Nói đến “Tiêu chí” (criterion) là nói đến các tiêu chuẩn dùng để kiểm định hay đánh giá một đối tượng, mà bao gồm các yêu cầu về chất lượng, mức độ, hiệu quả, khả năng, tuân thủ các quy tắc và qui định, kết quả cuối cùng và tính bền vững của các kết quả đó.
Sau đây là các tiêu chí hoàn thiện pháp luật về kê biên tài sản THADS hiện nay:
Một là, có đầy đủ các quy định có liên quan đến kê biên tài sản THADS; quy định trong Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như pháp luật liên quan đến kê biên tài sản THADS.
Hai là, bảo đảm rõ ràng, minh bạch về thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản THADS và các đương sự.
Ba là, bảo đảm sự phối hợp giữa Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp với các Cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác thi hành án dân sự nói chung và trong kê biên tài sản THADS nói riêng.
Bốn là, bảo đảm cho việc phán quyết và xử lý kịp thời, triệt để khi phát hiện việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản có sai sót, vi phạm.
Năm là, đáp ứng yêu cầu thuận tiện cho việc áp dụng, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay và tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kê biên tài sản THADS.
Hoàn thiện pháp luật về kê biên tài sản để sử dụng quyền lực, sức mạnh của Nhà nước buộc người phải thi hành án trong khi có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành, cố tình chống đối, kéo dài nhằm mục đích không thực hiện nghĩa vụ mà bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên có hiệu lực pháp luật, góp phần đảm bảo việc tăng cường Pháp chế Xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được
thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để đồng thời giáo dục đối với người phải thi hành án khác nói riêng và với công dân nói chung về ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
1.3. PHÁP LUẬT VỀ KÊ BIÊN TÀI SẢN CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI CÓ GIÁ TRỊ THAM KHẢO TẠI VIỆT NAM
Để hoàn thiện quy định về kê biên tài sản thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện hành, theo tác giả, ngoài xem xét những bất cập, mâu thuẫn của quy định và những vướng mắc khi thi hành quy định về kê biên tài sản thi hành án dân sự còn phải tham khảo quy định của pháp luật kê biên tài sản nước ngoài để từ đó tìm ra phương án tối ưu nhằm hoàn thiện quy định này. Tham khảo pháp luật quy định về kê biên tài sản thi hành án của một số nước tiêu biểu và khu vực thì thấy cụ thể như sau:
Tại Nhật Bản
Về tổ chức, ở Nhật Bản thi hành án dân sự trước đây do thừa phát lại đảm nhận (theo luật số 51 năm 1890 kèm theo Qui chế Thừa phát lại, Quy chế thu lệ phí Thừa phát lại). Đến 1966, khi Luật chấp hành viên ra đời, thì chế định thừa phát lại không còn, thay vào đó là chế định chấp hành viên. Hiện nay cơ quan thi hành án Nhật Bản gồm hai bộ phận: Toà thi hành án và chấp hành viên. Toà thi hành án là một bộ phận của toà án sơ cấp. Ở Nhật có khoảng 50 Toà án sơ thẩm. Toà thi hành án quản lý các hoạt động thi hành án trong phạm vi chức năng của mình và trợ giúp Chấp hành viên trong thi hành án. Toà thi hành án có quyền ra các quyết định về thi hành án, đặc biệt là các quyết định về kê biên tài sản (bất động sản, máy bay, tàu thuyền...); quyết định việc hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án. Toà thi hành án giải quyết các khiếu nại về thi hành án, có quyền tiến hành kiểm tra việc thi hành án, có quyền yêu cầu lực lượng cảnh sát, cơ quan nhà nước khác hỗ trợ khi thực hiện các công việc theo thẩm quyền của mình.
Có 5 loại cưỡng chế thi hành án là: Cưỡng chế theo yêu cầu, bao gồm
việc thi hành các yêu cầu về thanh toán tiền và cưỡng chế thi hành các yêu cầu không liên quan đến việc thanh toán tiền; Cưỡng chế trên cơ sở các biện pháp cưỡng chế, được chia thành cưỡng chế trực tiếp và cưỡng chế gián tiếp;
Cưỡng chế thi hành tổng hợp và thi hành riêng lẻ; Cưỡng chế thi hành án trên cơ sở chức năng, bao gồm việc thi hành để thoả mãn một yêu cầu và việc thi hành biện pháp bảo đảm; Cưỡng chế trên cơ sở hiệu quả, được chia thành thi hành thực tế và thi hành tạm thời.
