Cơ cấu xã hội – dân số

Một phần của tài liệu NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC THỜI PHÁP THUỘC (1862 – 1945 (Trang 109 - 114)

3.4. BIẾN ĐỔI XÃ HỘI TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 1919 – 1945

3.4.3. Cơ cấu xã hội – dân số

Thống kê dân số đối với Bình Phước là việc làm khó, vì sự thay đổi tách nhập liên tục của đơn vị hành chính, sự thay đổi nơi cư trú liên tục của người dân tộc thiểu số tại chỗ và không loại trừ cả việc biến động thất thường về số lượng người nhập cư là người kinh làm công nhân cao su.

3.4.3.1. Dân số người dân tộc thiểu số tại chỗ

Năm 1936, tỉnh Thủ Dầu Một với diện tích 5.969 km2 255 có tổng số 172.983 người, mật độ trung bình 29 người/km2 [112]. Thủ Dầu Một lúc bấy giờ gồm một tỉnh lỵ, các Sở Đại lý là Bến Cát, Hớn Quản, Bù Đốp… Hớn Quản và Bù Đốp có số dân như sau:Sở Đại lý Hớn Quản có tổng Tân Minh dân số 16.455 người, Minh Ngãi 2. 732 người, Cửu An 640 người, Thanh An 1.101 người, Quản Lợi 2.434 người và Lộc Ninh 920 người. Tổng số toàn Đại lý có 24.282 người [112]. Sở Đại lý Bù Đốp gồm tổng Tân Minh với 1.081 người, Phước Lễ 3.345 người, Yerman 1.265 người, D.Huyt 1.385 người, Srlogne 2.187 người, B.you 229 người, B.Krak 1.118 và D.Yol 1.102 người. Tổng cộng thực tế có 11.712 người [Tg] (tài liệu ghi là 12.412 người) [112]. Như vậy, năm 1936, hai Sở Đại lý trên có số lượng dân cư khá đông, so với mật độ dân hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã tăng gấp 4 - 5 lần. Người dân tộc thiểu số cư trú ở Hớn Quản, Bù Đốp tập trung từ phía bắc sông Jerman, phần lãnh thổ giáp với biên giới Campuchia. Kết quả điều tra dân số của chính quyền thực dân trong giai đoạn thực hiện chính sách khai thác lần 2, cho biết:

Bảng 3.13. Số lượng người dân tộc thiểu số (1879 – 1941)

Năm Số lượng người Năm Số lượng người

1879 2.400 1936 20.000

1899 3.000 1937 17.800

1914 17.500 1938 19.800

1918 21.000 1939 19.900

1929 25.000 1940 20.100

1934 18.000 1941 20.100

1935 20.150

Nguồn: [108, tr 24]

Số liệu tổng hợp từ năm 1879 đến 1941, cho thấy rất rõ lượng người dân tộc thiểu số tăng nhanh từ năm 1879 đến 1929. Từ năm 1934 trở đi, người dân tộc thiểu số tại chỗ tăng giảm thất thường, điều này chưa thể khẳng định đâu là tác động chính. Lý do về sự gia tăng của diện tích đồn điền trồng cao su không còn đúng với sự kiện này, vì đây là thời kỳ ổn định khai thác của hệ thống đồn điền cao su miền Đông Nam Kỳ.

Bảng 3.14. Dân số người Khmer ở Bình Phước (1879 – 1941) Năm Số lượng người Năm Số lượng người

1879 800 1937 3.200

1899 1.400 1938 3.400

1929 3.300 1939 3.400

1934 3.000 1940 3.400

1935 3.000 1941 3.800

1936 2.800

Nguồn: [108, tr 24]

Người Khmer (Cambốt) ở tỉnh Bình Phước có hai nguồn, một là, từ sau các vụ xáo trộn ở phía đông Cambôt cho đến năm 1880, họ di cư đến các làng Chala, Vat ron, Vat tuoc và Prey - Rung. Hai là, người dân tộc thiểu số tại chỗ di cư từ các làng Võ Tùng, Nha Bích, Nha Nôi.

