CHƯƠNG 2: MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TƯ TƯỞNG DUY TÂN CỦA NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
2.2. Nội dung tư tưởng duy tân về chính trị, xã hội, giáo dục
2.2.3. Tư tưởng duy tân về giáo dục
Nho sĩ là tầng lớp trí thức của xã hội, do vậy họ luôn coi trọng và đề cao tri thức. Tri thức không những mang lại sức mạnh cho con người mà còn là động lực to lớn của mỗi quốc gia, dân tộc. Nước càng mạnh khi dân trí càng cao, do vậy giáo dục là một yếu tố rất cần thiết, thể hiện vai trò quan trọng của mình trong nhiệm vụ nâng cao dân trí. Giáo dục phải luôn không ngừng sáng tạo, đổi mới sao cho ngang tầm với thời đại, cho nên duy tân về giáo dục là vấn đề quan trọng trong tư tưởng duy tân giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Vào cuối thế kỷ XIX và đặc biệt là đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp tiến hành nhiều đợt cải cách giáo dục ở Đông Dương với mục đích là tạo nên một đội ngũ thông dịch viên phục vụ cho bộ máy chính quyền.
Người Pháp lo ngại nếu như phát triển một nền giáo dục Tây học đầy đủ cho
người bản xứ thì khác nào trao vào tay họ thứ vũ khí lợi hại để chống lại chính mình. Nhưng họ lại cần những người có trình độ kiểu Pháp để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Do vậy, chính quyền thực dân phải tiến hành nhiều đợt cải cách giáo dục mềm dẻo để phù hợp với tình hình Đông Dương.
Những đợt cải cách giáo dục đó đã thỏa mãn được tham vọng của thực dân, nhưng bên cạnh đó nó lại phần nào thỏa mãn được nhu cầu học tập của người bản xứ. Như vậy, xét theo một khía cạnh tích cực, văn hóa- giáo dục của người Pháp không phải là thứ văn hóa nô dịch mà nó lại đem lại những ưu điểm tiến bộ mà trí thức nước ta đang cần. Từ ý đồ đồng hóa của thực dân nhưng do nhu cầu tự thân của xã hội, nền giáo dục Tây học đã phát triển khá mạnh và tạo ra một tầng lớp trí thức tân tiến, tuy chỉ chiếm số lượng nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa dân tộc.
Nguyễn Thượng Hiền tuy là một nhà Nho, làm Đốc học các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, nhưng chính từ vị trí làm Đốc học đó mà ông nhận ra được sự lỗi thời của nền giáo dục Nho học và sự tiến bộ của nền giáo dục Tây học. Ông không phủ nhận nền văn minh phương Tây mà còn coi đó là tấm gương, bài học để ta học tập theo.
Theo Nguyễn Thượng Hiền, giáo dục là căn cốt để tạo nên chí khí của con người, ảnh hưởng tới sự tồn vong và hưng thịnh của đất nước. Giáo dục là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho mọi sự thành công. Nếu không có giáo dục hoặc nền giáo dục yếu kém, trì trệ thì yếu tố quan trọng nhất để gia tăng nội lực là chính con người Việt Nam sẽ không được phát huy toàn diện.
Chính vì lẽ đó, tất cả mọi người Việt Nam phải được giáo dục, phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với giáo dục, xây dựng một nền giáo dục độc lập, dân chủ. Bởi lẽ chính giáo dục là nhân tố quan trọng hàng đầu để khơi dậy và xây dựng sức mạnh nội lực của một dân tộc, trong khi nước ta đang cần nguồn sức
mạnh đó để tiến hành cuộc cách mạng cứu nước. Trong bài thơ “Đông học thư ngân ca”, ông khẳng định việc học là vô cùng quan trọng:
“Ai ơi xin gắng lòng ta,
Dựng nên công nghiệp chẳng qua chữ “cần”.
Đường tiến hóa nguyên nhân ở học.” [19; 303].
