Tiền đề tư tưởng

Một phần của tài liệu Tư tưởng duy tân của nguyễn thượng hiền (Trang 21 - 25)

CHƯƠNG 1: ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ CHO SỰ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG DUY TÂN CỦA NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

1.2. Tiền đề tư tưởng

1.2.1. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống

Chủ nghĩa yêu nước là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng nền văn hiến lâu đời của người Việt. Trong quá trình phát triển của tư tưởng Việt Nam, các hệ tư tưởng ngoại lai đều phải qua “lăng kính” của chủ nghĩa yêu nước thì mới có thể xâm nhập và tồn tại được. Giáo sư Trần Văn Giàu đã khẳng định rằng, chủ nghĩa yêu nước đóng vai trò tiêu chuẩn để soi chiếu tính hợp lý của các hệ tư tưởng và hoạt động thực tiễn.

Ông viết: “Ở Việt Nam, truyền thống lịch sử của dân tộc, ý thức phổ biến của nhân dân là đánh giá mọi việc lớn nhỏ từ nhân vật đến biến cố, từ tác phẩm đến ý thức tư tưởng đều chiếu theo tiêu chuẩn quang minh chính đại của chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước là hòn đá thử vàng chính của tất cả” [12; 534].

Chủ nghĩa yêu nước đã đi sâu vào trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. Nguyễn Thượng Hiền cũng vậy, ông có nền tảng tư tưởng vững chắc là tư tưởng yêu nước truyền thống, ông là người học rộng tài cao mà cũng giàu lòng yêu nước thương dân. Những tư tưởng, quan điểm duy tân của ông đều xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống mà ông được rèn luyện trong một gia đình khoa bảng yêu nước. Thêm vào đó, lúc trưởng thành, chứng kiến cảnh đất nước rơi vào tay thực dân, nhân dân cực khổ vì bị bóc lột trăm bề, ông đã thẳng thắn phê phán chế độ phong kiến bảo thủ và chế độ thực dân tàn ác.

Nguyễn Thượng Hiền sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và từng đỗ đạt cao dưới chế độ phong kiến nhưng ông đã dũng cảm thoát ra khỏi hệ thống quan liêu phong kiến đó để chứng tỏ nhân cách trí thức và tấm lòng yêu nước của mình. Ông không chịu khuất phục làm quan dưới triều đình bù nhìn mà đã thoát ly ra khỏi địa vị và nhân cách của kẻ sĩ truyền thống, ông vạch rõ nhiệm vụ và phương hướng mới để cứu đời, cứu nước.

1.2.2. Tư tưởng cải cách, duy tân trong và ngoài nước

* Tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX

Cuối thế kỷ XIX, các Nho sĩ bắt đầu được tiếp xúc ít nhiều với văn minh phương Tây, đó là các nhà canh tân: Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ... Họ được tiếp xúc với những tư tưởng mới trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua ảnh hưởng của phương Tây vào Trung Quốc. Các nhà tư tưởng đã tích cực đề xuất lên vua Tự Đức nhiều đề nghị canh tân đất nước. Tuy các ông không được học kiến thức một cách có hệ thống từ kho tàng tri thức phương Tây nhưng những tư tưởng canh tân của họ đã đi vào những vấn đề cơ bản của đất nước cần giải quyết. Tư tưởng canh tân của các ông bàn đến các vấn đề trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

Trong lĩnh vực kinh tế: các nhà canh tân đã cố gắng biểu đạt tuy duy kinh tế mới của họ thông qua các điều trần, các tờ biểu dâng Vua, đề nghị triều đình bãi bỏ chính sách “bế quan tỏa cảng”, từ bỏ tư tưởng “trọng nông, ức thương”. Họ cho rằng đất nước phải mở cửa để giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm khoa học –kỹ thuật từ bên ngoài; không chỉ phát triển nông nghiệp mà còn phải đầu tư cho thươngnghiệp, các ngành khai khoáng, hàng hải... Tư tưởng canh tân về kinh tế của các ông đã phá bỏ lối mòn tư tưởng giai cấp của chế độ phong kiến, mở đường có tư tưởng duy tân về kinh tế sau này.

Trong lĩnh vực chính trị: trong lĩnh vực này các nhà canh tân chưa có chủ trương đổi mới căn bản thể chế chính trị, họ chỉ mới đề xuất cải cách theo hướng tinh giản bộ máy hành chính, tuyển chọn quan lại dựa vào năng lực.

Họ đưa ra và phân tích cho triều đình phong kiến thấy cục diện chính trị trên thế giới, những mâu thuẫn giữa các nước tư bản và khuyên triều đình nhà Nguyễn nên thực hiện đường lối đối ngoại với nhiều quốc gia, tránh thái độ bất “vọng ngoại”, có như vậy mới hy vọng giành đọc độc lập, tự chủ.

Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục: các nhà canh tân nhận thấy sự lạc hậu của phương Đông so với phương Tây, họ nhận ra thực trạng này có nguyên nhân từ sự bảo thủ, độc tôn văn hóa, giáo dục. Các Nho sĩ như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch luôn đề cao và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, nhưng cũng ủng hộ việc tiếp thu văn hóa, văn minh phương Tây. Các ông cũng đề xuất những tư tưởng canh tân về giáo dục theo hướng thực học, chú ý đến giáo dục khoa học- kỹ thuật, học để thực dụng.

