CHƯƠNG 2: MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TƯ TƯỞNG DUY TÂN CỦA NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
2.1. Phê phán thực trạng xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
2.1.1. Phê phán sự lỗi thời của Nho giáo
Nho sĩ đầu thế kỷ XX đã nhận thấy sự bế tắc của dân trí nước ta là ở chỗ: văn minh phương Đông có tính chất luôn luôn “tĩnh” trong khi văn minh phương Tây lại luôn luôn “động”. Văn minh tĩnh tại là nguồn gốc của dân trí bế tắc. Tuy nó không hoàn toàn đúng mà chỉ đúng từng phần thôi, đúng với
thời kỳ đình trệ của văn minh phương Đông, thì nhận định này cũng đã thực sự góp phần làm cơ sở lý luận để đấu tranh chống tinh thần thủ cựu, hoài cổ của Nho giáo chính thống. Giáo sư Trần Văn Giàu đã có phân tích về sự tĩnh tại của văn minh phương Đông và sự vận động của văn minh phương Tây:
“Đông phương cũng như Tây phương đều đã qua mấy thế kỷ “giấc ngủ phong kiến triền miên”, chứ không riêng gì Đông phương. Giấc ngủ đó của Đông phương dài hơn, Đông phương vào phong kiến sớm mà ra phong kiến trễ. Từ thời dã man mà đi đến phong kiến thì văn minh Đông hay Tây đều có tiến bộ rất dài, đều là “động” cả. Những người, những thuyền phương Tây phương sang Đông phương hồi thế kỷ XV, XVI, đều đã nhận xét rằng, trên nhiều phương diện cơ bản, văn minh Đông phương cao hơn văn minh Tây phương. Nhưng đến thế kỷ XVIII, XIX thì rõ ràng văn minh Tây phương đã cao hơn rồi. Ấy là nhờ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản; Tây phương tiến nhanh, “động” dữ, cờn Đông phương thì xem như là giẫm chân một chỗ. Sự thật quả có như vậy: người ta đi tới mà mình giẫm chân hay tiến chậm như rùa là mình tụt lại đằng sau, trở thành yếu hơn, dễ dàng bị đánh bại. họ mạnh, họ thắng vì văn minh của họ “động”; ta yếu, ta thua vì văn minh của ta “tĩnh”.
Đó là tư tưởng của sĩ phu khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao ta mất nước, vì sao dân trí ta thấp hèn, vì sao ta từ chủ hóa ra nô” [13; 41].
Tư tưởng phương Đông cứ “tĩnh” mãi trong một thời gian quá dài mà không chịu vận động, do vậy, tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế- chính trị- xã hội cứ mãi chìm đắm trong những lý luận cũ mòn, khuôn phép. Những lý luận giáo điều đó chỉ phát huy tác dụng trong xã hội phong kiến cũ mà nay thế giới đã chuyển mình. Cổ súy cho văn minh “tĩnh” là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dân trí trì trệ, bế tắc và dẫn đến nguyên nhân của việc đất nước rơi vào tay thực dân xâm lược.
Nho giáo du nhập vào nước ta từ thời đầu công nguyên và giữ một vị trí quan trọng trong xã hội Việt Nam. Nho giáo trải qua quá trình phát triển lâu dài gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của các nhà nước phong kiến của nước ta. Các tư tưởng của Nho giáo nhằm đề cao uy quyền tuyệt đối của nhà vua, xây dựng hệ thống quan liêu chặt chẽ từ trung ương xuống địa phương. Sự phát triển của triều đình phong kiến đã đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn, thống trịxã hội Việt Nam qua hầu hết các thời kỳ, đặc biệt từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX. Với vị trí thống trị như vậy, Nho giáo giành toàn quyền trong việc chi phối nền giáo dục, tuyển chọn quan lại cho bộ máy nhà nước phong kiến. Nho sĩ dù xuất thân từ tầng lớp bình dân hay quý tộc đều là sản phẩm của nền giáo dục Nho học, trí thức dù ở trình độ nào thì cũng được học những triết lý của Nho giáo. Trải qua mấy nghìn năm tồn tại và phát triển, tưởng chừng Nho giáo sẽ vẫn giữ vị trí độc tôn, nhưng trước hoàn cảnh mới cùng với những hệ tư tưởng mới, Nho giáo đã không giúp trí thức giải quyết được nhiệm vụ thời đại của mình.
