PGS. TS. Nguyễn Thế Hữu
Tóm tắt: Tác giả cho rằng hiện nay các đại học chưa có quyền tự chủ và kiến nghị rằng cần trao cho đại học 5 quyền tự chủ cơ bản. Ngoài ra, tác giả còn đưa ra câu hỏi là: Ai trao cho đại học các quyền đó? Tác giả còn đưa ra hai kiến nghò:
1) Nhà nước cần tin và coi trọng đại học trong hệ thống xã hội của đất nước.
2) Cần thay đổi cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang giao quyền tự chủ cho cơ sở.
Trước đây trong các trường Đại học có tổ chức Hội đồng Nhà trường. Hội đồng Nhà trường cũng bao gồm các thành phần tương tự Hội đồng trường như “ Điều lệ trường đại học” do Thủ tướng ban hành ngày 30 tháng 7 năm 2003. Có một điều khác rất cơ bản là chức năng của Hội đồng Trường và Hội đồng Nhà trường trứơc đây.
Có cảm nhận đây là một đổi mới rất quan trọng mà Nhà nước trao cho các Đại học qua thực tế hàng chục năm đổi mới đại học.
Những năm đổi mới ngành đại học đã làm được rất nhiều việc, tuy nhiên nền đại học của chúng ta chưa bứt lên được, chưa tạo được đột phá khẩu để đưa nền đại học của chúng ta ngang tầm với đại học thế giới.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta chủ xướng gặt hái được những thành công rực rỡ.
Trong các lĩnh vực, các ngành thì sự thành công đó gắn liền với việc tăng quyền tự chủ, quyền chủ động cho cơ sở, nhưng đổi mới của ngành
giáo dục đại học còn mang tính kỹ thuật mà chưa mang tính triết lý, tính tư tưởng.
“Hội đồng trường là cơ quan quản trị của trường đại học. Hội đồng trường quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ này” ( Điều 30 Điều lệ trường đại học). Ai cũng kỳ vọng đổi mới rất quan trọng về chức năng của Hội đồng Trường sẽ góp một phần có hiệu quả làm chuyển biến đại học. Tuy nhiên chúng ta hiểu rằng, để chức năng đã quy định trở thành hiện thực, phải kéo theo sự thay đổi một loạt vấn đề.
Hội đồng trường có thực hiện được chức năng là cơ quan quản trị, quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học hay không trước tiên phải làm rõ hiện
nay các trường đại học công lập được quyền tự chủ những gì?
Hội đồng trường hoặc bất cứ một hội đồng nào khác với chức năng rất hấp dẫn nhưng không làm rõ nhà trường được tự chủ những gì thì Hội đồng trường cũng chỉ có thể trở về chức năng tư vấn cho Hiệu trưởng như Hội đồng nhà trường của những năm trước đây. Chúng ta hãy hình dung lại một nhà trường mà từ chỉ tiêu đào tạo, cách thức tuyển sinh, biên chế đội ngũ, tiền lương, ngân sách hàng năm (quy định cả mục chi), chương trình, sách giáo khoa đại hocù, kế hoạch và phỏt triển cơ sở vật chất, trang thiết bị…đều do Bộ giao thì nhà trường còn tự chủ đựơc gì nếu không phải là “tự chủ thực hiện”? Theo cách quản lý này thì dù văn bản có giao cho hội đồng trường chức năng quan trọng hơn nữa về quản lý, quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ thì Hội đồng trường cũng không thể làm được. Rất dễ hiểu vì trường đại học đâu có quyền tự chủ!
Như vậy để thực hiện được điều lệ này trước tiên phải làm rõ đại học cần được tự chủ những gì?
