Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN
2.3.1. Thực trạng thi hành quy định về kê biên tài sản thi hành án dân sự và những tồn tại, bất cập
Biện pháp kê biên tài sản là bước tiếp theo, là hệ quả, hậu quả của việc người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, cần thiết để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của phán quyết của cơ quan có thẩm quyền, cao hơn là tính nghiêm minh của pháp luật; là một trong những hoạt động quan trọng, nhằm khôi phục và bảo vệ các quan hệ xã hội bị xâm hại, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.
Để đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật, cũng như hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác Thi hành án dân sự. Nhờ có sự quan tâm và sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn quốc, nhiều bản án, quyết định của Toà án đã được thi hành dứt điểm bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, của cơ quan, tổ chức và các cá nhân công dân góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị của đất nước, tạo tiền đề cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Pháp luật về Thi hành án dân sự nói chung và pháp luật về kê biên tài sản thi hành án dân sự nói riêng đã ngày càng hoàn thiện qua các thời kỳ phát triển của đất nước. Thông qua việc quy định một cách cụ thể từng biện pháp kê biên tài sản tương ứng với mỗi loại tài sản khác nhau, Chấp hành viên dễ dàng lựa chọn được đối tượng và biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản thích hợp.
Thông qua việc quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục kê biên, Chấp hành viên khi tiến hành việc kê biên có thể xử lý dễ dàng các tình huống xảy ra trong thực tế.
Theo số liệu thống kê báo cáo 05 năm từ năm 2007 đến năm 2011 về số việc phải tiến hành biện pháp cưỡng chế trong đó có kê biên tài sản trong toàn quốc cho thấy:
Năm Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011 Tổng Số TH
xong 261.197 298.226 315.969 289.577 357.772 1.522.741 Số phải
cưỡng chế 7.417 7.725 6.091 6.547 17.188 44.968 Số tự
nguyện thi hành
251.665 284.172 305.746 277.906 332405 1.451.894
Số việc phải tiến hành cưỡng chế so với số việc tự nguyện thi hành án chỉ chiếm 3,1%, tuy nhiên, những vụ việc phải tổ chức cưỡng chế chủ yếu là các vụ việc có giá trị phải thi hành lớn; đã được Chấp hành viên, Chính quyền sơ sở vận động, giáo dục, thuyết phục nhiều lần, đã cho người phải thi hành án một khoảng thời gian tương đối dài để tự nguyện thi hành, nhưng đương sự vẫn cố tình kéo dài, chống đối, nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không tự nguyện thi hành, nên buộc phải tổ chức cưỡng chế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân.
Nhìn chung, các vụ việc cưỡng chế được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và đạt kết quả, không để lại hậu quả xấu, được cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của các quy định kê biên tài sản trong Luật THADS dẫn đến kết quả cao trong hoạt động tổ chức thi hành án dân sự, thì trong thời gian qua, việc áp dụng kê biên tài sản THADS trong thực tiễn cho thấy còn nhiều hạn chế, vướng mắc như sau:
2.3.1.1. Luật Thi hành án dân sự và nhiều Luật chuyên ngành khác còn những mâu thuẫn, không đồng bộ. Cụ thể, quy định của pháp luật về thi hành án dân sự có nội dung liên quan đến việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở khi kê biên tài sản đảm bảo thi
hành án.
Nhà ở và quyền sử dụng đất là loại tài sản mà khi tiến hành cưỡng chế có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách pháp luật điều chỉnh, nhiều Cơ quan quản lý. Mặt khác, theo phong tục và điều kiện kinh tế tại Việt Nam thì đất ở và nhà ở thuộc loại tài sản lớn, có gắn bó với đời sống và tinh thần người Việt theo quan niệm “An cư mới lạc nghiệp”, nên khi cưỡng chế gặp rất nhiều khó khăn, có nơi vấp phải sự chống đối đến cùng dẫn đến hậu quả xấu (như vụ tự thiêu của ông Mai Viết Đa tại thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, vụ chống đối dẫn đến chết cháy do tự cho nổ bình ga của ông Nguyễn Khắc Đương ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
Việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở khi kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án là một vấn đề quan trọng trong việc xác định tài sản có phải thuộc quyền sử dụng, sở hữu của người phải thi hành án hay không để ra quyết định kê biên tài sản. Trên thực tế đã xảy ra mâu thuẫn khi xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở giữa Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành với các Luật khác có liên quan, cụ thể là Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở năm 2005.
Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật dân sự năm 2005 thì đăng ký là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sở hữu hoặc sử dụng tài sản phải đăng ký, nhưng cũng theo quy định tại Điều 168, nguyên tắc này sẽ bị loại trừ nếu trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là kể từ thời điểm đăng ký chuyển quyền sử dụng tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chứ không phải có hiệu lực từ thời điểm được công chứng tại Văn phòng Công chứng.
Tuy nhiên, đối với việc xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở thì theo quy định tại khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở thì quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho,
bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng.
Như vậy, nhà ở cũng là một trong những loại tài sản thuộc diện loại trừ của Điều 168 Bộ luật dân sự, theo đó thì quyền sở hữu đối với nhà ở được chuyển kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng.
Như vậy, trường hợp người phải thi hành án khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với ngôi nhà thuộc sở hữu của mình cho người khác vào cùng một thời điểm đã được công chứng thì việc xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là khác nhau. Đối với quyền sử dụng đất thì được xác định vẫn còn thuộc quyền sử dụng của người phải thi hành án (vì chưa đi đăng ký chuyển quyền sử dụng), nhưng theo khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở năm 2005 thì tài sản là ngôi nhà trên đất đã thuộc quyền sở hữu của người được chuyển nhượng. Như vậy, về nguyên tắc thì quyền sử dụng đất của người phải thi hành án phải được kê biên để thi hành án, còn tài sản là ngôi nhà trên đất thì thuộc sở hữu của người khác mà không thuộc sở hữu của người phải thi hành án nữa.
Trường hợp này, Cơ quan thi hành án dân sự xử lý ngôi nhà trên để thi hành án gặp phải sự phản ứng gay gắt của đương sự. Nếu không kê biên nhà đất của người phải thi hành án (trường hợp vẫn còn giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, dù nhà đã bán và có công chứng) thì người được thi hành án sẽ khiếu nại vì cho rằng Chấp hành viên tạo điều kiện cho người phải thi hành án tẩu tán tài sản. Đây là một vấn đề vướng mắc, nổi cộm nhất trong khi tiến hành kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở hiện nay.
Ví dụ: Bản án dân sự sơ thẩm số 112/2010/DSST ngày 24/11/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng đã xét xử, quyết định: …“Buộc ông Trần Minh Sang và bà Thái Thị Thu Nga có trách nhiệm hoàn trả cho bà Dương Thị Oanh số tiền vốn vay còn nợ là 600.000.000 đồng và tiền lãi là 41.600.000 đồng, tổng cộng vốn và lãi là 641.600.000 đồng”…
Căn cứ đơn yêu cầu thi hành án của bà Dương Thị Oanh, ngày
15/02/2011, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng đã ra Quyết định thi hành án số 398/QĐ-THA và tiến hành các thủ tục thông báo, xác minh theo quy định. Kết quả xác minh cho thấy ông Sang, bà Nga có tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 169m2 thuộc thửa 226, tờ bản đồ 28 tại khóm 3, phường 4, thành phố Sóc Trăng và tài sản gắn liền với đất nhưng ngày 23/9/2010 đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Tuấn và bà Trần Thị Như Lệ (có công chứng tại Văn phòng công chứng Ba Xuyên). Ngày 06/10/2010, ông Tuấn nộp hồ sơ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Uỷ ban nhân dân thành phố Sóc Trăng.
Ngày 02/11/2010, Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 09/2010/QĐ-BPKCTT cấm ông Sang, bà Nga chuyển nhượng, tặng cho đối với tài sản nêu trên. Cùng ngày, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng đã ra Quyết định thi hành án số 147/QĐ-THA cho thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 09/2010/QĐ-BPKCTT.
Đến ngày 03/11/2010, ông Tuấn nộp lệ phí trước bạ nhà, đất và thuế thu nhập cá nhân tại Chi cục Thuế thành phố Sóc Trăng. Ngày 20/12/2010, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Hữu Tuấn, bà Trần Thị Như Lệ. Ngày 14/01/2011, Uỷ ban nhân dân thành phố Sóc Trăng thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/12/2010 và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tuấn, bà Lệ có bổ sung nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ngày 09/02/2011, ông Tuấn và bà Lệ đã thế chấp nhà, đất thửa 226, tờ bản đồ 28 cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh tỉnh Sóc Trăng để vay số tiền 800.000.000 đồng.