Triều đình nhà Nguyễn thế kỷ XIX ra sức củng cố vương triều theo chế độ quân chủ trung ương tập quyền chuyên chế theo mô hình Mãn Thanh. Do vậy, nhà Nguyễn cố gắng chấn hưng Nho học bằng cách chấn chỉnh lại nền giáo dục, soạn lại kinh sách theo cả tư tưởng Tống Nho, Hán Nho, Đường Nho, Minh- Thanh Nho, trong đó khuynh hướng Hán Nho và Tống Nho là quan trọng nhất. Các vị Vua của triều Nguyễn chủ trương tuyệt đối hóa chế độ quân chủ chuyên chế, cổ vũ cho tư tưởng “giềng mối chính thống”. Về cơ bản, trong quá trình tồn tại của triều Nguyễn, các kỳ thi vẫn được tổ chức đều đặn, Nho học vẫn được củng cố và tạo điều kiện phát triển.
Tuy nhiên, ngay khi Nho giáo giữ vai trò độc tôn trong hệ thống chính trị- tư tưởng, đồng thời Nho sĩ giữ vị trí cao nhất trong hàng tứ dân “sĩ- nông- công – thương” thì tư tưởng của Nho sĩ cũng gặp phải những hạn chế, mâu
thuẫn như: họ tin vào mệnh trời, số phận do vậy hạn chế tư tưởng tìm hiểu và cải tạo thế giới, cuộc sống theo hướng tích cực và phát triển hơn như những trí thức phương Tây. Hơn nữa, Nho sĩ một khi đã làm quan thì đã bước ra khỏi hàng ngũ tứ dân và bước lên một vị trí mới trong mô hình vua- quan- dân; cho nên, họ hoàn toàn phải trung với vua, cùng với vua cai trị nhân dân.
Trong quá trình làm quan, nhiều Nho sĩ đã không giữ được phẩm chất đạo đức lý tưởng như sách thánh hiền của Nho giáo từng dậy. Trong lịch sử Việt Nam có nhiều Nho sĩ đã từ bỏ chốn quan trường hoặc đỗ đạt nhưng không ra làm quan để bảo vệ nhân cách lý tưởng của mình.
Khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta, Nho giáo bước vào giai đoạn khủng hoảng và đi tới suy vong trên vũ đài tư tưởng. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống nếu vẫn đề cao Nho giáo thì phải giải quyết ba vấn đề tư tưởng lớn nhưng lại hoàn toàn khác lạ so với lịch sử. Đó là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa “chính đạo và tà giáo”, giữa “duy tân và thủ cựu”, giữa “chủ chiến hay chủ hòa”. Nếu Nho sĩ giải quyết được ba vấn đề lớn này thì mới có thể chứng minh được cho sự tiếp tục tồn tại hợp lý của Nho giáo đối với giải quyết các vấn đề xã hội, bằng không thì cần phải thay thế. Nho sĩ dưới triều Nguyễn đã không giải quyết đúng đắn, hợp thời ba vấn đề này trong thời đại mới, do vậy càng làm cho Nho giáo bất lực trước nhiệm vụ lịch sử dân tộc.
Các tư tưởng như “mệnh trời”, “trọng vương khinh bá, nội hạ ngoại di”,
“trọng nông ức thương”... đã không còn phù hợp với thời đại mới. Năm 1919, thực dân Pháp đã quyết định bãi bỏ nền giáo dục- khoa cử Nho học, khiến cho Nho học dần bị lãng quên. Tuy nhiên trong dân gian, việc học chữ Hán và những tư tưởng đúng đắn của Nho giáo vẫn được nhân dân giữ gìn. Những tư tưởng đúng đắn, phù hợp được người dân giữ gìn, phát triển thì phải bảo vệ;
còn những tư tưởng lạc hậu, bị đào thải thì đó là cái cần phải bị phê phán. Bởi
đó chính là khả năng tiếp biến của lịch sử tư tưởng Việt Nam thông qua lăng kính của chủ nghĩa yêu nước truyền thống.
