Chương 3. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ NHÌN TỪ HÌNH THỨC THỂ HIỆN
3.1. Cốt truyện và kết cấu
3.1.1. Cốt truyện phi trung tâm, coi trọng ngẫu hứng
Cảm quan hậu hiện đại nhìn nhận thế giới hiện tồn không trật tự, đầy những đứt đoạn và phân mảnh. Mỗi đoạn, mỗi mảnh ấy đều có sức gợi riêng không thiên lệch chính hay phụ. Tư duy mảnh ghép cho phép nhà văn ngẫu hứng trong lối kể của mình mà không chủ tâm để tạo nên một cốt truyện hay lựa chọn sự kiện để tập trung cho cốt truyện đã được định hình.
Đời sống bề bộn, cùng một lúc nhiều vấn đề được bày ra trong thế giới nghệ thuật tạo nên từ ngòi bút Nguyễn Việt Hà. Có thể hình dung kết cấu tác phẩm của Nguyễn Việt Hà như một bản đồ online mà trên đó có nhiều vị trí được cắm mốc.
Mỗi vị trí được cắm mốc ấy tương xứng với một mảnh ghép của hiện thực đời sống.
Trong Cơ hội của Chúa, kiểu cốt truyện sự kiện, cốt truyện tâm lí, cốt truyện phi lí dường cùng lúc hiện diện. Cốt truyện có thể xác định với các sự kiện xoay quanh bốn nhân vật nhà văn đặt là những người kể chuyện. Mỗi nhân vật kể chuyện ấy hiện lên với chuỗi sự kiện riêng. Hoàng vốn là đứa trẻ thông minh, không ương bướng, nghịch ngợm nhưng theo đám trẻ trong phố leo tường xem phim bị bắt oan và “Kể từ đấy thằng nhỏ mười ba tuổi hay chữ vĩnh viễn bị đóng đinh câu rút trên cây thánh giá hoài nghi” [55, tr.78]; là một sinh viên giỏi nhưng kết quả tốt nghiệp không như mong muốn; hăm hở rời Hà Nội để tìm sự nghiệp nhưng thất bại; Hoàng đi làm nhưng ở cơ quan là sự bê trễ, trì trệ; tìm tình yêu nhưng tình yêu không bền nên lại càng hoang mang và hoài nghi. Xoay quanh nhân vật Nhã là các sự kiện chính: Nhã yêu Lâm và sẵn sàng hy sinh vì tình yêu nhưng Lâm thực hiện khát vọng du học bỏ rơi Nhã với cái thai trong bụng; Nhã vượt qua nỗi đau một mình nuôi con và làm giàu; gặp Sáng, sau những đắn đo Nhã nghĩ đó là chỗ dựa cho mình nhưng khi Nhã gặp khó khăn trong làm ăn, Sáng đã tránh vì không muốn ảnh hưởng sự thăng tiến của Sáng. Xoay quanh nhân vật Tâm là những sự việc: Tâm bỏ đại học đi xuất khẩu lao động, tham gia buôn lậu để có vốn làm giàu; trở về nước Tâm mở công ty với khát vọng làm giàu chân chính nhưng thất bại bởi vốn, bởi quan hệ kinh tế phức tạp đang tạo cơ hội cho những người có quyền lực. Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy lần lượt là những ngôi kể thứ nhất xưng tôi trong câu chuyện của mình tạo nên những mảnh ghép trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa. Mối quan hệ của những mảnh
ghép ấy có thể xác định là song song cùng tồn tại và đan cài nhau theo các mối quan hệ của nhân vật chứ không thể là truyện lồng truyện hay quan hệ chính phụ bởi tính độc lập tương đối. Dù có giao nối bằng một số sự kiện chung như ngày Hoàng đón Tâm về từ sân bay trong lời kể của cả Tâm và Hoàng hay ngày Thủy và Hoàng gặp nhau trong lời kể của cả hai người thì hoàn toàn có thể tách ra thành chuyện của Hoàng, chuyện của Tâm và chuyện của Thủy. Tính chất mảnh ghép còn thể hiện ở chỗ xen trong những tuyến truyện xoay quanh nhân vật ấy có những chuyện để kể về các nhân vật khác như Sáng, Lâm, thầy Phi hay Trần Bình. Nhìn vào mỗi mảnh ghép, độc giả thấy mỗi vấn đề của cuộc sống, từ kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục cho tới hôn nhân và tình yêu. Trong những vấn đề được đề cập, không có cái nào được xem là trung tâm có ý nghĩa chi phối, dấu ấn ở lĩnh vực nào tùy thuộc vào người đọc.