Về việc này, ngày 23/9/2010, ông Sang, bà Nga chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 169 m2 thửa số 226, tờ bản đồ 28 tại khóm 3, phường 4, thành phố Sóc Trăng và tài sản gắn liền với đất cho ông Tuấn, bà Lệ có công chứng tại Văn phòng Công chứng Ba Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Thời điểm Toà án nhân dân thành phố Sóc Trăng có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời số 09/2010/QĐ-BPKCTT và Bản án dân sự sơ thẩm số 112/2010/DS-ST thì ông Tuấn, bà Lệ người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất vẫn chưa hoàn tất thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 168, khoản 2 Điều 439 và Điều 692 Bộ Luật dân sự 2005, Điều 46 Luật Đất đai 2003 và khoản 4 Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP nên tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của ông Sang, bà Nga. Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự, khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNSTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự thì Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của ông Sang, bà Nga để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, phần tài sản là nhà ở nằm trên đất thì Toà án nhân dân thành phố Sóc Trăng có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau ngày ông Sang, bà Nga chuyển nhượng cho ông Tuấn, bà Lệ. Hợp đồng chuyển nhượng được công chứng tại Văn phòng công chứng. Do đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở thì tài sản nằm trên đất đã thuộc quyền sở hữu của ông Tuấn, bà Lệ từ ngày được Văn phòng công chứng chứng thực vào Hợp đồng chuyển nhượng nêu trên (tức là ngày 23/9/2010). Hiện nay, các bên đương sự đều có khiếu nại cho rằng Cơ quan Thi hành án dân sự đã làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng gặp bế tắc khi giải quyết vụ việc này.
2.3.1.2. Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này bộc lộ nhiều khiếm khuyết do chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, chưa đầy đủ các quy định điều chỉnh những vấn đề trong thực tiễn thi hành án dân sự
Thứ nhất, vướng mắc khi áp dụng quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010, hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong
thi hành án dân sự.
Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...”.
Về mặt lý luận, quy định này nhằm hạn chế việc đương sự tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ, gây khó khăn cho công tác thi hành án; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân với mục đích cuối cùng là bảo đảm hiệu lực thi hành trên thực tế các bản án quyết định của Tòa án. Mặc dù vậy, khi áp dụng các quy định trên vào thực tế đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc, do thiếu các quy định chi tiết, cũng như thiếu sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
Như chúng ta đã biết, để xác định chủ sở hữu tài sản phải căn cứ theo quy định của Bộ Luật dân sự, cụ thể tại Điều 170 Bộ luật Dân sự quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu, bao gồm:
- Do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp;
- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Thu hoa lợi, lợi tức;
- Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;
- Được thừa kế tài sản;
- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
- Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này;
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Đồng thời, tại Điều 167 Bộ luật Dân sự quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản, quy định như sau: “Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản.
Quyền sở hữu đối với bất động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Do đó, quyền sở hữu tài sản của một người được chứng minh bằng văn bản (đối với bất động sản và một số động sản theo quy định của pháp luật) hoặc bằng việc thể hiện đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu trên thực tế (đối với động sản). Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14 thì việc xác định một tài sản được coi là của người phải thi hành án có bị kê biên hay không lại căn cứ vào thời điểm người phải thi hành án chuyển quyền sở hữu cho người khác. Tức là, nếu như kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thực tế khi áp dụng quy định này vào giải quyết việc thi hành án đã gặp phải các vướng mắc sau:
Một là, quy định trên không có sự phân biệt việc bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho là hợp pháp hay không hợp pháp mà chỉ căn cứ vào thời điểm thực hiện giao dịch là kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm. Do đó, nếu là một giao dịch hợp pháp, người phải thi hành án đã bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho tài sản của mình cho người khác thông qua một hợp đồng công chứng hoặc một hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật (ví dụ như hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở thì theo quy định tại khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực tính từ thời điểm hợp đồng được công chứng), thì tài sản bây giờ đã không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Như vậy, để kê biên được thì phải hủy bỏ giao dịch trên vì chúng ta không thể kê biên xử lý tài sản khi mà nó không thuộc quyền sở hữu