BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN
2.3. BIẾN ĐỔI KINH TẾ TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 1897 - 1918
2.3.2. Biến đổi cơ cấu kinh tế
Kinh tế truyền thống của địa phương là nông nghiệp sản xuất nhỏ, canh tác chủ yếu là cây lúa và trồng đan xen với một số cây lương thực phụ khác như sắn, ngô, khoai… . Các nghề được tổ chức sau vụ thu hoạch mùa chính như đi rừng, săn bắn, nghề rèn, hoặc đánh bắt cá và chăn nuôi thuần dưỡng gia súc cũng kém phát triển. Do vậy, cơ cấu các ngành nghề kinh tế đơn điệu, hiệu quả kinh tế thấp.
2.3.2.1. Nông nghiệp
Nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế đầu tiên chịu sự tác động của chính sách đầu tư khai thác thuộc địa. Hoạt động nông nghiệp truyền thống bản địa từ trước khi Pháp xâm lược là kiểu canh tác du canh du cư, tự cung tự cấp và lệ thuộc chặt vào tự nhiên. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm, hoạt động đầu tư khai thác đồn điền trồng cao su của chúng đã tác động và làm thay đổi một số ngành kinh tế truyền thống theo hướng kìm hãm, duy trì tính chất lạc hậu, làm cho nó suy yếu và mai một dần.
Nông nghiệp là cái hồn của kinh tế thuộc địa, gắn bó từ lâu đời với cây lúa. Hoạt động nông nghiệp truyền thống của cư dân Bình Phước chủ yếu là du canh du cư, chế độ sở hữu đối với ruộng đất theo thói quen được duy trì bằng luật tục. Theo đó, ruộng đất là tài sản chung của làng do già làng quản lý và chịu trách nhiệm phân chia cho các gia đình thành viên của làng với số diện tích tùy theo số lượng thành viên trong gia đình, có phân chia thứ bậc rõ rệt. Nói khác đi là quyền sở hữu đất đai của người dân tộc thiểu số tại chỗ được duy trì chủ yếu là hình thức sở hữu công làng xã (bổn thôn thổ). Đất đai là tài sản của tộc người thuộc loại hình sở hữu tập thể [94, tr 183] do già làng nắm quyền quản lý và phân chia cho các dòng họ canh tác theo luật tục, được áp dụng theo chế độ luân canh [8, tr 37]. Do địa hình lãnh thổ quy định, cộng với nét đặc thù về trình độ phát triển của cộng đồngcư dân tại chỗ nên tại vùng đất này cho đến trước khi Pháp xâm chiếm chưa hề xuất hiện hình thức sở hữu tư về ruộng đất. Sau khi thực dân Pháp xâm lược, xác lập quyền thống trị và khai thác kinh tế, chính sách khai thác kinh tế áp dụng ở Bình Phước gây nên sự thay đổi bước đầu về quyền sở hữu ruộng đất nông nghiệp. Hình thức sử dụng nhân công mới là kiểu bóc lột giá trị thặng dư, kết hợp duy trì biện pháp bóc lột cũ theo kiểu phong kiến.
Về quyền sở hữu ruộng đất, sử dụng nhân công, phương tiện canh tác và biện pháp quản lí.
Sở hữu ruộng đất là vấn đề cốt yếu ở những quốc gia có kinh tế chính là nông nghiệp. Do vậy, ở mỗi Kỳ thực dân Pháp đặt ra những chế độ sở hữu ruộng đất khác nhau. Tại Nam Kỳ, chúng duy trì sở hữu ruộng đất lớn. Trước khi Pháp xâm lược, chế độ sở hữu ruộng đất lớn đã được duy trì ở Nam Kỳ. Sở hữu ruộng đất lớn phổ biến ở các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Kỳ [32, tr 86], nơi có diện tích trồng lúa lớn nhất nước. Tuy nhiên, chủ sở hữu ruộng đất lớn ở mỗi vùng tại Nam Kỳ cũng có nguồn gốc khác nhau. Ví như, tại miền Tây Nam Kỳ, ruộng đất đa số được tập trung trong tay các địa chủ phong kiến do được thuê lại của tư bản Pháp và thực hiện lối bóc lột phát canh thu tô, song tại miền Đông Nam Kỳ, chủ sở hữu lại đa số là các ông chủ tư bản Pháp, họ chuyên canh các loại cây công nghiệp, chủ yếu là cao su.