Pháp luật thi hành án dân sự của Nhật Bản quy định cấm kê biên và bán đấu giá để thi hành án một số tài sản, như: quần, áo, giường, chiếu, đồ dùng nấu ăn cần thiết phục vụ sinh hoạt của người phải thi hành án; dụng cụ, phân bón, vật nuôi phục vụ cho công việc làm ăn; thức ăn gia súc, vật nuôi; các Tượng phật, bài vị và các vật dụng khác cần thiết sử dụng trực tiếp trong lễ hội; Gia phả, nhật ký, sách thương mại hoặc những thứ khác cần thiết đối với người phải thi hành án; Huân chương, huy chương và những thứ khác biểu thị cho danh dự mà người phải thi hành án hoặc họ hàng của người này được nhận; Chân tay giả và những thứ khác dùng để hỗ trợ cho cơ thể mà người phải thi hành án cần dung (Điều 131 Luật Thi hành án dân sự Nhật Bản).
Chỉ kê biên tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ phải thi hành án và các chi phí có liên quan; khi kê biên tài sản phải xác định giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản đã kê biên.
Việc thi hành cưỡng chế đối với tàu biển được xác định là một trong những hình thức thi hành cưỡng chế yêu cầu thanh toán tiền để đảm bảo thi hành án. Việc thi hành cưỡng chế đối với tàu biển được áp dụng đối với tàu biển có tổng trọng tải từ 20 tấn trở lên và được thực hiện thông qua biện pháp mua bán cưỡng chế tàu biển.
Đối với việc cưỡng chế trả nhà, thì trong trường hợp một ngôi nhà mà bên phải thi hành án đang là đối tượng của một quyết định cho phép tiến hành quản lý cưỡng chế, nếu bên phải thi hành án không có chỗ ở
khác, thì Toà thi hành án có thể căn cứ vào đơn đề nghị của người phải thi hành án để cho phép họ và người thân của họ được sử dụng ngôi nhà đó trong một thời gian nhất định.
Tại Cộng hòa liên bang Đức
Về tổ chức, theo luật Đức, Toà án khu vực là cơ quan chịu trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án. Hệ thống toà án của Cộng hoà liên bang Đức gồm: Toà án khu vực, Toà án liên khu vực, Toà án cấp cao của bang và Toà án tối cao của liên bang. Ở toà án khu vực có Thẩm phán, nhân viên Toà án, Chấp hành viên và nhân viên thi hành án.
Địa vị pháp lý của Chấp hành viên được qui định trong Luật chấp hành viên, Qui chế Chấp hành viên. Tuy là công chức nhưng Chấp hành viên thực hiện công việc mình một cách độc lập, có con dấu riêng, có văn phòng riêng mang tên Chấp hành viên tại Toà án, được hưởng một khoản lương cố định.
Chấp hành viên có nghĩa vụ tiếp khách tại văn phòng của mình 2 lần mỗi tuần.
Theo pháp luật Đức thì trường hợp đương sự không có tài sản gì để thi hành án thì chủ nợ được quyền yêu cầu Toà thi hành án triệu tập con nợ đến toà để buộc con nợ phải tuyên thệ về việc không có tài sản để thi hành án.
Nếu con nợ không chịu tuyên thệ, thì chủ nợ có quyền yêu cầu toà án bắt giam đến khi con nợ đồng ý tuyên thệ, nếu không sẽ bị giam giữ kéo dài (tối đa 6 tháng một lần) và mọi chi phí trong thời gian giam giữ do chủ nợ chịu.
Ở Đức, người ta lập danh danh sách các con nợ không có khả năng trả nợ và lưu giữ tại Toà án để mọi người đều có thể xem được, nhất là những người đang có ý định thực hiện giao dịch với một đối tác cụ thể tìm hiểu xem đối tác của mình có tên trong danh sách con nợ hay không. Điều này tạo tâm lý buộc con nợ phải có gắng thi hành.
Quy định về cưỡng chế thi hành án: Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế thi hành đối với các trường hợp sau: Cưỡng chế thi hành đòi tiền từ động sản của con nợ; cưỡng chế thi hành vào giấy tờ có giá trị của con nợ;
cưỡng chế thi hành đối với hoa màu chưa được thu hoạch; cưỡng chế thi hành
việc trả lại đồ vật, trong đó có việc cưỡng chế buộc ra khỏi nhà.