Sự thất bại của phong trào Cần Vương đánh dấu sự thất bại của người Việt trước sự áp chế của thực dân Pháp, Nho sĩ duy tân lúc bây giờ cho rằng phải đánh giá lại những vấn đề của quá khứ và hiện tại của Việt Nam. Điểm xuất phát cho sự phân tích, đánh giá, phê phán là những tư tưởng, mô hình chính trị, tổ chức chính trị xã hội theo lý luận Nho giáo. Bằng tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng và tấm lòng yêu nước thiết tha, các Nho sĩ duy tân đã phê phán những bảo thủ, lạc hậu trong tư tưởng Nho giáo một cách thẳng thắn.
Nguyễn Thượng Hiền sinh ra trong một gia đình khoa bảng với truyền thống Nho học là tư tưởng chủ đạo. Nhưng thời thế đã thay đổi, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng tiến hành chương trình khai thác thuộc địa và áp đặt chế độ bảo hộ làm cho xã hội Việt Nam có sự chuyển biến sâu sắc. Thể chế chính trị ở Việt Nam không còn là chế độ quân chủ chuyên chế với quyền lực tối cao thuộc về vua và hoàng tộc, mà chuyển sang chế độ nửa phong kiến nửa thuộc địa với sự xuất hiện của những tư tưởng mới và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Do vậy, nền chính trị, văn hóa, tư tưởng Nho giáo đã thể hiện sự lỗi thời, tầng lớp trí thức tinh hoa ngày càng lạc hậu, Nho sĩ không cùng một hệ tư tưởng mới với thực dân nên không hiểu hết dã tâm của chúng.
Thực trạng này kìm hãm sự phát triển của xã hội, đồng thời cũng không thể tìm ra được con đường đưa dân tộc thoát khỏi ách xâm lược của thực dân.
Nguyễn Thượng Hiền trưởng thành trong thời buổi loạn lạc, những lý tưởng cao đẹp của một nhà nho mà ông được học trong sách Thánh hiền bỗng chốc “hoang mang” trước thực tại. Lúc còn thiếu thời ông vẫn chăm chỉ đèn sách và qua nhiều lần thi cử, đỗ đạt cao, nhưng chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, triều đình phong kiến bất lực trước kẻ thù xâm lược, ông đã khảng khái từ
chối làm quan và lui về ở ẩn, tìm con đường mới cứu nước cho dân tộc. Quan trọng nhất, ông nhận ra được sự lạc hậu của tư tưởng Nho giáo là không còn phù hợp với tình hình hiện tại, thẳng thắn phê phán những khuyết điểm của Nho giáo về chính trị, lối khoa cử đã quá lỗi thời.
Trong bài thơ “Kinh đô cũ”, Nguyễn Thượng Hiền đã phải cay đắng thốt lên trước thực trạng lỗi thời của Nho giáo:
“Trời xanh còn loạn lạc, Đất đỏ vẫn thuế sưu.
Đạo trời bị khuất vì giặc giã,
Đời ta chăm nghiên bút hóa ngu" [19; 73].