Khi bàn về mục đích giáo dục, Nguyễn Thượng Hiền đã thể hiện sự khác biệt trong tư tưởng của mình so với những gì ông đã được học trong luân lý Nho giáo. Trong thời kỳ phong kiến, Nho sĩ đi học với mục đích là đỗ đạt ra làm quan. Nhiều nhà nho đi thi năm lần bảy lượt, có người thi đến bạc cả đầu cũng chỉ vì muốn làm quan, muốn thoát khỏi thân phận nông dân. Nếu đi học không thể ra làm quan được thì lại cố gắng làm thầy, bề nào thì cũng là kẻ sĩ. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lối học lạc hậu kìm hãm trí năng con người đó vẫn được triều đình nhà Nguyễn duy trì, nhiều Nho sĩ thủ cựu vẫn có ý bảo vệ với danh nghĩa là “cái học của nước ta” khác với “cái học của người Tây”. Nhưng thực chất lối học cổ lỗ mà thực dân Pháp và triều đình Huế duy trì đó tất nhiên là có tác dụng bịt mắt ít nhất là một bộ phận nhân dân và Nho sĩ trước làn gió văn minh của thế giới, giữ những người đó trong vòng bế tắc tư tưởng, dân trí thấp kém mãi, có như vậy mới trở thành nô lệ của thực dân.
Mục đích giáo dục theo Nguyễn Thượng Hiền là nâng cao trình độ dân trí- tức là cho tất cả mọi người. Dân trí cao tức là toàn dân có được những tri thức mới và hữu ích, làm cho dân nhận ra khả năng tiềm ẩn của bản thân, tin vào khả năng đó chứ không chỉ là lối học thuộc lòng kinh sách, thơ phú. Duy tân về giáo dục không phải là giáo dục cho nhân sĩ chỉ ra làm quan, làm thầy mà là tạo ra những “tay thực nghiệp”, “nhà ngoại giao”, tạo nên sự biến hóa đa dạng, mở mang tầm nhìn ra thế giới. Theo ông, có giáo dục thì mới tạo ra
được nhiều nhân tài, mà “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, người tài sẽ gây dựng lại đất nước, đưa đất nước đến với bến bờ tự do:
“Khuyên ai nấy cần cù việc học, Hẳn mai sau đông đúc nhân tài.
Có văn có võ hẳn hoi,
Có tay thực nghiệp có nhà ngoại giao.
Xem trình độ đã cao hơn trước,
Chữ tự do cả nước đồng tình.” [19; 306].
Tư tưởng Nho giáo làm cho Nho sĩ có tư tưởng muốn thoát ly khỏi lao động sản xuất, ít hoặc không quan tâm đến các nhu cầu sản xuất vật chất trong xã hội. Nho sĩ luôn có tư tưởng “trọng vương khinh bá”, hay sắp xếp các thứ bậc trong xã hội “sĩ, nông, công, thương”. Trong tư tưởng của Nho giáo truyền thống chỉ chú trọng đến các mối quan hệ giữa người với người về đạo đức- chính trị, chỉ cần giữ vững các mối quan hệ giường cột trong “Tam cương, Ngũ thường” thì xã hội sẽ ổn định và phát triển được. Họ không bàn nhiều đến sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho xã hội mà có tư tưởng coi khinh nó. Mô hình xã hội lý tưởng của Nho giáo truyền thống là một xã hội sao cho “vua sáng, tôi hiền”, mọi người đều biết vị trí và thân phận của mình để hành xử cho đúng mực.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây thông qua sự xâm lược của đế quốc và thực dân, những tư tưởng truyền thống này đã bị lịch sử vượt qua. Một bộ phận lớn Nho sĩ nhận ra rằng không thể giữ mãi tư tưởng của những pho sách thánh hiền răn dạy về đạo đức- chính trị- xã hội, mà phải có những tư tưởng mới về lao động sản xuất, về làm giàu cho đất
nước. Một đất nước muốn giành lại được chủ quyền thì phải có tiềm lực kinh tế vững chắc chứ không thể trông mong vào “mệnh trời” được.
Nguyễn Thượng Hiền là một Nho sĩ nhưng luôn có tư tưởng đổi mới.
Ông chỉ ra những cổ hủ, lạc hậu trong nền giáo dục phong kiến, ông nhận thấy rằng trong thời cuộc biến đổi hiện nay, những tư tưởng Nho giáo gặp phải nhiều hạn chế, giáo dục trong Nho giáo chỉ chú trọng đến đạo đức, đào tạo ra những Nho sĩ ra thi thố rồi làm quan mà không chú trọng đến các ngành nghề khác, làm cho:
“Đến như sĩ tử sinh nhai càng buồn:
Đã không biết bán buôn cày cấy, Đạo thi thư nay mấy kẻ dùng.
