Chương I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Chương 2: CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH CAO BẰNG
2.3. Các nhân tố kinh tế - xã hội
2.3.2. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật
Là một tỉnh địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, đặc điểm địa hình dẫn đến việc đi lại giao thương của Cao Bằng vẫn gặp nhiều khó khăn dù những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể. Loại hình giao thông duy nhất của tỉnh là đường bộ, đường sông hồ chiếm vị trí và vai trò không đáng kể.
Bảng 2.6: Tổng chiều dài đường bộ tỉnh Cao Bằng (km)
Quốc lộ Tỉnh lộ Huyện lộ Đường xã Tổng cộng
413 607 1002,4 2440,3 4462,7
(Nguồn: Sở giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng) Hệ thống giao thông trong những năm gần đây liên tục được đầu tư trên hai tuyến quốc lộ chính là quốc lộ 3 và 4A đoạn Cao Bằng – Lạng Sơn, tạo điều kiện cho tỉnh thông thương với các tỉnh khác trong vùng đồng thời thúc đẩy việc giao thương của các tỉnh miền xuôi với Trung Quốc thông qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Đường Hồ Chí Minh đoạn Cao Bằng - Bắc Kạn cũng đã được thông tuyến nối liền với quốc lộ 3.
Mạng lưới tỉnh lộ gồm 18 tuyến với 607km phân bố khắp các huyện.
Nhìn chung đường đã được rải nhựa và cải thiện nhiều song vẫn có những tuyến đang xây dựng như Quảng Uyên – Hạ Lang, Nguyên Bình – Bảo Lạc.
Hệ thống giao thông nông thôn gồm huyện lộ và đường xã hơn 3000km đã được rải nhựa khoảng hơn 50% nơi song chất lượng đường chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, nhiều đường đá dăm, cấp phối đã hư hỏng nặng. Chủ trương đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn trong những năm gần đây với chính sách nhà nước và nhân dân cùng làm đã góp phần không nhỏ cải thiện bộ mặt của nhiều thôn bản.
Giao thông đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. Việc vận chuyển hàng hoá thuận tiện sẽ giúp cho các nông sản dễ dàng đến được tay người tiêu dùng với chất lượng tươi
ngon nhất, ít bị bảo quản và ngược lại, giao thông khó khăn sẽ làm tăng cước phí, thời gian vận chuyển, giảm chất lượng hàng hoá, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Mạng lưới giao thông hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu đi lại cơ bản của người dân nhưng vẫn cần được đầu tư và cải thiện nhiều hơn nữa trong tương lai để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
2.3.2.2. Mạng lưới điện và cấp thoát nước
Mạng lưới điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân được quan tâm đầu tư: 100% các xã có điện lưới quốc gia, tỉ lệ hộ sử dụng điện liên tục tăng qua các năm từ 83% năm 2010 đến nay. Từ năm 2012, trên 95% số hộ dân trên địa bản tỉnh đã có điện sử dụng cho sinh hoạt, trừ các hộ ở những vùng quá xa xôi hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Do đặc điểm địa hình, là thượng nguồn của các dòng chảy nên tỉnh có một số nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ như Suối Củn, Thông Cót, Nà Loà… cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, ở một số vùng xa xôi người dân tự phát điện bằng các máy có công suất nhỏ.
Trong điều kiện hiện nay, mạng lưới điện của tỉnh luôn phải hoạt động hết công suất. Việc xảy ra sự cố kĩ thuật hay bảo trì và khắc phục sự cố thường gây mất điện trên diện diện rộng và thời gian dài, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Nhu cầu sử dụng điện lại liên tục tăng qua các năm nên việc đảm bảo nguồn điện tạo thuận lợi cho đời sống nhân dân và là điều kiện để phát triển công nghiệp chế biến, sơ chế nông lâm sản.
Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư chủ yếu ở thành phố và các thị trấn.
Tỉnh Cao Bằng đã xây dựng được 5 công trình cấp nước sạch đô thị khai thác nguồn nước mặt đặt tại các điểm xã Khánh Xuân, thị trấn Bảo Lâm, thị trấn Thông Nông, và tại phường Đề Thám và phường Sông Bằng thành phố Cao Bằng và 7 trạm cấp nước tập trung khai thác nguồn nước ngầm phục vụ chủ yếu nhu cầu của các đô thị và khu dân cư đặt tại thành phố Cao Bằng (trạm Nà Toóng), thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Đông Khê, thị trấn Nước Hai, xã
Nội Thôn và Thượng Thôn huyện Hà Quảng, xã Minh Tâm, Nguyên Bình và thị trấn Quảng Uyên.
Toàn tỉnh hiện có 381 công trình cấp nước tự chảy, dân cư hưởng nước sạch từ phương thức này khoảng 165.000 người. Nhưng do công tác duy tu bảo dưỡng không tốt nên khoảng 20% các công trình này đã xuống cấp, hư hỏng.
Hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở Cao Bằng rất đa dạng, đến năm 2015 đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 93 % số hộ dân cư.
Tuy nhiên, hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh không đảm bảo, chủ yếu sử dụng hệ thống thoát nước của các tuyến giao thông và thoát nước tự nhiên. Đa phần nguồn nước thải chưa qua xử lý, thường được thải trực tiếp vào sông suối ao hồ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và gây bệnh.
2.3.2.3. Cơ sở vật chất kĩ thuật cho nông nghiệp
Toàn tỉnh có 12.211 công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu, trong đó có 25 công trình hồ chứa, 69 công trình trạm bơm, 1.305 công trình phai, đập, 1.447 mương dẫn, 1 xi phông và 9.364 công trình tiểu thủy nông, bao gồm các loại khe lạch, guồng cọn. Hệ thống hiện tại đảm bảo nước tưới cho trên 6.300 ha vụ đông xuân và 17.500 ha vụ mùa. Như vậy, toàn tỉnh còn 62.758 ha vụ đông xuân và 51.541 ha vụ mùa chưa chủ động nước tưới, chủ yếu vẫn nhờ mưa và một số biện pháp thủ công khác... Trong khi đó, hầu hết các công trình thuỷ lợi của tỉnh được xây dựng từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước và có tới 75% là công trình tạm, chưa kiên cố, công trình có quy mô vừa và nhỏ. Đến nay, các công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong quản lý khai thác và vận hành.
Việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, “nhất nước”. Ta thấy đa phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Cao Bằng vẫn phải trông chờ vào nguồn nước mưa và các hình thức cấp nước thủ công khác là một thách thức vô cùng lớn trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá.
Do thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp nên những năm gần đây nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại đã được áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Máy gặt đập liên hợp loại nhỏ đã xuất hiện trên các cánh đồng Hoà An và khu vực ven sông Bằng, các máy cày, máy bừa và xay xát hiện đại có mặt ở khắp nơi.
Các dịch vụ cung ứng vật tư cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống,… cũng từng bước phát triển, đáp ứng phần nào cho nhu cầu sản xuất.
Toàn tỉnh có một trung tâm giống cây trồng tại thành phố nhưng chưa đáp ứng được về số lượng, chủng loại giống cây trồng cho nông dân toàn tỉnh.