Con người hoài nghi

Một phần của tài liệu Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của nguyễn việt hà (Trang 65 - 70)

Chương 2. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN PHẢN ÁNH HIỆN THỰC VÀ PHÁC HỌA CHÂN DUNG CON NGƯỜI

2.2. Dấu ấn hậu hiện đại từ phương diện phác họa chân dung con người

2.2.2. Con người hoài nghi

Trải nghiệm hiện thực cuộc sống với nhiều phi lí và vấp ngã, nhiều nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà thiếu vắng niềm tin. Vừa loay hoay đi tìm, vừa phải đối diện với bao thử thách, họ nhìn cuộc sống bằng con mắt đầy sự hoài nghi.

Tiểu thuyết Cơ hội của Chúa là tác phẩm mà hầu hết các nhân vật chính đều có sự hoài nghi. Hoài nghi đầu tiên của Hoàng là khi mười ba tuổi, bị bắt oan vì theo Tâm và đám trẻ leo tường xem phim. Từ ấy, đã có một cái gì đổ vỡ trong tâm trí của một đứa trẻ thông minh, nhạy cảm. Học giỏi nhưng kết quả luận văn và công

việc không như mong đợi, ở Hoàng là những loay hoay: “Biết làm gì. Nghi ngờ tất cả… Cái bẩn thỉu của người có học đó là vật chất hóa vốn kiến thức. Một phương tiện để đạt đến sự vinh thân phì gia. Thế nhưng người ta lại bôi màu mè cho cái ấy, tôn xưng là cao quý. Đem cái bản ngã thành đạt của một vài kẻ ra làm barem chuẩn cho toàn bộ xã hội” [55, tr.87]. Hoàng hoài nghi cả sức mạnh tri thức trước ma lực đồng tiền: “Thật ra vô nghĩa nhất là đọc sách. Những người biết chữ mà chẳng biết làm gì thì phải đọc. Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người hăm hở đọc sách để tìm kiếm kiếm thức. Họ muốn đạt cái gì đấy hoặc danh hoặc lợi bằng cách nhồi nhét thật nhiều dữ kiện. Người họ lõng bõng uyên bác, tự tin một cách lố bịch vào mớ chữ nghĩa đã được ướp khô trong họ. Muốn có danh hay lợi thì có nhiều cách và đọc sách là cách vất vả nhất. Nghĩa là về mặt phương pháp luận chưa hẳn đã sai nhưng theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ là không kinh tế” [55, tr.465]. Đó là chiêm nghiệm mang tính phủ nhận có ý nghĩa đối thoại về sức mạnh của vật chất và đồng tiền, về cái cốt lõi đằng sau một vỏ bọc. Ở nhân vật Hoàng, thật sự có cái hoang mang: “Lạy Chúa, xin người ở lại với con vì trời đã đổ chiều… Con thật sự bất lực. Xin Chúa mở rộng vòng tay che chở con. Con đã từng chối bỏ người. Con đã từng tự tin. Xin hãy dẫn dắt con bằng cánh tay của Người. Hãy chọn cho con lối bước” [55, tr.282] . Không còn tin con người lí trí, nhân vật tìm đến con người tâm linh với niềm tin tôn giáo, cảm quan hậu hiện đại rõ nét trong cách xây dựng nhân vật. Lột tả sự hoài nghi, nhà văn để nhân vật tự vấn chính mình: “Hết rồi những hy vọng đẫm đầy sự chủ quan. Mình là cái gì. Một con zéro tròn trĩnh mà chu vi có vẻ tiêu chuẩn. Rất lạ là mình không đau đớn. Mình hiểu chậm quá. Làm gì có sự vỡ toang. Làm gì có sự đổi thay. Mọi thứ từ từ mủn. Cuộc sống lặt vặt chưa đủ mạnh để tạo áp suất ép võ bất cứ cái gì. Mọi người loay hoay trong sự lờ đờ… Mày là thằng giả dối Hoàng ạ. Giả dối với chính mày. Lại đem lương tâm ra mặc cả chắc.

Lạy Chúa, con chỉ muốn tốt lành cho mọi người xung quanh. Nói dối. Mày đi xa vì tự tin vào cái gọi là tài năng của mày. Mày muốn cho mọi người khâm phục. Chao ôi, Hoàng, mày phải biết sợ Chúa chứ” [55, tr.290]; “Con hoang mang, thưa Cha.

Những ngày này con chỉ sống bằng lòng tin. Quá là nhiều người ác, quá là nhiều việc ác. Con gắng gỏi chấp nhận loay hoay với cuộc hiện sinh này”; “Sáng danh Chúa, tại sao có những lúc con lại không tin ở Người” [55, tr.316-317]. Hoàng hoài

nghi chính mình: “Bảy năm trước tôi mò mẫm đi tìm công danh sự nghiệp. Giờ đây tôi vớt vát đi tìm tình yêu. Có lẽ suốt đời tôi phải lê lết vác cây thập giá thất bại”

[55, tr.467]. Ở nhân vật là sự chiêm ngẫm: “Chân lý là khái niệm cực đoan. Một khái niệm trống rỗng, đúng với người này và sai với người kia. Chân lý tuyệt đối nằm ở đâu. Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới biết” [55, tr.254].