Công danh đâu nữa mà mong,
Muốn đi gõ trẻ nhưng không chỗ ngồi.” [19; 396].
Hay như trong bài “Phú cải lương”, ông nhận thấy thời thế đã thay đổi:
“Lối dụng tài đã bỏ hết hư khoa, thôi những anh hay thi hay phú, hay kinh nghĩa hay sách văn, đứt đuôi nòng nọc; - Đường tiến hóa cốt tìm ra thực hiệu, kìa những kẻ nào mũ, nào giày, nào ba toong, nào ô máy, tốt mã dẻ cùi”.[19;
394]
Ông đề cao lối học thực dụng:
“Phong trào đương buổi cạnh tranh,
Những điều thực dụng phải giành hơn xưa.
Khi mới học ngẩn ngơ còn khó,
Sau dần dần biết rõ mới vui” [19; 303].
Về phương pháp giáo dục, nền giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XX xuất hiện một phương pháp mới là diễn thuyết. Diễn thuyết là một phương pháp giáo dục đặc biệt và khá mới mẻ đối với trí thức Nho học lúc bấy giờ, trong quá trình diễn thuyết, giáo viên và học sinh được tự do thảo luận. Bên cạnh đó, diễn thuyết còn là một hình thức để tiến hành truyền bá, giáo dục hết sức tiên tiến và mang lại hiệu quả cao trong quá trình tuyên truyền các tư tưởng mới cho học sinh và người dân. Các trường thường xuyên tổ chức diễn thuyết, sinh hoạt tập thể cho học sinh nghe và tranh luận về những vấn đề chính trị, xã hội và những điều kiện tân tiến ở nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam.
Nguyễn Thượng Hiền trong quá trình hoạt động cách mạng của mình có nhiều buổi diễn thuyết. Đặc biệt khi ông sang Nhật Bản, được học sinh tại Đồng Văn Thư Viện hoan nghênh đón tiếp, ông có làm bài khai hiệu diễn thuyết, khơi dậy trong giới học sinh tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, trong bài diễn thuyết có câu thơ:
“Tay nâng nửa chén cơm rau,
Chan thêm mấy giọt máu thù mới cam” [19; 305].
Về phương tiện giáo dục. Chữ quốc ngữ khi mới ra đời luôn bị nhiều nhà Nho phong kiến bài xích vì họ luôn tôn sùng chữ Hán, còn chữ quốc ngữ chỉ là thứ chữ của người Tây, chữ của các cố đạo. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XX, từ nhu cầu tiếp thu những kiến thức khoa học trên thế giới để áp dụng vào giáo dục Việt Nam, cũng như sự cần thiết để tạo lập một nền giáo dục đại chúng, giáo dục toàn dân nên các nho sĩ duy tân nhận thấy chữ hán khó phổ cập tới toàn dân. Trong khi đó chữ quốc ngữ được cấu tạo hết sức đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ chỉ cần học vài tháng có thể sử dụng được. Chữ quốc ngữ nhanh chóng được các nho sĩ duy tân chấp nhận và đánh giá là vũ khí sắc bén, phổ thông nhất trong việc mở mang dân trí. Nguyễn Thượng Hiền trong thời
gian bôn ba nước ngoài đã nhận thấy những ưu điểm của ngôn ngữ này trong việc khơi dạy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Ông đã viết nhiều bài thơ sử dụng chữ quốc ngữ một cách thành thạo với những từ ngữ dễ hiểu để có thể truyền bá rộng rãi trong nhân dân cả nước
Ông chủ chương duy tân nội dung của giáo dục, đó là phải đào tạo nhiều ngành nghề, phù hợp với điều kiện và khả năng của từng người, từng vùng miền, có như vậy xã hội mới có thể phát triển và có thể giành được độc lập dân tộc: “Công việc đủ nghề học, nghề cày, nghề buôn, nghề thợ, của anh anh mang, của nàng nàng xách, ngồi không há chịu để tay quai” [19; 392].