Theo tư tưởng chính thống Nho giáo, “Đạo trời” hay thuyết Thiên mệnh là tư tưởng căn cốt, quyết định tới sự thành- bại của người quân tử và sự thịnh- suy của một triều đại. Do vậy, tuân theo mệnh trời, hợp với ý trời là việc làm vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người. Nếu theo thuyết Thiên mệnh, con người dễ dàng yên phận với thực tại, không dám đấu tranh đòi quyền lợi; thuyết Thiên mệnh làm thui chột khả năng sáng tạo, không dám chủ động học hỏi những cái mới dù nó là tiến bộ. Tuy nhiên, trong tình hình mới “Đạo trời” đã không thể giải quyết được những biến động mạnh mẽ của thời cuộc mà còn cản trở con đường cứu nước của những con người yêu nước chân chính. Nguyễn Thượng Hiền nhận ra rằng, “Đạo trời” nay đã “khuất”
rồi, nếu cứ cố gắng đi theo thì sẽ rơi vào bế tắc, nhiệm vụ lịch sử đặt ra không thể giải quyết được. Cần phải có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động, vận mệnh của bản thân và đất nước không thể trông chờ vào mệnh trời mà phải tự mình đứng lên giải quyết.
Các Nho sĩ duy tân cùng thời với Nguyễn Thượng Hiền cũng lên tiếng phê phán thuyết Thiên Mệnh: “Ngày nay chỉ riêng cái thuyết mệnh trời cũng đủ làm cản ý chí cạnh tranh của quốc dân ta. (...). Cho nên, nước yếu thì không quy trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài, mà lại nói đến vận số không phải do con người quyết định. Lụt lội, hạn hán thì không trách cứ là không có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói thiên tai không phải do con người gây nên. Dịch bệnh lan tràn thì lại nói con người sống chết là do số mệnh, đề phòng cũng vô ích. cũng làm một nghề, kẻ thành người bại, cũng lại nói là họ gặp may, ta gặp rủi. Than ôi! Sai lại có những cách nói tự hại mình đến thế? Sức người không làm được mà lại đổ tội cho trời, trời có nhận tội đâu” [65; 62- 63].
Sự đảo lộn trong thế giới quan Nho giáo về thuyết Mệnh trời của các Nho sĩ đầu thế kỷ XX nói chung và Nguyễn Thượng Hiền nói riêng thể hiện đầu tiên ở hành động ly khai với triều đình phong kiến, tích cực phản đối chủ trương cầu hòa của nhà Nguyễn. Việc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp đã làm thay đổi mạnh mẽ tư tưởng trung quân, tôn quân tuyệt đối, thần phục mệnh trời trong giáo lý Khổng – Mạnh mà các Nho sĩ đã được răn dạy từ lúc mới học chữ Thánh hiền. Triều đình nhà Nguyễn đã không còn
“quân minh, thần trung” nữa, thế giới quan Nho giáo đã không còn phù hợp với tình hình mới của đất nước. Nguyễn Thượng Hiền nhận ra được sự bế tắc trong tư tưởng Thiên mệnh nên đã lựa chọn đặt chủ nghĩa yêu nước bên ngoài
“trung quân”, ông không thuận theo mệnh trời khi nó thể hiện ở phán quyết của vua mà cố gắng đi tìm một đường hướng mới cho vận mệnh của dân tộc.
Sự giáo điều của Nho giáo còn thể hiện ở tư tưởng: trọng vương khinh bá, trọng sĩ khinh thương. Tư tưởng này đề cao cái đạo của Nho giáo mà xem nhẹ cái khoa học kỹ thuật của phương Tây; đề lên cao cái cương thường, lễ giáo phong kiến mà xem nhẹ việc làm kinh tế, coi thường công thương. Theo
Nho giáo, nói “nghĩa” là vương còn nói “lợi” là bá. Tư tưởng này đã ăn sâu vào trong ý thức hệ của người Việt bởi nước ta mang đặc điểm của nền kinh tế tiểu nông nhỏ hẹp, tự cấp tự túc do vậy nghề nông là nghề nuôi sống xã hội còn nghề cao quý nhất là đi học làm thầy, làm quan; thương nhân và thương nghiệp ít được quan tâm, thậm chí còn bị xã hội coi thường. Tầng lớp thống trị cho rằng thương nhân là kẻ “xảo trá, hám lợi”, đạo đức và cách hành xử khắc hẳn với người quân tử vốn trọng nghĩa, khinh lợi, khác với người nông dân chất phác, thật thà. Tư tưởng “khinh thương” đó đã dẫn đến hậu quả là sự bất bình đẳng trong xã hội, sự mất cân đối của nền kinh tế. Nền kinh tế “trọng nông ức thương”, tiểu nông gia trưởng đã bộc lộ rõ những hạn chế, lạc hậu trong thời kỳ kinh tế tư bản chủ nghĩa đang xâm lấn ngày càng mạnh vào nước ta.