Cốt truyện tâm lí và cốt truyện phi lí cũng hiện lên ở việc nhà văn đặt điểm nhìn cho nhân vật. Những dòng tâm trạng của Hoàng, Nhã, Tâm, Thủy khiến người đọc không thể không tham gia để cùng lần giở lại các sự kiện, biến cố, quan hệ trong cuộc đời nhân vật. Trong dòng tâm trạng ấy, những gì được kể không có lớp lang trật tự mà vô cùng ngẫu hứng. Tạo kết cấu như thế nên một sự kiện có thể trở đi trở lại vài lần, trong mỗi nhân vật sự kiện được nhìn ở mỗi góc độ khác nhau.
Ngay chính mỗi nhân vật lại được hiện lên trong cảm nhận của những nhân vật khác. Tất cả tạo nên sự đan cài chồng chéo của các tình tiết, sự kiện mà không hề có biểu hiện của quan hệ nhân quả.
Sự phá vỡ sắp đặt của cốt truyện truyền thống được Nguyễn Việt Hà tiếp tục ở hai cuốn tiểu thuyết sau Khải huyền muộn và Ba ngôi của người. Nếu ở Cơ hội của Chúa, độc giả ít nhiều còn thấy sự mạch lạc trong kết cấu thì đến hai cuốn tiểu thuyết này độc giả thấy rõ hơn tính chất “chơi kết cấu” của nhà văn qua độ phân rã của cốt truyện. Khải huyền muộn được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận định là một cuốn tiểu thuyết về chính nó với câu chuyện đi tìm nhân vật cho cuốn tiểu thuyết của nhân vật nhà văn. Bám theo mạch truyện, cuộc trao đổi của nhà văn với nguyên mẫu là sự hình thành cuốn tiểu thuyết với hai nhân vật chính: quan chức cấp cao có tên là Vũ và người mẫu tên Cẩm My. Lồng vào mối quan hệ nhà văn - nguyên mẫu là hai mạch truyện: mạch truyện về người mẫu - nguyên mẫu và mạch
truyện về nhà văn Bạch. Kéo người đọc vào cuộc chơi, Nguyễn Việt Hà cố ý tạo sự nhập nhằng giữa người mẫu nguyên mẫu với người mẫu Cẩm My, nhà văn và nhân vật. Việc sắp xếp và xác định đòi hỏi ở độc giả sự tích cực, chủ động. Ở Ba ngôi của người, chúng tôi lại thấy sự phân rã cốt truyện của tác phẩm được tạo nên ở một hình thức khác. Độc giả được đưa vào một không gian hẹp của quán thịt chó, nơi nhân vật trung niên tên Tôi tìm đến sau khi để lại cho con trai mình một lá thư nhưng không cho biết mình đi đâu. Không gian này thi thoảng được nhắc lại lẫn trong lời kể về những kiếp luân sinh mà Tôi nhớ được. Quan hệ cha con ở kiếp cuối cùng của Tôi với Kun, quan hệ cậu cháu giữa Kun và Quang Anh là cơ sở để Kun và Quang Anh trở thành hai nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi trong tác phẩm. Và với các ngôi kể khác nhau, những tình tiết, sự kiện mở ra dường như không giới hạn gắn với ngẫu hứng trong hồi ức của nhân vật.