Người Khmer ở các tổng Lộc Ninh, Phước Lễ đặc biệt hai làng Mỹ Khánh và Prey - Rung có quan hệ hôn nhân mật thiết với người Stiêng nên diễn ra sự lai tạp giống nòi sâu sắc. Người Tà Mun sống tập trung tại làng Võ Đức. Dân số của họ đến năm 1941 có khoảng 800 người. Năm 1936 – 1937, tại Thủ Dầu Một có 2.400 người Cambot (Khmer – tgla), 475 người Java tại các đồn điền cao su, 11.000 người dân tộc thiểu số (Stiêng- tgla) [96, tr 63 – 64].

Tình hình chính trị và tập quán sống du canh du cư tác động đến sự thay đổi nơi cư trú của người dân tộc thiểu số. Do vậy, các số liệu dù được chính quyền thực dân thống kê chi tiết như trên cũng chỉ là tương đối.

3.4.3.2. Dân số nhập cư

Thời kỳ phát triển cây cao su tại Bình Phước, đặc biệt sau Thế chiến lần thứ nhất (1919 - 1939) tốc độ dân số tăng càng nhanh.

Đồn điền Bù Đốp, thuộc Công ty cây trồng nhiệt đới Đông Dương, năm 1926, có 496 phu nông nghiệp. Năm 1928, tại đồn điền Minh Thành có 1 giám đốc, 1 phụ tá, 184 phu nông nghiệp, 221 lao động tự do. Đồn điền Dầu Tiếng thuộc Công ty đồn điền Michelin có 1 giám đốc, 1 chủ sự phòng canh tác, 7 phụ tá giúp việc, 1573 phu nông nghiệp và 1670 lao động tự do [108, tr 42]. Sự gia tăng dân số chủ yếu bắt nguồn từ việc tuyển mộ phu hợp đồng cho các đồn điền.

Phần lớn người kinh quê gốc ở các tỉnh Nam Kỳ cư trú dọc đường thuộc địa số 13 nối liền Chơn Thành đến Minh Thành về phía bắc, đa số là các làng xóm thuộc tổng Tân Minh, họ vốn là dân di cư của tổng Bình Hưng và làng Việt ở Bù Đốp. Sự gia tăng dân số của địa phương trong khoảng thời gian khá dài, từ năm 1868 đến 1941, được Chính phủ Nam Kỳ nhận định là vì lý do nhập cư và do sinh nhiều hơn tử.

Bảng 3.15. Thống kê dân số người Kinh quê gốc miền Tây Nam Kỳ (1868 – 1941) Năm Số lượng người Năm Số lượng người

1868 42.500 1935 128.900

1879 48.700 1936 131.000

1899 68.000 1937 135.700

1914 87.000 1938 137.400

1918 91.000 1939 140.600

1929 115.000 1940 144.000

1933 123.000 1941 147.200

1934 125.900 Nguồn:[108, tr 22]

Từ năm 1899 đến 1941, dân số người kinh gốc Nam Kỳ đã tăng 84.200 người, tỷ lệ trung bình mỗi năm tăng thêm trên 2.000 người [108, tr 22]. Người kinh, thời kỳ này chủ yếu là phu hợp đồng mộ từ các tỉnh Bắc và Trung Kỳ. Con số người kinh nhập cư biến động theo thời giá của mủ cao su.

Từ năm 1918 đến 1922, người kinh giảm chỉ còn 2.600 người và đến năm 1925, tăng trở lại đến 5.000 người, đến năm 1928 tăng thành 13.000 người và lên đến 16.000 người vào năm 1929.

Giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1929 -1933, làm giảm đi số nhân công. Theo thống kê của Chính phủ Nam Kỳ ngày 1/1/1930, số nhân công lại chỉ bằng của năm 1928, sau xuống còn

6.500 người vào năm 1933. Số lượng người kinh nhập cư tăng trở lại, lên đến 8.000 (1935), 9.000 (1936) và 12.000 năm 1937. Tài liệu còn cho biết rất cụ thể là năm 1934, số người nhập cư là 125.900 thì trong đó có 400 người Java được gửi đến làm tại đồn điền Lộc Ninh [108, tr 22-23], ngoài ra không có đợt nào tuyển thêm công nhân ngoại quốc nữa vì đã tốn kém lại khó sai khiến.

