2.3. Khái quát công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở Việt Nam, ở tỉnh Thái Nguyên và trên địa bàn huyện Phổ Yên giai đoạn 2011 - 2014
2.3.1. Tình hình quản lý Nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước
Lĩnh vực quản lý đất đai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn ngành đã triển khai toàn diện, đồng bộ việc tổ chức thi hành Luật đất đai.Trong năm 2014 Bộ đã trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật, quy định về giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, khung giá đất; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 02 Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; ban hành 12 Thông tư hướng dẫn. Các địa phương đã ban hành hàng trăm văn bản, quy định chủ yếu tập trung hạn mức công nhận đất ở, về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, hạn mức giao đất, về uỷ quyền thu hồi đất... để triển khai thực hiện. (Báo cáo tóm tắt của ngành TN &
MT,2014)[7]
Triển khai thoả thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về trình độ đo đạc; tích cực và nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia; tăng dày, tôn tạo và hiện đại hóa hệ thống mốc biên giới Việt Nam-Lào; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Chỉ đạo các địa phương thực hiện cấp giấy chứng nhận bằng nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả, các địa phương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Quốc hội. Đến nay, cả nước đã cấp được 41,6 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích cần cấp. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại gần 500/ tổng số 7.900 xã, phường, thị trấn; trong đó một số tỉnh, huyện đã cơ bản hoàn thành và đã đưa
vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực cho quản lý đất đai, điển hình là tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long, Long An, An Giang, Thừa Thiên - Huế,...
(Báo cáo tóm tắt của ngành TN & MT,2014)[7]
Đã cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất các cấp; đến nay Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của 63 tỉnh, thành phố và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh; UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của 560 huyện, quận, thị xã, đạt 80%; 7.900 xã, phường, thị trấn, đạt 66%. Quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đất đai, Bộ đã xây dựng và công bố 41 thủ tục đối với Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 30 thủ tục; 62 thủ tục đối với địa phương chưa thành thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 09 thủ tục. (Báo cáo tóm tắt của ngành TN &
MT,2014)[7]
Năm 2007, “Cục Đo đạc và Bản đồ đã hoàn thành bộ bản đồ Địa chính bằng ảnh hàng không tỷ lệ 1/10000 của 10/17 tỉnh trong dự án: Lập bản đồ Địa chính bằng ảnh hàng không cho 9 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và 8 tỉnh vùng núi phía Bắc, vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ, làm cơ sở pháp lý giao đất giao rừng và cấp GCNQSD đất cho nhân dân.” (Vigac, 2009)[18].
Đến nay đo đạc và bản đồ tập trung xây dựng dự án Luật đo đạc và bản đồ;
trình Chính phủ dự thảo Nghị định về hoạt động đo đạc và bản đồ. Hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ hai nước phê duyệt dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên và môi trường nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Trong năm 2012, Thanh tra chính phủ đã phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành thành lập 28 đoàn rà soát lại tình trạng khiếu kiện, khiếu nại ở 53 tỉnh thành trên cả nước, kết quả cụ thể: “ Kết quả cụ thể trong 528 vụ việc tồn
động kéo dài, có 509 vụ việc khiếu nại, 19 vụ tố cáo. Khiếu nại về đất đai là 422 vụ ( chiếm 79,9% ), trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng ( GPMB ), dự án thu hồi là 217 vụ ( chiếm 51% ); tranh chấp đất đai 115 vụ ( chiếm 27%
); đòi lại đất cũ là 78 vụ ( chiếm 18% ) và các khiếu nại khác có liên quan về đất đai như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi giấy phép… là 12 vụ; khiếu nại về nhà ở là 42 vụ việc ( chiếm 7,9% ) ”. Nguyên nhân chủ quan của tình hình khiếu nại tố cáo hiện nay Chính phủ nhìn nhận là công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém, bất cập. Nhất là trong lĩnh vực đất đai, thực hiện các dự án, dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo trên lĩnh vực này. (petrotimes.vn, 2012)[14]
Thị trường bất động sản tại Việt Nam hiện nay cho thấy, trong thị trường bất động sản của Việt Nam thì thị trường quyền sử dụng đất là chủ yếu và đang giữ vai trò quyết định đến sự phát triển của thị trường bất động sản;
đồng thời trong thị trường quyền sử dụng đất thì thị trường về đất ở chiếm tỷ trọng lớn.
Ngày 23/1/2012, Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ của 50 địa phương, tồn kho bất động sản ( BĐS ) về nhà ở là 42.203 căn nhà ( gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng); văn phòng cho thuê 92.800m2 sàn; trung tâm thương mại 98.407m2 sàn; đất nền nhà ở 7.922.485 m2 ; đất thương mại khác 195,1ha. Ước tính, giá trị tổng lượng vốn tồn kho của BĐS khoảng 111.963 tỷ đồng. Tuy nhiên số liệu trên chưa phản ánh đúng thực tế. (Phương Thảo: tổng hợp theo café, ĐTCK, Gafin ) [13].
Nhìn chung, công tác quản lý đất đai đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việc Bộ tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định, ban hành các Thông tư theo thẩm quyền ngay khi Luật đất đai có hiệu lực thi hành đã khắc phục tình trạng Luật chờ văn bản hướng dẫn, đảm bảo tốt các điều kiện để thi hành Luật. Song song với việc hoàn thiện chính
sách, pháp luật về đất đai; các địa phương cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo về quản lý và sử dụng đất đang tồn đọng; quan tâm kiện toàn bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý đất đai.