Chương 2. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN PHẢN ÁNH HIỆN THỰC VÀ PHÁC HỌA CHÂN DUNG CON NGƯỜI
2.2. Dấu ấn hậu hiện đại từ phương diện phác họa chân dung con người
2.2.4. Con người vong thân
Trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà, con người luôn được đặt trong những thách thức. Trước thách thức ấy, con người buộc phải có niềm tin và lí trí để vượt qua. Nhưng niềm tin không còn, ngập trùm là hoang mang và hoài nghi trước hiện thực cuộc sống. Còn lí trí thì mong manh, yếu ớt trong cái lấn lướt của nhu cầu bản năng. Vậy nên, con người đánh mất mình là kiểu nhân vật hiện lên dày đặc trong hầu hết các sáng tác của nhà văn.
Biểu hiện cụ thể và rõ nhất của con người vong thân là sự tha hóa trong nhân cách. Đọc tiểu thuyết Khải huyền muộn, độc giả dễ nhận ra sự tha hóa không riêng ở giai tầng nào trong xã hội. Đó là sự tha hóa của quan chức cao cấp như Vũ, của kẻ có tiền như bố của Thảo, của kẻ có một ít chức quyền như trưởng phòng hành chính. Con người trí thức như Viện trưởng nơi công tác của bố Cẩm My, như tiến sĩ công tác ở Trung ương Hội phụ nữ cũng không nằm ngoài lề của tha hóa. Sự tha hóa còn được kể đến với những “gã thầy giáo” trong nghề vốn được xem là mẫu mực. Con người tha hóa có khi được khắc họa chỉ bằng ánh mắt dâm tục qua lỗ rách màn che nơi thay đồ cho diễn viên của bảo vệ hay nhạc công, ở việc hỏi thăm phố gái điếm như rất vô tình của một nam nhà thơ. Nhưng tất cả góp tạo gây ấn tượng về cái hỗn loạn trong nhân cách con người. Đến tiểu thuyết Ba ngôi của người, tha hóa nhân cách, lối sống của con người càng trở nên quái đản. Nhân vật Quang Anh
“làm tình với cả đống đàn bà” [57, tr.45] và có những buổi “dâm loạn pacty” với sự tham gia của không ít quan chức và thương gia. Nữ giám đốc nhà máy bia là người tình của chủ quán thịt chó, khi biết xuất thân chủ quán là họa sĩ đòi được vẽ tranh khỏa thân. Con người tha hóa trong tác phẩm còn là giáo sư già chuyên viết sách, là lãnh đạo huyện, và những ông thầy ở trường nhân vật Mộc Miên học.
Trước vô vàn thách thức thì cũng sẽ có vô vàn nguyên nhân cho sự tự đánh mất bản thân mình. Nhân vật xưng tôi trong truyện ngắn Chỗ trống bảy năm trước là người say mê công việc và có đôi chút thành tựu, nay thành kẻ nghiện rượu bởi cú sốc: “Vợ tôi đang nằm trên lòng giáo sư hướng dẫn. Giáo sư có công trình nổi tiếng “Sự chung thủy của phụ nữ Việt Nam qua ca dao”. Kĩ sư tin học Lê Mạnh Thái trong truyện ngắn Mối tình đầu “nồng nàn” trong tình yêu với cô gái bia ôm bao nhiêu lại giả dối, đớn hèn bấy nhiêu trong cuộc hôn nhân với con gái một quan chức đầu ngành. Cậu chủ trong truyện ngắn Mùa xuân nấc thầm đã có thời gian dài đi dạy đại học, con rể quan chức bộ trưởng, nay trở thành kẻ háo rượu “rúm ró sau quầy bar” của quán Karaoke ôm. Đánh mất chính mình có khi vì một cuộc mưu sinh. Nhà văn trong tiểu thuyết Ba ngôi của người không còn viết tiểu thuyết, loay hoay viết báo vặt và kịch bản truyền hình để kiếm tiền nuôi con như là một sự đánh mất mình. Phảng phất ở nhân vật này bóng hình của nhà văn Hộ (Đời thừa của Nam Cao). Tuy nhiên, khác biệt của Nguyễn Việt Hà ở chỗ không hề xây dựng nhân vật
bi kịch. Nhân vật nhà văn ở đây có thế chủ động trong sự lựa chọn của mình. Gợi suy ngẫm mức độ nào tùy tâm thức của mỗi độc giả. Không thoát khỏi cuộc mưu sinh ấy, nhân vật xưng tôi trong truyện ngắn Buổi chiều thứ 99 không thể “trở lại những nỗi đau”, không còn “sốc” trước những trớ trêu, nghiệt ngã của cuộc đời.
