2.2. Nh ững tham số của khách thể nghiên cứu
2.2.3. Một số nhận xét về thực trạng quản lý giáo viên dạy cơ khí hệ TCCN trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Trên cơ sở khảo sát thực trạng quản lý giáo viên dạy cơ khí hệ TCCN trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, xét ở các nội dung cán bộ quản lý quan tâm đến các tiêu chuẩn: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; năng lực dạy học; nhiệm vụ của giáo viên trường TCCN và xét trên nội dung mức độ giáo viên thực hiện các công việc ta thấy có những mặt thực hiện được và mặt chưa thực hiện được sau:
2.2.3.1. Về tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của giáo viên:
Mặt thực hiện được:
Cán bộ quản lý các trường TCCN rất quan tâm đến tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của giáo viên nói chung, trong đó tiêu chí ứng xử với đồng nghiệp được đặc biệt chú trọng, đây là môi trường sư phạm, việc giao tiếp ứng xử tốt lẫn nhau
tạo ấn tượng tốt đối với học sinh, góp phần hình thành một môi trường thân thiện thu hút học sinh đến với bậc TCCN. Giáo viên trường TCCN là giáo viên dạy nghề, khi đến với nghề dạy nghề là giáo viên đem đến học sinh lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, mong muốn được truyền đạt cho học sinh những kiến thức của bản thân đã tích lũy được từ quá trình học tập, nghiên cứu và từ môi trường thực tiễn sản xuất của mình cho học sinh, giúp học sinh nắm được cái nghề góp phần chung cho lực lượng lao động của xã hội.
Mặt chưa thực hiện được:
Tạo môi trường thân thiện là thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động, nhiều hình thức sao cho phối hợp tốt giữa giáo viên với quản lý, giữa giáo viên với giáo viên và đặc biệt là giữa giáo viên với học sinh. Do đó ít quan tâm đến việc giáo viên ứng xử với học sinh sẽ hình thành khoảng cách không cần có giữa giáo viên và học sinh, giáo viên không có điều kiện gần gủi với học sinh sẽ có khó khăn trong hoạt động giáo dục của mình. Giáo viên TCCN cần có tinh thần tích cực hơn vì học sinh thân yêu, quan tâm đối xử công bằng hơn với học sinh, giúp học sinh vượt qua khó khăn để học tập và rèn luyện tốt.
Điều này sẽ là động lực mạnh mẽ cho học sinh yêu thích ngành nghề đang học. Giáo viên TCCN không chỉ là người dạy nghề mà còn dạy làm người cho học sinh, nên giáo viên sẽ là điểm dựa vững chắc cho học sinh trong môi trường học tập.
CBQL cần quan tâm hơn nữa đối với tiêu chí phẩm chất chính trị của giáo viên nhằm giúp giáo viên có ý thức chính trị tốt hơn. Tích cực hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân chính là thể hiện sự gắn bó với đất nước và nhân dân và đóng góp công sức để xây dựng xã hội công bằng – dân chủ – văn minh.
2.2.3.2. Về tiêu chuẩn năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục:
Mặt thực hiện được:
Từ đặc điểm của học sinh TCCN, các trường TCCN đã chú trọng quan tâm đến việc đề ra nhiều biện pháp, cách thức để giáo viên có thể tiếp cận tốt nhất, quan tâm tốt nhất đến đối tượng này. Làm được điều đó thì công việc lập kế hoạch giáo dục của giáo viên mới đúng hướng, các biện pháp giáo dục đề ra mới có hiệu quả.
Các trường TCCN đã thực hiện nhiều biện pháp để giáo viên dễ dàng nắm bắt thông tin học sinh như hỗ trợ và tập huấn cho giáo viên công tác chủ nhiệm lớp, tổ chức đưa môn học kỹ năng sống vào nhà trường TCCN để giáo viên và học sinh cùng chia sẻ quan điểm, qua đó giáo viên nhanh chóng hiểu được học sinh của mình.
Mặt chưa thực hiện được:
Công tác hỗ trợ cho giáo viên trong việc tìm hiểu đối tượng giáo dục và môi trường giáo dục của CBQL các trường TCCN đã có thực hiện nhưng việc thực hiện này chưa đồng đều, còn mang tính chủ quan của CBQL mỗi trường, chưa có mô hình chuẩn để tất cả các trường TCCN ở thành phố cùng thực hiện.
Giáo viên TCCN phần lớn chủ yếu tập trung cho công tác chuyên môn, nghiên cứu chuyên ngành của mình đảm nhiệm, còn việc tìm hiểu đối tượng giáo dục ít được giáo viên quan tâm, nên hiểu được phong cách và phương pháp học tập của học sinh cũng như phân tích đặc điểm tâm sinh lý học sinh chưa đạt yêu cầu.
Giáo viên chưa chủ động nắm rõ trình độ của học sinh để có cách tiếp cận phù hợp.
Phương pháp thu thập và xử lý thông tin về nhu cầu và đặc điểm của học sinh chưa tốt.
