Chương 1. QUAN NIỆM VỀ XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO VÀ ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN KIM THÀNH (TỈNH HẢI DƯƠNG)
1.2. Một số đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương)
1.2.1. Tình hình kinh tế - xã hội huyện Kim Thành trước năm
Trước đó Kim Thành là một huyện độc lập, đến năm 1979, thực hiện Quyết định của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hai huyện Kim Thành và Kinh Môn hợp nhất lấy tên là huyện Kim Môn.
Kim Môn là huyện nằm ở phía Đông tỉnh Hải Dương có điều kiện tự nhiên và vị trí giao thông thuận lợi: phía Bắc giáp Đông Triều (Quảng Ninh),
phía Đông giáp huyện An Dương (Hải Phòng). Toàn huyện có diện tích hành chính tự nhiên 28.708 ha.
Về kinh tế - xã hội, Kim Môn là huyện có diện tích rộng, địa hình đa dạng, đồng bằng xen lẫn núi, sông nên vừa có thuận lợi vừa có khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Trong giai đoạn này, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kim Môn lần thứ V và lần thứ VI, kinh tế - xã hội của huyện có sự chuyển biến quan trọng:
Sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng trung bình 7.63%/năm, năng suất lúa không ngừng được nâng cao. Bình quân lương thực đầu người 430 kg/năm. Diện tích đất canh tác tăng từ 2,02 lần lên đến 2,14 lần. Chăn nuôi tăng nhanh, trong đó nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh mẽ, bình quân tăng 7%/năm. Phong trào vật nuôi đặc sản được mở rộng, nhờ đó mà tỉ trọng chăn nuôi chiếm 25% cơ cấu nông nghiệp.
Trong nông thôn ngày càng có nhiều hộ đầu tư hàng chục triệu đồng để phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ, cải tạo vườn tược, trồng cây đặc sản: vải, cam, quýt,… nghề trồng dâu nuôi tằm được khôi phục. Phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc đem lại hiệu quả, toàn huyện trồng được 120 ha rừng.
Tuy nhiên, Kim Môn là một huyện có trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, việc tiếp thu ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế.
Vì vậy, nền nông nghiệp của huyện còn mang tính chất độc canh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Lương thực bình quân đầu người còn thấp, đạt 410 kg/năm. Giá trị thu nhập 1ha canh tác mới đạt 20.700.000 đồng. Thu nhập bình quân là 235 USD/người/năm. So với các huyện trong tỉnh Hải Dương, huyện Kim Môn có tốc độ tăng trưởng chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Kết quả trên chưa tương ứng xứng với tiềm năng của huyện, thu nhập bình quân đầu người thấp. Trong giai đoạn này số hộ nghèo đói của huyện tương đối cao.
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ sau nhiều năm giảm sút đã dần được phục hồi. Cơ cấu sản xuất thời kỳ này đang chuyển dần sang cơ chế thị trường. Một số ngành sản xuất chế biến gỗ, may mặc, xay xát… tăng khá nhanh, ngành nghề truyền thống được khôi phục, số hộ làm công nghiệp nhỏ, vận tải, khai thác vật liệu xây dựng, dịch vụ nông thôn tăng nhanh. Năm 1997 có 412 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm gần 80% giá trị tiểu thủ công nghiệp của huyện, đảm bảo trên 70% hàng hoá bán ra thị trường, toàn huyện có một doanh nghiệp tư nhân, ba xưởng tư doanh và một công ty trách nhiệm hữu hạn đã giải quyết được một lực lượng lao động đáng kể cho người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do chưa đổi mới đồng bộ thiết bị công nghệ và trình độ quản lý tay nghề, vốn, thị trường tiêu thụ còn chưa được mở rộng, nên một số ngành nghề truyền thống chưa được phát triển mạnh. Đầu tư cho phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chưa cao, chất lượng sản phẩm còn thấp, doanh thu mà ngành này mang lại cho nhân dân trong huyện chưa tương xứng với tiềm năng, nên chưa góp phần quan trọng vào phong trào xoá đói, giảm nghèo.
