Đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) từ năm 1997 đến năm 2007

Một phần của tài liệu đảng bộ huyện kim thành lãnh đạo thực hiện xóa đói giảm nghèo tu nam 1997 den nam 2007 (Trang 32 - 36)

Chương 1. QUAN NIỆM VỀ XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO VÀ ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN KIM THÀNH (TỈNH HẢI DƯƠNG)

1.2. Một số đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương)

1.2.2. Đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) từ năm 1997 đến năm 2007

Năm 1997, do điều kiện cần thiết chuyển sang thời kỳ phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định tách huyện Kim Môn để tái lập hai huyện Kim Thành và Kinh Môn.

Từ ngày 1-4-1997, huyện Kim Thành bắt đầu làm việc theo đơn vị hành chính như trước khi hợp nhất. Huyện lỵ được đặt ở thị trấn Phú Thái.

Thực hiện Quyết định của Quốc hội kỳ họp thứ 10 khoá IX, tháng 11-1996, tỉnh Hải Hưng đã chia tách để lập hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, huyện Kim Thành thuộc tỉnh Hải Dương.

Trải qua nhiều lần phân hợp, đến nay Kim Thành gồm có 20 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên là 113.16km2, trong đó diện tích canh tác là 14.552 ha, còn lại là đất thổ cư, ao hồ và kênh rạch. Dân số tính đến ngày 1-4-1999 là 124.111 người, mật độ 1.096 người/km2.

Kim Thành nằm ở phía Đông tỉnh Hải Dương nơi có vị trí địa lý giao thông thuận tiện. Phía Bắc giáp huyện Kinh Môn, phía Tây giáp huyện Thanh Hà, phía Đông Nam giáp huyện An Hải - Thành phố Hải Phòng.

Kim Thành có hệ thống sông ngòi dày đặc rất thuận lợi cho việc tưới tiêu, phát triển kinh tế và giao thông đường thuỷ. Các con sông như sông Vận (sông Kinh Môn), sông Rạng, sông Lai Vu, sông Lạch Tray bao quanh huyện dài 55km. Những con sông này đã bồi đắp nên những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ của huyện. Từ những con sông này, người dân Kim Thành còn khai thác được nguồn thực phẩm khá phong phú với các đặc sản: tôm, cá, rươi, ruốc, cáy…

Bên cạnh giao thông đường sông, Kim Thành còn có thuận lợi về giao thông đường sắt, đường bộ. Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua 3 ga (Phú Thái, Phạm Xá, Lai Khê) trong huyện với chiều dài 18km từ Lai Vu đến Kim Lương; có đường quốc lộ số 5 chạy dài 18 km song song với đường sắt nối ba thành phố Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng; có đường 188 chạy qua địa phận của huyện từ Phúc Thành đến Tam Kỳ dài 14,5km; đường 186 chạy qua địa phận huyện từ Lai Khê đến Phà Mây dài 1,5km nối liền với khu Đông Triều (Quảng Ninh). Những con đường này đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân Kim Thành phát triển kinh tế - văn hoá, mở rộng giao lưu với các huyện và các tỉnh bạn.

Kim Thành có bốn tuyến đê lớn là: đê tả sông Lai Vu từ Tuần Mây đến cầu Lai Vu dài 4.511m; đê tả sông Rạng từ cầu Lai Vu đến Liên Hoà dài 22.240m; đê hữu sông Kinh Môn từ Tuần Mây đến Kim Lương dài 20.838m;

đê tả sông Lạch Tray từ Liên Hoà đến Tam Kỳ dài 7.345m. Đây là những tuyến đê quan trọng của tỉnh Hải Dương. Ngoài tác dụng chống lũ lụt ngăn nước cho các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà,… những con đê này còn là các tuyến đường giao thông thuận lợi cho nhân dân trong huyện.

Nhìn chung, các tuyến giao thông đường sông, đường bộ, đường sắt đã tạo điều kiện thuận lợi cho Kim Thành tiếp xúc, liên kết và giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các vùng trong tỉnh, trong huyện và cả với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Dương và Thành phố Hải Phòng. Tuy vậy, sông ngòi nhiều

cũng tạo nên sự chênh lệch của đồng ruộng cao thấp khác nhau gây nhiều khó khăn trong quá trình canh tác như hạn hán, úng ngập.

