Chương 3. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ NHÌN TỪ HÌNH THỨC THỂ HIỆN
3.1. Cốt truyện và kết cấu
3.1.2. Kết cấu lắp ghép, phân mảnh
Kết cấu là “toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm” [59, tr.131].
Khác với bố cục là sự sắp xếp chương đoạn, kết cấu là cấu tạo tác phẩm không chỉ ở sự tiếp nối bề mặt mà còn bao hàm sự liên kết bên trong. Kết cấu tác phẩm văn học bao gồm tổ chức nhân vật, tổ chức cốt truyện, tổ chức không gian - thời gian và việc bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện như các đoạn trữ tình ngoại đề sao cho toàn bộ tác phẩm trở thành chỉnh thể nghệ thuật.
Trong văn học hiện đại, kết cấu được xem là tổ chức và sắp xếp sao cho tác phẩm đạt được sự mạch lạc, từ đó nổi bật lên tư tưởng chủ đề. Ngay cả tạo dựng
theo kiểu đảo lộn thời gian, sự kiện, phi tuyến tính cốt truyện thì sự mạch lạc vẫn được bảo đảm cùng với ý đồ nghệ thuật có tính hướng tâm. Nhà văn Nam Cao đã thành công trong lối viết này ở truyện ngắn Chí Phèo. Đổi mới lối viết theo hướng hậu hiện đại, nhà văn Nguyễn Việt Hà từ cảm quan về hiện thực bề bộn, con người đa chiều tạo nên trong tác phẩm mình là thế giới nghệ thuật diễn tả cảm quan ấy.
Đầy ngẫu hứng, sáng tác của Nguyễn Việt Hà như là ghi chép tốc kí những gì đang diễn ra, vội vàng cho kịp nên chưa hề chỉnh sửa. Tiểu thuyết với kết cấu nhiều ngôi kể thứ nhất như ghi chép phỏng vấn nhiều đối tượng mà ý kiến của ai cũng cần được xem trọng. Bởi thế tính chất lắp ghép, phân mảnh có biểu hiện rất rõ nét.
3.1.2.1. Phân mảnh, lắp ghép trong tổ chức cốt truyện và nhân vật
Phân mảnh, lắp ghép trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà trước hết thể hiện ở tổ chức cốt truyện với nhiều ngôi kể thứ nhất trong tác phẩm. Bên cạnh ngôi kể thứ ba, những ngôi kể thứ nhất như là những mảnh ghép để tạo nên thế giới nghệ thuật đa diện và linh hoạt. Ở tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, ngôi kể thứ nhất dành cho các nhân vật Nhã, Hoàng, Thủy, Tâm. Trong tiểu thuyết Khải huyền muộn, nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất là Cẩm My, người mẫu và nhân vật nhà văn. Đến Ba ngôi của người, nhân vật kể chuyện là nhân vật tên Tôi, Kun và Quang Anh. Sẵn sàng trao ngôi kể cho nhân vật, nhà văn tạo nên một kết cấu đưa độc giả vào dòng chảy mà ở đó có sự đổi dòng liên tục. Thiết nghĩ, với những ai ưa phiêu lưu, không thích sự nhàm chán thì kết cấu ấy đầy sức lôi cuốn. Với dung lượng nhỏ, hầu hết truyện ngắn được kết cấu với một ngôi kể nhưng ở Thiền giả, ba phân đoạn của truyện là ba ngôi kể. Ba phân mảnh ấy khiến người đọc phải tích cực tham dự, tìm ra những khớp nối để lắp ghép như trong một cuộc chơi.
Tính chất lắp ghép cũng hiện rõ trong những truyện ngắn như Thật bồ đoàn.
