3.4. BIẾN ĐỔI XÃ HỘI TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 1919 – 1945
3.4.4. Cơ cấu xã hội - giai cấp
3.4.4.2. Các tầng lớp, giai cấp người nhập cư
Cùng với sự phát triển của kinh tế đồn điền, hàng chục ngàn nông dân từ khắp miền đất nước bị dồn về đây và trở thành công nhân. Điệp Liên Anh cho rằng công nhân được chia ra nhiều hạng do công việc làm và sinh hoạt khác nhau. Nói chung, gồm 3 hạng chính:
TỔNG/ XÃ TRƯỞNG
TOM GIAU ( chủ dòng họ)
BU KUÔNG (chủ gia đình)
BU KHƯNG (người giàu thế tục)
BU KHƯNG (người giàu làm tay sai)
LƯƠI (người nghèo)
KON ĐEK (tôi tớ)
- Hạng “thầy” là những người được chủ Tây ưu ái nhất, gồm có thầy Xu, thầy Ký, đội, cai.
Họ sống tách biệt với công nhân và là tầng lớp ăn trên ngồi chốc, “khạc ra lửa và mửa ra tiền”.
- Hạng thợ chuyên môn (spécialistes) gồm các loại thợ mộc, thợ rèn, thợ hồ, tài xế và cai hạng thấp. Lương của thợ chuyên môn kém hơn của hạng thầy. Họ chiếm tỷ lệ khỏang 5 % tổng số công nhân.
- Hạng “dân phu” gồm có phu chiêu mộ (coolies contractuels) và phu tạp mộ (coolies libres). Phu cạo mủ (gọi là coolies saigneurs) và phu làm vặt hay dân tuần (gọi là coolies divers). Trong đồn điền, hạng “dân phu” chiếm đến 85 % tổng số nhân công, phu cạo mủ chiếm số đông nhất, họ có vai trò trọng yếu trong việc duy trì hoạt động của đồn điền. Tuy vậy, họ là tầng lớp chịu sự bóc lột nặng nề nhất.
Xã hội địa phương thời kỳ này có những chuyển biến về cơ cấu giai cấp, hai giai cấp cơ bản chi phối xu hướng vận động của xã hội là tư sản và vô sản (chủ yếu là công nhân). Trong giai cấp tư sản phân hóa thành hai bộ phận: tư sản ngoại quốc và tư sản dân tộc.
Tư sản ngoại quốc gồm người Pháp và người Hoa. Tư sản người Pháp, là đối tượng ưu tiên của chính phủ thuộc địa về nguồn vốn đầu tư, trở thành công cụ phục vụ cho mọi chính sách vơ vét của chính quốc đối với thuộc địa, có thế lực kinh tế và giữ vai trò quan trọng cả về chính trị. Tư sản người Hoa cũng có chân trong các đồn điền tại Bình Phước, song số lượng ít hơn người Pháp. Họ là đối tượng ưu tiên thứ hai của chính quyền thực dân.
Tư sản dân tộc, rất yếu cả về thế và lực do không quen với loại hình canh tác đồn điền cao su, lại bị tư bản Pháp chèn ép vì ít vốn và thiếu sự mạnh dạn trong kinh doanh, vị thế và vai trò xã hội của tầng lớp này không có gì nổi trội.
Giai cấp công nhân bao gồm hai bộ phận là công nhân nông nghiệp và công nhân công nghiệp. Công nhân nông nghiệp làm việc trực tiếp tại các lô cao su, đảm trách các khâu trồng, chăm sóc và cạo mủ. Công nhân nông nghiệp có ba loại: công nhân tự do, bán công - bán nông và công nhân giao kèo. Hai loại công nhân tự do và bán công - bán nông không bị bị lệ thuộc vào chủ, thoải mái hơn về tâm lý và cường độ lao động. Riêng công nhân giao kèo là bộ phận trực tiếp gánh chịu mọi nỗi thống khổ trong xã hội. Họ bị giới chủ dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để kìm kẹp, giữ chân như cờ bạc, thuốc phiện, rượu và gái. Bộ phận công nhân này là lực lượng đông đảo nhất. Họ chính là linh hồn của kinh tế đồn điền. Công nhân công nghiệp mới tách ra từ công nhân nông nghiệp, đảm đương công việc chuyên môn trong các nhà máy, xưởng chế biến mủ và hàng hoá chuyên dùng từ mủ; nhân viên ngành bưu chính, giao thông vận tải…
Họ có trình độ chuyên môn nhất định và tay nghề cao, số lượng hạn chế hơn công nhân nông nghiệp, tuỳ thuộc vào quy mô và nhu cầu công việc. Trình độ lành nghề giúp họ có cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn so với bộ phận công nhân khác.