Trong lĩnh vực quân sự: Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ có tư tưởng “chủ hòa” với thực dân Pháp nhưng không “chủ hàng”. Các ông khuyên triều đình nên cải tổ quân đội, ưu ái binh lính, biên soạn binh pháp, đào tạo sĩ quan, mua sắm các thiết bị quân sự, xây dựng phòng tuyến... để đề phòng sự mở rộng xâm lược của thực dân Pháp.

Tư tưởng canh tân của các Nho sĩ cuối thế kỷ XIX đã thể hiện được tư duy đổi mới, tiếp thu những tư tưởng mới của phương Tây với mong muốn là cứu nước thoát khỏi ách thống trị thực dân. Tư tưởng của các nhà canh tân đều xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, nhưng thực chất trong tư tưởng còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Các ông vẫn chưa nhận thức đúng bản chất xâm lược của chủ nghĩa thực dân là cướp nước, đàn áp và bóc lột nhân dân ta;

các ông cũng chưa nhận ra được vai trò sức mạnh của nhân dân trong các đề

nghị cải cách của mình. Và trên thực tế, tư tưởng canh tân cuối thế kỷ XIX rơi vào thất bại. Tuy nhiên, những tư tưởng đổi mới này bước đầu tạo ra tiền đề tư tưởng quan trong cho các nhà duy tân đầu thế kỷ XX, trong đó có Nguyễn Thượng Hiền.

*Tư tưởng cải cách, duy tân ở Trung Quốc và Nhật Bản

Nho sĩ Việt Nam đầu thế kỷ XX đã có sự chuyển biến tư tưởng hơn so với thời kỳ trước, họ xa lánh chốn quan trường và tập hợp với nhau thành các hội, thành các tổ chức văn hóa- xã hội, đa dạng hơn về các hình thức hoạt động. Các nhà duy tân tư tưởng đã chủ động tìm hiểu, tiếp thu các tư tưởng, trào lưu cải cách, duy tân từ Trung Quốc và Nhật Bản. Trước hết, họ hào hứng tìm đọc các Tân thư, Tân văn từ Nhật Bản và Trung Quốc truyền vào.

Tân thư, Tân văn là những cuốn sách chứa đựng những tư tưởng mới, có sự khác biệt hoàn toàn với những tri thức trong kinh sách Nho giáo. Đó là những cuốn sách như “Dân ước luận” (Khế ước xã hội) của J.J. Rútxô, “Vạn pháp tinh lý” (Tinh thần pháp luật) của Môngtétxkiơ.... Ngoài ra, tư tưởng duy tân ở Trung Quốc của Khang Hữu Vi với những cuốn sách: Khổng Tử cải chế khảo, Đại Đồng thư...; của Lương Khải Siêu: Tân dân thuyết, Trung Quốc hồn, Ẩm băng thất văn tập, Mậu Tuất chính biến ký... Các nhà duy tân Trung quốc đã nhận ra được những hạn chế của tư tưởng Nho giáo trong bối cảnh nhà Mãn Thanh trước sự văn minh vượt trội của phương Tây. Phong trào duy tân ở Nhật Bản với đại biểu tiêu biểu là Fukazawa Yukichi, ông viết cuốn

“Văn minh khái lược luận”, “Khuyến học”.... đã thể hiện được những tư tưởng duy tân toàn diện cả về kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa. Cuộc cải cách Minh Trị đã đạt được thành tựu to lớn mà nhờ đó nước Nhật giữ vững được chủ quyền và còn trở thành một quốc gia tư bản vô cùng phát triển.

Tân thư và tân văn được Nho sĩ Việt Nam đầu thế kỷ XX chủ động tiếp thu bởi trong nó chứa đựng những tư tưởng có thể giải quyết được những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Trong các học thuyết được Tân thư truyền tải vào nước ta có tư tưởng dân chủ của các nhà Khai sáng Pháp và Thuyết tiến hóa luận có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng của các nhà duy tân Việt Nam. Tư tưởng dân chủ có liên quan đến tư tưởng phản phong; thuyết tiến hóa luận, mà tiêu biểu là thuyết Cạnh tranh sinh tồn có liên quan đến nhiệm vụ phản đế. Do vậy, đọc Tân thư Tân văn, các Nho sĩ say sưa bản về tư tưởng duy tân, học tập các nhà duy tân Trung Quốc và Nhật Bản để thực hiện con đường cứu nước. Đặc biệt, trong mắt các nhà duy tân, nước Nhật được coi là tấm gương, là ánh sáng soi rọi con đường cải cách của họ, họ tìm cách sang Nhật Bản và Trung Quốc để đàm đạo và học hỏi kinh nghiệm.

Như vậy, Nho sĩ Việt Nam đầu thế kỷ XX đã tự thân vận động, chủ động tiếp nhận những tư tưởng mới từ bên ngoài truyền vào. Họ đã vượt qua được những hạn chế về ý thức hệ và đường lối của những người đi trước, xác lập đường lối cứu nước mới trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc tư tưởng dân chủ tư sản sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tư tưởng duy tân của nguyễn thượng hiền (Trang 21 - 25)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(85 trang)
w