Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Đánh giá thực trạng và những yếu tố hạn chế đến phát triển sản xuất chè shan tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
3.1.1. Thực trạng sản xuất chè shan tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
3.1.1.1. Diện tích, năng suất chè Shan tuyết Suối Giàng
Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng núi phía Bắc, do nằm sát chí tuyến Bắc trong vành đai Bắc bán cầu, khí hậu tỉnh Yên Bái mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa nóng mưa nhiều, từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình khoảng 23 - 280C và lượng mưa chiếm tới 90% lượng mưa cả năm. Mùa đông có khí hậu lạnh, mưa ít, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Song do có sự khác biệt rõ rệt ở độ cao và địa hình, địa thế nên địa bàn tỉnh Yên Bái hình thành các tiểu vùng khí hậu khác nhau. Sản xuất chè là một trong những ngành có thế mạnh ở Trung du và Miền núi nói chung và ở Yên Bái nói riêng. Cây chè ít tranh chấp đất với cây lương thực, thích hợp trên đất dốc. Trồng chè có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế xói mòn, rửa trôi. Chè là cây trồng sử dụng có hiệu quả đất đai, khí hậu vùng đồi núi.
Phát triển chè sẽ thu hút được lượng lao động đáng kể, không chỉ trong khâu sản xuất nguyên liệu mà cả trong khâu chế biến và tiêu thụ.
Do vậy phát triển chè ngoài ý nghĩa kinh tế, còn ổn định đời sống và định cư cho người dân do sử dụng nhiều lao động tại chỗ để chăm sóc, thu hái, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ chè. Cây chè thực sự được coi là người bạn “chung thuỷ” của nông dân. Cây chè tỉnh Yên Bái đã từng là “cây xoá đói giảm nghèo” và hiện đang là “cây làm giàu” của của nhiều hộ nông dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái có diện tích chè lớn nhất trong cả nước, cả 9 huyện, thị đều có sản xuất chè. Vùng chè tập trung có diện tích lớn nhất là các huyện Văn Chấn 4.393 ha, Trấn Yên 2.074 ha và Yên Bình 1800 ha. Văn
Chấn là huyện có diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh Yên Bái. Tổng diện tích chè của toàn huyện khoảng trên 4.393 ha. Khi nói đến chè Văn Chấn không thể thiếu chè Shan tuyết Suối Giàng. Chè Shan tuyết Suối Giàng là giống chè cổ thụ ở vùng núi phía Bắc nước ta. Búp chè có nhiều lông tơ, trắng và mịn trông như tuyết nên còn gọi là chè tuyết. Chè Shan tuyết còn được đánh giá cao bởi vị ngọt, ngậy, hương thơm đặc trưng và đặc biệt.
Cây chè Shan tuyết tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được xếp vào một trong sáu giống chè thủy tổ của thế giới. Xã Suối Giàng có hàng vạn cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao gần 1.400m so với mặt nước biển, cây chè Shan tuyết Suối Giàng hoàn toàn phát triển tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của đất trời và không hề có sự can thiệp của con người do đó sản phẩm chè xanh Suối Giàng có hương vị thơm ngon đặc biệt. Khi đến Suối Giàng nghiên cứu, viện sĩ K.M.Djemmukhtze thuộc viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã nhận xét rằng:
“Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là thủ phủ của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”.
Xã Suối Giàng chiếm 98% là bà con dân tộc Mông với trình độ dân trí còn thấp, 50% thu nhập của người dân từ cây chè, còn lại từ ngô và lúa…
Tổng diện tích chè tại xã Suối Giàng năm 2010 đạt gần 400 ha, trong đó diện tích chè có tuổi thọ trên 100 năm lên đến gần 300 ha, còn lại là diện tích được người dân trồng trong những năm gần đây. Kết quả điều tra tình hình sản xuất chè shan tại xã Suối Giàng được trình bày tại bảng 3.1.
Bảng 3.1: Diện tích, năng suất, sản lượng chè Shan Suối Giàng qua các năm Năm Diện tích
(ha)
Năng suất (tấn/ha)
Sản lương chè tươi (tấn)
Sản lượng chè khô (tấn)
2010 394 1,21 480 92,307
2011 394 1,34 530 101,92
2012 394 1,26 500 96,15
2013 406,7 1,27 502,2 96,57
(Số liệu thống kê UBND xã Suối Giàng)
Qua bảng 3.1 ta thấy từ năm 2013, người dân xã Suối Giàng đã và đang mở rộng diện tích chè shan. Tuy nhiên năng suất chè shan tại xã còn rất thấp.
Do tập quán canh tác của người dân nên việc áp dụng các biện pháp nhằm tăng năng suất chè chưa nhiều. Năng suất búp tươi đạt thấp, dao động từ 1,2 đến 1,3 tấn/ha.
3.1.1.2. Đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chè shan ở các hộ điều tra
Nhằm đánh giá mức độ đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chè shan tuyết Suối Giàng, chúng tôi tiến hành điều tra 35 hộ dân trồng chè tại xã Suối Giàng. Kết quả điều tra tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chè Shan tuyết Suối Giàng được trình bày tại bảng 3.2.
Qua bảng 3.2 cho thấy:
Người dân tại xã Suối Giàng không bón bất kỳ một loại phân, cũng như sử dụng một loại thuốc BVTV nào cho cây chè. Đây là lý do khiến năng suất chè Shan tuyết tại đây thấp bình quân chỉ từ 1,2 đến 1,3 tấn/ha.