Trước tiên hãy làm rõ những quyền, lãnh vực mà đại học cần được tự chủ:
1) Tự chủ về tài chính: Cách đây hơn 1 năm chúng ta đã có một hội thảo về tự chủ ngân sách, tài chính cho các đại học. Trong hội thảo này đề án của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đều thống nhất là phải giao quyền tự chủ ngân sách cho các đại học công lập (vì đại học dân lập tự chủ tài chính là hiển nhiên). Chúng ta hy vọng đề án đó sẽ được thực thi và đề nghị làm rõ thêm về tự chủ trong sử dụng ngân sách nghiên cứu khoa
học và một điều như bao trùm tất cả là được phép tạo ra nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước trả theo đơn đặt hàng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tự chủ tài chính mà quy định đồng loạt mức thu cho các trường thực chất là bóp nghẹt quyền tự chủ. Chất lượng đào tạo và các ngành nghề đào tạo khác nhau, rất khác nhau về chi phí đào tạo. Tại sao người ta chấp nhận trả 1 năm 2000 đôla để học 1 năm đại học tại Việt nam? Như vậy phải cho phép các đại học, các ngành đào tạo chất lượng cao thu học phí cao hơn, nói cách khác cho phép họ tự quyết định mức học phí của ngành nghề thuộc trường mình. Không thể có chất lượng cao khi chi phí thaáp.
2) Tự chủ về biên chế và quỹ lương:
Đội ngũ giáo chức và nhân viên trong các trường đại học có thể khái quát là vừa thiếu lại vừa thừa, thiếu những giáo chức có năng lực và trách nhiệm nhưng lại thừa những người không có khả năng đứng trên bục đại học. Tình hình đó đã kéo dài nửa thế kỷ nhưng các đại học không làm được cái việc đáng ra ở đại học phải làm là sàng lọc đội ngũ. Đó là một tình hình phải báo động và tìm cách khắc phục. Có tình hình đó kéo dài là do có một quan niệm bất thành văn là:
nếu động đến con người là người ta sợ sẽ là một vấn đề xã hội và cho rằng phần nào việc đứng trên bục đại học là một chính sách xã hội mà mọi người, đặc biệt lãnh đạo các trường, đều né tránh va chạm. Giao cho đại học quyền tự chủ biên chế là giúp các trường xây dựng được đội ngũ có đủ về số lượng (tăng thêm cũng như sàng lọc) cũng như chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Một thực tế đáng chú ý là có một số trường đại học dân lập có lợi thế hơn các
trường đại học công lập về đội ngũ thầy giáo vì họ chủ động mời được thầy mà họ cần, quỹ tiền lương của họ không phải nuôi người thừa và những người đang đào tạo.
Tự chủ quỹ lương đã được làm thí điểm đây đó và tỏ ra có hiệu quả làm tăng năng suất lao động và giảm những lao động không hiệu quả. Nhưng tự chủ về quỹ lương không chỉ là giao một ngân khoản bao nhiêu đó và giao tự chủ lấy bao nhiêu giáo chức, bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu người đi đào tạo… mà còn được tự chủ quyết định mức lương, quyết định mức trả tiền dạy giờ cho từng đối tượng, cho từng ngành nghề khác nhau nếu thấy cần thiết, tự chủ cả quỹ lương cho việc đi thực tập trong cũng như ngoài nước…
3) Tự chủ về đào tạo: Đào tạo bao gồm cả các khâu tứ tuyển sinh, giảng dạy, chương trình, tốt nghiệp, và cấp bằng. Các đại học cần được tự chủ về cách tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh. Có trường do đặc thù của nó có thể tuyển sinh không chỉ theo kết quả thi toàn quốc mà họ còn tổ chức một kỳ thi riêng, thời điểm tuyển sinh cũng không nhất thiết gần như đồng loạt… Về chương trình phải để cho các trường quyền tự chủ nhiều hơn. Phần chương trình cứng của Bộ nên ‘mềm’ hơn, chỉ nên soạn nhiều chương trình cứng cho những môn chung và ở nhiều cấp độ khác nhau đối với những ngành nghề đào tạo khác nhau tùy theo sự lựa chọn của từng trường. Có lẽ các đại học bị ép quá về chương trình, phải nhất nhất theo một chương trình đào tạo do cấp trên ban hành trong lúc đó lại bỏ ngỏ cho các đại học nước ngoài kinh doanh đào tạo tại nước ta một cách vô tư, nhưng vẫn thừa nhận bằng cấp của họ và có khi người tốt nghiệp ở các trường này còn được trọng dụng hơn sinh viên tốt nghiệp các trường của ta. Có công bằng không? Nếu là công bằng thì cần
đặt câu hỏi là chúng ta cần con người được đào tạo đại học ra như thế nào? Chương trình của ta có phù hợp với ta cần không?
