Mạng hóa các tiền văn bản

Một phần của tài liệu Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của nguyễn việt hà (Trang 101 - 104)

Chương 3. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ NHÌN TỪ HÌNH THỨC THỂ HIỆN

3.3. Tính liên văn bản

3.3.1. Mạng hóa các tiền văn bản

Liên văn bản trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà trước hết thể hiện ở sự vượt qua rào cản về thể loại. Nói tới thể loại là nói tới mô hình với những yếu tố ổn định.

Những nhóm giống nhau về về phương thức miêu tả và hình thức tồn tại là cơ sở của thể loại. Như vậy, sự phân chia thể loại là trên cơ sở những khác biệt giữa nhóm này với nhóm kia. Ở thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, nghị luận… sự phân chia ấy biểu hiện tính thống nhất nội dung, hình thức của văn bản và phương thức chiếm lĩnh đời sống. Nhưng trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà luôn có sự hòa trộn và tương tác thể loại: tiểu thuyết - truyện ngắn; truyện ngắn - thơ ; tiểu thuyết - nghị luận. Trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, bên cạnh xu hướng phân rã mạch truyện bởi ngẫu hứng chuyển nội dung kể luôn chứa đựng khả năng cho những mẩu chuyện nhỏ - lát cắt của cuộc sống - thì hai truyện của nhân vật Hoàng ở đầu chương sáu và chương tám, vở kịch đầu chương năm, ba lá thư của nhân vật Trần Bình, giọng văn nhật kí của nhân vật Thủy và “bài luận” cuối tác phẩm là những biểu hiện rất rõ ràng cho sự dung hợp các thể loại khác trong tiểu thuyết. Ở trường hợp khác là sự nhòe mờ đường biên thể loại tiểu thuyết và nghị luận trong tiểu thuyết Khải huyền muộn. Với ý tưởng “viết về công việc của một nhà văn”, kết cấu “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” của tác phẩm đẫm đầy chất nghị luận về quá trình sáng tác, mối quan hệ nhà văn với tác phẩm. Nguyễn Việt Hà cũng tạo được dấu ấn với bạn đọc ở hai cuốn truyện ngắn Của rơiBuổi chiều ngồi hát. Có những truyện ngắn mang dung lượng nội dung và thi pháp của một tiểu thuyết như Thiền giả, Thật bồ đoàn, Mùa xuân nấc thầm… lại có những truyện ngắn chơi vơi cảm xúc, tâm trạng thơ như Biển lạ, Buổi chiều thứ 99, Mắt của mưa, Trùng trùng điệp điệp…

Liên văn bản trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà biểu hiện cho sự đoạn tuyệt với “tính tự trị” của văn bản. Văn bản văn học luôn là “giao điểm” các mối quan hệ văn hóa, lịch sử, xã hội và “hoạt động kết giao của chính nó luôn bộc lộ dấu vết của các văn bản khác” [20, tr.45].

Trước hết, liên văn bản là ở sự liên kết các vỉa tầng văn hóa. Nhiều tác phẩm đề cập đến những khuôn thước đạo đức trong đời sống tinh thần của người Việt như đạo hiếu thầy trò, tình nghĩa vợ chồng, giá trị của sự trinh tiết và lòng thủy chung.

Trong tác phẩm vẫn có những nhân vật học trò trọng thầy như Hoàng (Cơ hội của Chúa), người vợ thủy chung như vợ của Trung (Ba ngôi của người) nhưng thật hiếm hoi, ít ỏi. Trở đi trở lại trong các tác phẩm phần lớn là những rạn nứt, đổ vỡ các thang bảng giá trị như là biểu hiện niềm day dứt, sự nuối tiếc của con người trước đổi thay trong cuộc sống xã hội.

Hà Nội là một nguồn cảm hứng da diết trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà.

Nhưng trong thế giới nghệ thuật ấy, Hà Nội chênh chao giữa hai thái cực. Một Hà Nội xưa người và xe thưa thớt, ẩm thực cầu kì và có những phong vị riêng và một Hà Nội nay có “cháo chửi”, “phở quát” với những “nhan nhản nhà nghỉ”, một Hà Nội “thập thành”. Không phải tất cả mọi sự đổi thay ở chốn thị thành này đều là xấu nên cái mặc nhiên đành chấp nhận của nhân vật Tâm (Cơ hội của Chúa) hay nhân vật Tôi (Ba ngôi của người) rất gần với cái nhìn của Thạch Lam trong Hà Nội ba mươi sáu phố phường trước những đổi thay của Hà Nội. Trong tình yêu của nhân vật Tôi, “Hà Nội của tôi đâu còn ngây thơ, nó đã đau đớn thập thành, đã chứng kiến quá nhiều lần thay đổi” [57, tr.255].