Từ năm 1862, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ trở thành thuộc địa, mọi thể chế áp dụng theo tình hình chính trị của nước Pháp. Thực dân Pháp tuyên bố quyền sở hữu ruộng đất của nước Pháp đối với toàn bộ ruộng đất Nam Kỳ. “Nghị định ngày 20 - 2 - 1862 ra lệnh tịch thu vào quyền sở hữu của Nhà nước Pháp “toàn bộ ruộng đất vô chủ hoặc đang còn nằm trong tay của dân bản xứ chiếm giữ”[60, tr 29]. Căn cứ vào nội dung của Nghị định này thì tất cả ruộng đất hoang cùng với toàn bộ ruộng đất mà người dân làm chủ chỉ là sự chiếm hữu chứ không có bằng chứng của quyền sở hữu, đều bị tịch thu hay sung công vào tay Nhà nước Pháp. Điều này khẳng định mối quan tâm hàng đầu của thực dân Pháp - sau khi chiếm nước ta - là chiếm đoạt đất đai của nông dân bản xứ để làm giàu.
Đất công - nông nghiệp là một bộ phận thuộc công sản Đông Dương chính là những loại
“đất hoang vô chủ” và được xem như tài sản thuộc địa, được quản lý bởi các Nghị định ban hành ngày 22 – 12 – 1899 và 5 – 2 – 1902 về tổ chức tài sản ở Đông Dương. Mọi thủ tục liên quan đến việc cấp nhượng đều phải do Toàn quyền xem xét, quyết định. Theo Nghị định ban hành ngày 15 – 1 – 1903 tài sản ở Đông Dương được chia thành các khu vực gồm tài sản công, tài sản nhà nước, tài sản thuộc địa và tài sản cấp xứ, thuộc quyền quản lý của cấp hành chính khác nhau [83]. Cũng từ năm 1903, loại đất hoang vô chủ thuộc vào khu vực tài sản cấp xứ được phép chuyển nhượng. Đông Dương cũng giống như các thuộc địa khác, đất đai được quản lý chủ yếu bằng hình thức cấp nhượng cho các cá nhân, các liên doanh điền chủ, hoặc các công ty tư bản để lập ra các đồn điền [70]. Việc quản lý và khai thác đất đai của chính quyền thuộc địa áp dụng cho cả ba xứ Bắc, Trung và Nam Kỳ, cơ bản có những nét giống nhau về đối tượng, hình thức cho, cấp, ban tặng hay chuyển nhượng.
Trước khi ban hành Sắc luật ngày 21 – 7 – 1925 “ấn định quy tắc về chế độ sở hữu ruộng đất tại Nam Kỳ”, đồng thời với chủ trương “cải lương hương chính” [68, tr 61], thực dân Pháp bằng nhiều văn bản khác nhau được ban hành liên tiếp nhằm thực hiện các mưu đồ chiếm đoạt đất đai của nhân dân ta, phục vụ lợi ích kinh tế trước mắt. Quyết định ngày 16 – 5 – 1863 là văn bản đầu tiên về vấn đề duy trì các thiết chế sở hữu ruộng đất nông thôn cũ ở Nam Kỳ trước đó.
Bổ sung cho văn bản này là các Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ và của Toà án Sài Gòn (1871, 1880) và cuối cùng là Sắc lệnh ngày 3 - 10 - 1883 của Chính phủ Pháp thừa nhận và trích in lại những tập quán pháp của người Việt Nam đối với quyền sở hữu tài sản.
