CHƯƠNG 2: MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TƯ TƯỞNG DUY TÂN CỦA NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
2.2. Nội dung tư tưởng duy tân về chính trị, xã hội, giáo dục
2.2.2. Tư tưởng duy tân về xã hội
Nguyễn Thượng Hiền là người trải nghiệm nhiều từ nhà Nho ra làm quan đến ở ẩn, ông thấy được sự bất bình đẳng trong xã hội, sự khổ cực của người dân bị mất nước, bị bóc lột. Cho nên, trong thâm tâm ông luôn ước mơ ước một xã hội bình đẳng, trong đó dân chúng được tự do, có như vậy xã hội mới phát triển được. Hành động thể hiện sự thay đổi nhận thức của ông về xã hội đó là việc ông từ chối làm quan về ở ẩn, sống hòa mình với nhân dân, cùng các sĩ phu yêu nước tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Theo Nguyễn Thượng Hiền, muốn cứu nước trước hết phải chấn hưng tinh thần của dân tộc, làm cho mọi người thức tỉnh, ý thức được quyền lợi và nhiệm vụ của mình đề tự lực, tự cường chống lại sự kìm kẹp của chế độ quân chủ chuyên quyền và chế độ thực dân tàn ác. Muốn khơi dậy ý thức cộng đồng thì trước hết phải “gọi hồn nước”.
“Trong văn chương của 15, 20, 25 năm đầu thế kỷ XX, khái niệm “hồn nước” và ý thức “gọi hồn” rất là phổ biến và lúc nào cũng được hoan nghênh,..., gọi hồn nước là một nhu cầu khách quan của thời cuộc chính trị và
xã hội Việt Nam, các nhà yêu nước nhận thấy cái bệnh “chết lòng” phổ biến, nhận thấy dân ta, nước ta giống như cái xác không hồn, còn thở thoi thóp mà không có ý thức về bản thân, tuy còn sống mà ngơ ngơ ngác ngác” [13;
73].Vậy hồn nước là gì? Đó chính là ý thức dân tộc tự cường, tự chủ, độc lập.
“Gọi hồn nước” là việc thức tỉnh quốc dân, đem khí phách hào hùng của người Việt Nam trở về với dân mình. Ông muốn ai nấy đều quan tâm đến vận mệnh của đất nước, không được thờ ơ, bàng quan, không sợ chết mà phải dám đứng lên đấu tranh cho nghĩa lớn của dân tộc.
Nguyễn Thượng Hiền cho rằng, mỗi nước đều có một “hồn nước”
riêng, không thể lẫn với bất cứ đất nước nào: “Than ôi! Các nước trong trời đất, lớn nhỏ tuy khác nhau nhưng đều có hồn nước, riêng ta không có sao?”
[19; 251]. Trước đây trong thời kỳ phong kiến, “hồn nước” gắn với “trung quân” nhưng nay triều đình Huế đã bắt tay với kẻ thực dân, làm tay sai cho kẻ xâm lược thì “trung quân” bây giờ có nghĩa là nô lệ, đầu hàng. Trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, vua và triều đình Huế đã tự gạt mình ra khỏi chủ nghĩa yêu nước truyền thống, cho nên tư tưởng yêu nước có sự tách bạch ra khỏi ràng buộc của phong kiến. Trong tình cảnh đất nước rơi vào loạn lạc, nhân dân ta phải chịu hai ách thống trị là phong kiến và thực dân, vậy nguyên nhân do đâu mà “hồn nước” mất đi? Ông đã chỉ ra nguyên nhân: “Không, không phải nước ta không có hồn. Chỉ vì người mình quá dại, thấy lợi thì hám, thấy danh thì xô, lấy xiểm nịnh làm điều thích, coi trung nghĩa là mối lo, chẳng biết đâu vì đất nước bị diệt, chỉ biết vui vì thân gia ấm no!” [19; 251]. Theo ông, đất nước ta lúc đó như không có hồn: dân vẫn còn tranh nhau chút quyền lợi nhỏ nhen ở làng xóm mà không quan tâm chuyện đất nước; dân vẫn còn sa đà vào những hủ tục nhiêu khê phiền hà; nhiều người dân hay bậc Nho sĩ chán đời rút lui về chốn thiên nhiên mà tìm vui thú hay đi tìm sự thảnh thơi trong văn chương, thơ phú; hay tệ hơn nữa là lao đầu vào thi cử, quan trường
để tranh quyền đạt lợi, không biết gì đến thực trạng đất nước. Nhân dân thì rời rạc, nhiều người đánh mất đi cái ý thức về mình mà chịu làm nô lệ.