Người Hoa nhập cư vào tỉnh Thủ Dầu Một khá nhiều và tăng nhanh ở giai đoạn diễn ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, kéo dài đến năm 1929, nhưng sau đó lại giảm dần và biến động bất thường. Thống kê về người Hoa từ 1879 đến 1941, cho biết cụ thể như sau:

Bảng 3.16. Dân số người Hoa nhập cư (1897 – 1941) Năm Số lượng người Năm Số lượng người

1879 300 1935 1.730

1899 1.600 1936 3.970

1914 1.600 1937 6.000

1929 3.400 1938 6.900

1930 3.200 1939 6.900

1933 4.800 1940 7.800

1934 1.730 1941 8.400

Nguồn: [108, tr 23]

Số liệu trên cho thấy số lượng người Hoa tăng nhanh từ năm 1879 đến 1929. Từ 1899 đến 1914, con số chỉ dân số Hoa kiều đứng yên vì sự kiện người Minh Hương sáp nhập vào dân số người Hoa do xảy ra nội chiến ở Trung Quốc. Năm 1930 trở đi, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế tác động mạnh đến tầng lớp thương nhân Hoa kiều, gây nên đợt trở về Trung Quốc ồ ạt của họ, làm cho lượng người Hoa tại đây giảm. Từ năm 1936 đến 1941, người Hoa nhập cư tăng đều trở lại theo mỗi năm, xu hướng định cư chủ yếu của họ là ở vùng phía nam của tỉnh.

Những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, mật độ dân số chung của tỉnh Thủ Dầu Một đạt mức 40 người/km2, các tổng người dân tộc thiểu số thuộc Bình Phước vẫn chỉ có 5 – 10 người/km2, ngược lại các tổng phía Nam (Bình Dương) mật độ cao hơn, lên tới 100 người/km2.

Theo nguồn tư liệu của Chính phủ thuộc địa Nam Kỳ như trên thì dân số tỉnh vào những năm từ 1868 đến 1941, nhìn chung có sự biến đổi theo chiều hướng gia tăng, song không ổn định cả về số lượng lẫn mật độ phân bố dân cư giữa các tộc người và chênh lệch rõ rệt giữa các vùng miền lãnh thổ. Đặc biệt, sự biến thiên về số lượng người của các tộc người dân tộc thiểu số cần được tìm hiểu thêm về tư liệu cũng như các nguyên nhân gây nên tình trạng đó. Tài liệu của Nguyễn Văn Của vào năm 1928, có ghi lại số lượng dân số của hai hạt Hớn Quản và Bù

Đốp theo đó hạt Hớn Quản có 7 làng người kinh với 772 dân đăng tịch và 37 làng người dân tộc thiểu số với 3.931 dân đăng tịch. Hạt Bù Đốp có một làng Việt với 53 người và 8 làng người dân tộc thiểu số với 957 dân đăng tịch [16, tr 545]. Một tư liệu lưu trữ khác cho biết thêm về tình hình dân số chung của tỉnh Thủ Dầu Một năm 1936 – 1937 là 128.000 người, trong số đó có 110.000 người Việt, 3435 người Hoa (Minh Hương) và 85 người Âu hoặc viên chức thực dân [96, tr 63 – 64]. Nguồn tài liệu của Công đoàn Cao su Việt Nam có ghi vào năm 1938 đồn điền Lộc Ninh sử dụng 2.152 công nhân có hợp đồng dài hạn, đồn điền Dầu Tiếng có 1.446 người có giao kèo [14, tr 120]. Tài liệu lưu trữ ký hiệu số N0/51 năm 1942, thống kê về tình hình nhân sự các đồn điền của Pháp ở Cao Miên và Nam Kỳ. Trong đó, thuộc tỉnh Bình Phước, có các đồn điền với số lượng nhân sự cụ thể: Đồn điền Quản Lợi tổng cộng 6.548 người, đồn điền Xa Cam tổng cộng 2.896 người, đồn điền Xa Trạch tổng cộng 1.246 người, đồn điền Long Thành có tổng số là 2.401 người. Số liệu trên cho thấy đồn điền Quản Lợi có số lượng nhân sự đông nhất, chiếm 22.1% tổng số nhân sự của Pháp ở các đồn điền trên đất Cao Miên và Nam Kỳ.

