Chương 3. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ NHÌN TỪ HÌNH THỨC THỂ HIỆN
3.2. Điểm nhìn và giọng điệu
3.2.2. Giọng điệu giễu nhại
Giễu nhại là một trong những đặc trưng của lối viết theo hướng hậu hiện đại.
Trong tâm thế của sự hoài nghi, nhà văn dùng giễu nhại như một thủ pháp đắc dụng cho việc thể hiện những đổ vỡ của các đại tự sự. Vì thế, “đặc điểm của nhại là hạ bệ những gì từng là cao quý, độc tôn;… bóc trần những gì được xem là xấu xa, giả dối,… trong xã hội hay trong hành động, nhận thức của con người [20, tr.110].
Nhận thức thế giới hiện thực và sáng tạo, nhà văn đặt dưới cái nhìn của nhại để đánh giá lại các tiêu chí về đạo đức, tôn giáo… mang tính gợi mở và đối thoại.
Giễu nhại cũng trở thành một yếu tố tạo nên văn phong nghệ thuật của Nguyễn Việt Hà và được thể hiện khá phong phú. Nhà văn không chỉ là nhại các hình ảnh tư tưởng, chủ đề trước đó mà còn có thể nhại các hành động tư tưởng của chính cuộc sống đương thời. Tác giả dùng giễu nhại như một phương thức để miêu tả một thế giới hỗn loạn bởi sự lung lay, đổ vỡ nền tảng đồng thời gợi suy ngẫm về những huyễn hoặc, tín niệm của con người.
3.2.2.1. Giễu nhại một thế giới hỗn loạn đổ vỡ giá trị
Đề tài đời sống văn chương là một kho dữ liệu cho sự giễu nhại của Nguyễn Việt Hà. Trong truyện ngắn Mua và bán, nhân vật Đông là hình ảnh nhại của các văn sĩ đạo văn khi mua tác phẩm để giữ danh tiếng và khẳng định phong cách riêng độc đáo vốn không phải của mình. Để giễu nhại hình ảnh thi sĩ trẻ nổi danh, nhà văn tạo nên nhân vật nhà thơ trẻ Hải Phòng, chiêu trò sử dụng bí mật loài cỏ tên Thảo Ti Tử của nhân vật và hời hợt a dua của độc giả khiến “cô bé đương nhiên thành một hiện tượng” trên thi đàn.
Trăn trở với nghề cầm bút khiến sự “ấn chứng nhà văn” trở thành đối tượng giễu nhại của Nguyễn Việt Hà: “Điều kiện chính xác cho một người được gọi là nhà văn có vẻ đơn giản, đấy là anh ta được các nhà văn khác công nhận… Như vậy, sự khẳng nhận từ một người đã là nhà văn với một người đang chập chờn viết mới chính là sự ấn chứng… Một việc rất khó nhọc và dễ lầm lẫn là người viết trước khi được ấn chứng phải tự âm thầm đi tìm nhà văn “chính danh” của riêng mình…Thế những người đầu tiên được gọi là nhà văn thì ai là người đầu tiên gọi họ. Đã có nhà văn đầu tiên thì ai là độc giả đầu tiên. Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt. Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân. Trương Nhược Hư buông thắc mắc mà không giải thích” [56, tr.138]. Tiếp tục mạch giễu nhại, ở tiểu thuyết Ba ngôi của người là chuyện nhà văn thành danh đỡ đầu cho lớp trẻ. Vì sự “ấn chứng” nên văn đàn “bỗng dưng cực kỳ đông nghĩa phụ nghĩa mẫu nghĩa tử. Nghĩa phụ thì chọn nuôi con gái còn nghĩa mẫu thì chọn nuôi con trai. Con gì được nuôi thường cũng để làm thịt nên các nghĩa nữ lúc ban đầu đang đi tìm nghĩa phụ thì tất thảy viết văn xuôi. Sau một thời gian được yêu thương chăm bẵm bỗng nhận ra mình đã lên thớt nên không đột ngột lắm chuyển sang làm thơ và viết báo. Thơ là tiếng nói của đau khổ, còn báo là phương tiện để lãng mạn nuôi dưỡng nỗi khổ đau ấy” [57, tr.45].
Cũng bằng giễu nhại, nhà văn đối thoại với những lí thuyết trong sáng tạo văn chương: “Nhân vật văn học phải phức điệu phải đa dạng… Bố khỉ, lý thuyết nào chẳng xám đục như lý thuyết nào. Cuộc sống thật linh tinh ngớ ngẩn không có lý thuyết. Tuyệt đối không có một hiện thực nào chung cho tất cả mọi người. Mỗi cách nhìn là tạo ra mỗi thế giới riêng biệt. Cái nhìn toàn tri, có chăng, chỉ nằm trong nhãn quan của các thánh. Hô hào văn học phản ánh và bám sát hiện thực đã được mặc định là một nhiệm vụ bất khả” [56, tr.220]. Trong nhận thức của người viết,
“cuộc sống thật thì đều đều nhàn nhạt khó nắm bắt và đa phần vô nghĩa. Chính nỗi sợ hãi vô nghĩa đã đẩy con người tới chỗ luôn ý nghĩa hóa cuộc sống của mình.