Tìm hiểu môi trường giáo dục còn là nhiệm vụ khó khăn đối với giáo viên TCCN, làm cho có lệ, chưa hiểu rõ tác động của môi trường cũng như đánh giá mức độ tác động của môi trường đến hoạt động dạy học. Do đó không đề xuất được những công việc cần triển khai để xây dựng môi trường giáo dục.
Phương pháp thu thập và xử lý thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương chưa tốt. Giáo viên TCCN đa phần chỉ chú tâm cho hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, thực tế rất ít quan tâm đến tình hình bên ngoài. Từ đó việc giáo viên tìm hiểu tác động của môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến môi trường học tập của học sinh là rất khó khăn.
Thực hiện mối liên hệ với phụ huynh học sinh còn yếu trong hoạt động giáo dục của giáo viên TCCN .
Lập kế hoạch hoạt động giáo dục là một trong những mặt hạn chế của giáo viên TCCN.
2.2.3.3. Về tiêu chuẩn năng lực dạy học:
Mặt thực hiện được:
Giáo viên TCCN có kiến thức về chuyên môn tốt, có khả năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào phục vụ giảng dạy chuyên ngành tốt.
Vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học giúp học sinh tiếp thu nhanh nội dung bài học.
Thực hiện chương trình môn học của bậc TCCN theo đúng yêu cầu của cấp quản lý đề ra. Sử dụng, khai thác hiệu quả các phương tiện dạy học nhằm tích cực hóa người học tối đa.
Cán bộ quản lý đã thực hiện tốt nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn bằng hình thức nghiên cứu tự học, học sau đại học theo các chuyên ngành của giáo viên. Quan tâm đầu tư mạnh mẽ trang thiết bị phục vụ dạy học như nâng cấp trang thiết bị lên tầm hiện đại, tập huấn cho giáo viên khai thác sử dụng tốt phương tiện dạy học.
Mặt chưa thực hiện được:
Mặc dù trình độ chuyên môn của giáo viên luôn được quan tâm nhưng có những nhiệm vụ mà giáo viên còn thực hiện chưa tốt, cán bộ quản lý cần tập trung quan tâm nhiều hơn là công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Việc kiểm tra đánh giá còn mang tính hình thức, chủ quan của mỗi trường. Các trường TCCN đã xây dựng được chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo, có bộ công cụ đánh giá cho từng chuẩn đầu ra, nhưng mỗi trường vẫn thực hiện theo cách riêng của mình.
Xây dựng kế hoạch dạy học là một tiêu chí cần được quan tâm mạnh hơn của CBQL, giáo viên TCCN chưa xác định rõ mối liên hệ của môn học phụ trách với các môn học khác. Đánh giá và đề ra được những thay đổi trong kế hoạch dạy học còn hạn chế không theo kịp sự biến đổi của nhà trường và môi trường thực tiễn xã hội.
Công tác quản lý hồ sơ dạy học của giáo viên nhìn chung còn hạn chế, giáo viên chưa thật sự quan tâm nhiều đến hoạt động này. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy học và giáo dục học sinh. Khi quản lý hồ sơ không tốt sẽ làm mất tính kế thừa, không có cơ sở để xây dựng kế hoạch cho các hoạt động dạy và học sau này. CBQL hiện nay đang có hoạt động cụ thể cho nhiệm vụ này đối với giáo viên như thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ giáo vụ của giáo viên, xây dựng ngân hàng dữ liệu để lưu trữ thông tin liên quan đến hoạt động dạy và học.
2.2.3.4. Về thực hiện nhiệm vụ của giáo viên TCCN:
Mặt thực hiện được:
Nhiệm vụ của giáo viên TCCN nhìn chung là được thực hiện đầy đủ, giáo viên rất ý thức chấp hành các qui định của ngành, luôn giữ gìn phẩm chất và uy tín của nhà giáo, là tấm gương tốt để học sinh noi theo.
Tinh thần tự học và sáng tạo của giáo viên được thể hiện rõ nét qua quá trình dạy học, rõ ràng nếu không tự nghiên cứu học tập, giáo viên sẽ nhanh chóng tụt hậu, không theo kịp với tốc độ phát triển công nghệ hiện nay. Môi trường giáo dục chuyên nghiệp là đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, thì việc không cập nhật kiến thức mới là không chấp nhận được.
Mặt chưa thực hiện được:
Mặc dù có thực hiện đầy đủ, được cán bộ quản lý quan tâm nhưng các nhiệm vụ liên quan đến các qui định của pháp luật, nghĩa vụ công dân, giảng dạy theo nguyên lý, mục tiêu giáo dục cũng cần chú ý nhiều hơn, vì đây là những nhiệm vụ nền tảng, cở sở cho việc thực hiện các nhiệm vụ khác của ngành.
Thực hiện nhiệm vụ giáo dục là giáo dục toàn diện, không chỉ về mặt chuyên môn nghề nghiệp mà còn giáo dục về làm người cho học sinh. Nên việc quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người học cần được ý chú hơn nữa.