Thực dân Pháp trong nửa cuối thế kỷ XIX, đã đề ra những sắc luật thể hiện rõ thái độ hai mặt của chúng đối với vấn đề ruộng đất ở Nam Kỳ. Một mặt, chúng khẳng định quyền sở hữu về ruộng đất của Nhà nước Pháp như là một chính quyền hợp pháp trên đất nước ta. Mặt khác, chúng thực hiện phát triển chế độ sở hữu tư để dành quyền ưu tiên cho bọn thực dân và tay sai [60, tr 31-32]. “Thực dân Pháp không hề trực tiếp coi sóc và tổ chức một hình thức ruộng đất nào trực tiếp trong tay chúng. Năng lực này chúng trao hết cho cá nhân hoặc cho các công ty tư nhân…..Ruộng đất của tư nhân chiếm một tỷ lệ tuyệt đối lớn và trong đó đã xuất hiện sở hữu lớn ở một tỷ lệ đáng kể.” [60, tr 32]. Để thực hiện ý đồ chiếm đoạt đất đai bản xứ, phát triển loại hình sở hữu tư nhân, tiếp tay cho tư bản Pháp và dung dưỡng bọn phong kiến tay sai, ngay từ trước Hòa ước tháng 6 năm 1862 đến cuối thế kỷ XIX, thậm chí còn kéo dài hơn về sau, thực dân Pháp đã thực hiện phân phối ruộng đất chiếm đoạt của nông dân bằng các hình thức cấp tặng, bán và nhượng. Tuy nhiên, so với nhà Nguyễn thực dân Pháp có bước nới lỏng rõ rệt về quyền sở hữu, nghĩa vụ đóng góp thuế sử dụng ruộng đất, đặc biệt bãi bỏ hình thức sung công ruộng đất và thu thuế bằng tiền tệ [60, tr 33 - 37] và Sắc luật ngày 21 – 7 – 1925 được ban hành đã khẳng định chính sách phát triển chế độ sở hữu ruộng đất lớn tại Nam Kỳ [68, tr 61]. Sau chiến tranh, sự tăng nhanh đột biến giá nông phẩm, tập trung ở các mặt hàng như cao su, chè, cà phê… càng thúc đẩy thực dân Pháp mạnh bạo hơn trong việc chiếm đoạt đất của nông dân.
Diện tích đất xin phép cấp nhượng có khi lên đến 50.000 ha cho một chủ sở hữu. Tại Bình Phước cho đến năm 1897, ruộng đất tư thuộc quyền quản lý của làng xã (bổn thôn thổ) [28, tr 155] rất phát triển, thuộc sở hữu chung mọi của thành viên trong làng do già làng, trưởng bản quản lý và phân chia canh tác theo luật tục. Loại ruộng đất này chính là loại đất thuộc sở hữu công của làng xã.
Sau khi Pháp xác lập được quyền cai trị trên toàn lãnh thổ của Việt Nam, cả nước ta chìm trong tình trạng bị thực dân Pháp lũng đoạn về sở hữu đất đai. Thực dân Pháp một mặt cướp đoạt đất đai giành giật quyền lợi kinh tế cho những tên thực dân có công trong cuộc xâm chiếm
bình định thuộc địa. Mặt khác, chúng lại dùng ruộng đất để lôi kéo bọn địa chủ cường hào để lợi dụng bọn họ bóc lột nông dân người Việt. Do vậy, sở hữu tư nhân về ruộng đất có điều kiện phát triển nhanh.
Từ năm 1882 trở đi, Pháp thực hiện kế hoạch chiếm vùng đất phía nam núi Bà Rá, Hớn Quản, nam Đăk Lăk và đông Campuchia, song mãi đến năm 1897, khi cuộc thử nghiệm trồng cao su thành công trên đất đỏ (1897 - 1907), tư bản Pháp mới tập trung đầu tư, khai thác vùng đất đỏ để trồng cao su, cà phê và hồ tiêu. Bình Phước nằm trong số những miền đất ưu tiên chọn lựa cho loại hình canh tác mới, chủ yếu là cao su.