Hồn nước đã lạc thì phải gọi về, phải “chiêu hồn nước”, phải đấu tranh chống lại những cái tệ lạc hậu kia, là phá vỡ cái vô ý thức. Ông nhận thấy rằng đây là công việc rất khó nhưng phàm việc gì trong thiện hạ có chí thì làm nên: “Ta nếu đồng lòng thì sợ gì giặc mạnh, huống chi giặc kia đã lao đao chực ngã. Ta nếu tự lập thì lo gì không có kẻ giúp, huống chi nay ta đã có người. Nêu cao quốc kỳ Việt Nam trên thế giới chỉ trông chờ ở thời cơ này, chỉ nhờ ở đồng bào một lòng một dạ lúc này, hãy cố gắng lên! Chớ để nước chịu nhục mãi!” [19; 246].
Ông khẳng định đây không phải là công việc của một vài người mà là của toàn thể dân Việt Nam, không có sự phân biệt. “Từ nay, muôn người đều phải lên tiếng gọi lấy hồn nước. Nào người dũng tướng hãy vung tay thét lớn, đứng lên trước mọi người. Nào bạn nghĩa binh hãy trở giáo quay lại, giết lũ đầu trùm của giặc. Nào quốc dân chớ tiếc tiền tài, giúp vào việc nghĩa. Nào binh sĩ chớ ngại vất vả, hãy góp sức lập công. Tiếng sấm vang trời, muôn người náo động, bọn giặc nhát gan kia tất phải bỏ thành mà trốn, trông ra biển mà chạy. Non sông mất về tay chúng trong mấy mươi năm, chỉ một chốc ta có thể thu phục được ngay. Nếu ta còn vẩn vơ, trông trước lo sau, chịu lấy tai vạ, giặc bắt ra lính, là đem mạng đi chết thay cho chúng; giặc cần tiền, ta bỏ của mồ hôi nước mắt ra giúp chúng, thì còn gì ngu bằng?” [19; 246].
Nhân dân cần phải đưa “hồn” về với nước, muốn vậy người dân phải có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức; có cái nhìn đúng đắn hơn về các vấn đề xã hội; loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, cũ kỹ. Tư tưởng duy tân về xã hội của Nguyễn Thượng Hiền thể hiện: ông từ bỏ việc từ bỏ nhận thức các giai cấp tầng lớp trong xã hội theo tứ dân truyền thống, chuyển sang nhận thức các
giai cấp tầng lớp dựa vào quan hệ kinh tế và vai trò xã hội. Tư tưởng của Nguyễn Thượng Hiền đã có sự kết hợp giữa tư tưởng truyền thống dân tộc với tư tưởng tiến bộ phương Tây trong việc nhận thức xã hội.
Để làm cho người dân tự ý thức được trách nhiệm của mình để tiến tới tự do, bình đẳng thì trước hết phải làm cho cuộc sống của họ được đầy đủ, ấm no. Tức là vấn đề “dân sinh”- phải phát triển kinh tế, mở mang thêm ngành nghề, có như vậy đời sống nhân dân có thể đạt tới sự đầy đủ văn minh được.
Tư tưởng kinh tế và làm kinh tế là hoàn toàn xa lạ đối với tư tưởng của các Nho sĩ truyền thống, bởi Nho giáo vốn có tư tưởng “trọng sĩ khinh thương”, coi thường làm việc kinh tế, công thương. Các ông chỉ chăm lo đèn sách đợi ngày đi thi và mong ước làm quan, làm quan là nguồn gốc của sự vinh hiển, giàu sang, làm quan nhỏ còn hơn làm giàu to mà là hàng thứ dân, họ không nghĩ gì đến phát triển làm ăn, kinh tế. Nhưng Nguyễn Thượng Hiền là một nhà Nho tân tiến, tiếp xúc với nhiều tư tưởng tiến bộ. Ông nhận thấy rằng trong bối cảnh mới hiện nay, nền tảng kinh tế là điều kiện để phát triển dân sinh, dân sinh có vững mạnh về kinh tế, có phát triển thì mới có điều kiện để nâng cao dân trí và chấn dân khí.
Nguyễn Thượng Hiền đã viết nhiều tác phẩm thơ, phú để kêu gọi nhân dân làm kinh tế để dân trở nên giàu, nước trở nên mạnh, có như vậy mới không hổ thẹn với non sông đất Việt. Ông bàn trực tiếp đến các vấn đề sản xuất, thương nghiệp, khẳng định vai trò của thương nhân. Những quan niệm về cách làm ăn kinh tế như vậy hầu như chưa từng được đề cập đến trong hệ thống luân lý Nho giáo. Trong bài “Phú cải lương”, ông sử dụng nhiều ca dao tục ngữ truyền thống của dân tộc để phê phán những hủ tục lạc hậu của xã hội phong kiến, kêu gọi mọi người nhanh chóng học nghề, học buôn bán, học cách ngoại giao, học lối sống văn minh: “Bụng nghĩ hay, việc làm mới hay, nhức tinh thần đừng giữ mãi thói si” [19; 393].
