vai trò tích cực và quan trọng của trang trại thể hiện rõ nét ở cả ba mặt: kinh tế (phát triển cây trồng vật nuôi có giá trị hàng hoá cao, tạo nên vùng chuyên môn hoá, tập trung hàng hoá...), xã hội (tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động) và môi trường (sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, trồng rừng và bảo vệ rừng, cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái).

1.1.5.3. Vùng chuyên canh

Vùng chuyên canh là khu vực có sự tập trung cao độ về sản xuất với quy mô lớn, được đầu tư trên cơ sở thâm canh, chuyên môn hoá một hoặc một vài loại nông phẩm nhằm mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội – môi trường.

Vùng chuyên canh có các đặc điểm sau:

Mức độ tập trung đất đai lớn trên một lãnh thổ nhất định và dành cho một hoặc một vài loại cây trồng đặc trưng.

Chuyên môn hoá sản xuất phát triển ở trình độ cao. Tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của vùng về

điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, cạnh tranh được trên thị trường trong nước và thế giới.

Sản xuất gắn liền với thâm canh, áp dụng khoa học kĩ thuật và công nghệ tiên tiến, đảm bảo được các mối liên hệ đặc biệt giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến.

1.1.5.4. Tiểu vùng nông nghiệp

Tiểu vùng nông nghiệp là những lãnh thổ sản xuất tương đối đồng nhất về các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, được hình thành nhằm mục đích phân bố hợp lý và chuyên môn hoá đúng hướng các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác hiệu quả nhất các lợi thế so sánh và điều kiện sản xuất của vùng.

Vùng nông nghiệp là hình thức tổ chức lãnh thổ cao nhất, bao gồm tất cả các hình thức TCLTNN đã trình bày ở trên, là một lãnh thổ có sự lặp lại của các kiểu sản xuất tương đối giống nhau hoặc của các kiểu sản xuất khác nhau song có mối liên quan mật thiết với nhau [20]. Tiểu vùng nông nghiệp là một hình thức có quy mô nhỏ của vùng nông nghiệp.

Trong vùng nông nghiệp và tiểu vùng nông nghiệp, ngoài các kiểu sản xuất đặc trưng vẫn tồn tại những kiểu sản xuất khác không đặc trưng cho bộ mặt của vùng.

Ngoài ra, còn có những hình thức TCLTNN khác như hợp tác xã, nông trường quốc doanh, băng chuyền địa lý,… Trong giới hạn nhỏ bé của đề tài xin phép không đề cập và tìm hiểu.

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp tỉnh cao bằng trong giai đoạn 2005 2015 (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)