Liên kết trong hệ thống sáng tác của nhà văn

Một phần của tài liệu Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của nguyễn việt hà (Trang 104 - 107)

Chương 3. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ NHÌN TỪ HÌNH THỨC THỂ HIỆN

3.3. Tính liên văn bản

3.3.2. Liên kết trong hệ thống sáng tác của nhà văn

Nói về liên văn bản, nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc trong cuốn Văn học hậu hiện đại, lí thuyết và tiếp nhận cho rằng: Văn bản sẽ luôn là nền tảng của mọi tồn tại. Mọi tồn tại là văn bản và văn bản nào cũng chịu chi phối và kiềm tỏa của các văn bản khác, chính nó không có sự độc lập tương đối. Sáng tác của Nguyễn Việt Hà với những liên văn bản nội tại chính là biểu hiện của sự không độc lập ấy.

Có một mối quan hệ giữa hình tượng nhân vật Vọng trong truyện ngắn Mãi không tới núi với hình tượng nhân vật Vũ trong Khải huyền muộn. Ở truyện ngắn Mãi không tới núi, Vọng “tung cái điện thoại di động vào đúng tâm ngã ba đường…

Anh đã đau khổ, đang sám hối và tự mình đi tìm Đạo mong một sự thanh tẩy, tuyệt không có việc chuẩn bị sắp xếp. Năm ngày trước anh đã buông bỏ tất, vinh hoa phú quí danh vọng… Vọng cố nhớ lại kinh Lạy Cha mà xa xưa lắm Vọng cũng đã thuộc… Cái im lặng của rừng và núi làm Vọng ghê ghê… Xa xa là cái Mercedes chín chỗ hay đưa Vọng đi công tác hoặc đi du lịch. Giữa hoàng hôn chiều bảng lảng của rừng, tuyệt không thấy núi”. Nhân vật vừa sám hối và buông bỏ, vừa lại chùng

chình nuối tiếc không “ồn ào tuyên bố một điều gì” trước khi “đi vào núi”, vừa không thoát khỏi những sự sắp đặt trước của cấp dưới, những kẻ có vẻ hiểu Vọng hơn là chính nhân vật đã xem sự buông bỏ của Vọng như một “tua du lịch mạo hiểm đặc biệt”. Hình tượng nhân vật Vọng như trở thành chất liệu cho Nguyễn Việt Hà xây dựng nhân vật Vũ trong tiểu thuyết Khải huyền muộn. Trong kí ức của Vũ

“Cái lần đi ấy, thật rùng mình. Vũ vĩnh viễn tưởng sẽ không quay về Hà Nội nữa.

Gã thanh niên người Thượng, im lặng không nói, cầm một con dao dài lầm lũi đi trước. Vũ đã để lại toàn bộ giấy tờ tùy thân trên mặt bàn cơ quan. Vũ vứt cái mobile Nokia ở bìa rừng, màn hình xanh nhạt heo hút không có sóng. Bỏ hết ngần ấy thứ, liệu Vũ có còn là Vũ… Vũ chập chờn nhớ những cái mình đã làm cho người và người khác đã làm cho mình, tự rờn rợn thấy sợ…Vũ đã ở lại hai đêm ở một tu viện nhỏ. Gã thanh niên người Thượng thì thầm với cha quản lý. Vũ được nằm ở một phòng nhỏ rất sạch… Vũ ấp úng đọc kinh Lạy cha mà bà cụ Anna Nghi hay đọc trước khi đi ngủ… Cả dãy nhà vắng lặng hơi người, có nhiều con côn trùng lạ…

Dưới chân tượng Thánh cả Benedicto khai dòng, cả Ban giám đốc Sở thể thao của tỉnh đang bồn chồn đứng chờ. Hai cái LandCruise, vẫn nổ máy bật đèn cốt sáng nhờ nhờ nép ở rìa đằng hậu tu viện” [56, tr.94-96].