Không đánh số phân đoạn như trong Thiền giả nhưng truyện được ghép từ ba mảnh rời rạc: ven Hồ Gươm có một tấm bồ đoàn, một kẻ sĩ tập thiền chê tiền và sắc; Long Vũ kiên trì chinh phục tình cảm của ca sĩ Thanh Hồng Linh bằng thơ và tình yêu;
Bờ Hồ Hà Nội với cảnh quay bộ phim có cảnh trung niên thi sĩ ngồi kiết già vô cảm. Hay là những đứt đoạn trong hư hư thực thực của cảnh múa, của cảnh mơ hóa bướm, của âm thanh cuộc mua bán giải thưởng hội diễn trong truyện ngắn Hồn của
bướm. Hoặc là cắt cảnh cuộc mua bán tác phẩm để xen vào kể về khát vọng của nhân vật mua và tình cảnh của nhân vật bán trong truyện ngắn Mua và bán.
Tình tiết chồng chéo là một đặc điểm trong tổ chức cốt truyện của nhà văn và cũng là biểu hiện của sự phân mảnh. Ở tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, có những sự việc không phải chỉ được kể một lần. Những lần gặp nhau của Hoàng và Thủy đều được kể hai lần và không hề lặp lại bởi sự khác nhau trong góc nhìn của hai người.
Cũng được kể hai lần như thế cho sự việc Hoàng đón Tâm trở về, Nhã tìm gặp Hoàng ở Chợ Lớn, Lâm về nước tìm gặp Nhã… Sự việc Vũ gặp người mẫu Cẩm My ở sân bay Bắc Kinh trong tiểu thuyết Khải huyền muộn cũng được kể bởi hai nhân vật. Sự việc cha Kun bỏ đi để lại cho Kun lá thư cũng hiện lên hai lần trong Ba ngôi của người. Khi lắp những mảnh ghép sự việc ấy, độc giả không bị áp đặt bởi cái nhìn từ một phía mà có được cái nhìn đa diện, nhiều chiều.
Lắp ghép chồng chéo các lớp truyện còn được thể hiện trong chính lối kể ngẫu nhiên, tùy hứng trong dòng ý thức của nhân vật. Mở đầu phần hai chương bảy Cơ hội của Chúa là không thời gian khi Tâm ở Đông Âu nhưng trong toàn phần hai này, trong kí ức của Tâm còn là những ngày Tâm và Huyền mới yêu nhau, là những ngày sơ tán khi Hà Nội bị ném bom và tình yêu thương của mẹ. Ngẫu nhiên nên trong lời kể của người mẫu (Khải huyền muộn) là chuyện nuôi bà kì quái và ông bố dâm loạn trong gia đình Thảo, là tuổi mới lớn với những chấn thương tâm hồn bởi sự đổ vỡ trong hôn nhân và buông thả trong quan hệ tình cảm của cha và mẹ. Kết cấu cốt truyện trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà như là mạch dẫn đưa tới những
“tệp tin” không bao giờ dừng ngay cả trong những truyện ngắn. Chẳng hạn, ở truyện ngắn Nhạt một chuyện tình không chỉ có chuyện tình yêu, ở đó có chuyện ông thứ trưởng bị kỉ luật miễn nhiệm và giậu đổ bìm leo, có sự trì trệ nơi công sở và lợi thế của con ông cháu cha, có kẻ cơ hội và ánh mắt khinh khỉnh cho món quà quê
“bọc trong tấm lòng thành”.
3.1.2.2. Phân mảnh, lắp ghép trong tổ chức không - thời gian
Theo nhà văn Văn Giá, lắp ghép là cách “người kể chuyện sử dụng kĩ thuật ghép hình (montage) của điện ảnh, phá vỡ trật tự tuyến tính bằng cách xáo trộn, đan xen các khuôn hình thuộc các thì hiện tại quá khứ, tương lai. Tính liền mạch của câu chuyện vẫn được đảm bảo nhờ sự kết nối của độc giả” [50, tr.26].