Phi trung tâm cốt truyện cũng là điều dễ nhận thấy trong thể loại truyện ngắn của nhà văn. Đặc điểm chung của các truyện ngắn đều là sự rời rạc, không liên kết, không mạch lạc trong lời kể. Đọc những truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà như Thiền giả, Thật bồ đoàn, Từng vòng khói thuốc, Trùng trùng điệp điệp…, độc giả sẽ thất bại nếu trông chờ vào chuỗi sự kiện, biến cố có thể theo dõi và mối quan hệ nhân quả do nhà văn sắp đặt. Lối mòn trong cách đọc truyền thống dựa vào sự kiện và cốt truyện sẽ khiến người đọc tự băn khoăn đặt câu hỏi: không biết nhà văn muốn nói gì? Nên đòi hỏi một cách đọc khác, cho sự hoài nghi và rũ bỏ những vọng niệm trong tâm thức, cho sự phá vỡ những nguyên tắc, quy tắc trong sáng tạo nghệ thuật. Để có thể kể lại, độc giả phải suy ngẫm và sắp xếp lại từ những mảnh ghép rất lộn xộn từ nhân vật kể chuyện, tất nhiên có thể cho kết quả rất khác nhau trong sự tiếp nhận của mỗi độc giả. Độc giả tiếp cận tác phẩm với cách duy nhất là đọc, nghĩa là phải bằng bản gốc chứ không thể qua phiên bản như tóm tắt. Tạo nên những tác phẩm như thế “thực sự là một thử thách, một “cuộc chơi thú vị với người viết” [50, tr.60] đồng thời thách thức người đọc, kéo họ vào cuộc chơi ngôn ngữ.
Với những mảnh ghép như vậy, cốt truyện trong lối viết của Nguyễn Việt Hà ở trạng thái phân rã. Nếu văn học truyền thống xem cốt truyện là một trung tâm và xem trọng vai trò của nó thì ở lối viết như của Nguyễn Việt Hà, quan niệm cốt truyện đã có sự thay đổi. Cốt truyện với tình tiết, sự kiện, diễn biến không còn là
vấn đề trung tâm của tác phẩm. Cùng với sự phân rã cốt truyện theo xu hướng mở rộng, tỏa ra để với tới được nhiều vấn đề của đời sống thực tại là vấn đề tạo một kết cấu mới là những điều nhà văn theo lối viết hậu hiện đại quan tâm.
3.1.1.2. Phi trung tâm nhân vật
Với lí luận văn học hiện đại, nhân vật được xem là “phương tiện tư duy về hiện thực và định hướng giá trị của con người” [99, tr.118]. Như vậy, nhân vật có vai trò to lớn và rõ nét trong kết cấu của tác phẩm. Trong sáng tác của mình, Nguyễn Việt Hà không phủ nhận giá trị của lí luận văn học hiện đại khi xây dựng nhân vật cũng như một phương tiện nghệ thuật nhằm thể hiện sự nhìn nhận về đời sống và con người. Nhưng khác biệt trong lối viết của nhà văn là ở cách xây dựng nhân vật. Không hẳn là “mờ mờ nhân ảnh” như nhà phê bình Phương Lựu nhận định về nhân vật trong văn học hậu hiện đại bởi vẫn có một vài đường nét về gia đình, nghề nghiệp dù là không đầy đủ và thật cụ thể nhưng “quy chuẩn”: “nhân vật dưới mọi hình thức đều thường có tính cách” [99, tr.119] đã bị phá vỡ. Tính cách ở đây được hiểu như là “đặc điểm của nhân vật, khuynh hướng ý chí và là quy luật hành động của nhân vật” ” [99, tr.119]. Điều này được lưu ý để phân biệt kiểu nhân vật tính cách sẽ nói sau đây.
