Chương I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Chương 4: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH CAO BẰNG ĐẾN NĂM 2025
4.2. Một số giải pháp phát triển nông nghiệp tỉnh Cao Bằng
4.2.7. Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững
Phát triển nông nghiệp bền vững là tạo ra một chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, cây trồng, vật nuôi, giúp chúng ta có nguồn thực phẩm tốt cho sức khoẻ mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên bằng cách áp dụng các kĩ thuật sản xuất nông nghiệp.
Quá trình sản xuất nông nghiệp từ trước tới nay hầu hết chỉ tập trung vào mục tiêu tăng năng suất mà chưa quan tâm đến tính bền vững và sự tác động đến môi trường sinh thái. Vì vậy, hướng đi mới nhằm đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững mà vẫn giải quyết được bài toán năng suất là phát triển nông nghiệp xanh. Sản xuất nông nghiệp ở Cao Bằng vẫn mang đậm màu sắc của nông nghiệp truyền thống, chưa chịu nhiều tác động của phân hoá học, thuốc trừ sâu, các biện pháp kích thích tăng trưởng… nên tài nguyên tự nhiên như đất, nước chưa bị tác động và ô nhiễm.
Với một tỉnh miền núi, trình độ phát triển nông nghiệp còn lạc hậu, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế có thể biến yếu điểm thành thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, kết hợp hài hoà sản xuất nông nghiệp truyền thống – Nền nông nghiệp hữu cơ, sử dụng lao động cơ bắp để nhập điền, dẫn thuỷ, sử dụng kĩ thuật trồng trọt và kinh nghiệm của cha ông, sản phẩm làm ra cơ bản là sạch tuy nhiên năng suất thấp, ít
làm ảnh hưởng cũng như tổn hại đến môi trường tự nhiên – với các kĩ thuật sản xuất nông nghiệp hiện đại, cơ giới hoá sản xuất, sử dụng kĩ thuật và công nghệ canh tác của nông nghiệp hữu cơ, nâng cao năng suất, các sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn, hướng tới sự phát triển hiệu quả, lâu dài.
Phát triển nông nghiệp bền vững cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng, từng khu vực.
Với tiểu vùng giữa, nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai khá màu mỡ, khí hậu mát mẻ, sản xuất nông sản hàng hoá phát triển nhất tỉnh cần có các biện pháp đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển cây hoa màu, rau vụ đông, cây ăn quả, duy trì diện tích sản xuất cây lương thực hiện có, tăng cường áp dụng các tiến bộ của khoa học kĩ thuật và phát triển các cơ sở chế biến nông – lâm sản.
Tiểu vùng phía Đông có địa hình núi đá vôi, mùa hè mát mẻ, mùa đông lạnh và ẩm phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả cận nhiệt,… sản xuất hàng hoá vẫn còn hạn chế dù người dân giàu kinh nghiệm thích nghi với điều kiện tự nhiên. Cần đẩy mạnh phát triển nông – lâm kết hợp, phổ biến các kĩ thuật canh tác hiện đại, tạo ra các sản phẩm hàng hoá đặc trưng có giá trị kinh tế cao như hạt dẻ Trùng Khánh, quýt Trà Lĩnh,…
Tiểu vùng phía Tây là vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình núi cao hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, phân hoá mùa cực kì sâu sắc giữa đông và hè, phát triển nông nghiệp ở vùng này cũng hạn chế hơn cả nên cần tăng cường trồng rừng, khai thác các nông lâm sản từ rừng và phát triển chăn nuôi gia súc. Tăng cường mở rộng diện tích và quy mô trồng trúc, chăn nuôi bò kết hợp với nuôi ong, trồng nấm và một số loại cây ăn quả phù hợp là hướng đi đúng đắn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng tiếp cận không gian lãnh thổ tạo điều kiện tốt nhất để khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống của người dân mà hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường, hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững.
Tiểu kết chương 4
Việc xây dựng các định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp tỉnh Cao Bằng trong bối cảnh mới cần dựa trên các quan điểm và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng và tỉnh, căn cứ vào thực tiễn trình độ phát triển của địa phương. Với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững trên cơ sở các quan điểm phát triển, điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu, dân cư, lao động, cơ sở hạ tầng và kĩ thuật cụ thể đã đề ra những giải pháp và phương hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai. Bên cạnh các giải pháp chung, đã đề xuất một số giải pháp cụ thể dựa trên các đặc thù sản xuất của địa phương.
Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nông nghiệp, nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là tại các huyện nghèo.Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và huy động vốn nhàn rỗi trong dân đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Áp dụng các kĩ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và sản lượng các nông sản hàng hoá đặc trưng,… đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo năng suất, an toàn thực phẩm, hạn chế các tổn hại đến môi trường tự nhiên và sinh thái.
Việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững sẽ góp phần to lớn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của tỉnh, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, thích nghi với sự biến đổi của thời tiết và khí hậu, đảm bảo cân bằng lợi ích về kinh tế - xã hội – môi trường.