Đối với trường hợp không có tài sản là động sản để thi hành án thì Toà án áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác, như: Khấu trừ thu nhập; trừ vào quyền yêu cầu của con nợ đối với người khác; trừ vào quyền tài sản của con nợ; yêu cầu cưỡng chế, phát mại tài sản của con nợ là bất động sản. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế phải đảm bảo cho người bị cưỡng chế vẫn đủ khả năng tiếp tục cuộc sống ở mức độ vừa phải, có điều kiện làm việc và nuôi sống gia đình.
Điều 811 Bộ luật tố tụng dân sự Đức quy định hết sức chi tiết các loại tài sản không được kê biên, ví dụ: vật dụng đối với điều kiện sống tối thiểu;
những con vật có số lượng ít như bò sữa, dê, cừu… nếu con vật đó cần thiết cho việc nuôi dưỡng người phải thi hành án và gia đình, kể cả thức ăn gia súc cần thiết trong khoảng thời gian 4 tuần hoặc số tiền mặt đủ mua số lượng tương tự.
Điều luật quy định cụ thể, chi tiết trong các trường hợp tài sản không được kê biên là công cụ lao động, trong trường hợp người phải thi hành án là người làm công trong các trang trại, là người ở góa, người vị thành niên…
Tại Cộng hòa Pháp
Về tổ chức, ở Cộng hoà Pháp, thi hành án dân sự do Toà thi hành án và Tổ chức thừa phát lại đảm nhiệm. Theo Đạo luật năm 1991 về cải cách thủ tục thi hành án, tại Toà án sơ thẩm có thẩm quyền rộng có các Thẩm phán thi hành án, được Chánh Toà chỉ định và uỷ quyền phụ trách thi hành án. Thẩm phán thi hành án không tham gia trực tiếp vào quá trình xét xử một vụ việc cụ thể mà chỉ xem xét đơn đề nghị công nhận và cho thi hành những quyết định của toà án, những quyết định của trọng tài. Trong lĩnh vực thi hành án, Thẩm phán thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tính hợp pháp hợp lệ của quá trình thi hành án, cho phép tiến hành các biện pháp kê biên bảo tồn, quyết định thời hạn tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại phát sinh trong quá trình thi hành án. Tuy nhiên, Thẩm phán thi
hành án không được xem xét lại quyết định đã có hiệu lực của Toà án, không được làm gián đoạn việc thi hành quyết định đó nếu không có cơ sở. Quan niệm ở Pháp, việc thi hành án là công việc có tính chất tư, chỉ liên quan đến các đương sự với nhau và thông qua thừa phát lại, tổ chức nghề nghiệp không phải là cơ quan Nhà nước; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quá trình đó. Tuy nhiên, việc thi hành hành này cần có sự giám sát của Nhà nước, đó là sự giám sát của Toà án, trực tiếp là của Thẩm phán thi hành án. Trong quá trình thi hành án, nếu có các vấn đề tranh chấp phát sinh, thì Thẩm phán thi hành án giải quyết.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự gồm có: Kê biên thanh toán nợ; kê biên tiền lương, tiền công; kê biên và bán các tài sản là động sản của người mắc nợ đang do người thứ ba giữ; phong toả động sản; các biện pháp thi hành án đối với các phương tiện cơ giới đường bộ; kê biên các tài sản vô hình; cưỡng chế trả nhà.
Mọi tài sản của người phải thi hành án đều có thể bị kê biên, kể cả tài sản đó đang do người thứ ba giữ. Tuy nhiên, những tài sản sau đây không thể bị kê biên: Tài sản không thể bị kê biên theo luật; thực phẩm, tiền trợ cấp nuôi dưỡng, trừ khoản tiền mà bên kê biên trả để cấp dưỡng cho bên bị kê biên;
các tài sản có thể định đoạt được nhưng được người viết di chúc hoặc người tặng cho tuyên bố không thể kê biên hoặc là theo sự cho phép của Thẩm phán và trong một tỷ lệ do Thẩm phán quyết định, được các chủ nợ sau này khi đã quyết định tặng cho hoặc mở thừa kế mà không thể kê biên; động sản cần thiết cho cuộc sống, việc làm của người phải thi hành án và gia đình họ, nếu như không phải để chi trả cho khoản nợ trong chừng mực mà sắc lệnh của Tổng thống cho phép, tuy nhiên những động sản đó vẫn có thể bị tịch biên nếu nằm ngoài nơi cư trú và nơi làm việc thường xuyên của con nợ, nếu đó là tài sản có giá trị như tài sản quý, hiếm, xa xỉ hoặc là tài sản có số lượng lớn vượt quá nhu cầu cần thiết; những động sản hữu hình của nghiệp sản thương
mại; vật dụng cần thiết của người tàn tật hay dùng để chăm sóc người ốm.