Bên cạnh các giai cấp cơ bản còn tồn tại nhiều tầng lớp xã hội khác nhau về địa vị kinh tế. Trong các đồn điền, thuộc tầng lớp trên gồm có:
- Tầng lớp đại điền chủ (chủ nhất) có đời sống vật chất, tinh thần và quyền hành cao nhất trong đồn điền. Chúng có “quyền sinh, quyền sát” đối với công nhân mà không cần thông qua tòa án xét xử.
- Chủ nhì, quyền hành so với chủ nhất chỉ kém hơn chút ít, bọn này có cả người Pháp lẫn người Việt.
- Xu sống dựa vào việc bóc lột sức lao động của công nhân. Vì vậy, họ là tầng lớp trực tiếp gây bất hạnh cho cuộc sống của công nhân.
- Cai, so với các tầng lớp trên có vị trí thấp hơn nhiều. Họ chỉ hơn công nhân là được ở một gian lán riêng, lương hàng tháng chỉ hơn công nhân chút ít, ngoài ra không có quyền lợi gì hơn.
Chế độ đối xử chênh lệch giữa xu và cai trong cùng một đồn điền cũng tạo nên sự phân hoá rõ rệt trong hàng ngũ cai. Một bộ phận cai cam chịu khuất phục giới chủ, đối đầu với công nhân hòng hưởng lợi cao hơn. Số cai còn lại thường gia nhập vào hàng ngũ công nhân, tích cực ngoan cường chống lại giới chủ.
Tầng lớp trí thức, tiểu tư sản gồm những thầy thông, thầy phán, thư ký, chuyên viên, các viên y tá người Pháp, Việt và các nữ tu thì có đời sống khiêm tốn, họ hưởng lợi theo các trung tâm giáo dưỡng và đồn điền, tầng lớp này số lượng rất ít.
- Các chức dịch tay sai người Việt, người dân tộc thiểu số, là các xã trưởng, tổng trưởng được chính quyền thực dân đào tạo, họ hưởng quyền lợi không nhiều từ chính quyền thuộc địa, bị khinh miệt và lợi dụng để thực hiện mưu đồ chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp.
- Binh lính, là lượng lượng xã hội có số lượng đông thứ hai sau công nhân, chủ yếu là người người Việt, người Pháp và một số ít người dân tộc thiểu số.
- Thương nhân, là thành phần xã hội đơn chiếc và số lượng không đáng kể.
- Thợ thủ công, tồn tại từ lâu trong lòng xã hội bản địa, song không phải là một tầng lớp rõ rệt.
Tôi tớ, là tầng lớp xã hội chịu thân phận thiệt thòi, bị khinh rẻ, phải phục tùng tuyệt đối chủ các gia đình giàu có có thế lực như tổng trưởng, xã trưởng, chủ đồn điền…
Trong thời kỳ Pháp cai trị, người kinh nhập cư vào Bình Phước hầu hết bắt nguồn từ việc tuyển mộ nhân công cho các đồn điền. Nguồn gốc nhân công được tuyển mộ, có vô số hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, nhưng khi tập trung vào Bình Phước họ đều trở thành lao động làm thuê, bán sức lao động của mình để lay lắt sống qua ngày. Do không có thế lực kinh tế, nên người công nhân dưới con mắt các ông chủ chỉ là “một đám đông những con người không biết chữ, việc giáo dục họ phải làm lại hoàn toàn, bọn họ chỉ tuân theo quy luật “làm thế nào để tốn ít sức lực nhất”. Để sản xuất một cách tương đối bình thường phải theo dõi, kiểm soát họ liên tục cả ngày lẫn đêm”…hoặc “công nhân của chúng ta có cách suy nghĩ và hành động như trẻ con, vì vậy để hạn chế những thiệt hại do họ gây ra, cần phải nhấn mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát” [82, tr 170]. Thân phận người phu cao su rất cơ cực, âm thầm, lầm lũi như những cỗ máy rệu rã vì lâu ngày quá tải. Họ dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị đi làm, mãi đến 8 - 9 giờ tối mới về đến nhà, khi ốm đau cũng không được nghỉ. Nếu ai báo ốm nặng phải nằm bệnh xá thì sẽ được “bồi dưỡng” bằng những trận đòn chí tử [57, tr 28], để thử xem ốm thật hay giả (?).
