Về quản lý giáo viên theo tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý giáo viên dạy cơ khí hệ trung cấp chuyên nghiệp tại thành phố hồ chí minh theo chuẩn giáo viên trung học phổ thông (Trang 88 - 91)

DẠY CƠ KHÍ HỆ TCCN

3.2.1. Về quản lý giáo viên theo tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống

Biện pháp 1: Bồi dưỡng nâng cao ý thức chính trị trong giáo viên.

- Tổ chức học tập chính trị để nâng cao nhận thức của giáo viên về lý luận chính trị như tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị trung cấp, tổ chức thi đua tìm hiểu về Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, triển khai học tập Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp. Trong các cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng, quý có báo cáo viên tuyên truyền về chính trị để giáo viên thấm nhuần tư tưởng, quan điểm về bản chất giai cấp của giáo dục như giữ vững mục tiêu XHCN trong giáo dục, kiên trì thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện giáo dục toàn diện, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

- Tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị trước những tác động tiêu cực của xã hội, tỉnh táo lựa chọn những yếu tố tích cực có ích cho sự phát triển của nhà trường.

- Bồi dưỡng về chính trị - tư tưởng: ý thức và lương tâm nghề nghiệp; tình cảm với bộ môn, với học sinh; xây dựng một tập thể sư phạm thân ái, đoàn kết, có trách nhiệm và có nền nếp chuyên môn tốt. Phối hợp nhà trường – các đoàn thể phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, những mâu thuẩn nảy sinh trong quá trình thực hiện mục tiêu, định hướng của nhà trường.

- Đưa vào phong trào thi đua trong nhà trường tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của giáo viên. Đây là một ràng buộc mang tính pháp lý để giáo viên luôn ý thức thực hiện. Chấp hành nghiêm các qui định của ngành, của pháp luật là thể hiện ý thức chính trị, qua đó giáo viên giáo dục học sinh bằng chính phẩm chất của mình.

Biện pháp 2: Thay đổi nhận thức về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh.

Phẩm chất đạo đức của giáo viên biểu hiện qua thái độ, hành vi ứng xử với người khác, đối với công việc cũng như đối với môi trường sống. Vì vậy CBQL tạo và duy trì môi trường thân thiện, trong đó ứng xử tốt giữa đồng nghiệp với nhau cần phát huy, cải thiện triệt để theo hướng tích cực việc ứng xử với học sinh bằng nhiều hình thức như:

- Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, đặc biệt là giáo viên làm công tác chủ nhiệm, tập huấn cho giáo viên các khóa bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp nhằm giúp cho giáo viên có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn nữa với học sinh thông qua các buổi huấn luyện lại kỹ năng đã học cho học sinh, từ đó giáo viên sẽ có sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ với học sinh.

- Thay đổi luân phiên giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, tất cả giáo viên đều phải làm qua công tác chủ nhiệm lớp, khi đó giáo viên sẽ có cơ hội tiếp xúc với học sinh trong nhiều môi trường (giáo dục và xã hội), hiểu được học sinh thì sẽ có ứng xử phù hợp với học sinh, xây dựng được mối quan hệ tốt với học sinh.

- Tăng cường công tác chủ nhiệm lớp, thông qua các hoạt động này giáo viên dễ dàng tiếp xúc với phụ huynh học sinh. Qua những cuộc tiếp xúc với phụ huynh giáo viên sẽ được các phụ huynh hỗ trợ và giúp đỡ trong việc tìm hiểu về học sinh của mình. Mối quan hệ tốt giữa phụ huynh và giáo viên sẽ củng cố mối quan hệ đối tác giữa nhà trường và gia đình.

- Giáo viên thường xuyên giao tiếp qua lại với học sinh và thể hiện thái độ quan tâm, giúp đỡ học sinh trong suốt quá trình giảng dạy, không nên tạo sự cách biệt với học sinh, thu hút và lôi cuốn học sinh làm cho họ không còn e ngại, cư xử bình đẳng không nên thể hiện sự quan tâm thái quá, không thiên vị bất cứ học sinh nào.