Đồn điền Lộc ninh và Minh Thạnh thuộc Công ty Cao su Lộc Ninh, khai thác từ năm 1919 đến năm 1949, sau 30 năm kinh doanh, đã chiêu mộ được 37.418 dân phu.

Riêng Công ty Cao su Đất đỏ, từ năm 1917 đến năm 1945, đã chiêu mộ được 197.859 dân phu [5, tr 23]. Những số liệu trên chỉ kể số công nhân chiêu mộ theo hợp đồng (travailleurs engagés contractuels), chưa kể những công nhân tạp mộ (coolies libres). Công nhân tạp mộ cũng xấp xỉ với công nhân chiêu mộ về số lượng.

Thời điểm thiếu nhân công, sở Quản Lợi chỉ hoạt động được 4 trong số 7 làng hiện có của sở. Năm 1944, đồn điền Quản Lợi có 8.238 công nhân người Việt và công nhân thuộc quốc tịch khác rất ít. Đến tháng 12 năm 1951, Quản Lợi chỉ có tất cả 3.594 công nhân. Trong số này, có 2676 công nhân người kinh, khỏang 1.000 công nhân khác [5, tr 101] gồm người dân tộc thiểu số và phần lớn là những người Hoa thuộc Quốc Dân Đảng Trung Hoa tị nạn.

Năm 1941 theo tờ trình của chủ tỉnh Pháp, thì dân số được 208.313 người, trong số đó gồm:

147.283 người Kinh quê gốc miền Tây Nam Kì

22.519 người người Kinh quê gốc ở Bắc Kì, phần lớn là công nhân đồn điền cao su 2.217 người người Kinh quê gốc ở Trung Kì

20.158 người dân tộc thiểu số, 307 Pháp lai

3.897 người Cao miên, 45 người thuộc quốc tịch Pháp 8.415 người Trung Hoa, 22 người Ấn Độ

2.886 người Minh hương, 3 người Lào

Người Stiêng, Bìetes và người Pnongs quy tụ ở phía bắc thuộc vùng Hớn Quản và Bù Đốp [69, tr 122 -125]. Người kinh quy tụ ở phía nam, thành nhiều thị trấn: Lái Thiêu, Búng, Bến Cát, Bến Súc, Dầu Tiếng hoặc ở những nơi có nhiều đồn điền cao su và trồng trọt dễ.

Dân số Thủ Dầu Một vào năm 1943, theo tờ trình của Thanh tra Hành chính, là 217.000 người, trong số ấy, có 187.000 người kinh và 19.600 người dân tộc thiểu số. Theo công bố của Tạp chí Phổ thông năm 1951 Thủ Dầu Một có 4 quận, 49 làng Việt, 51 làng người dân tộc thiểu số, thuộc 19 tổng như sau:

Thuộc quận tỉnh lị: 4 tổng, 28 làng Việt Thuộc quận Bến Cát: 2 tổng, 14 làng Việt

Thuộc quận Hớn Quản 6 tổng, 6 làng Việt, 36 làng thiểu số Thuộc quận Bù Đốp 7 tổng, 1 làng Việt, 15 làng thiểu số

Dân số và số lượng dân cư trong lịch sử là một thực thể động rất khó thống kê đầy đủ.

Mặt khác, đối với tỉnh Bình Phước, từ thời triều Nguyễn cai trị đã có nhiều tộc người dân tộc thiểu số sinh sống tập trung, giữa các tộc người thường xảy ra xung đột tranh giành đất đai và nguồn nước sinh hoạt, tình hình này kéo dài đến năm 1936.

Trong suốt quá trình bình định cai trị vùng đất này, thực dân Pháp nhiều lần tách nhập, lập mới các làng, tổng làm thay đổi liên tục ranh giới hành chính. Do vậy, việc thống kê chính xác số lượng dân số, dân cư được khai thác trong luận án từ nguồn thống kê của Thống đốc Nam Kỳ là cơ sở tham khảo để tiếp tục nghiên cứu sau này.

Một phần của tài liệu NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC THỜI PHÁP THUỘC (1862 – 1945 (Trang 109 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(211 trang)