Kiểu nhân vật trong văn học đã từng được xác định theo các tiêu chí ý thức hệ, vị trí trong hệ thống nhân vật hay cấu trúc chức năng nhân vật. Theo đó, có kiểu nhân vật chính diện, phản diện; nhân vật chính, nhân vật phụ; nhân vật loại hình, nhân vật tư tưởng. Nhân vật của Nguyễn Việt Hà gần nhất với nhân vật tính cách là kiểu nhân vật phức hợp, đa chiều, phức tạp và bí ẩn. Đây là kiểu nhân vật gần với đời thực đã xuất hiện ở chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX. Nhưng sự kế thừa của nhà văn chỉ ở kiểu loại nhân vật. Đáng chú ý là nỗ lực đổi mới thể hiện ở cách xây dựng nhân vật không phải là một đơn vị nghệ thuật hoàn chỉnh, có sự phù hợp ngôn ngữ, hành động với tư duy và vị trí xã hội. Sự phức tạp ở nhân vật của Nguyễn Việt Hà ở chỗ không có tính hoàn chỉnh và phù hợp ấy. Trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, câu cửa miệng của Hoàng cho thấy nhân vật là một tín đồ Công giáo nhưng tư duy của Hoàng còn có sự hòa trộn Phật giáo và Đạo giáo. Ở nhân vật Tâm là xấu tốt đan xen, Tâm luôn mong muốn lối làm ăn minh bạch và ngay thẳng nhưng cách để Tâm có thể xây nhà trên đất nhà thờ lại rất láu cá, chiêu trò. Hiện lên trong sáng tác của
Nguyễn Việt Hà còn có những nhân vật mà ở đó địa vị xã hội, những ca ngợi mà báo chí dành cho họ rất khác với hành động và nhân cách trong cuộc sống. Đó là ông giám đốc ngân hàng nổi tiếng hiếu thảo trong tiểu thuyết Khải huyền muộn, vị giáo sư đáng kính trong truyện ngắn Từng vòng khói thuốc, giáo sư Trần uyên bác trong truyện ngắn Mưa trong ngày cưới, thiền sư - họa sĩ Phúc Huy trong Thiền giả… Dị dạng và khiếm khuyết, tính không hoàn chỉnh của nhân vật cũng không chỉ ở phương diện sự phù hợp các yếu tố hành động và vị trí xã hội mà còn thể hiện ở sự tiếp diễn, sẽ còn biến đổi trong suy nghĩ và hành động của nhân vật từ hình thức mở của thế giới nghệ thuật.
Phi trung tâm nhân vật còn biểu hiện ở sự không đầy đủ các chất liệu cho xây dựng nhân vật. Được Nguyễn Việt Hà tập trung hơn cả là dòng ý thức của nhân vật.
Khai thác dòng ý thức là một thủ pháp nghệ thuật đã được các nhà văn hiện đại Việt Nam sử dụng. Thạch Lam với Hai đứa trẻ, Nam Cao với Đời thừa, Chí Phèo, Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ, Nguyễn Thi với Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Minh Châu với truyện ngắn Bức tranh, Phiên chợ Giát là một vài dẫn chứng và xem như là tiêu biểu đã được chọn lựa cho sự thành công về nghệ thuật. Cũng xem trọng dòng ý thức bởi giá trị của nó trong việc phác họa chân dung con người nhưng lối viết theo hướng hậu hiện đại của Nguyễn Việt Hà không nhằm tạo nên hình tượng trung tâm trong tính thống nhất mang “sứ điệp” mà khai thác dòng ý thức của nhân vật nhằm diễn tả sự phức tạp của tư duy và đời sống tâm hồn con người. Tư duy nhân vật không phải là vấn đề to tát, vấn đề chung của cả cộng đồng mà nó là cái riêng lẻ mang tính cá nhân. Kể cả những khái quát triết lí thì cũng chỉ là sản phẩm của sự chiêm ngẫm, trải nghiệm của một con người cá thể, không phải là tiếng nói đại diện.