Từ nửa sau thập niên đầu của thế kỷ XX, diện tích trồng cao su được nhân lên. Số lượng ban đầu rất dè dặt, hãng cao su Xa Trạch trồng thử với số lượng cây con khiêm tốn là 30 cây (1905) rồi tăng thêm 820 cây (1906), 2.430 cây (1907) [108]. Năm 1909, trồng được 200.000 cây cao su [98, tr 24]. Từ năm 1905 đến 1907 chỉ có 3.280 cây con được trồng. Sản lượng mủ thu được chênh lệch từ 600 – 700 kg/ha trên đất xám so với 1000 – 1200 kg/ha trên đất đỏ là tín hiệu làm giàu đối với các nhà đầu tư Pháp. Do vậy, tư bản từ chính quốc sang thuộc địa đua nhau mở đồn điền ở vùng này.
Từ năm 1910 đến năm 1916, các công ty cao su lớn đã đầu tư vào vùng đất đỏ ở phía bắc tỉnh Thủ Dầu Một gồm có 5 đồn điền [108, tr 41 – 422]:
- Đồn điền Xa Trạch với tổng diện tích là 3.052 ha, trong đó 1.613 ha được trồng 280.000 cây cao su.
- Đồn điền Lộc Ninh tổng diện tích 10.300 ha, trong đó 5.397 ha trồng 1.158.790 cây cao su.
- Đồn điền Xa Cam diện tích tổng là 5.905 ha, trong đó có 3.100 ha dùng trồng 774.840 cây.
- Đồn điền Quản Lợi tổng diện tích là 8.070 ha, được dùng 5.732 ha cho trồng 1.157.000 cây cao su.
Báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ năm 1917 về tình hình kinh tế toàn vùng cho biết, tính đến tháng chạp năm 1916, toàn tỉnh Thủ Dầu Một có 5.572 ha được trồng 1.592.000 cây và tăng lên 8.699 ha với 2.528.000 cây ở cuối năm 1917. Những con số trên phần nào nói lên tốc độ mở rộng của các đồn điền. Tuy nhiên, diện tích đồn điền mới mở không chỉ dừng lại ở mức đó vì trong hai năm 1916 và 1917 văn phòng Toàn quyền còn nhận rất nhiều đơn xin khai thác mới đồn điền trồng cao su.
Kết quả việc chiếm đoạt đất của người dân được hợp pháp hoá bằng hàng loạt các đơn xin cấp thêm đất mở đồn điền trồng cao su được trình lên chính quyền thuộc địa vào những năm 1916 – 1917.
Bảng 2.1. Diện tích đất xin thêm để mở đồn điền trồng cao su năm 1916, 1917.
Cuối năm 1916 Cuối năm 1917 Tên đồn điền
Diện tích (ha) Diện tích (ha)
Lộc Ninh 258.500 258.500
Xa Trạch 487.500 269.566,6
Quản Lợi 209.910,0 819. 910,0
Xa Cát 158.400,0 460.000
Nguồn: [102]. Đất nông nghiệp bị chiếm đoạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Thống kê dưới đây phản ánh tình trạng chiếm hữu tư nhân về đất của tư bản Pháp.
Bảng 2.2. Thống kê diện tích đất nhượng (1899 – 1918) Năm
Diện tích đất nhượng
(ha)
Năm
Diện tích đất nhượng
(ha) 1899- 1910 Không có 1915 Không có
1911 11.502 1916 1.052
1912 21 1917 4.290
1913 Không có 1918 3.100
1914 3.214
Nguồn: [108, tr 40]
Diện tích đất nông nghiệp bị sang nhượng trong khoảng thời gian từ năm 1899 đến 1918, phản ánh âm mưu chiếm đoạt đất đai, cướp đi tài sản duy nhất của nông dân cư trú tại chỗ nói chung, Bình Phước nói riêng.
Khi thực dân Pháp xâm lược vùng đất Bình Phước, cùng với quá trình cướp đất đầu tư phát triển đồn điền trồng cao su, chế độ sở hữu tư về ruộng đất mới xuất hiện và tập trung với quy mô lớn vào tay tư bản tư nhân là người nước ngoài. Việc tập trung ruộng đất của tư bản Pháp là dấu hiệu của sự xâm nhập nhân tố tư bản đầu tiên trong quá trình khai thác kinh tế địa phương.
