DẠY CƠ KHÍ HỆ TCCN
3.2.3. Về quản lý giáo viên theo tiêu chuẩn năng lực dạy học
Biện pháp 1: Quản lý đổi mới khâu kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh
- Việc đổi mới phương pháp dạy học phải kèm theo đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, có kiểm tra trung thực thì mới đánh giá đúng chất lượng đào tạo của trường. Trong giai đoạn thực hiện cuộc vận động hai không “gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nên việc quản lý càng phải chặt chẽ hơn, luôn phải tuân theo tiêu chuẩn của khảo thí và kiểm định chất lượng.
- Đa dạng hóa các hình thức tổ chức thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh trên cở sở đặc thù của môn học, có thể tổ chức thi trắc nghiệm khách quan, tự luận hoặc thực hành tạo ra sản phẩm. Đặc biệt chú trọng đến thi trắc nghiệm khách quan. Sử dụng kết hợp câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận nhằm nâng cao độ tin cậy độ chính xác, tính khách quan để đánh giá kết quả học tập của học sinh.
- Xây dựng ngân hàng đề thi phong phú, chú ý đến công tác đánh giá trên cơ sở đã ban hành là chuẩn đầu ra của từng ngành nghề đào tạo thông qua bộ công cụ đánh giá chuẩn đầu ra.
- Tổ chức thi và đánh giá kết quả học tập với mục đích là kiểm định chất lượng dạy và học nên việc tổ chức thi và đánh giá mang tính chất nhẹ nhàng cho người học, không gây căng thẳng hay đánh đố người học.
- Sử dụng kết quả phản hồi và kết quả làm việc của học sinh ra trường để điều chỉnh chương trình và phương pháp giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội.
- Thông tin phản hồi được tiếp nhận về giảng dạy cung cấp dữ liệu cho giáo viên về cách sử dụng thực tế quản lý lớp học, chương trình giảng dạy, giảng dạy, đánh giá cụ thể và kết quả của chúng. Dữ liệu cung cấp một lăng kính, qua đó giáo viên có thể thể hiện và xem lại hành vi của riêng mình đối với kết quả được dự tính. CBQL cần tổ chức cho học sinh tham gia đánh giá gồm đánh giá giáo viên, đánh giá phương pháp giảng dạy của giáo viên, đánh giá môn học thông qua các phiếu phản hồi. Từ các thông tin phản hồi này, CBQL có cơ sở xem xét kết hợp với kết quả đánh giá của giáo viên qua tổ chức thi để giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy, khoa chuyên môn điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế sản xuất và nhu cầu xã hội.
- Kết hợp kiểm tra đánh giá của giáo viên với tự kiểm tra đánh giá của học sinh giúp học sinh tích cực chủ động trong quá trình học tập. Để đánh giá và giúp học sinh tự đánh giá
việc đạt mục tiêu tương ứng trong nội dung vừa học, yêu cầu học sinh đánh giá trả lời của các bạn trong lớp.
- Sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, sử dụng phần mềm hỗ trợ có các công cụ hỗ trợ kiểm tra trên máy tính.
- Mời các chuyên gia làm việc tại các cơ sở sản xuất tham gia đánh giá kết quả đào tạo. Ở một số ngành học có thể mời nghệ nhân, những thợ có tay nghề bậc cao tham gia chấm điểm sản phẩm thực hành.
- Tổ chức các hội thi giỏi nghề dành cho giáo viên và học sinh, trong các hội thi, đề thi được tổ chức biên soạn dựa trên thực tế sản xuất, đồng thời mời các chuyên gia chuyên ngành góp ý cho các đề thi. Thành phần ban giám khảo có đại diện của khoa chuyên môn, đại diện của doanh nghiệp và đại diện của phòng thanh tra khảo thí cùng chấm thi.
Biện pháp 2: Tập huấn cho giáo viên về phương pháp sư phạm, kỹ năng đứng lớp và kỹ năng xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục.
- Tập huấn cho giáo viên mới và giáo viên tập sự vào đầu năm học các phương pháp sư phạm, kỹ năng đứng lớp và phương pháp lập kế hoạch hoạt động giáo dục. Các kỹ năng giảng dạy thành thạo là các phương pháp hiệu quả có thể giúp học sinh tiếp thu được nhiều hơn các thông tin và kỹ năng đơn giản. Tập huấn cho giáo viên kỹ năng quan sát và phân tích các năng lực và sử dụng hiểu biết này như là nguồn thông tin và mô hình trực quan để dạy và học.