Những nhà văn thành danh rất thành thạo trong cái thao tác tô cho cuộc sống thật nhiều màu mè” [56, tr.221].
Giễu nhại cũng rõ nét trong tiểu thuyết Ba ngôi của người khi nhà văn để nhân vật đối thoại về mối quan hệ nhà văn và tác phẩm: “Văn là một chuyện, người là một chuyện, làm gì có cái thứ sến vãi, văn tức là người”; “Hồi phổ thông, tôi được dạy là người viết văn luôn phải cao hơn cái điều anh ta đã viết. Không hẳn bố láo nhưng cũng không hẳn đúng. Viết văn là nông nổi phơi ra những gì sâu sắc tinh tế làm cho người đọc đau đớn động lòng. Nó khó ở chỗ đấy mà hay cũng ở chỗ đấy.
Bọn bất tài rất thích xuyên tạc văn bằng cái kiểu tô chữ hoa cho nhân cách”
[57, tr.179]; “Văn cũng có thể là người. Nhưng đã là người thì lúc hay lúc dở, lúc khỏe lúc mệt. Lúc được đàn bà yêu nó khác, lúc bị đàn bà phản bội lại khác. Nó lẫn lộn vừa cao thượng vừa khốn nạn. Có điều, bọn nhà văn hầu hết là lũ hoang tưởng đạo đức, cứ nghĩ là mình phải viết ra những điều thật khỏe thật hay thật cao thượng.
Cho nên rất dễ giả. Nói chung, thương nhân thì được đảm bảo bằng tiền, còn nhà văn thì được đảm bảo bằng chữ. Văn mà hay thì tư cách sẽ hay. Đã là văn tài thì đương nhiên sẽ có nhân cách” [57, tr.179]. Không phải những phát biểu của nhân vật đều giàu sức thuyết phục nhưng ít nhiều chúng phản ánh hiện thực cuộc sống trong cảm nhận của một cá thể con người.
Những biểu hiện của giọng điệu giễu nhại như đã phân tích ở trên đều chứa đựng tinh thần đối thoại. Đối thoại ấy xuất phát từ tâm thức mang dấu ấn hậu hiện đại: phủ nhận những mô hình, sự thống nhất và việc đi tìm ý nghĩa tác phẩm là tìm cái không thực.
Quanh đề tài văn chương, ở Nguyễn Việt Hà còn là sự tự giễu nhại: “Cái vệt nghĩ đã thành rãnh. Đàn ông cơ mà, phải hùng tráng có danh vọng sự nghiệp chứ.
Tất cả mọi thứ đã được đổ khuôn. Trên tivi, thế lực truyền thông phổ cập nhất, nhan nhản nhiều nghệ sĩ tóc dài để râu được giới quyền quý kính trọng. Những người mẫu này bản mặt tỏ vẻ cô đơn giữa đám đông vừa ưỡn ẹo lao động vừa u mặc đau khổ coi đồng tiền như rác. Bạch mặt mũi nhẵn nhụi nằm ườn nhếch nhác uống rượu.
Suốt một thời gian dài, Bạch chẳng viết được cái gì và cũng chẳng có nổi mối quan hệ sang trọng nào để làm được ra tiền” [56, tr.200-201]. Vợ Bạch “xa xả”: “Anh tưởng những cái đã viết nhảm nhí của anh là văn chương à”. Tự giễu nhại, nhà văn tự hạ bệ, giải thiêng bằng cả những phi lí: vẻ ngoài của Bạch “trông không giống văn sĩ” nên “cố gắng khắc phục điểm yếu” bằng cách “để tóc bù xù hơn và chịu khó nói tục” [56, tr.205].
Giễu nhại ở Nguyễn Việt Hà còn là lật đổ, hạ bệ và giải thiêng hình tượng.
Nhiều quan chức và trí thức, cả đàn ông và đàn bà đều bị trôi theo cám dỗ lợi danh hoặc dễ dãi dung túng cho sự tha hóa trong đạo đức, lối sống.