Cuộc sống vật chất, tinh thần của công nhân cao su trong thời kỳ “sốt cao su” đã khốn quẫn lại càng thống thiết bội phần. Theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Chất nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu cao su Việt Nam: bọn chủ đồn điền phạt hình một nữ công nhân bỏ trốn, chị này có mang trong bụng đã to, chúng cho đào một cái hố nhỏ bằng một cái chảo con, để chị nằm úp bụng xuống đất rồi dùng thanh tre đánh vào gan bàn chân để răn đe: “đừng có dại dột chạy trốn”![82, tr 179]. Công nhân thường nhật phải ăn gạo mốc, mục, cá khô thối. Đời sống bi đát được họ gởi gắm qua những câu ca dao uất hận thấu trời [57, tr 17]. Người công nhân thường xuyên phải gồng mình chịu đòn của chủ, xu, cai. . . “Trong cuộc đời người công nhân cao su dưới chế độ cũ có ba cái sợ nhất: Một là sợ lúc điểm danh ra lô làm việc; hai là sợ những ngày lĩnh lương; ba là sợ ngày chúng đi kiểm tra hàng tháng” [57, tr 24]. Mạng sống người công nhân bị đối xử tệ hơn súc vật, phải chịu nhiều hình thức đánh đập dã man đến chết đi sống lại, mà vẫn tiếp tục bị đánh cho chết hẳn. Chúng đánh người đến giập nát gan bàn chân, xong rồi bắt chạy bộ bằng chân không.
Đối với phu giao kèo, tất cả mọi hoạt động hàng ngày đều bị chủ kiểm soát. Họ sống trong khổ ải, nhục nhã và hận thù. Quan hệ giữa chủ với công nhân trong xã hội thu hẹp là các đồn điền, luôn dựa trên ý thức của kẻ có quyền lực đô hộ với người bị đô hộ, luôn chất chứa thù hằn. Vì vậy, càng về sau, hình thức đấu tranh của công nhân càng được nâng cao, từ lãn công
thành đình công. Các cuộc đấu tranh ban đầu do bộc phát từ lòng căm phẫn chủ, cai, xếp đối xử tàn ác với họ, sau được nâng lên cao hơn, bắt đầu có người đứng ra kết nối các đội, làng để chống giới chủ xâm phạm hợp đồng, đòi quyền làm chủ. Tiêu biểu cho hình thức đấu tranh này là các cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng (9 - 1927) và đồn điền Lộc Ninh (08 – 04 – 1928). Các cuộc đấu tranh hầu hết đều bị bọn chủ dùng “luật rừng” để đối phó. Mối quan hệ giữa chủ tư sản Pháp với công nhân tại Bình Phước trong những năm từ 1926 đến 1929, ở tình trạng đối đầu quyết liệt. Công nhân đấu tranh phần lớn là do quá bức xúc, tự phát nên thường thất bại nhanh chóng.