Bảng 3.2. Đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chè shan Suối Giàng ở các hộ điều tra
TT Số hộ
điều tra Thôn, bản
Diện tích bình quân/hộ
(ha)
Năng suất bình
quân (tấn/ha)
Mức đầu tư thuốc BVTV
Mức đầu tư phân
bón
1 9 Pang Cáng 2,05 1,34 - -
2 9 Bản mới 1,25 1,22 - -
3 9 Giàng B 1,70 1,31 - -
4 8 Giàng A 1,87 1,13 - -
Trung bình 1,71 1,25 - -
(Kết quả điều tra trực tiếp nông hộ) 3.1.1.3. Sự áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất chè shan ở các hộ điều tra
Để tìm hiểu trình độ thâm canh, mức độ áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất chè shan tuyết tại xã suối giàng chúng tôi tiến hành điều tra, đánh giá việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất chè shan tuyết, kết quả điều tra được trình bày tại bảng 3.3.
Bảng 3.3 : Đánh giá việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất chè shan Suối Giàng
(Đơn vị: % số hộ đánh giá)
Chỉ tiêu Có áp dụng Không áp dụng
Số hộ Tỉ lệ (%) Số hộ Tỉ lệ (%)
Xới xáo, làm cỏ 32 91,4 3 8,6
Tỉa cành la, quả 3 8,6 32 91,4
Tủ chè 0 0,0 35 100,0
Đốn chè hàng năm 34 97,1 1 2,9
(Kết quả điều tra trực tiếp nông hộ) Qua bảng 3.3 ta thấy, việc áp dung các biện pháp kỹ thuật vào canh tác chè shan tại xã Suối Giàng còn rất hạn chế. Có 32 trên tổng số 35 hộ điều tra, chiếm 91,4% số hộ có áp dụng biện pháp kỹ thuật làm cỏ chè. Về biện pháp kỹ thuật đốn chè hàng năm có 34 trên tổng số 35 hộ điều tra, áp dụng biện pháp kỹ thuật đốn chè hàng năm, chiếm 97,1 % số hộ được hỏi.
Tuy nhiên qua điều tra chúng tôi nhận thấy thời điểm đốn chè của người dân là vào tháng 4 hàng năm, đốn khi hái lứa hái vụ xuân. Căn cứ vào đặc điểm khí hậu thời tiết của huyện Văn Chấn thì thấy rằng tháng 4 không phải là tháng có nhiệt độ thấp nhất do vậy nếu đốn vào thời điểm này có lẽ chưa phù hợp.
3.1.2. Đánh giá những yếu tố hạn chế đến phát triển sản xuất chè Shan tại xã Suối Giàng
3.1.2.1. Kết quả điều tra đánh giá những yếu tố hạn chế đến sản xuất chè shan Suối Giàng
Để đánh giá các yếu tố hạn chế đến sản xuất chè shan Suối Giàng chúng tôi tiến hành phát phiếu điều tra.
Kết quả điều tra đánh giá các yếu tố hạn chế đến sản xuất chè shan Suối Giàng được trình bày ở bảng 3.4.
Bảng 3.4. Các yếu tố hạn chế đến sản xuất và phát triển sản xuất chè shan Suối Giàng
TT Các yếu tố hạn chế
Tổng số hộ điều
tra
Đồng ý Không đồng ý Số hộ
(Hộ)
Tỉ lệ (%)
Số hộ (Hộ)
Tỉ lệ (%)
1 Do kỹ thuật canh tác 35 33 94,3 2 5,7
2 Do mức đầu tư thâm canh thấp 35 34 97,1 1 2,9
3 Do thị trường tiêu thụ 35 20 57,1 15 42,9
4 Do hiệu quả kinh tế thấp 35 5 14,3 30 85,7
(Kết quả điều tra trực tiếp nông hộ) Qua bảng 3.4 kết quả điều tra các yếu tố hạn chế đến sản xuất và phát triển sản xuất chè shan tại xã Suối Giàng chúng tôi nhận thấy: Yếu tố hạn chế do kỹ thuật canh tác có 33 hộ đồng ý trên tổng số 35 hộ được hỏi, chiếm 94,3%, số hộ không đánh giá chiếm 5,7% (Chỉ có 2/35 hộ không đánh giá); Yếu tố hạn chế đến sản xuất chè do mức đầu tư thâm canh thấp có tổng số 34 hộ đánh giá trong tổng số 35 hộ được hỏi, chiếm 97,1%; Yếu tố do hiệu quả sản xuất chè thấp có 5 hộ đánh giá trên tổng số 35 hộ được hỏi, chiếm 14,3%.
3.1.2.2. Đánh giá chung
Qua kết quả điều tra cho thấy: Năng suất chè shan Suối Giàng thấp; Các biện pháp kỹ thuật được người dân áp dụng cho canh tác chè shan mới chỉ là là biện pháp làm cỏ và biện pháp đốn tỉa, người dân chưa bón phân cũng như áp dụng them một biện pháp kỹ thuật nào khác cho cây chè shan nơi đây. Kết quả điều tra, đánh giá yếu tố hạn chế đến sản xuất chè shan tại xã Suối Giàng cho thấy: Yếu tố hạn chế đến sản xuất chè shan Suối Giàng là là do kỹ thuật canh tác và do mức đầu tư thâm canh thấp. Vì vậy, việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật như thời vụ đốn, kỹ thuật bón phân ... cho sản xuất chè shan Suối Giàng là cần thiết.