Phân mảnh, lắp ghép thể hiện rõ trong cách tổ chức không - thời gian của Nguyễn Việt Hà. Lợi thế của dòng ý thức và đặt ngôi kể cho nhân vật khiến thời gian tuyến tính bị phá vỡ, không gian bị đảo trộn. Trong Cơ hội của Chúa, nhân vật Hoàng sắm vai người kể chuyện ngôi thứ nhất hai lần (phần hai chương bốn và phần hai chương tám). Hiện tại của Hoàng là “lem nhem một nỗi buồn chán”, loay hoay và hoang mang: “Ừ nhỉ, mai tôi phải làm gì… Đã nhiều lần tôi không biết ngày mai tôi sẽ làm gì. Cái thời hăm hở của tôi sẽ chẳng bao giờ vòng lại” [55, tr.464]. Tương lai mờ mịt nên trong dòng ý thức của Hoàng là những khoảng không - thời gian của quá khứ. Những mảnh vỡ quá khứ xa, quá khứ gần hiện lên. Xa là những ngày tốt nghiệp, là những ngày gặp, quen và yêu Thủy. Gần hơn một chút là thời gian nhận tin Thủy đi xa và những đớn đau, tuyệt vọng. Gần hơn nữa là thời gian những ngày đi Sài Gòn cùng Nhã và gặp cha Đức… Trong trí nghĩ của Hoàng, những mảnh không thời gian ấy là những vỡ vụn, lộn xộn hiện lên không theo trật tự liên tưởng nào. Tính liền mạch của những khoảng thời gian trong cuộc đời Hoàng hoàn toàn tùy thuộc sự sắp xếp của người đọc. Từ không gian ở Huế đột nhiên trở về không gian Hà Nội khi Hoàng - Thủy còn yêu nhau, ngẫu hứng nhớ cả không gian của Sài Gòn. Từ không gian tiệc rượu ở Sài Gòn với Nhã với Sáng lại đột ngột trở về Hà Nội trong khoảng thời gian đứng chặn đón đường Thủy đi thực tập về sau ba tháng đã không gặp. Cũng trong tiểu thuyết này, nhân vật Nhã với ba lần ở ngôi kể thứ nhất cũng khiến hiện lên những mảnh vỡ của không - thời gian mà việc sắp xếp cho liền mạch là dành cho người đọc.
Kĩ thuật lắp ghép không - thời gian cũng là một điểm nổi bật trong tiểu thuyết Ba ngôi của người. Không chỉ là không - thời gian của thực tại như Cơ hội của Chúa, ở cuốn tiểu thuyết mới nhất này, nhà văn mở rộng tới không - thời gian của niềm tin tâm linh. Nhân vật trung niên, ở quán rượu xưng tên là Tôi, có và nhớ mười kiếp luân sinh của mình. Không gian và thời gian truyện trở về quá khứ với cả hơn sáu trăm năm trước với bao biến cố của mỗi thời kì lịch sử. Không hề có sự ngăn cách nào cho sự dịch chuyển của không - thời gian quá khứ và hiện tại trong mạch kể ở Ba ngôi của người.
Dòng ý thức và thời gian phi tuyến tính đã có trong văn học hiện đại nhưng khi kế thừa, văn học hậu hiện đại không xem đây là kĩ thuật để hỗ trợ xác định một
diễn ngôn trung tâm. Trong lối viết của nhà văn Nguyễn Việt Hà, dường như không gian và thời gian không còn là yếu tố quan trọng để giúp độc giả cảm nhận thế giới.
Ở truyện ngắn Thật bồ đoàn, không - thời gian của hiện tại và quá khứ bị trộn lẫn tạo nên sự mơ hồ hoài nghi. Còn ở tiểu thuyết Ba ngôi của người, đồng hiện không thời gian quá khứ - hiện tại liên tục càng gây ấn tượng về hiện thực bộn bề của cuộc sống. Nhiều tầng, nhiều xếp lớp hiện thực là căn nguyên cho sự trương nở chủ đề trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà.
Với lối viết hậu hiện đại, việc tạo một kết cấu mới thực sự là thách thức đối với nhà văn. Khám phá kết cấu ấy cũng thực sự là một thách thức đối với độc giả.
Nhà văn luôn đòi hỏi ở độc giả một lối đọc tích cực và sáng tạo.