Con người lí trí đã hoàn toàn đổ sụp trong Hoàng. Tình yêu không còn, cuộc sống đầy phi lí, nhân vật không còn điểm bấu víu: “Mà tôi cũng cóc cần nhà thờ.

Tôi chẳng tin ai cả, tôi chẳng tin vào một cái gì cả. Tất cả chỉ lừa dối” [55, tr.430];

“Ừ nhỉ, mai tôi phải làm gì… Đã nhiều lần tôi không biết ngày mai tôi sẽ làm gì.

Cái thời hăm hở của tôi sẽ chẳng bao giờ vòng lại” [55, tr.464].

Khác với Hoàng, Nhã ít nhiều mang vẻ tự tin về mình nhưng rất hoài nghi về cuộc đời, nhất là con người trong tình yêu: “Tình yêu. Nhiều khi tưởng lê thê nhưng thật ra cộc cỡn như cái mini juýp của con đầm đểu” [55, tr.115]; “Tôi chưa thấy ai có nhiều tiền mà nhu nhược hoặc nhân hậu. Cũng có người rộng rãi, cũng có kẻ bủn xỉn nhưng trong tất cả bọn họ bói không ra được nửa người trung thực… Tôi không tha thiết với ai. Hoặc tôi chỉ nhìn ra được cái xấu, hoặc tôi chưa thoát ra khỏi quán tính của mối tình đầu” [55, tr.275]; “Thủy và Hoàng yêu nhau bằng sự trong sáng duy nhất của hai người…những gì trong sáng quá thường hay khó tồn tại”

[55, tr.491].

Còn ở Tâm, nhân vật vừa hoài nghi sự tồn tại thực sự của tình yêu, vừa hoài nghi những chuẩn mực đạo đức vốn được đề cao và bảo vệ. Tâm thấy “tình yêu là khái niệm rất đẹp. Đẹp đến mức nó chỉ có trong tiểu thuyết” [55, tr.174]; “khi yêu nhau người ta đánh giá cao lòng chung thủy… Là khái niệm ước lệ để rồi đây vợ chồng bấu víu vào tôn trọng nhau. Là một thuật ngữ đẹp nhưng cũng giống như vô số điều cực đoan, cái tốt đẹp đều không có thật. Nó tồn tại có chừng mực ở cuộc sống, nhưng khi đã trượt sang truyện sách vở nó chứa đầy đạo đức giả” [55, tr.341].

Hoài nghi trong nhân vật biểu hiện cái khoảng cách giữa hiện thực hỗn loạn và trật tự mà con người mong muốn. Trải nghiệm cuộc đời khiến Tâm không thấy gì là tốt đẹp: “thời buổi nhố nhố nhăng nhăng”, “nhan nhản những con điếm bỏ nghề quay sang giảng dạy tiết hạnh, những thằng lưu manh chộp giật bằng cấp xoay sang làm sếp” [55, tr.384]. Cũng từ trải nghiệm, Tâm phủ nhận những hoa mĩ về người Việt ở

Đông Âu, chẳng hẳn là “trác táng” “cướp giật” nhưng “làm gì có đan xen văn hóa, giao lưu văn minh. Cái hay của nước ngoài học được thì ít, cái dở của ngoại bang mót được thì nhiều… Những người học nhiều chữ thường quá nhạy cảm và thế là bảy mươi phần trăm hồn nhiên trở thành vong bản. Ở Tây chừng vài năm, họ phê phán minh mẫn đến sắc sảo những giá trị truyền thống của dân tộc” [55, tr.324].

Nhân vật Bích cũng rất hoài nghi khi nói với Hoàng: “Sức học của mày, tài năng của mày. Thế nhưng tất cả điều đó đều là siêu hình. Nó có lợi cho một cái gì đó ngoài cõi trần” [55, tr.248]. Và dường như không có giới hạn không gian, thời gian cho sự hoài nghi của con người khi nhà văn để cho nhân vật lịch sử Trần Quốc Tảng suy nghĩ về Tuệ Trung: “Uống rượu, ăn thịt, tham thiền… Giáo lý nào, giới luật nào cho phép ông già gầy gò có cái vẻ hồn nhiên tự tại quái lạ này… Là đạo hay là tục. Là sự siêu thăng hay sự giả dối thượng thặng” [55, tr.416]. Con người hoài nghi trong Cơ hội của Chúa được gói chốt lại trong “bài luận vớ vẩn” theo cách gọi của nhà văn. Có thể thấy rõ hơn tâm thức hoài nghi đại tự sự: “Cái thời gian không ít người tưởng rằng quý báu, chẳng qua cũng là thứ sản phẩm máy móc của cái đồng hồ mà Faulkner ngấm ngầm nguyền rủa”, “Chân lý lặp lại thì biến thành tà thuyết. A dua ngu ngốc theo những lỗi lạc ngông ngênh của đại nhân là ung thư văn tự không thể chữa của bọn tiểu nhân” [55, tr.498], “Có hàng nghìn huyền thuyết về xuất xứ loài người. Huyền thuyết nào được phép đăng quang đó là trò may rủi. Đả phá nhà thờ trung cổ, thế nhưng những kẻ cuồng tín khoa học lặp lại y nguyên những thao tác của tòa án Giáo hội. Họ cũng cho lên giàn hỏa thiêu những gì mà họ gọi là trái tinh thần khoa học” [55, tr.499]. Phải chăng tất cả chỉ là những ý niệm của con người để ràng buộc chính con người.