Bài thơ “Hợp quần doanh sinh thuyết” thể hiện sự đổi mới to lớn trong tư duy của một Nho sĩ thân là khoa bảng. Không chịu bằng lòng với thực tại dân chúng chỉ chú trọng nghề nông mà thờ ơ với việc công thương, buôn bán, ông đã viết nên bài thơ này để thức tỉnh người đời. Phan Chu Trinh trong bài tựa viết cho “Hợp quần doanh sinh thuyết” đã nhận xét về sự thức thời của Nguyễn Thường Hiền: “Ông là một danh sĩ ở Bắc Kỳ, nay lại đem sức theo đòi học mới: bể dâu biến đổi, từng trải nhiều; nấn ná bấy lâu, ta biết rằng ông không có thể nín lặng mà nằm yên được, muốn ra tay tổ chức một công cuộc cho xã hội, nên trước hết viết bài này để ướm hỏi người đời” [19; 408-409].
Nguyễn Thượng Hiền phản đối quan điểm đang ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân rằng vì nước ta nghèo nên mới bị thực dân áp bức, xâm lược. Ông khẳng định “Nước Nam ta nào có kém ai”, từ đó chấn hưng tự làm giàu trong nhân dân. Ông bàn cụ thể đến các phương thức làm ăn kinh tế, việc đầu tiên là phải biết chọn ngành nghề cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh sống:
“Rằng, ta muốn liệu bề sinh kế Trước phải xem địa thế sao đây;
Việc súc mục, việc trồng cây, Gần rừng, gần núi sự này dễ toan;
Như muốn sự bán buôn cho dễ, Thời gần sông, gần bể mới hay;
Muốn nghề kỹ xảo trong tay,
Học khôn phải ở gần ngay thị thành” [19; 399].
Nhưng dân ta còn đang chịu khổ do sự bóc lột tàn ác của thực dân và phong kiến, do vậy để có thể thực hiện được đường lối duy tân về kinh tế,
theo ông mọi người phải hợp với nhau, thành lập nên các hội, đoàn, mọi người hùn vốn chung với nhau để buôn bán, trong đó ai cũng được hưởng lợi cả. Người dân phải giành lấy các quyền lợi kinh tế, quyền lợi công thương đang nằm trong tay người Tây và người Tàu, có như vậy mới làm giàu được cho quốc gia, dân tộc.
“Gây giàu có mở khôn ngoan,
Cũng từ hai chữ “Hợp đoàn” mà ra” [19; 401].
Ông chỉ ra những lợi ích to lớn của việc lập nên đoàn thế, hội buôn:
“Các hội đã gây nên đoàn thể, Lợi nước mình không để ai tranh.
Ngoại dương xem cũng giật mình,
Khen: ai khéo vẽ thông minh cho người.” [19; 400-401].
Khi đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì điều kiện để mở mang hiểu biết, trí tuệ cho dân sẽ thuận lợi hơn.Nguyễn Thượng Hiền khuyên dân ta nên tiếp thu những tư tưởng mới tiến bộ phương Tây, khi mà “sóng cạnh tranh lai láng giữa hoàn cầu.... đường giao thiệp mở mang trên lục địa”. Khi dân ta nâng cao được dân trí, hiểu biết mọi việc diễn ra trong nước và thế giới, hiểu được thế nào là văn minh thì sẽ giành được độc lập. Ông đưa ra “chương trình chính trị” của mình bắt đầu từ việc chấn hưng kinh tế và mở mang dân trí.
Ông viết:
“Việc hay có kẻ đứng đầu,
Chắc rằng dân trí đã hầu mở mang.
Dân trí đã xem dường hơn trước, Dân khí kia cũng được ra tuồng.
Hẳn sau nên nghiệp phú cường” [19; 402].
Trong tư tưởng của tầng lớp Nho sĩ đầu thế kỷ XX thực sự đã diễn ra một cuộc cách mạng, tiêu biểu là Nguyễn Thượng Hiền. Ông xuất thân là dòng dõi danh gia vọng tộc, thân là một đại trí thức mà lại bàn về làm ăn kinh tế, lĩnh vực hoàn toàn xa lạ và bị kỳ thị trong nhãn quan nhà Nho. Là người được sinh ra và nuôi dưỡng, rèn luyện trong những giáo lý về “đạo nhân” của Khổng- Mạnh, bây giờ ông lại bàn đến đạo khuyến khích công thương, hiệp đoàn buôn bán, thì chẳng phải là một điều mới lạ hay sao?
Tư tưởng duy tân về xã hội của Nguyễn Thượng Hiền đã thể hiện sự đổi mới về tư duy, chuyển biến về tư tưởng, là một bước biến đổi về chất so với tư tưởng so với tư tưởng của chính ông khi còn học Nho giáo. Tư tưởng cải cách xã hội, nhất là cải cách về làm ăn kinh tế của ông để lại nhiều bài học sâu sắc cho những thế hệ sau này.