Với chủ trương “Vô sản hóa” của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạnh Thanh niên, phong trào đấu tranh của công nhân cao su ngày càng được nâng cao về hình thức và quy mô đấu tranh. Nhiều cán bộ hội viên ưu tú của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thâm nhập vào các đồn điền, nhà máy để làm công tác vận động và xây dựng cơ sở cách mạng. Đồn điền Phú Riềng trở thành cơ sở cách mạng đầu tiên (tháng 4 – 1928). Tháng 10 năm 1929, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại Phú Riềng, sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đầu tiên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của phong trào công nhân cao su nói chung. Từ đây phong trào công nhân Bình Phước có bước chuyển mới, từ tự phát thành tự giác. Họ đấu tranh có tổ chức, đề ra yêu sách cụ thể, đòi những quyền lợi kinh tế, chính trị thiết thực. Qua đấu tranh, công nhân từng bước được trang bị tôi rèn về chính trị và dần trưởng thành. Họ tập hợp lực lượng trong các tổ chức nghiệp đoàn, hoạt động bằng nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào tình hình chính trị ở mỗi thời điểm. Song song với xây dựng các tổ chức đấu tranh chính trị, các lực lượng đấu tranh vũ trang cũng được hình thành, huấn luyện. Từ lúc có các tổ chức đoàn thể do Đảng lãnh đạo hoạt động trong các đồn điền, công tác dân vận, vô sản hóa được đẩy mạnh góp phần lớn vào sự biến chuyển trong tư tưởng của người dân. Nhiều hoạt động giáo dục văn hóa, chính trị được các tổ chức cách mạng bí mật triển khai phần nào đã nâng cao trình độ văn hóa và nhận thức xã hội cho các tầng lớp xã hội.
Thời kỳ khủng hoảng kinh tế lên đến tột đỉnh (1929 – 1939) , theo báo cáo của ông M.
Esquivillon - thanh tra lao động Nam Kỳ ngày 12 – 11 – 1937 về tình hình các đồn điền cao su như sau: Thời gian tính từ tháng 07 năm 1929 đến tháng 06 năm 1937: tại các đồn điền Quản lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Thuận Lợi, Lộc Ninh ở thời gian này, luân chuyển giữa các đồn điền có tất cả 25 vụ đối đầu [82, tr 181-186 ] giữa công nhân với chủ.
Thanh tra lao động đã cố tình bỏ qua và đánh giá một cách hời hợt nhằm che giấu bớt sự thật về tình trạng quan hệ giữa chủ và công nhân trong hệ thống đồn điền cao su. Ví dụ, sau cuộc đấu tranh lớn của công nhân Phú Riềng ngày 3 – 2 – 1930 đến ngày 5 – 2 – 1930, M.
Esquivillon chỉ ghi rằng: “bãi công và xô xát quan trọng ở Thuận Lợi (Michelin) vì cung cấp thức ăn không tốt, làm việc quá sức, nghỉ tết quá ít thời gian. . .”. Nhưng đây là sự kiện lớn, công nhân nổi dậy đấu tranh, diễn ra từ ngày 3 – 2 – 1930 có sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Riềng. Bên cạnh đó, M. Esquivillon cũng bỏ qua sự việc vào cuối tháng 12 năm 1931, bọn Tây ở Phú Riềng đánh công nhân bị thương nặng phải chở về Dầu Tiếng. “Bọn Tây ở công ty và ở đồn điền cố tình che giấu việc này, chúng đã đuổi tên Boire phụ tá Phú Riềng để bịt đầu mối”[82, tr 186 –187]. Dù chính phủ thực dân hay bọn tay sai cố tình che giấu tội ác đến đâu chăng nữa, song nếu so sánh thực tế con số công nhân đầu vào, số mãn hạn hợp đồng và số lượng tử vong trong những năm sẽ thấy rõ bộ mặt thật của chúng:
Bảng 3.18. Thống kê tình hình, số lượng công nhân tại các đồn điền Đồn điền Thời gian Số công nhân tuyển Số chết Số còn lại
Lộc Ninh,
Minh Thạnh 1919 – 1949 37.418 9.818 (11/1944) 27.600
Đất Đỏ 1917 – 1945 197.859 21.485 (10/1944) 175.364 Nguồn: [5, tr 23]
Tại đồn điền Phú Riềng năm 1929, đã có 100% số công nhân bị sốt rét, trong đó có tới 6% số người bị chết vì bệnh này [57, tr 26 ]. Tính riêng Công ty Cao su Đất đỏ, vào năm 1928, cứ 100 công nhân thì có 19 người chết và 37 người ốm nặng [57, tr 28]. Vào năm 1940, tại đồn điền Lộc Ninh mấy nghìn công nhân được huy động khai phá rừng số 11 để trồng cao su. Đây là khu rừng già, nhiều loài rắn độc, mối, muỗi, vắt. . . Vậy mà công nhân làm việc chỉ với một chiếc khố đóng trên người bằng bao tải rách. “Trong thời gian phá khu rừng số 11, mỗi đêm đều có một, hai người chết treo trên xà nhà, ngoài rừng cây. Cũng có đêm từ năm đến bảy người đã tự treo cổ chết”. Sau khi phá xong khu rừng số 11 với diện tích không đầy 3 km2 mà số người chết (do bị đánh đập, bị rắn cắn, bị tai nạn, treo cổ,. . .) lên tới 100 người [57, tr 29].
