HOÀN CẢNH LỊCH SỬ

Một phần của tài liệu NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC THỜI PHÁP THUỘC (1862 – 1945 (Trang 71 - 74)

Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) kết thúc để lại hậu quả nặng nề về người lẫn của cải cho nhân loại. Việc giải quyết các vấn đề về phân chia thuộc địa, vùng chịu ảnh hưởng giữa các nước thắng trận sau chiến tranh đã làm thay đổi vị trí, tương quan lực lượng giữa các nước đế quốc, bất lợi nhiều cho nước Pháp.

Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 – 1929), diễn ra trong bối cảnh nước Pháp dù là nước thắng trận song vẫn lâm vào tình trạng kiệt quệ nền kinh tế vì các khoản tiền lớn chi phí cho chiến tranh và vốn đầu tư ở nước ngoài bị mất trắng. Pháp trở thành con nợ lớn của Mĩ. Các ngành kinh tế chính của nước Pháp hoạt động giảm sút nghiêm trọng, đồng phơrăng bị mất giá, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn...Nhân dân lao động Pháp nổi lên chống lại chính phủ cầm quyền.

Chính phủ Pháp tại chính quốc tăng cường các hoạt động bóc lột nhân dân trong nước, ráo riết đẩy mạnh khai thác kinh tế ở các thuộc địa để giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị - xã hội trên và tăng cường khả năng cạnh tranh với các cường quốc khác củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.

Nội dung của đợt khai thác lần thứ hai về cơ bản là sự tiếp tục của chính sách khai thác thuộc địa do Paul Doumer vạch ra, chỉ khác ở quy mô và tốc độ đầu tư cho các ngành kinh tế khác nhau. Vốn đầu tư của tư bản Pháp vào các ngành kinh tế tăng nhanh, chủ yếu đổ vào thị trường Việt Nam. Năm 1920, số tư bản Pháp dành riêng cho Việt Nam đã đạt 255 triệu phơ - răng, tốc độ đầu tư mạnh nhất trong khoảng thời gian từ năm 1924 đến 1929. Tỷ lệ đầu tư vốn trong tổng vốn đầu tư của tư bản Pháp đổ vào Việt Nam từ năm 1924 đến 1930, được phân phối cho các ngành công nghiệp chế biến, công chính và điện nước là 369,2 triệu phơrăng (12,9 %), công nghiệp mỏ và đá đạt 546,4 triệu phơrăng (19,1 %), nông nghiệp và lâm nghiệp lên đến 900,2 triệu phơrăng (31,4 %), thương mại và vận tải 422,5 triệu phơrăng (14,8 %) và ở ngành buôn bán bất động sản và ngân hàng chiếm 623,9 triệu phơrăng (21,8 %) [49, tr 212]. Cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương bị gián đoạn bởi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sang đợt khai thác lần thứ hai lại bị ngưng trệ bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu (1929 – 1933). Mặc dù vậy, nó vẫn phản ánh đầy đủ chính sách thực dân của Pháp tại Đông

Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Vốn Ngân sách Đông Dương, trong cuộc khai thác lần thứ hai bị hút vào ngành trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cao su.

Nhu cầu về mủ cao su của nước Pháp và thế giới tăng vọt sau chiến tranh càng thúc đẩy mạnh hơn tốc độ đầu tư cho lĩnh vực canh tác này. Tuy vậy, sức sản xuất mạnh chỉ tập trung vào một số tập đoàn tài phiệt trường vốn như Công ty Cao su Đất đỏ, Công ty Cây trồng Nhiệt đới và Công ty Michelin có địa bàn kinh doanh chủ yếu ở vùng đất đỏ miền Đông Nam Kỳ.

Cây chè, cà phê cũng được trồng xen kẽ với cao su, phát triển mạnh từ giữa thập niên 20 thế kỷ XX, một số diện tích đất đáng kể trong cả nước cũng được giành cho cây mía, bông và hồ tiêu.

Công nghiệp, bao gồm các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến, trong từng ngành có những nét đặc thù phụ thuộc vào mục đích của tư bản Pháp. Công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến trong hai giai đoạn khai thác, đều phát triển nâng cấp và mở rộng, song chỉ tập trung ở các thành phố lớn, tuy nhiên vẫn không thoát khỏi thế phụ thuộc vào chính quốc. Công nghiệp nặng (luyện kim và chế tạo cơ khí) chưa thực sự hình thành, chỉ một số lĩnh vực sản xuất phát triển để phục vụ nhu cầu một số loại hàng tiêu dùng và nguyên liệu mà chính quốc thiếu, vì vậy, công nghiệp của Việt Nam lệ thuộc chặt vào thị trường chính quốc và thế giới.

Giao thông vận tải luôn là phương tiện không thể thiếu để hỗ trợ cho khai thác kinh tế, vì vậy, ở cuộc khai thác lần thứ hai, giao thông vận tải tiếp tục được đầu tư vốn và trang bị kỹ thuật. Các tuyến đường sắt xuyên Đông Dương như Vinh – Đông Hà, Đồng Đăng – Na Sầm được xây dựng. Đường bộ tiếp tục được sửa chữa nâng cấp toàn bộ các tuyến trục chính, nối liền với các tỉnh cũng như mạng lưới đường địa phương ở mỗi tỉnh.