Giễu nhại liên văn bản với câu nói Trút ngôi vua như trút bỏ chiếc giầy rách của vua nhà Trần, nhà văn cười cợt sự buông bỏ danh lợi nửa vời của nhân vật Vũ trong tiểu thuyết Khải huyền muộn, của nhân vật Vọng trong truyện ngắn Mãi không tới núi. Giọng giễu nhại đầy mỉa mai “suốt một trăm năm nay sau Tam Nguyên Yên Đổ thì Vọng hình như là người duy nhất dám treo ấn từ quan”; “Vọng sẽ cạo đầu âm thầm gõ mõ niệm Phật hoặc không sẽ mặc áo chùng thâm lặng lẽ đọc kinh. Nhưng thích nhất, Vọng muốn thành ẩn sĩ ở lều gianh khoác áo thô gai. Vọng sẽ cô đơn như núi là hòa nhập vào thiên nhiên” [54, tr.221] để nói cái tự thổi phồng mình, lãng mạn đến nực cười của nhân vật Vọng.
Giễu nhại còn đắc dụng trong việc lột tả sự tha hóa, suy đồi, mê ăn chơi của con người trong tiểu thuyết Ba ngôi của người. Ý nghĩa của lời hát “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” hoàn toàn bị bóp méo khi “tay đầu hói phụ trách văn xã, hình như có đi học tại chức Tổng hợp văn thật, cậy có chữ giải thích. Hy là con trâu thui. Sinh là con lợn luộc. Thời nhà Thang bên tàu, dùng hai lễ vật này để tế Trời, về sau người ta vẫn dùng hai chữ “hy sinh” là tại cái thói quen thích dùng những nghĩa trang trọng linh thiêng nhất” [57, tr.111]. Hình tượng bị hạ bệ khi quan
chức cấp xã là kẻ suy đồi ham mê tình dục: “Trước khi biết chắc đi tù, đầu hói chỉ trối trăng ước ao là ngủ với râu ngô” [57, tr.112]. Giễu nhại ca khúc nhạc đỏ “Từ thành phố này Người đã ra đi…” và “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” được cài đặt làm nhạc chờ trong điện thoại của Giám đốc ngân hàng lại là một ám dụ về sự chi phối của đồng tiền trong xã hội.
Tình cảm thầy trò vốn là đạo hiếu nghĩa nhưng trong giễu nhại của Nguyễn Việt Hà, tình cảm ấy chỉ còn là mối quan hệ của nhu cầu bản năng và mục đích lợi dụng. Có thể thấy điều này trong mối quan hệ của giáo sư hướng dẫn và nghiên cứu sinh tên Hải trong tiểu thuyết Khải huyền muộn; vợ của nhân vật kể chuyện với giáo sư hướng dẫn có công trình nghiên cứu “Sự chung thủy của phụ nữ Việt Nam qua ca dao” trong truyện ngắn Chỗ trống.
Giễu nhại còn được sử dụng để bỡn cợt những hỗn loạn, phi lí trong cuộc sống. Đó là giễu nhại liên văn bản Mã Giám Sinh hỏi Kiều trong truyện ngắn Sếp và tôi và… Không khí trang trọng, đứng đắn ở mini Hotel với công việc tuyển nữ tiếp viên cho khách sạn nhưng thực chất là tuyển những nàng Kiều. Vòng quay lần lượt là qua tay sếp, rồi khách, rồi tuyển nữ tiếp viên mới… phũ phàng hơn bởi Kiều bị lừa còn những ứng viên ở đây tự tìm đến. Ở truyện ngắn Thiền giả, giễu nhại phong cách ngôn ngữ Thiền tông và công án Thiền để độc giả rơi vào sự chênh chao thực hư, thật giả. Trong truyện ngắn Của rơi lại là hình ảnh một ông sáu mươi nhăm tuổi về hưu mặc áo đại cán chân đi ủng “hạt lệ như sương” không khóc được, nức nở xin lại món tiền dành dụm cả cuộc đời. Còn cô gái giọng khàn vì hát Karaoke quá nhiều hiện lên trong sự giễu nhại “Em là ai, cô gái hay nàng tiên” tìm đến để đề nghị
“Anh hãy đem gói tiền ấy cùng với em, chúng mình trốn đi thật xa” [54, tr.79]. Cô gái ấy hóa ra là vợ chưa cưới của anh hàng xóm. Liên tưởng cô gái này với Desdemona, Juliet, Romeo, Othello càng thấy hiện thực trần trụi của cuộc sống không có cái gọi là lí tưởng. Trong truyện ngắn Kịch bản của đời, giễu nhại trong liên tưởng Bến Bình Than “xa xưa có một cậu bé đã đứng ở đó, cáu kỉnh bóp nát quả cam đòi người lớn cho đi đánh giặc” [54, tr.181] với cậu bé giả tình tống tiền đạo diễn là sự so sánh ngầm để nói đời sống tinh thần của lớp trẻ hôm nay quay quắt bởi chi phối của đồng tiền.