Con người hoài nghi trong Ba ngôi của người lại được nhà văn thể hiện ở cách khác. Gửi trong lời nhân vật là tính khái quát triết lí qua dạng câu nghi vấn:

“Chắc có một Đấng Tối Cao thật, Người hoạch định tất cả mọi sự. Thế nhưng, nếu mọi chuyện Người đã sắp xếp chu toàn, thì Người còn tạo ra chúng con làm gì. Tôi vẽ để làm gì. Tôi đi buôn để làm gì… Liệu lúc Chúa tạo ra con, Người có lưỡng lự băn khoăn… Phải chăng trong sâu xa, Người muốn sự vật vã tồn tại mất định hướng của chúng con sẽ làm kế hoạch cứu độ của Người trở nên đỡ nhàm chán”

[57, tr.316]. Tâm trạng của nhân vật mang âm hưởng của sự trách móc oán thán hơn

là ca ngợi ơn cứu độ. Nếu quả thật có đấng tối cao với quyền năng huyền nhiệm cứu vớt con người, sao không chu toàn mặc định cho con người kiếp sống không khổ đau. Người hoạch định rồi Người cứu vớt. Đó là điều phi lý, cuộc đời con người như một trò chơi khi chỉ vì để “kế hoạch cứu độ của Người trở nên đỡ nhàm chán”.

Cuộc sống, con người hiện lên trong cái nhìn hoài nghi. Nhưng với sự lộ diện của ngôi kể nhân vật thì cái hoài nghi là ở những con người trong xã hội chứ không ở chủ thể nhà văn. Họ là những ai? Không chỉ trong Cơ hội của Chúa, con người hoài nghi trong những tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà hầu hết là lớp người trẻ, đúng lẽ phải đang rất hăm hở với cuộc đời. Đây là điều rất đáng để suy ngẫm. Với thế hệ trước họ là hệ lụy, với thế hệ sau họ là nguồn cơn. Không chỉ Kun, mà ngay cả Quang Anh (Ba ngôi của người) cũng già trước tuổi. Nhân vật người mẫu - Cẩm My (Khải huyền muộn) trong sự hòa trộn hai vai nguyên mẫu và nhân vật đầy những chấn thương trong tâm hồn (bố mẹ ngoại tình, bố của bạn và người tình của mẹ dâm loạn) khiến cho nhân vật không còn ngây thơ từ tuổi mười ba mười bốn. Trong thể loại truyện ngắn, nhân vật ngập trong hoài nghi nhất có lẽ là cô gái xưng tôi ở Mưa vào ngày cưới. Lấy một người chồng Tây, quan hệ bí mật với giáo sư bạn bố và là người tình của mẹ, lại có quan hệ khác với họa sĩ là biểu hiện cái hoang mang đi tìm tình yêu. Độc giả cho tới cuối truyện vẫn còn tưởng rằng cô gái đã tìm thấy tình yêu ở người họa sĩ. Vẻ đau khổ đi theo xe hoa của nhân vật họa sĩ và quyết định trở lại căn gác bừa bộn tranh vẽ của cô gái đã đánh lừa độc giả. Cái kết nghịch đảo, cô gái thấy chàng họa sĩ đang gục đầu vào lòng cô người mẫu, như bồi thêm cho nhân vật sự hoài nghi. Niềm tin vào tình yêu giống như “cái thuở đi học be bé vẫn thường tin trong mỗi quả thị đều có cô Tấm” [54, tr.117]. Tin vào tình yêu giống như tin vào ước mơ trong cổ tích. Con người hoài nghi còn hiện lên ở nhân vật tôi trong truyện ngắn Họp lớp cũ. Nhân vật hoàn toàn bất ngờ trước sự thật bỉ ổi được che đậy bởi lớp uyên bác, vô tư, phóng khoáng của một ông thầy.

Đó còn là cái hụt hẫng trước tình yêu và hôn nhân và sẽ là “một mình” không biết đến bao giờ của nhân vật tôi trong truyện ngắn Vẫn chỉ là mây trắng hay là sự uể oải “cau có mặt già” của Lâm vì sự phũ phàng của quan hệ tình yêu trong truyện ngắn Mãi rồi cũng quen.

Phác họa con người hoài nghi, nhà văn đã nhấn mạnh đến mối quan hệ con người và hiện thực. Cũng có thể xem hoài nghi là sự dẫn lối cho chối từ bản thể và vong thân.

Một phần của tài liệu Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của nguyễn việt hà (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)