Nhân vật trung tâm là một phạm trù quan trọng trong lí luận văn học hiện đại nhưng trong văn học hậu hiện đại, khi quan tâm đến những “ngoại vi” thì bình diện nhân vật trung tâm không còn ý nghĩa. Ở ba cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, với sự song song nhiều ngôi kể thứ nhất và nhiều vấn đề của đời sống được đề cập, việc xác định nhân vật trung tâm chẳng có ý nghĩa gì. Ngay cả truyện ngắn, dù chỉ một ngôi kể, một nhân vật xuyên suốt nhưng vấn đề cuộc sống có thể nhận ra không phải chỉ bám vào nhân vật kể chuyện ấy. Họp lớp cũ là câu chuyện được kể bởi
nhân vật xưng tôi, vấn đề cuộc sống gần như chẳng liên quan gì đến “tôi”, đến sự kiện họp lớp mà nằm tản mát ở những nhân vật được kể như Quốc, Hương, vợ “tôi”
và thầy Phấn. Với nhân vật “tôi” chỉ đọng kết là ở câu cuối tác phẩm như một sự phải mặc nhiên chấp nhận: “Tôi thở dài chẳng muốn nghĩ gì, hai tay chầm chậm nâng lẵng hoa đi vào quán” [58, tr.256].
3.1.1.3. Phi trung tâm thể loại, ngôn ngữ
Thể loại văn học là “dạng thức của tác phẩm văn học, được hình thành và tồn tại tương đối ổn định trong quá trình phát triển lịch sử của văn học” [59, tr.252]. Cơ sở sự tồn tại và cũng là nguyên tắc để phân chia thể loại văn học là những nhóm tác phẩm giống nhau về phương thức miêu tả và hình thức có tính ổn định của chỉnh thể ấy. Nói cách khác, thể loại tác phẩm văn học “là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó ứng với một loại nội dung nhất định có một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một chỉnh thể” [99, tr.220]. Nói tới thể loại là nói tới cách thức tổ chức tác phẩm có sự thống nhất, quy định lẫn nhau của các yếu tố như nhân vật, kết cấu, lời văn. Phương thức chiếm lĩnh đời sống của tiểu thuyết khác với các thể loại khác như truyện ngắn, thơ, kịch, nghị luận… tạo nên những kênh giao tiếp khác nhau giữa nhà văn với độc giả.
Lối viết hậu hiện đại phi trung tâm thể loại bằng hòa trộn và tích hợp thể loại. Nhà văn tìm tòi những hình thức thể hiện mới mà không lệ thuộc mô hình và những nguyên tắc cứng nhắc của thể loại. Với Nguyễn Việt Hà, sáng tác vẫn được định danh tiểu thuyết hoặc truyện ngắn nhưng đã có biểu hiện của những phá vỡ kết cấu thể loại khi hòa trộn trong một thể loại các thể loại khác. Trong một tiểu thuyết như Cơ hội của Chúa, những mạch truyện xoay quanh mỗi nhân vật hoàn toàn có thể tách ra thành nhiều truyện khác. Lồng ghép trong cuốn tiểu thuyết này còn là truyện ngắn của nhân vật Hoàng mang tính độc lập tương đối. Ba lá thư của Trần Bình viết cho Thủy, vở kịch đầu chương năm hay “bài luận” khép lại tác phẩm đều là những văn bản tồn tại trong nét đặc trưng của thể loại khác mà không phải là tiểu thuyết. Như vậy, trong tiểu thuyết có truyện ngắn, có kịch, có nghị luận là minh chứng của lối viết “phản thể loại”. Khải huyền muộn cũng đậm dấu ấn hậu hiện đại trong kết cấu của một “siêu tiểu thuyết”. Tiểu thuyết trở thành chủ đề của tiểu thuyết với những lí luận sáng tác về những mối quan hệ: nguyên mẫu với nhân vật,