Ở Nguyễn Việt Hà, nhiều yếu tố trong truyện ngắn trở thành chất liệu cho những trang tiểu thuyết. Ban nhạc và người khách Bắc Âu trong truyện ngắn Buổi chiều thứ 99 cũng là chi tiết có trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa. Trong Buổi chiều thứ 99, suy nghĩ của nhân vật tôi khi gặp lại thầy giáo cũ là “Trong các loài biết đi, biết bơi, biết nhảy, biết bò tôi thường không yêu được những sinh vật lắm mỡ”. Đó cũng là ý nghĩ của Nhã khi nói về Lâm trong Cơ hội của Chúa: “Trong tất cả các sinh vật biết đi, biết bò, biết bơi, biết bay tôi luôn ghét những loài lắm mỡ”. Đáy gói kẹo cầm tay giấu bảy ngàn đôla và cái nhìn thô lỗ của Bạch vào nút khuy cổ không cài của nữ hải quan (Người đi thi hộ) cũng là thủ thuật để Tâm (Cơ hội của Chúa) qua cửa hải quan với bảy ngàn đôla. Sự việc vỡ quỹ tín dụng không chỉ có trong Người đi thi hộ, Từng vòng khói thuốc mà còn trở lại trong Cơ hội của ChúaBa ngôi của Người.

Từ những dẫn dụ và phân tích trên, chúng tôi nhận thấy liên văn bản là đặc điểm nổi bật về hình thức thể hiện trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà. Tìm tòi, đổi

mới lối viết để nói cái bộn bề của hiện thực đời sống con người hôm nay, liên văn bản như một kĩ thuật giàu tiềm năng để nhà văn tạo thế giới nghệ thuật cho tác phẩm của mình. Tác giả không chỉ sử dụng chất liệu hiện thực đời sống mà còn bằng chất liệu vô cùng phong phú từ lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật, những chất liệu thuộc về đời sống tinh thần của con người. Bằng liên văn bản, nhà văn không chỉ thể hiện được tính chất phi trung tâm trong tư duy nghệ thuật mà còn tạo một “thế giới mở”, thế giới ấy rộng bao nhiêu lại càng bề bộn bấy nhiêu. Mặt khác, liên văn bản còn là lối viết dành nhiều quyền cho độc giả. Với sự thuận lợi của mạng Internet, liên văn bản là cơ hội cho độc giả tự mở mang sự hiểu biết của mình theo gợi dẫn. Là bản chất của tồn tại nên liên văn bản đòi hỏi cả hành động viết và đọc được thực hiện trong tổng thể những mối quan hệ của nó. Đó vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều điều thú vị cho cả nhà văn và độc giả.

* Tiểu kết

Nỗ lực đổi mới lối viết, hình thức nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà mang nhiều dấu ấn của khuynh hướng văn học hậu hiện đại. Phân tích một số khía cạnh cơ bản của hình thức tác phẩm, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Việt Hà thể hiện sự chú trọng trong việc tạo một kết cấu mà ở đó tính chất phi trung tâm là điểm nhấn. Điểm nhấn phi trung tâm ấy một mặt cho phép hiện lên hiện thực bộn bề của cuộc sống, mặt khác nó biểu hiện cho tâm thức “hoài nghi đại tự sự”, chấp nhận và quan tâm tới những “tiểu tự sự”, những cái được xem là ngoại lệ, bên lề. Kết cấu ấy chi phối để nhà văn tạo nên nhiều điểm nhìn và tính liên văn bản trong tác phẩm.

Nếu liên văn bản là thủ pháp hữu dụng cho phi trung tâm thì sự phân tán điểm nhìn đem lại tính dân chủ, khách quan trong cách nhìn nhận và đánh giá về hiện thực và con người. Nổi bật trong các tác phẩm là tinh thần đối thoại về mọi vấn đề của cuộc sống, giữa cũ và mới, tích cực và tiêu cực, bảo vệ và phá bỏ… Giễu nhại là giọng điệu phù hợp cho tinh thần đối thoại ấy, vừa tránh được gay gắt cực đoan đồng thời vừa có ý nghĩa phản tỉnh. Độc giả đến với sáng tác của Nguyễn Việt Hà nhận ra những trớ trêu, phi lí và cả những nghiệt ngã của cuộc đời mà suy ngẫm nhưng không bị “nhập” vào mình cái “hoài nghi” của nhân vật hay nảy sinh tâm trạng bi quan từ sự hoài nghi ấy có lẽ chính bởi do giọng điệu cười cợt xem đời như một cuộc chơi.

Một phần của tài liệu Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của nguyễn việt hà (Trang 104 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)