Thương nghiệp, hầu hết do tư bản Pháp độc quyền chiếm lĩnh, một số lĩnh vực như xay xát lúa gạo ở Nam Kỳ do người Hoa cai thầu, tư sản người Việt cũng phát huy được vai trò của mình trong một số lĩnh vực, song so với tư bản Pháp thì không đáng kể. Ngoại thương phát triển rõ rệt hơn trước, chủ yếu là xuất khẩu tài nguyên của cải vơ vét khai thác được từ Việt Nam về Pháp hoặc các nước khác. Nội thương, ngoài mặt hàng do người Pháp độc quyền buôn bán như muối, rượu và thuốc phiện thì đa số lĩnh vực này đều do thương nhân người Pháp hoặc Hoa kiều nắm giữ.

Nguồn tài chính chi phối mạch máu kinh tế Đông Dương vẫn do Ngân hàng Đông Dương nắm giữ. Ngân hàng Đông Dương là cứu tinh của các ông chủ đồn điền cao su tại thuộc địa ở thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Về xã hội, chính sách cải lương hương chính phản ánh âm mưu dùng người Việt trị người Việt, thông qua bộ máy chính quyền phong kiến xã thôn, lôi kéo, mua chuộc họ để lợi dụng vào việc cai trị nhân dân ta. Bên cạnh đó, chính quyền thực dân còn tăng cường đào tạo đội ngũ chức dịch mới để bổ sung và củng cố bộ máy cai trị, nhằm thọc sâu can thiệp vào tận xã thôn Việt Nam. Bằng thủ đoạn “viên chức hóa” các chức dịch, kỳ hào ở địa phương Nam Kỳ, thực dân Pháp đã kiểm soát hoạt động của xã thôn về nhân sự và tài chính, từng bước gạt bỏ vai trò chính trị của triều Nguyễn rồi tiến tới chính thức tước đoạt quyền điều hành đất nước về cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hành động tiếp theo của thực dân Pháp sau khi đã thâu tóm toàn bộ quyền lực kinh tế, chính trị là tiến hành một số cải cách về hành chính nhằm mở rộng các cơ sở xã hội, thắt chặt bộ máy cai trị bằng cách nhượng bộ một số quyền lợi chính trị cấp thấp cho bộ phận giai cấp phong kiến giàu có. Toàn quyền Đông Dương cho lập ra các Viện dân biểu ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, mở rộng các ngạch công chức tương đương cho cả người Pháp và người Việt, song lại áp dụng chế độ lương khác nhau (Sắc lệnh ngày 20 tháng 6 năm 1921).

Chính sách thuế, ngày càng bị xiết chặt và khắt khe hơn, các loại thuế mới được đặt thêm, mức thuế trực thu và gián thu cũng cao hơn, người dân Việt Nam phải mua công trái, quốc trái để phục vụ việc kiến thiết các cơ sở hạ tầng kinh tế và cung cấp cho quân sự.

Chính sách chia rẽ dân tộc được thực hiện bằng cách dung dưỡng, o bế tầng lớp trên giàu có, nhằm lôi kéo họ đàn áp các tầng lớp dưới. Bên cạnh đó, chúng còn bộc lộ rõ thái độ khinh khi miệt thị và coi thường người Việt, thái độ này biểu hiện ngay cả ở bộ phận công chức trong bộ máy thực dân tay sai.

Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, chính sách ngu dân là mục tiêu của chương trình đào tạo thực dân. Trong hệ thống giáo dục, hai chương trình đào tạo theo hai hệ thống khác biệt duy trì song song, một chương trình dành riêng cho người Pháp, một dành riêng cho người Việt.

Chính quyền thực dân còn tiến hành xóa bỏ các trường đào tạo theo kiểu phong kiến ở nước ta như giải tán trường “Sỹ hoạn” ở Hà Nội, trường “Hậu bổ” vào năm 1917 và thành lập trường Pháp – chính chuyên đào tạo quan lại cung cấp nhân sự cho chính quyền thuộc địa ở Đông Dương. Bên cạnh việc mở trường Pháp – chính, một số trường cao đẳng đào tạo nghề cũng được mở, tập trung ở một số nghề như nghề sư phạm, công chính, thương mại, nông nghiệp và nghề y. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được chọn vào học các trường cao đẳng cũng rất hạn chế, chỉ tập trung tuyển con em các gia đình giàu và có thế lực trong xã hội.

Tóm lại, ở lĩnh vực kinh tế, thực dân Pháp trong suốt thời kỳ khai thác thuộc địa đã không ngừng đầu tư vốn, phát triển cả về tốc độ lẫn quy mô đầu tư, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhân lực… để đáp ứng tốt nhất cho việc khai thác, vơ vét nguồn nhân – tài vật lực của nước ta. Khai thác kinh tế vẫn là mục đích chính, nhưng nó được thực hiện ráo riết hơn, làm biến đổi mạnh kinh tế, tác động xấu đến việc phân hoá xã hội. Đời sống của mọi tầng lớp nhân dân bị đẩy vào ngõ cụt.

Một phần của tài liệu NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC THỜI PHÁP THUỘC (1862 – 1945 (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(211 trang)