Nền kinh tế lạc hậu, thua kém hơn rất nhiều so với nước ngoài là nguyên nhân dẫn đến hệ quả mất nước. Nguyễn Thượng Hiền cùng các Nho sĩ tiến bộ đương thời đã tạo ra cuộc vận động mở mang dân trí bằng cách chống lại tư tưởng trọng vương khinh bá, trọng sĩ khinh thương. Ông hô hào thực nghiệp, hô hào công thượng, lập đoàn thể, góp vốn, lập hội buôn; cho rằng sinh lợi là làm việc nghĩa cho đất nước, cho nhân dân:
“Các hội đã gây nên đoàn thể, Lợi nước mình không để ai tranh Ngoại dương xem cũng giật mình
Khen: ai khéo vẽ thông minh cho người” [19;400- 401].
Nguyễn Thượng Hiền nhận thấy trong thời buổi nhiễu nhương, đi học rồi ra làm quan thì đó là đi vào trong đường nô lệ, bởi làm quan chính là làm tay sai cho thực dân, là làm hại nước nhà. Do vậy, ông khuyên mọi người nên lập hội buôn bán, mở mang công thương, đó cũng chính là con đường mở
mang dân trí, đổi mới đất nước, là tương lai mới của dân tộc Việt Nam. Bản thân Nguyễn Thượng Hiền là một nhà khoa bảng, sinh ra trong gia đình quan lại nhưng ông lại lên tiếng phản đối những tư tưởng của Nho giáo, lên tiếng ủng hộ cho công thương, hiệp đoàn. Ông hô hào đi buôn, lập hội buôn với một tinh thần yêu nước thực sự trong sạch, không vì lợi ích cá nhân mà đặt trên hết là vì lợi ích nước nhà.
Nhược điểm của Nho giáo trong thời kỳ mới còn thể hiện ở việc nó làm hạn chế sự sáng tạo, kìm hãm sự đột phá trong tư duy. Bởi lẽ, các nhà nho từ trước tới nay chỉ chủ yếu học thuộc lòng sách Khổng- Mạnh khuyên răn về đạo đức, chính trị- xã hội, thơ phú mà cực hạn chế những tri thức về khoa học kỹ thuật.Lý luận Nho giáo cho rằng tất cả trí tuệ khôn ngoan của loài người đã được thu gọn trong Tứ thư Ngũ kinh rồi, chỉ cần ngồi ở nhà học thuộc lòng tất cả kinh truyện còn thông đạt hơn là đi ra thế giới bên ngoài. Ngay từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, các Nho sĩ đã cực lực phản đối việc bỏ hết thì giờ vào một việc học thuộc lòng lời nói cổ nhân, vào một cái học đẽo gọt văn biền ngẫu chẳng có ích lợi gì cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nó còn giam lỏng tâm trí con người mãi ở chỗ lạc hậu, bế tắc. Lối học kiểu cũ này càng làm dân trí giậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi sâu hơn so với thời đại.Muốn mở mang trí khôn cho dân thì cần phải vượt qua những tư tưởng thủ cựu đó.
Thời kỳ Nguyễn Thượng Hiền được nhà canh tân Nguyễn Lộ Trạch truyền cho Tân thư, Tân Văn, được tiếp xúc với những sĩ phu yêu nước, ông đã đánh dấu sự chuyển biến tư tưởng của mình bằng việc tự đốt những tập thơ, sách đã làm trước đó. Ông viết bài thơ “Tự phần thi cảo hữu cảm xúc”
(Tự đốt tập thơ, cảm xúc làm ra bài này):