Đầu thế kỷ XX, một trong những nội dung của giáo dục là đề cao lòng tự hào về đất nước mình, hết sức chú ý đến việc gợi cho người mình biết đến tất cả những khả năng kinh tế của đất nước mình. Ông muốn chứng tỏ cho người dân mình thấy nước mình đủ rộng lớn, giàu có, đông dân để có thể phát huy tính tự lực, tự cường, không có lý do gì chịu làm nô lệ. Cho nên địa lý Việt Nam được các Nho sĩ thời này chú trọng, trở thành môi trường hoạt động của thơ ca yêu nước. Trong bài thơ “Hợp quần doanh sinh thuyết”, Nguyễn Thượng Hiền viết về địa lý nước ta với những lời ca ngợi:
“Nước Nam ta nào có kém ai?
Bốn nghìn dặm đất giăng dài,
Bức trăng riêng một phía trời treo lên.
Dưới Cao Miên, trên liền Trung Quốc, Sau Xiêm La, trước mặt Đông Dương, Thổ nghi vật sản sẵn sàng,
Trên non dưới bể mọi đàng thiếu chi?” [19; 397].
Ông kể ra một loạt các sản vật trên rừng, dưới biển, ngoài mặt ruộng, trong lòng đất, nếu nước ta độc lập và tiến hành duy tân thì phú cường là chắc chắn. Trong quá khứ Nho giáo chi phối, hầu như ít người chú trọng đến địa lý và viết sách địa lý. Cho đến đầu thế kỷ XX, tuy kiến thức của người viết sách địa lý và thầy dạy địa lý không phải là nhiều, nhưng nó lại mang trong mình tư tưởng yêu nước, đề cao giá trị của dân tộc. Do vậy, môn khoa học địa lý trở thành một yếu tố khơi gợi lòng yêu nước rất hiệu quả.
Bên cạnh môn khoa học địa lý, Nguyễn Thượng Hiền cũng chú ý dùng lịch sử Việt Nam để làm phương tiện truyền bá tư tưởng yêu nước. Lịch sử dân tộc là một kho sức mạnh tinh thần vô tận, có sức mạnh giúp ta đánh đuổi tư tưởng tự ti và tư tưởng thờ ơ. Cái hại của lối học phong kiến cổ hủ là chỉ lấy kinh truyện, điển tích, điển cố Bắc sử làm trọng mà nhiều lúc thờ ơ với lịch sử nước nhà. “Cái học Nho giáo đó làm chìm đắm tư tưởng yêu nước của nhân dân, làm mờ mịt chủ trương yêu nước của sĩ phu, chuyện gần hóa xa, chuyện nhà hóa lạ, một cái học không có tính quốc học, một cái học thực tế là vong bản, một cái học nông cạn và cũ kỹ và, hơn nữa, vong quốc” [13; 82].
Học quốc sử nước Việt được xem là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả mọi người, đó là nghĩa vụ trong việc khai dân trí, chấn dân khí, là việc “chiêu hồn nước”. Theo Nguyễn Thượng Hiền, có trân trọng lịch sử nước nhà và tự hào về nó thì chủ nghĩa yêu nước mới có thể được phát huy trong bối cảnh mới, từ đó ước mơ về một đất nước độc lập mới có thể thực hiện được. Trong “Bài tựa thứ hai viết cho cuốn Việt Nam nghĩa liệt sử”, ông đã nhấn mạnh đến vai trò của việc học sử: “Học lịch sử anh hùng nước nhà là quan trọng, cần thiết.
Sử Việt Nam nghĩa liệt viết ra trước tức là lịch sử Việt Nam độc lập viết theo sau”. [19; 255]
Tư tưởng duy tân về giáo dục của Nguyễn Thượng Hiền mang nhiều điểm tích cực nổi bật. Ông phê phán lối Nho học đã kìm hãm trí năng của con người mà kêu gọi mọi người đi theo lối học văn minh tiến bộ, có như vậy mới cứu được đất nước và phát triển dân tộc về sau. Có thể nói, Nguyễn Thượng Hiền có một cái nhìn rất công tâm về nền giáo dục mà thực dân tiến hành những chính sách cải cách ở nước ta. Nền giáo dục thời kỳ Pháp thuộc đã đưa nước ta dần bước ra khuôn khổ của nền giáo dục Nho học truyền thống với xu hướng ngày càng tiến bộ hơn. Đứng trên vị thế của một Nho sĩ, từng làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, ông đã có cái nhìn tích cực về mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục của phương Tây. Bên cạnh sự nhận thức trong tư tưởng, ông còn tích cực tạo ra và tham gia những hoạt động thực tiễn nhằm duy tân nền giáo dục của Việt Nam ngày càng tiến bộ và văn minh hơn.