Điều kiện làm việc và chế độ sinh hoạt khắc nghiệt làm cho số người chết nhiều vô kể. Bản thân người công nhân đã phải chịu trăm ngàn tủi khổ, song không tránh khỏi lụy đến con cái họ. Theo Thành Nam, số liệu cũ có để lại, từ năm 1930 đến năm 1945, tại các đồn điền cao su ở miền Đông Nam Bộ, đã có 5.500 trẻ em bị chết vì bênh tật, hoặc “có những đứa trẻ vào rừng kiếm trái cây bị rắn độc cắn chết, xác rữa ra, kiến càng, rắn rết . . . thi nhau đục khoét xác chết, hôi thối không thể chịu được.” [57, tr 18]. Địa vị xã hội và thân phận phu cao su được chính họ cảm nhận bằng thực tế cuộc sống đầy ải tại các đồn điền:
“Cao su vốn thật lạc loài, Đánh dập giết chóc ai hoài điều tra.
Dầu cho vang tiếng tới toà Thằng dân cũng đã ra ma mất rồi!
Có khi đòi hỏi lôi thôi, Chủ chỉ trả lời dân biết gì đâu!
Gặp khi dân có yêu cầu Các quan chỉ tới toà nhà nguy nga.
May ra có cuộc giảng hoà Không may thì lại ra toà ngồi lao
Chính ý vốn ở người nghèo Xử sự vốn ở mắt mèo tóc quăn
Chính lý vốn ở nhà tranh Xử sự về phía sâm banh nhà lầu
Từ xưa vốn đã có câu
Bạc toạc tờ giấy, nghẽn hầu phải binh Xử sự kiểu họ thật kinh!” [5, tr 75].
Người công nhân đi làm thuê, khổ cực là điều họ phải chấp nhận, song để bù lại với sức lao động phải bỏ ra là những đồng lương chỉ đủ để họ lay lắt sống (từ 1,75 France đến 2,8 France (tỷ giá 1/10)). Ngoài ra, họ còn bị bóp nặn bởi những mánh khóe do cai, chủ bày đặt để thu tiền như rượu, bài, thuốc phiện... Vào những năm khủng hoảng kinh tế, với số tiền đó họ phải chịu thêm 2,5 đồng tiền thuế thân, thuế nộp tỉnh 2,5 đồng, thuế nộp làng 2,5 đồng. Tất cả hết 7,5 đồng trong một năm, thậm chí còn bị bớt lương xuống còn 0,30 đồng/ngày cho đàn ông và 0,23 đồng/ngày cho đàn bà. Do chế độ lao động đặc biệt hà khắc, nên công nhân Bình Phước thời Pháp thuộc luôn đi đầu trong phong trào công nhân cả nước. Cấp độ của phong trào ngày càng được nâng cao, quyết liệt đến mức đã gây tiếng vang từ một vùng “Mọi” hẻo lánh ở thuộc địa sang tận nước Pháp [33, tr 165 - 166], buộc Nghị viện Cộng sản Pháp phải lên tiếng, chính phủ Đông Dương phải điều tra, buộc tội giám đốc sở cao su.
Phong trào đấu tranh của công nhân cao su ngày càng kiên quyết, triệt để hơn từ sau khi Đảng Cộng sản ra đời. Các sự kiện đấu tranh nổi bật từ các đồn điền cao su gây tiếng vang lớn vượt khỏi phạm vi của ngành, trở thành phong trào tiên phong qua các chặng đường đấu tranh giành chính quyền trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.