Cũng có ý kiến cho rằng cần có chương trình cứng thống nhất để dễ thực hiện sự liên thông giữa các ngành nghề. Sự liên thông là cần thiết tạo ra sự tiết kiệm về thời gian và tiền của sức lực. Thiết nghĩ hãy để cho các đại học tự lựa chọn, tự quyết định chương trình đào tạo, tự xem xét lựa chọn chuyển đổi nào có lợi nhất cho sinh viên của mình. Có một điều ít bàn đến trong đào tạo là thời gian đào tạo đại học, gần như hiển nhiên đào tạo đại học là 4 năm, nhưng phải chăng nên để cho các trường quyết định, tùy theo ngành nghề đào tạo, tùy theo yêu cầu chuyên môn và nhu cầu của xã hội thời gian học đại học có thể 4 năm, 5 năm và cũng có thể chỉ 3 năm. Thí dụ: sinh viên ngành dầu khí phải làm việc nhiều với nước ngoài, cần tham khảo, theo dõi nhiều thông tin ngoại quốc có thể tăng thời gian học là 5 năm để tăng cường học ngoại ngữ…
4) Tự chủ về nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ: Trong những năm gần đây nghiên cứu khoa học ở một số ngành, ở một số trường rất ít được chú trọng đúng mức đặc biệt một số trường, một số ngành mà nhu cầu học của xã hội quá lớn. Có tình hình đó một mặt là do sự buông lỏng của quản lý trường làm cho chính nhà trường không thực hiện chức năng thứ hai của nhà trường, Nhưng có một nguyên nhân khách quan cần nói rõ là ngân sách nhà nước về NCKH đã không đến được với các nhà khoa học ở các trường đại học. Điều này đòi hỏi Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ liên quan cần có cách nhìn mới về việc đặt vị trí của các trường đại học trong hệ thống NCKH của đất nước.
Cần giao cho các đại học một ngân sách NCKH phù hợp và để các trường tự chủ
quản lý phân bổ, sử dụng để NCKH tạo ra những kết quả nhằm xác lập vị trí khoa học của nhà trường và thực hiện chức năng của nhà trường nhưng cũng đồng thời tạo một điều kiện rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
5) Tự chủ trong quan hệ hợp tác quốc tế: Nội dung quan hệ, hợp tác quốc tế của các đại học là hợp tác đào, hợp tác NCKH và trao đổi học thuật, trao đổi giao lưu của các nhà khoa học. Thời gian dài vừa qua quan hệ hợp tác quốc tế của các đại học rất hạn chế. Thường diễn ra một chiều từ các đại học nước ngoài đến đại học Việt nam, đại thọ tài chính, mời các giáo sư Việt nam đến trường họ tham gia giảng dạy, trao đổi khoa học. Đại học Việt nam chưa hề có mục chi trong ngân sách thực hiện các quan hệ quốc tế theo dạng này. Mặt khác sự hạn chế giao lưu quốc tế là vì thực lực khoa học, vì trình độ ngôn ngữ của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như các nhà khoa học của ta bị hạn chế. Tự chủ trong quan hệ hợp tác có thể coi là đồng nghĩa với với ngân sách tương ứng và quyền được quyết định đi công tác nước ngoài của các giảng viên đại học.
Trên đây là những quyền tự chủ quan trọng nhất của đại học. Có thể khẳng định rằng hiện nay các đại học chưa có các quyền tự chủ đó. Nhưng những quyền tự chủ đó tự thân đại học không thể tạo ra mà Nhà nước phải trao cho đại học.