Trong việc thi hành cưỡng chế trả nhà, trừ trường hợp có quy định đặc biệt, việc trục xuất hoặc cưỡng chế ra khỏi một toà nhà, một nơi ở, chỉ được tiến hành nếu có quyết định của Toà án hoặc trên cơ sở một biên bản hoà giải có hiệu lực thi hành, sau khi đã có lệnh tống đạt giải toả nhà.
Việc bắt giữ tàu biển để thi hành án là một trong những biện pháp bảo đảm thi hành án. Sau khi có bản án, quyết định của Toà án buộc bên phải thi hành án phải thanh toán tiền mặt hoặc tài sản cho bên được thi hành án, thì Thẩm phán Toà án có thể ra quyết định bắt giữ tàu biển để bán.
Chỉ kê biên tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ phải thi hành án và các chi phí có liên quan.
Tại Singapore
Việc tổ chức thi hành án dân sự ở Singapore do Toà án đảm nhiệm. Hệ thống tổ chức Toà án ở Singapore gồm: Toà án tối cao và Toà án cấp dưới. Ở Toà án tối cao và Toà án cấp dưới có bộ phận Thi hành án. Các nhân viên Thi hành án vừa có nhiệm vụ Thi hành án vừa có nhiệm vụ tống đạt giấy tờ, thực hiện các lệnh bắt giữ. Nhân viên Thi hành án của Toà án nào thì thi hành bản án của Toà án đó.
Các biện pháp cưỡng chế được thể hiện bằng các lệnh của Toà án: Lệnh tịch thu tài sản; lệnh tịch thu các thu nhập của người phải thi hành án; lệnh trục xuất người phải thi hành án ra khỏi nhà; lệnh tháo dỡ nhà.
Đối với việc thi hành bản án trả nhà, nhân viên Thi hành án ấn định ngày người phải thi hành án phải trả lại nhà cho người được thi hành án và nói rõ nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế. Trường hợp người phải thi hành án cố tình dây dưa không trả nhà, nhân viên Thi hành án yêu cầu cảnh sát đi cùng để đưa người phải thi hành án và đồ đạc của họ ra ngoài, trả lại nhà cho người được thi hành án.
Trong trường hợp người phải thi hành án là cá nhân thực sự không có
tài sản để thi hành thì có thể làm đơn yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố phá sản. Nếu được Toà án tuyên bố phá sản, thì hoạt động thi hành án đối với họ chấm dứt.
Tại Thụy Điển
Hệ thống Cơ quan Thi hành án ở Thụy Điển thuộc hệ thống các cơ quan Nhà nước. Ở cấp Trung ương, Cơ quan Thi hành án trực thuộc Bộ Tài chính; ở địa phương, tương đương với 10 khu vực hành chính có 10 Cơ quan Thi hành án khu vực. Trong mỗi Cơ quan Thi hành án có Giám đốc, Chấp hành viên, nhân viên thanh tra và nhân viên hành chính.
Thi hành án dân sự Thụy Điển bao gồm cả thi hành dân sự và thi hành về thuế, thi hành án giản lược. Theo thủ tục thi hành án giản lược, Cơ quan Thi hành án được phép đưa ra thi hành những văn bản có giá trị thi hành là giấy tờ mà trong đó những quyền pháp lý được qui định rõ ràng theo Luật thi hành án. Đối với những văn bản này, Cơ quan thi hành án có thể ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án giản lược trả nợ theo yêu cầu của chủ nợ khi đến hạn thanh toán nợ mà con nợ không thanh toán. Nếu bên con nợ phủ nhận nợ thì có thể đệ đơn yêu cầu toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Ở Thụy điển, Cơ quan Thi hành án được quyền thu lệ phí thi hành án theo mức do pháp luật qui định. Ngoài lệ phí thi hành án, người phải thi hành án còn phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, nếu có.
Các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng là: Kê biên tài sản; trừ lương hoặc tiền công của con nợ; đuổi người thuê nhà ra khỏi nhà cho thuê; phá dỡ các công trình xây dựng; can thiệp vào việc thực hiện các hợp đồng; khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị xâm chiếm; một số biện pháp mang tính chất cảnh báo đối với những hành vi chống đối của con nợ và người có liên quan.
Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp phạt tiền. Nếu Chấp hành viên đã phạt tiền mà con nợ vẫn không đến thì Cơ quan thi hành án có quyền