Hình thức sử dụng nhân công, quản lí sản xuất, ở các vùng canh tác nông nghiệp khác ở thuộc địa, tư bản Pháp chủ yếu áp dụng song song hai hình thức bóc lột thực dân và phong kiến.
Tại miền Đông Nam Kỳ, ở tỉnh Biên Hoà và phía nam tỉnh Thủ Dầu Một nhiều địa phương áp dụng chế độ bóc lột trên, đa số ở vùng trồng lúa và các loại cây lương thực khác. Tuy nhiên, ở
vùng có hệ thống đồn điền trồng cây công nghiệp phát triển như Bình Phước lại có sự khác biệt.
Đất đai tập trung vào một số chủ sở hữu, họ không phân chia nhỏ đất để cho nông dân thuê rồi nộp địa tô hoạch cấy rẽ, mà lại áp dụng kiểu thuê mướn nhân công trực tiếp theo chế độ khoán công hoặc khoán sản phẩm. Công lao động được trả bằng tiền, công của người dân tộc thiểu số trả bằng hiện vật.
Ở đợt khai thác lần thứ nhất, nguồn nhân công chủ yếu của các đồn điền cao su được trưng tập phần đông là người dân tộc thiểu số. Ngoài người dân tộc thiểu số, có người kinh nhập cư từ các tỉnh Nam Kỳ, người Java do các chủ đồn điền chuyển từ thuộc địa khác về. Trong số nhân công này, chỉ người dân tộc thiểu số là tỏ ra làm việc có hiệu quả cao. Họ được giao nhiệm vụ chặt phá những rừng tre rậm chằng chịt, với mức khoán từ 500 đến 1000 đ/ha đất khai hoang.
Công lao động của người dân tộc thiểu số được quy đổi bằng muối hoặc gạo. Do có kinh nghiệm, họ làm rất tốt, ít bị thiệt hại về người, công việc lại tiến triển nhanh chi phí để trả lương cho họ chỉ là vài cân gạo hoặc muối. Tư bản Pháp lợi dụng sức lao động xốc vác, dẻo dai của người dân tộc thiểu số, bóc lột họ theo kiểu bóc lột truyền thống của cư dân địa phương. Người dân tộc thiểu số phần lớn được sử dụng theo mùa vụ chứ không phải là lực lượng lao động lâu dài.
Người kinh, chủ yếu làm các công việc trồng mới và chăm sóc cây con tại các đồn điền.
Phương tiện lao động hết sức thô sơ, hoàn toàn không khác gì kiểu canh tác truyền thống. Ngày công lao động được trả bằng hình thức khoán sản phẩm về diện tích đất khai hoang, số lượng cây trồng và chăm sóc…Người kinh làm công nhân cao su giai đoạn này một số lượng lớn xuất thân từ các tỉnh Nam Kỳ. Tất cả công nhân đồn điền đều tập trung ở các lán trại tập thể do chủ dựng sẵn. Họ hợp thành những làng mới, thành phần bao gồm những người cùng quê. Điều kiện sinh hoạt dành cho nhân công dưới mức tối thiểu có thể chịu đựng, họ thường xuyên phải đối mặt với các căn bệnh nghiệt ngã của rừng rậm nhiệt đới.
Ở công đoạn khai hoang, máy móc chỉ sử dụng vào những công việc nặng bắt buộc do không thể sử dụng sức người, ngoài ra các công đoạn lao động khác đều được thực hiện theo lối thủ công, số lượng nhân công được huy động ồ ạt theo kiểu tận dụng số đông sức người và hạn chế đối đa chi phí đầu tư về phương tiện lao động và kỹ thuật.
Cơ cấu cây trồng
Cây lương thực, thực phẩm
Canh tác truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ so với kiểu canh tác tư bản chủ nghĩa kém xa về lợi ích kinh tế. Vì vậy, việc thực dân Pháp ưu tiên phát triển nông nghiệp chủ yếu là cây công nghiệp là lẽ đương nhiên. Các ngành kinh tế truyền thống do vậy không được