Trong quá trình đổi mới nhiều năm qua của đất nước, Nhà nước đã tạo quyền tự chủ, tự quyết định cho nhiều ngành nghề,
nhiều Bộ, Ngành cũng tạo ra sự tự chủ cho cơ sở, nhờ đó mà kinh tế xã hội phát triển, năng suất xã hội phát triển. Tại sao ngành giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học không được trao các quyền đó? Có thể cơ chế tập trung bao cấp còn thấm đẫm trong ngành giáo dục, cũng có thể lãnh đạo cấp cao chưa tin, chưa đủ tin vào các đại học; và cũng có thể do cả hai.
Để các đại học có các quyền tự chủ căn bản, xin có 2 kiến nghị:
1. Đảng và Nhà nước cần tin hơn vào các đại học và trên cơ sở đó giao trách nhiệm lớn, quyền tự chủ lớn hơn cho các trường. Cũng có ý kiến cho rằng nhà trường, nhất là nhà trường đại học là pháo đài của chủ nghĩa xã hội không thể buông lỏng, không thể trao nhiều quyền tự chủ được, vì kẻ thù lợi dụng được thì vô cùng nguy hiểm. Nếu thế tại sao chúng ta lại cho
“pháo đài tư bản chủ nghĩa”(1) cắm ngay trong lòng chúng ta? Cũng có lập luận rằng Đảng và Nhà nước vẫn rất tin tưởng đại học đấy chứ, có biểu hiện nào của sự thiếu tin vào đại học? Đến lúc này là lúc chúng ta cần thể chế hoá, cụ thể hoá lòng tin ấy.
Thực tế cho chúng ta thấy hình như các đại học chưa được tin cậy vì cơ chế tự chủ áp dụng cho các doanh nghiệp, các ngành khác, đâu có áp dụng cho ngành giáo dục kể cả giáo dục đại học, nơi chính rất nhiều vị cấp cao đã học qua các trường đó. Các đại học cũng khó xác nhận lòng tin của Đảng và Nhà nước vào mình, vì những vấn đề khoa học quan trọng đâu có dựa vào đại học, có giao cho đại học và đâu có tạo ra cơ chế để tăng vai trò khoa học của các đại học! Cũng có ý kiến gần như xác nhận Đảng và Nhà nước rất khó tin vào đại học vì thực tế thời gian qua trong các đại học
không ít sự lôm côm, thiếu hẳn cái chất, cái vóc của đại học như vụ trường Đại học Dân lập Đông đô, như vụ trường Đại học quốc tế Châu Á, và không ít sự gian dối bằng cấp, ăn cắp công trình, đào tạo kém chất lượng ngay cả đào tạo cấp cao như thạc sĩ, tiến sĩ…Không thể vì những hiện tượng đó mà không tin cậy vào hệ thống giáo dục đại học, vì dù sao ngành đại học cũng đã tạo một đội ngũ cán bộ trung cao cấp của đất nước. Vụ đặc nhiệm chống ma túy đôi khi có người tham gia vào đường dây ma túy, vụ hải quan tham đôi khi cũng tham gia buôn lậu và rất nhiều vụ khác, nhưng Đảng Nhà nước vẫn tin, vẫn coi trọng các ngành các Bộ đó. Như vậy hình như vẫn có một vấn đề tư tưởng đối với ngành giáo dục.
Nếu tin vào đại học, coi trọng đại học xin cấp trên đặt lại đúng vị trí đại học trong hệ thống chính trị, xã hội của đất
nước, để có những đầu tư trí tuệ, tiền của thích đáng và sử dụng các đại học một cách có hiệu quả.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi cơ chế quản lý, cần chuyển nhanh cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế trao quyền tự chủ cho cơ sở. Không hiểu hiện nay Bộ ta đã sẵn sàng để thay đổi cơ chế để thực hiện điều lệ trường đại học chưa? Tiếc rằng ngành được coi là trí tuệ nhất lại chậm bước nhất so với các bộ, các ngành khác trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Có cảm nhận rằng các đại học, Hội đồng trường của các đại học sẽ không thể thực hiện được điều lệ trường vì có quyền tự chủ đâu mà thực hiện quyền tự chủ, nếu không ai trao cho mình cái quyền ấy!
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8 tháng 2 năm 2004
VẤN ĐỀ HỘI ĐỒNG TRƯỜNG