- Bồi dưỡng cho giáo viên hiểu biết về phương pháp giảng dạy. Sự hiểu biết này liên quan đến khía cạnh phương pháp truyền thụ tài liệu, cách thức xây dựng và tổ chức giờ học để đạt được mục tiêu nhất định.
- Bồi dưỡng cho giáo viên về kỹ năng quản lý lớp học.
- Bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt tập thể cho giáo viên nhất là giáo viên trẻ, giáo viên tập sự.
- Xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục mẫu theo từng đối tượng học sinh, giúp cho giáo viên có cái nhìn tổng quát, có thể vận dụng các mô hình mẫu một cách linh động khi đối tượng học sinh là đa dạng trong một lớp học.
Biện pháp 3: Tổ chức thực hiện, bảo quản và lưu trữ hồ sơ giảng dạy.
- Triển khai thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ sổ sách theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Lưu kết quả học tập từng học kỳ, năm học của tất cả các khóa lớp.
- Tin học hóa về quy chế cho điểm, cộng điểm, xếp loại học sinh cuối năm.
- Hướng dẫn cho giáo viên sử dụng mạng thông tin nội bộ, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý hồ sơ từ quản lý học sinh, quản lý điểm số và cả hoạt động giáo dục học sinh.
Đây là cơ sở dữ liệu rất tốt và đầy đủ cho giáo viên sử dụng cho suốt quá trình đào tạo và giáo dục học sinh từ khi mới vào trường cho đến khi tốt nghiệp.
- Tinh gọn hệ thống sổ sách nhằm giảm bớt hồ sơ cho giáo viên phải thực hiện, sử dụng các phần mềm quản lý hồ sơ.
- Kiểm tra định kỳ công tác lập hồ sơ, lưu trữ, bảo quản và sử dụng hồ sơ giảng dạy của giáo viên để kịp thời hỗ trợ cho giáo viên trong công tác lập hồ sơ.
Biện pháp 4: Quản lý dạy học theo khoa, tổ bộ môn
- Khoa, tổ bộ môn là nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác chuyên môn, triển khai các hoạt động dạy học. Quản lý dạy học theo khoa, tổ bộ môn là việc phân cấp quản lý của CBQL và tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo bộ phận khoa, tổ.
- Duy trì tốt nề nếp sinh hoạt chuyên môn, tạo bầu không khí thân thiện và năng động. Tổ chức họp khoa, tổ bộ môn thường xuyên, vì họp khoa thường tạo ra cơ hội bàn bạc về chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và đánh giá, nâng cao hiểu biết của chúng ta về sự phát triển của học sinh, tăng cường sự cố kết trong đội ngũ giáo viên, và xây dựng nguyên tắc xử thế trong khoa và nếp văn hóa trường học.
- Tăng cường vai trò của giáo viên trong họp khoa, tổ bộ môn nhằm tác động, khuyến khích giáo viên ra quyết định nhiều hơn trong trường học. Giáo viên có thể hợp tác lập ra chương trình hành động.
- Các hồ sơ sinh hoạt chuyên môn phải được qui định thống nhất theo biểu mẫu chung của nhà trường để các công tác sinh hoạt đi vào nề nếp và dễ dàng kiểm tra hoạt động sinh hoạt chuyên môn.
- Thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến trình thực hiện kế hoạch. Trong đó bao gồm nhiều hoạt động như lập kế hoạch dạy học, thực hiện kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, thực hiện quản lý hồ sơ dạy học. Thông qua cách thức này, trưởng khoa, tổ bộ môn sẽ theo dõi sát sao hoạt động dạy học của giáo viên, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn cho giáo viên khi gặp khó khăn, đặc biệt là giáo viên mới, giáo viên tập sự.
- Thông qua tổ, bộ môn khuyến khích giáo viên đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài gắn với thực tế cuộc sống. Qua đó việc nghiên cứu, giáo viên sẽ có
nhiều cơ hội học tập, tiếp xúc với thực tế, tích lũy kinh nghiệm nhằm hỗ trợ rất tốt cho việc lập kế hoạch dạy học.