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Kim Thành hàng năm có hai mùa tương đối rõ rệt: mùa nóng và mùa lạnh. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa lạnh bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình khoảng 23oC, lượng mưa trung bình khoảng 1.500 - 1.600 mml. Với khí hậu đó, Kim Thành có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp một cách đa dạng, nhất là nghề trồng lúa nước. Đây là nghề chính của nhân dân địa phương từ lâu đời với các giống lúa: Tám, Dâu, Nếp cái hoa vàng, Ré đỏ… là những giống lúa được nhân dân nơi đây lựa chọn gieo cấy và trồng đại trà. Ngày nay, nhân dân huyện Kim Thành đã đưa nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao vào đồng ruộng. Ngoài ra, nhân dân Kim Thành còn trồng xen canh nhiều loại rau màu: ngô, khoai, đỗ tương, củ đậu, ớt,… cây màu vụ đông đã góp phần cải thiện được đời sống của nhân dân. Cây ăn quả cũng được người dân Kim Thành đặc biệt chú trọng. Nhiều xã trong huyện đã trồng nhiều vải thiều, chuối, cam… Các sản phẩm này đã được trao đổi rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cùng với nghề trồng trọt, nhân dân huyện Kim Thành còn rất chú trọng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi đặc sản nước ngọt như: lợn, gà, cá, ba ba,… Tuy chăn nuôi không tập trung thành vùng mà rải rác trong các hộ gia đình với hiệu quả kinh tế chưa thật cao nhưng nó đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, nâng cao đời sống nhân dân.

Song song với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Kim Thành còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như nghề: làm quạt, dệt chiếu, dệt vải ở Bất Nạo (Kim Anh), trồng dâu nuôi tằm, dệt vải ở Cổ Dũng… Ngoài ra, còn có các nghề như mộc, rèn, thêu ren ở rải rác ở các xã trong huyện.

Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi nên nghề buôn bán ở huyện Kim Thành phát triển sớm, tập trung ở một số nơi trung tâm như: Bằng Lai, Phú Thái, Đồng

Xá, Phạm Xá, Lai Khê… Điều này thể hiện rõ qua các chợ ở Kim Thành như chợ Vàng (Liên Hoà), chợ Đồng Gia, chợ Kim Anh… Các chợ này thường họp theo phiên, đây không chỉ là trung tâm buôn bán trao đổi hàng hoá của nhân dân trong huyện mà còn là nơi giao lưu, buôn bán của nhân dân các huyện, và các tỉnh khác. Từ các chợ này, hàng hoá nông sản được chuyển đi nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh, đặc biệt được chuyển đi Thành phố Hải Dương, Thành phố Hải phòng và tỉnh Quảng Ninh…

Cộng đồng người Kim Thành chủ yếu là người Kinh, làng nào cũng có một ngôi chùa, còn lại rất ít người theo đạo Thiên chúa. Trong suốt quá trình lịch sử, nhân dân Kim Thành luôn đoàn kết, thương yêu đùm bọc, gắn bó bên nhau chống giặc ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên vượt qua mọi thử thách để xây dựng quê hương.

Đời sống văn hoá - tinh thần của người dân Kim Thành khá phong phú.

Các hội làng, đình đám, hội thi hát dân ca, diễn kịch… là những nét văn hóa truyền thống đáng quý của nhân dân nơi đây. Kim Thành là huyện có nhiều đình, đền, chùa, miếu là nơi ghi công những người con của quê hương đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng của quê hương, đất nước. Nơi đây mọi người có thể trao đổi kinh nghiệm về thời vụ, về tâm tư tình cảm… Tập tục này đã gắn kết mọi người với nhau thành những cộng đồng làng xã “tối lửa tắt đèn có nhau” và từ đó tình đoàn kết của nhân dân ngày càng được củng cố bền chặt hơn.

Nhân dân Kim Thành không chỉ siêng năng, cần cù chịu khó mà còn nổi tiếng là hiếu học và đã có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước. Tất cả được viết lên những trang sử hào hùng của huyện Kim Thành. Ngày nay, dưới sáng của nền giáo dục mới, truyền thống hiếu học của nhân dân Kim Thành lại được phát huy, nơi đây đã cống hiến cho đất nước thuộc mọi ngành, lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của nước nhà.

Chương 2

Một phần của tài liệu đảng bộ huyện kim thành lãnh đạo thực hiện xóa đói giảm nghèo tu nam 1997 den nam 2007 (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)