Khía cạnh nào đó có thể xem “chai sạn” ở nhân vật là đánh mất cảm xúc. Nhưng
“sự phản vệ” cũng còn ít nhiều trong độc thoại của nhân vật về ông thầy nay đã thành thương gia. Cảm xúc “ghét sinh vật lắm mỡ”, mong muốn “đập chai rượu vào đầu gã béo” là biểu hiện của “sự phản vệ” ấy. Chỉ tới khi hình ảnh “cô bé trong suốt” mà nhân vật thường nhìn thấy từ xa mang tính ám dụ cho đức tin và tâm hồn trong trẻo đến cuối truyện được nhìn tầm gần không lung linh mà “cũng thường thôi” trong “bàn tay của thầy nghịch đùa mái tóc” thì nhân vật mới có cái bất cần
“C’est la vie” (Đời là thế). Nhân vật nhớ lời mời hấp dẫn của ông thầy và quyết định ngày mai đi làm như một sự chấp nhận sống với đời.
Khía cạnh khác của con người vong thân biểu hiện ở những kẻ chịu cám dỗ của danh lợi, theo đuổi nó như là mục tiêu duy nhất của cuộc đời. Những con người ấy sở hữu và phát huy lí trí tỉnh táo đến lạnh lùng, họ khước từ, chối bỏ những giá trị của tình cảm cảm xúc như Lâm, Sáng, Thủy trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa.
Lâm đã có được một tình yêu đúng nghĩa bởi Nhã sẵn sàng hi sinh tất cả cho tình yêu với Lâm. Nhưng Lâm đã phũ phàng dứt bỏ nó cho khát vọng du học. Đã có bài học đớn đau của tình yêu, để quyết định mối quan hệ của mình với Sáng, Nhã đã có nhiều đắn đo, cân nhắc. Nhưng thêm một lần thất bại bởi Nhã kịp nhận ra, tình yêu là thứ nhỏ bé vô cùng so với công danh sự nghiệp mà Sáng đang xây dựng. Sự xuất hiện của Sáng ở sân bay với cặp kính đen che gần hết khuôn mặt lại càng khiến lộ ra gương mặt thật của Sáng trong mắt Nhã. Với nhân vật Thủy, tình yêu trong sáng với Hoàng không đủ lớn để Thủy vượt qua những lo lắng thông thường về vật chất và những cám dỗ trong cuộc đời. Thủy đã tự đánh mất mình dù cho có day dứt “tự quên” tình yêu “bằng cách nhân rộng những mặc cảm tội lỗi… luôn nghĩ , mình sẽ chẳng còn xứng đáng… biết ở đó, mình vĩnh viễn không hạnh phúc” [55, tr.492]. Ở truyện ngắn Chỗ trống, cái đích vị lợi lấn át nên không ai xứng ở vị trí của tình yêu, chiếc ghế của tình yêu cho đến cuối bữa tiệc vẫn là chỗ trống. Nhân vật Hưng đến, không phải vì tình yêu mà vì vị trí công việc, vì tiền lương và Hưng bị bật ra khỏi
chiếc ghế ấy, chiếc ghế mà ai cũng tưởng dành cho Hưng. Trong truyện ngắn Mua và bán lại là sự đánh mất mình vì danh của nhân vật Phương Đông. Đông trở thành thứ tầm gửi, kí sinh nhờ sự si tình của Thảo Nhi, trở thành kẻ giả dối, lừa mị độc giả trong thương vụ mua bán nhằm mục tiêu trở thành nhà văn danh tiếng với lối viết riêng độc đáo.
Nguyễn Việt Hà tỏ ra đa dạng trong cách phác họa con người vong thân.
Không chỉ phác họa con người vong thân có thể tri giác mà còn phác họa con người vong thân chỉ có thể trực giác. Trong tiểu thuyết Ba ngôi của người, con người vong thân khắc khoải tìm mình trong cõi hỗn mang, tranh tối tranh sáng. Đó là một không gian “không có âm thanh nên tất cả mọi thứ đều trở nên đặc sánh. Không thể thở được, càng không thể nói được” và “Tôi lẫn lộn ở trong đó. Tôi là ai và ai là Tôi”
[57, tr.372]. Tìm “cái Tôi” đích thực sẽ mãi luôn là khát vọng muôn đời của con người.