Mối quan hệ công tác với các bộ phận, thành viên hội đồng giáo dục trường của giáo viên chưa được thể hiện tốt. Trong trường TCCN các ngành nghề đào tạo mặc dù là khác biệt về chuyên ngành nhưng vẫn có một số môn học liên quan giữa các khoa chuyên môn. Trong đào tạo nghề, các khoa chuyên môn cần phải có mối quan hệ chặt chẽ với các phòng chức năng của trường trong hoạt động đào tạo. Chính vì vậy giáo viên trong khoa chuyên môn cũng cần có mối liên hệ công tác với các bộ phận này.
2.2.3.5. Về thực hiện từng công việc trong nhà trường của CBQL
Mặt thực hiện được:
CBQL các trường TCCN rất quan tâm và chú trọng thực hiện chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ giáo viên vì chính họ là nguồn lực chính và quan trọng cho sự nghiệp đào tạo. Các trường đã và đang thực hiện chiến lược bồi dưỡng giáo viên về năng lực chuyên môn từ nhiều nguồn khác nhau đặc biệt là chú trọng bồi dưỡng ở nước ngoài.
Trường TCCN là trường đạo tạo nghề với đa dạng ngành nghề, mỗi giáo viên TCCN có trình độ về chuyên môn của mình nên việc phân công chuyên môn hợp lý, đúng chuyên ngành và sở trường sẽ phát huy tốt năng lực sáng tạo, nghiên cứu khoa học của giáo viên, do đó CBQL đã thực hiện tốt vần đề này. Từ việc phân công hợp lý cùng với những chính sách đãi ngộ của các trường TCCN đã kích thích được tinh thần nhiệt huyết với công việc và tính trách nhiệm của giáo viên được nâng cao rõ rệt.
CBQL trường TCCN đã và đang thực hiện công tác đối ngoại ngày càng hiệu quả, quan hệ với các cơ quan chức năng tốt là tạo được niềm tin, sự hậu thuẩn, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Quan hệ tốt với doanh nghiệp liên quan là tạo được sự phối hợp đào tạo gắn với việc làm, tìm kiếm được môi trường thực hành thực tập tốt cho học sinh học nghề.
Tạo mối quan hệ tốt với địa phương sẽ xây dựng được cộng đồng trách nhiệm trong việc phát triển đào tạo nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa phương.
Mặt chưa thực hiện được:
Từ đặc điểm của học sinh TCCN cho thấy đầu vào học sinh thấp về mặt số lượng và cả về trình độ. Đây là một trong những thách thức đối với các trường TCCN bởi các trường không có nhiều cơ hội để lựa chọn học sinh đầu vào. Chính vì lý do này cũng đã kéo theo có nhiều học sinh yếu kém trong trường.
CBQL chưa có sự quan tâm chú ý nhiều đến số giáo viên có suy nghĩ làm cho xong, có tính chất đối phó. Đây là con số không nhiều nhưng có biện pháp tốt, định hướng tốt sẽ xóa dần tư tưởng này.
Bên cạnh việc thực hiện phân công chuyên môn tốt nhưng vẫn tồn tại việc phân công chưa hợp lý, biểu hiện ở việc có nhiều ngành nghề hiện nay thu hút ít học sinh, có những ngành nghề không tuyển được học sinh nên việc bố trí phân công giáo viên phụ trách những môn học không thuộc chuyên môn được đào tạo vẫn còn phổ biến. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tinh thần làm việc của giáo viên và hình thành tư tưởng làm cho xong.
Hoạt động hướng nghiệp ngoài giờ còn quá nặng nề, chưa theo sát nhu cầu thực tế và mong muốn của người học. Hoạt động hướng nghiệp người giờ cần tập trung ở những lĩnh vực mà sẽ hỗ trợ cho học sinh sau khi ra trường có thể gia nhập và thích nghi được ngay vào môi trường lao động, như chú trọng đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng mềm giúp học sinh có được hành trang vào đời. Ngoài ra hoạt động ngoài giờ cần chú trọng ở việc hướng học sinh sử dụng thời gian rãnh rỗi của mình vào việc tham gia các hoạt động xã hội mà các hoạt động này có ích cho bản thân và cho xã hội.
Một số trường TCCN chưa làm tốt công tác hướng dẫn giáo viên xây dựng mối quan hệ thân thiết với phụ huynh. Chính điều này đã gây không ít khó khăn cho giáo viên trong việc kết hợp với phụ huynh và tìm hiểu, thu thập thông tin đặc điểm học sinh.
Trường TCCN đào tạo đa ngành nghề, đối tượng đào tạo đa dạng, có những ngành nghề chỉ toàn là học sinh nữ, hoặc nam nên trong tổ chức thi đua giữa các lớp (các lớp học được biên chế theo ngành nghề đào tạo) chưa tạo được sự bình đẳng vì đặc thù ngành nghề. Vì vậy cần có hình thức thi đua và cách chấm điểm chú ý đến tính đặc thù này.