Xây dựng cơ sở hạ tầng được huyện ưu tiên hàng đầu, tiến hành tu sửa đường giao thông liên huyện, liên xã, tu sửa đê điều và xây dựng công trình điều tiết nước qua đê, nạo vét một số kênh mương; đồng thời đầu tư nâng cấp các trạm biến áp, tu sửa và mở rộng mạng lưới điện, nâng cao chất lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Thực hiện chủ trương “điện đi trước một bước”, Kim Môn đã xây dựng hai hệ thống đường dây điện 35 kv phục vụ cho thuỷ lợi, sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cuối năm 1996, huyện đã xây dựng thêm một trạm trung gian 35/10kv với biến áp 1000KVA và 75 trạm gồm 77 biến áp 35/04 KVA.
Tổng dung lượng lên tới 3.345 KVA và 148 đường dây, 42/45 xã trong huyện nhân dân được dùng điện. Huyện có một bưu điện trung tâm và 6 bưu điện khu vực, 10 tổng đài điện thoại, 43/45 xã có hệ thống loa đài phát thanh với hàng
trăm loa công cộng công suất 25 KW. Tuy nhiên, xây dựng kết cấu hạ tầng thời kỳ này chưa đạt yêu cầu, công tác quy hoạch quản lý xây dựng nhà còn yếu kém, lãng phí thất thoát nhiều, nhân dân chưa thực sự được hưởng những lợi ích thiết thực từ những dự án trên.
Về văn hoá - xã hội, Kim Môn là một huyện có dân số đông, trình độ dân trí thấp, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn chưa nhiều dẫn đến chất lượng giáo dục thấp. Thiếu việc làm là vấn đề bức xúc chưa được giải quyết. Trang thiết bị phục vụ cho giáo dục và y tế còn yếu và thiếu, ít được chú trọng nên đời sống văn hoá ở cơ sở còn lạc hậu, sức khoẻ của người dân chưa được quan tâm. Một số hủ tục và tệ nạn tăng nhanh, đời sống của nhân dân trong huyện vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Với tình trạng trên, Đảng bộ huyện cùng với các cấp, ban, ngành trong huyện đã nỗ lực và thường xuyên quan tâm tới đời sống tinh thần của nhân dân. So với các năm học trước, từ năm học 1991 - 1992, chất lượng giáo dục toàn diện đã được nâng cao, tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm, trình độ giáo viên được chú trọng hơn, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân được huyện quan tâm hơn cả về vật chất và chuyên môn, hàng năm thăm khám và điều trị cho trên dưới một ngàn người.
Nhiều hộ có công trình vệ sinh đảm bảo, chính sách kế hoạch hoá gia đình bắt đầu có hiệu quả. Đời sống văn hoá của nhân dân được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, so với nhiều huyện khác trong tỉnh, tệ nạn trong huyện vẫn còn nhiều làm cho đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chính sách xã hội cũng được quan tâm đáng kể, tuy nhiên vẫn cần phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân.
Có thể khẳng định, trước năm 1997, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Kim Môn, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, mức sống tăng, nhưng chưa xứng với tiềm năng của huyện, còn nhiều bất cập đặt ra:
tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân người dân còn thấp chủ yếu dựa
vào nông nghiệp; dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống chậm phát triển, lao động thiếu việc làm, tệ nạn xã hội gia tăng, cơ sở hạ tầng thấp kém; công tác đầu tư xoá đói, giảm nghèo còn chưa được quan tâm nên sự chênh lệch ở mức sống của người dân còn cao. Trong toàn huyện còn nhiều hộ nghèo, khó khăn chồng chất khó khăn nên huyện cần quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống nhân dân. Muốn làm được điều đó, huyện cần phải đẩy mạnh phong trào xoá đói, giảm nghèo, phải coi đây là chìa khoá để cải thiện và nâng cao mức sống cho nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó khăn và phức tạp trước năm 1997 đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Thành giai đoạn sau khi tách huyện.