- Tạo môi trường học tập tích cực bằng các hình thức động viên, kích thích học sinh, tìm hiểu, lắng nghe và chia sẻ thông tin từ học sinh về những khó khăn mà học sinh gặp phải để giúp đỡ. Làm được điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ tinh thần trách nhiệm của giáo viên và sự hỗ trợ động viên về tinh thần, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục của nhà trường.

- Có nhiều hình thức hoạt động ngoại khóa phong phú và hữu ích (đối với nhà trường, giáo viên và học sinh). Giáo viên hăng hái, năng động khi mà hiểu biết của bản thân được phục vụ cho giáo dục học sinh và họ cùng tham gia tích cực. Học sinh tiếp nhận với tinh thần tự giác cao vì đó là hành trang chuẩn bị vào đời.

Biện pháp 3: Đổi mới phương pháp quản lý giáo viên; xây dựng môi trường văn hóa trường học.

- Đổi mới nâng cao năng lực quản lý của cán bộ làm nhiệm vụ quản lý giáo viên phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho các lãnh đạo khoa, tổ.

- Chủ đề năm học của ngành là “tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục TCCN”, trong đó tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tăng cường tính chủ động của các lãnh đạo khoa chuyên môn, giao quyền và trách nhiệm mạnh mẽ về các khoa chuyên môn, vì khoa là bộ phận sát sườn với giáo viên, trực tiếp quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên.

- Kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ giúp thu nhận kết quả phản hồi một cách chính xác, giúp cho CBQL đối chiếu kết quả với mục tiêu dự kiến ban đầu để có sự điều chỉnh (nếu cần) trong công tác quản lý.

- Công khai các chuẩn đào tạo từng ngành nghề qua đó hướng giáo viên vào các hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh đảm bảo yêu cầu của chuẩn đã công bố.

- Môi trường văn hóa của một trường học là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình phát triển của nhà trường, được các thành viên trong nhà trường thừa nhận và làm theo.

- Xây dựng môi trường văn hóa của trường học nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người quản lý, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên và học sinh, rèn luyện thói quen tốt và hình thành nếp sinh hoạt và công tác khoa học.

- Tổ chức xây dựng môi trường văn hóa của trường học sẽ cũng cố được mối quan hệ gắn bó của các thành viên trong nhà trường và cải thiện tốt mối quan hệ ứng xử giữa giáo viên và học sinh thông qua các hình thức sau:

+ Nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể, phân chia nhiều giai đoạn thực hiện, thể hiện đầy đủ các tiêu chí cần thực hiện và đánh giá. Các phòng, khoa, tổ chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện tại từng bộ phận quản lý. Giáo viên nghiêm túc thực hiện các tiêu chí của kế hoạch và hướng dẫn cho học sinh cùng tham gia thực hiện kế hoạch.

+ Trong thực hiện môi trường văn hóa ngay cả trong các hoạt động ngoại khoá nhà trường cố gắng duy trì nét văn hóa này, vì hoạt động ngoại khóa là một sân chơi bổ ích nhằm giúp các em phát triển nhân cách toàn diện. Do đó tất cả các thành viên trong nhà trường phải coi trọng và duy trì, có sự hổ trợ, tạo động lực để các CLB phát triển ngày càng lớn mạnh. Ban chỉ đạo ngoại khoá tích cực đôn đốc kiểm tra, thường xuyên dự giờ sinh hoạt của các CLB nhằm có biện pháp chấn chỉnh, hổ trợ, động viên và khen thưởng kịp thời.

Biện pháp 4: Tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các hoạt động xã hội và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia vào các câu lạc bộ nghề nghiệp, tham gia hoạt động tham quan dã ngoại, thực hành kỹ năng sống, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các giáo viên.

- Tổ chức cho giáo viên về nguồn thăm khu di tích lịch sử, giao lưu với các đơn vị quân đội.

- Tổ chức các hoạt động hiến máu nhân đạo, quyên góp xây dựng nhà tình thương.

Qua các hoạt động trên sẽ giúp cho giáo viên nâng cao được ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý giáo viên dạy cơ khí hệ trung cấp chuyên nghiệp tại thành phố hồ chí minh theo chuẩn giáo viên trung học phổ thông (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)