Liên văn bản lịch sử là một phương diện trong các mối quan hệ khi xây dựng nhân vật của Nguyễn Việt Hà. Những nhân vật trong không - thời gian của Cơ hội của Chúa là những năm đầu đổi mới, trong kí ức của nhân vật còn là những năm trong bom đạn chiến tranh. Xây dựng nhân vật Tôi trong tiểu thuyết Ba ngôi của người với mười kiếp luân sinh, không - thời gian gắn với các kiếp luân sinh làm hiện lên những “văn bản” lịch sử của Hà Nội trong quá khứ: thời chúa Trịnh - vua Lê, kiêu binh nổi loạn; quân Tây Sơn của Vũ Văn Nhậm tràn vào Bắc Thành; Hà Nội thời Pháp thuộc; Khởi nghĩa Yên Bái; thời điểm khoảng năm 1954 với sự hoang mang của giáo dân đạo Công giáo; những năm đầu đổi mới với với hình ảnh chuyến tàu Bắc Nam nhiều buôn lậu… Nói về tiểu thuyết Ba ngôi của người, nhà phê bình Nguyễn Trương Quý cho rằng: “Cách Nguyễn Việt Hà tạo “hồ sơ” cho nhân vật của mình trải qua mười kiếp luân sinh là cái cớ để anh thi triển những hiểu biết của mình về lịch sử” [57, tr.10].

Đặc biệt ở Nguyễn Việt Hà là một dòng chảy của liên văn bản tôn giáo. Ngay chính nhan đề của ba cuốn tiểu thuyết tự đã là biểu hiện của liên văn bản. Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người đều dẫn người đọc đến với những

“văn bản” của Công giáo. Cùng đó còn là những nghi lễ, bí tích và những bài kinh cầu nguyện như kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và Sáng Danh trong niềm tin của người có đạo. Trong tiểu thuyết Khải huyền muộn, có nhiều ấn tích của tôn giáo như lễ rước, lễ rửa tội, bí tích Thánh tẩy, bí tích Hôn phối hay bí tích xức dầu. Và có những trích dẫn nguyên văn trong sách Khải Huyền: “Ta ước gì ngươi hoặc nóng hoặc lạnh thì tốt. Nhưng vì ngươi âm ấm - không nóng cũng không lạnh - nên ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”; “Và Ngài đã nói với tôi. Đó là những lời chí thành và chân thật. Chính Thiên Chúa, đấng chỉ dẫn các tiên tri đã sai Thiên Thần của người đến tỏ cho các tôi tớ người những điều kíp phải xảy đến…” [56, tr.93, 339].

Cũng là liên văn bản tôn giáo nhưng ở khía cạnh lịch sử truyền giáo, ở tiểu thuyết Ba ngôi của người, luân sinh lần thứ tư của nhân vật là đường dẫn cho sự trở lại không gian thời các giáo sĩ tiên khởi như Francesco de Pina, Alexandre de Rhodes truyền đạo ở Việt Nam hay ở kiếp luân sinh cuối cùng, xếp di ảnh bố mẹ lên trên mấy cuốn Kinh Thánh cũng là lúc nhân vật nghĩ đến Công đồng Vatican II.

Sáng tác của Nguyễn Việt Hà còn liên văn bản các tôn giáo khác như Nho - Phật - Đạo, vốn là những tôn giáo sớm có ảnh hưởng lớn trong đời sống người Việt.

Nhân vật Tôi trong tiểu thuyết Ba ngôi của người với mười kiếp luân sinh rất gần với thuyết luân hồi của Phật giáo; nhân vật Nhập Trần và Xuất Trần là những kiếp người chịu luân hồi để trả nghiệp quả báo. Nhân vật Hoàng trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa và nhân vật Tôi trong Ba ngôi của người thi thoảng bộc lộ mình biết tử vi tướng số. Ở truyện ngắn Thiền giả, người đọc thấy được những cốt yếu của Thiền tông như phá chấp, thuyết pháp bằng công án, đốn ngộ tìm tâm an lành. Cũng trong truyện ngắn này, độc giả còn nhận ra những huyền thuyết nhị tổ Huệ Khả chặt tay cầu Đạt Ma truyền đạo, Đạt Ma an tâm cho Huệ Khả hay Lâm Tế đánh Hoàng Bá.

Những nội dung của Nho giáo cũng xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm như sự tự thân không lệ thuộc sắp đặt của nhà văn khi đề cập đến các mối quan hệ vợ chồng, cha con. Bên cạnh đó còn là những tư tưởng của Nho giáo: “Có tề được gia mới trị

được quốc” là suy nghĩ của thiền sư - họa sĩ Phúc Huy (Thiền giả), “người quân tử”

là trăn trở hoài nghi của nhân vật Quang Anh (Ba ngôi của Người).

Liên văn bản trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà còn dẫn người đọc đến những loại hình nghệ thuật khác như nghệ thuật trình diễn và sắp đặt đương đại (Ba ngôi của người), điện ảnh với các bộ phim như Sắc, Giới, Brokeback Mountain, The Sixth Sense, Ghost, Hereafter. Liên văn bản văn học với nhiều tác phẩm văn học nước ngoài như Thép đã tôi thế đấy (Nhicôlai Ôxtơrôpxki), Đội cận vệ thanh niên (Fađêép), Ruồi trâu (E.Vôinitsơ), Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov (Dostoevsky), Tự thú (Tolstoy), Tây Du Kí (Ngô Thừa Ân), Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung). Liên văn bản văn học Việt Nam như Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia văn phái), Bất khuất (Nguyễn Đức Thuận), thơ Nguyễn Công Trứ, thơ Bùi Chí Vinh… Hình thành tự sự liên tưởng nào đấy tạo nên mối liên hệ giữa điều nói đến trong tác phẩm với những văn bản được nêu ở trên. Liên tưởng ấy góp phần tạo nên tính chất phi trung tâm trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà, đồng thời đặt người đọc trước một văn bản “khổng lồ” luôn đòi hỏi sự tích cực, chủ động để khám phá.

Một phần của tài liệu Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của nguyễn việt hà (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)