3.2.2.2. Giễu nhại huyễn hoặc tín niệm của con người
Giễu nhại còn là phương thức để Nguyễn Việt Hà đối thoại về những huyễn hoặc tín niệm của con người. Giễu nhại tôn giáo, nhà văn vừa giải thiêng một niềm tin về Đức Mẹ đồng trinh Maria bằng ánh sáng khoa học nhưng đồng thời phủ nhận sự thái quá của con người khi áp dụng thành tựu khoa học. Cuộc sống thêm hỗn loạn lắm khi bởi chính khoa học: “Đã là thiếu phụ sinh con rồi hiển nhiên không còn trinh tiết. Từ đấy, các nhà nhiều bằng cấp sáng chói đạo đức dễ dàng sản xuất ra hàng loạt màng trinh công nghiệp, ở đâu có sự thô bạo của kiến thức ở đó có đông đảo đạo đức giả” [55, tr.499].
Giễu nhại trong văn phong Nguyễn Việt Hà còn rất độc đáo bởi liên tưởng ở Khải huyền muộn: Bạch chịu lễ xưng tội lần đầu lúc mười một tuổi và hai mươi năm sau dự lễ kết nạp hội viên Hội nhà văn. Đây là giọng điệu của đoạn văn: “Hai buổi lễ hao hao giống nhau, đều là một thứ hành chính nào đó nhằm ấn chứng tâm linh ở Bạch. Tất nhiên, cũng có nhiều khác biệt. Khi chín thằng con trai lổn nhổn quỳ xuống chờ ban thánh thể, chỉ khâu mông quần bọn chúng, đồng loạt bị bục.
Một màu da trắng xanh của một thời khổ ải non nớt vì thiếu đạm. Hồi ấy, hầu hết bọn trẻ con không mặc gì bên trong. Còn hôm lễ kết nạp hội viên mới, mấy nhà văn nam hội viên cũ có uống nhiều bia, hớ hênh để mở phéc mơ tuya quần. Những quần xịp sặc sỡ hình như có đăng ten. Chịu lễ lần đầu là lễ bắt buộc cho việc xác tín đức tin của những đứa trẻ có đạo” [56, tr.171]. Không phải là sự ngẫu nhiên khi nhà văn tạo liên tưởng giữa hai sự việc ở hai khoảng thời gian của cuộc đời nhân vật Bạch.
Hiện lên ở đó là hàm ẩn về đổ vỡ nào đó khi sự trang trọng, thiêng liêng của cả hai buổi lễ đã bị hóa giải hoàn toàn.
Con người tin tưởng vào sức mạnh trí tuệ nên tôn vinh trí tuệ thần đồng nhưng trong truyện ngắn Người đi thi hộ, nhân vật Bạch là hình ảnh giễu nhại những mầm tài năng thần đồng toán học. Bạch bỏ du học vì cám dỗ kinh doanh, mánh khóe để đưa ngoại tệ qua cửa hải quan, tìm cách để yêu con nhà giàu, giả dối vỗ nước trà làm nước mắt khi bị bắt. Hình tượng thần đồng trở nên thật thảm hại, nhếch nhác. Qua giễu nhại, những bậc cao nhân như Trang Tử, Tuệ Trung (Cơ hội của Chúa) cũng được giải thiêng. Họ như những con người bình thường, thậm chí có những cái tầm thường, ở họ có cả phi lí và ngụy biện. Xóa đi tâm thức thần thánh
hóa những bậc vĩ nhân, Nguyễn Việt Hà không nhằm mục đích hạ bệ nhân vật lịch sử mà đưa con người đến sự phản tỉnh cần thiết. Cuộc sống con người thường bị bao bọc, ràng buộc bởi những ý niệm. Vọng niệm có thể khiến con người hoặc ảo tưởng hoặc bế tắc trong vòng kim cô của chính mình. Mang tính đối thoại, giễu nhại mang tính triết lí về cuộc đời. Giá trị hướng tới không gì khác là cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Giễu nhại trong sáng tác Nguyễn Việt Hà rất đa dạng trong cách thể hiện:
nhại ngôn ngữ, nhại thể loại, nhại phong cách, nhại hình tượng, nhại nghi lễ, bí tích tôn giáo… Đối tượng giễu nhại trong mọi lĩnh vực, mọi kiểu người trong cuộc sống.
Sự đa dạng ấy phù hợp với tâm thức phi trung tâm và vốn hiểu biết rộng và bản lĩnh đối thoại của nhà văn. Đó cũng chính là thách thức cho việc nghiên cứu về giọng điệu giễu nhại của Nguyễn Việt Hà.