CHƯƠNG 1: ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ CHO SỰ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG DUY TÂN CỦA NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
1.3. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thượng Hiền
Nguyễn Thượng Hiền tên tự là Đỉnh Nam, Đỉnh Thần; tên hiệu là Mai Sơn, sinh vào giờ Mùi ngày 17 tháng 7 năm Mậu Thìn, tức ngày 3 tháng 9 năm 1868. Ông sinh ra tại làng Liên Bạt, tổng Xã Cầu, phủ Ứng Hòa, Hà Đông (nay là xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội).
Nguyễn Thượng Hiền xuất thân từ gia đình khoa bảng, từ nhỏ đã nổi tiếng với tư chất thông minh. Năm 1884, khi 16 tuổi, ông đỗ cử nhân khoa thi Hương ở Thanh Hóa. Năm Ất Dậu (1885), khi 18 tuổi, triều đình mở khoa thi Hội vào đầu tháng 3 Âm lịch, Nguyễn Thượng Hiền đỗ đầu là Đình Nguyên
Tam Giáp, nhưng chưa kịp xướng tên thì xảy ra cuộc chính biến, kinh thành Huế thất thủ, ông phải về ở ẩn tại núi Nưa, Thanh Hóa.
Đến kỳ thi Đình năm 1892, Nguyễn Thượng Hiền đậu Hoàng Giáp khi ông mới 25 tuổi. Ông được bổ làm Toản tu Quốc Sử quán, thăng đốc học ở Ninh Bình rồi chuyển sang Nam Định. Trong thời gian ở Huế, ông tiếp nhận được tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Lộ Trạch và đọc nhiều Tân thư của Trung Quốc. Ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.... Năm 1907, ông giả làm thầy thuốc ở Hà Nội rồi tìm đường sang Trung Quốc, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng tại nước ngoài.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp với tư cách là kẻ thắng trận, ngày càng hung hãn, chúng thẳng tay đàn áp đẫm máu các phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Cơ sở Việt Nam Quang phục hội gần như tan rã, nhiều nahf yêu nước ở Việt Nam bị bắt và giết. Năm 1914, Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải và giải về nước làm cho tinh thần và thể xác của Nguyễn Thượng Hiền bị suy sụp. Ông xuống tóc đi tu tại chùa Thường Tích Quang trên núi Cô Sơn, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang và ông mất tại đây vào ngày 28 tháng 12 năm 1925. Theo di chúc, thi hài ông được hỏa táng và tro rải xuống sông Tiền Đường.
Nguyễn Thượng Hiền để lại một số tác phẩm thơ văn bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thơ của ông chủ yếu là những tâm sự của mình về thời cuộc và lên án chính sách của người Pháp nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Bên cạnh đó, những tư tưởng mới, duy tân về chính trị, kinh tế- xã hội, giáo dục cũng được thể hiện qua thơ văn của ông.
Thơ văn của Nguyễn Thượng Hiền bao gồm:
- Nam chi tập
- Viễn hải quy Hồng
- Hát Đông thư dị - Tạp thái
Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thượng Hiền đã thể hiện một tư tưởng yêu nước sâu sắc, một ý chí quyết tâm tìm ra con đường mới giải phóng dân tộc và thể hiện sự khát khao vươn tới những ý tưởng cao đẹp.
Tiểu kết chương 1
Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của Nguyễn Thượng Hiền.
Sinh thời là một nhà Nho nhưng Nho giáo lại thất thế trước thời đại, ông phải đi tìm một con đường khác để cứu nước, cứu dân. Là một con người có tấm lòng yêu nước nồng nàn, ông kế thừa những tư tưởng của chủ nghĩa yêu nước truyền thống được nhân dân ta đúc kết từ ngàn đời nay để hun đúc hơn nữa tình cảm và chí quyết tâm cứu nước của mình. Thêm vào đó, những tư tưởng của các bậc tiền bối thuộc dòng canh tân cuối thế kỷ XIX như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đã có sức ảnh hưởng rất nhiều đến những tư tưởng của Nguyễn Thượng Hiền sau này. Đặc biệt hơn cả là những tư tưởng mới đến từ Tân văn và Tân thư đã mang lại luồng sinh khí mới cho Nguyễn Thượng Hiền. Ông chủ động, hào hứng tiếp nhận Tân văn, Tân thư, coi đó là ánh sáng mới cho con đường giải phóng dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông trải qua nhiều bước thăng trầm, gian khổ nhưng bằng tấm long nhiệt thành vì nước, bằng chí quyết tâm ông đã từ bỏ con đường công danh khoa cử để dấn thân vào con đường cứu nước. Qua chặng đường hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Thượng Hiền đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn thể hiện tinh thần yêu nước. Bên cạnh những tác phẩm kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh thì những hoạt động thực tiễn của ông cũng mang ý nghĩa to lớn thể hiện ý chí quyết tâm cứu nước của một Nho sĩ duy tân giai đoạn đầu thế kỷ XX.