Lí thuyết về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học

Một phần của tài liệu Đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam (Trang 28 - 31)

1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài

1.2.1. Lí thuyết về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học

Đề tài thôn quê phản ánh đời sống văn hóa của nông thôn Việt Nam và ngược lại văn hóa làng quê ảnh hưởng tới tới cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện của các thi nhân thời trung đại khi viết về quê hương làng cảnh. Lí thuyết về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học có ý nghĩa thiết thực đối với với việc nghiên cứu đề tài luận án.

A.J. Gurevich từng cho rằng: “Bức tranh thế giới hoặc những yếu tố của nó được thể hiện trong mọi hệ thống kí hiệu tác động trong xã hội. Do đó, một điều hết sức tự nhiên là ta đi tìm những dấu vết của nó trước hết trong những tác phẩm văn học nghệ thuật” [1, tr.39]. Trong đó, văn học là một thành tố quan trọng cấu tạo nên nền văn hóa dân tộc. Văn học không chỉ phản ánh đời sống tinh thần mà còn khắc họa được bức tranh cuộc sống xã hội, lao động sản xuất, phong tục tập quán của nhân dân.

Nhắc đến nền văn hóa Việt Nam truyền thống chính là nhắc đến đời sống nông thôn gắn với cộng đồng văn hóa làng xóm. Không phải ngẫu nhiên, trong Tiếng Việt, khái niệm truyền thống văn hóa dân tộc gắn liền với “làng nước”. Văn học viết về thôn quê chính là thể hiện tinh hoa văn hóa, lòng tự hào và tự tôn của dân

tộc. Bởi làng xã Việt Nam là nơi kết tinh các giá trị nhân sinh, nhân văn và có vai trò quan trọng trong lịch sử nước nhà: “Làng xã Việt Nam - nổi bật với những nét độc đáo của nó, với vị trí quan trọng của nó trong lịch sử, mà nếu không hiểu được, người ta sẽ không thể hiểu được kết cấu của xã hội Việt Nam cũ, văn hóa và văn minh Việt Nam, không hiểu được lịch sử Việt Nam, và những truyền thống của lịch sử Việt Nam” [117, tr.2]. Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp thời xưa, các hiện tượng thiên nhiên luôn có sự tác động đến sản xuất nông nghiệp, con người sớm có ý thức sùng bái thiên nhiên như các vị thần. Những tác phẩm văn học dân gian về Thần Đất, Thần Nước, lễ cầu mưa, cúng lúa mới... là minh chứng cho các khái niệm sơ khai về sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Có thể nói, đề tài về thiên nhiên và cuộc sống thôn quê là dòng trường lưu trong trẻo của kho tàng văn học dân gian, là tiền đề văn hóa cho sự hình thành và phát triển của văn học viết.

Từ thế kỉ X, vua Lê Hoàn thường long trọng làm lễ “Tịch điền” và tự vua xuống cày ruộng trước toàn dân để bắt đầu mùa vụ mới vào ngày đầu xuân. Điều đó cho thấy triều đại nhà Tiền Lê đề cao và quan tâm đến nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Các triều đại kế tiếp cũng luôn đề cao vai trò của nông nghiệp lúa nước, tổ chức các nghi lễ thể hiện sự biết ơn của con người với đất đai, ruộng vườn mà cha ông để lại. Bởi những vùng đồng bằng lúa nước là nơi tập trung dân cư từ ngàn xưa, là nơi bảo tồn nhiều giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc gắn với cuộc sống lao động của người dân. Trong tiềm thức văn hóa dân tộc, ruộng vườn, làng xã trở thành chốn linh thiêng thanh tĩnh và gắn bó mật thiết với con người. Điều này cũng lý giải vì sao mỗi khi các thi nhân thất thế, chán nản lại muốn quay trở về quê hương bản quán để tìm sự chở che, an ủi, thanh thản trong tâm hồn. Hơn nữa, mỗi tác phẩm văn học trung đại là kết tinh giá trị văn hóa của mỗi thời đại: “Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa của một thời đại và truyền thống văn hóa độc đáo của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả nội hàm tâm lý văn hóa độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc” [7, tr.5]. Những tác gia lớn của văn học trung đại viết về thôn quê cũng đồng thời là những nhà văn hóa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến... Hơn nữa, do đặc tính “Văn - sử - triết” bất phân của văn học trung đại, nên văn học là sự kết tinh giá trị tổng hợp của các giá trị xã hội đương thời. Sống trong một xã hội nông nghiệp, các bậc trí thức đương thời cũng phải quan tâm và phản ánh đời sống nông nghiệp của nhân dân. Đó là tư tưởng thân dân, kinh bang tế thế của văn chương nhà nho.

Do đặc thù của nhà nho trung đại Việt Nam vốn đề cao gốc tích, dòng họ, tổ

tiên nên ngòi bút luôn hướng về làng quê với tấm lòng thiết tha, sâu lắng. Đoàn Lê Giang cho rằng: “So với các nước trong khu vực, nhà nho Việt Nam thiên về tính chất nông dân nhiều nhất, trong khi đó nhà nho ở Trung Quốc, người võ sĩ ở Nhật Bản có tính chất thương nhân, thị dân đậm nét hơn. Điều này cũng phản ánh rõ nét trong thơ văn mỗi nước” [198, tr.233]. “Tính chất nông dân” đó chính là một trong những thước đo chiều sâu văn hóa, tư tưởng và tâm hồn của nhà nho thời trung đại.

Theo Trần Đình Hượu: “Nho sĩ là một tầng lớp trí thức có tính chất thứ dân. Sĩ là dân nhưng được vị nể hơn vì tầng lớp có học đứng đầu tứ dân. Nho sĩ gắn với cuộc sống nông thôn, không dính líu với đời sống kinh doanh, sản xuất của đô thị” [74, tr.123]. Giá trị truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc được thể hiện trong văn học cho thấy đặc sắc riêng giữa các quốc gia đồng văn. Trong quá trình hình thành và phát triển của văn học khu vực Đông Á, các nước ngoại vi không tránh khỏi sự ảnh hưởng của nền văn học chữ Hán. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa của từng dân tộc tạo nên điểm riêng biệt và không bị đồng hóa, bởi vì: “Muốn tồn tại bên cạnh nền văn hóa lớn như văn hóa Trung Quốc thì các quốc gia láng giềng luôn luôn phải có ý thức đề cao văn hóa dân tộc, khẳng định sự độc lập về văn hiến như là cái gốc của nền độc lập dân tộc” [47, tr.55]. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, những giá trị văn hóa truyền thống quê hương làng Việt vẫn luôn được lưu giữ đằng sau mỗi lũy tre làng giản dị mà thân thuộc. Đó không chỉ là không gian sinh sống của cư dân nông nghiệp mà còn là quê hương bản quán, khơi gợi nhiều giá trị văn hóa dân tộc.

Trong một xã hội nông nghiệp với tư tưởng “dĩ nông vi bản”, một vị hoàng đế mẫu mực, đức độ phải chăm lo cho nông nghiệp, chăm lo cho cuộc sống của muôn dân. Vì vậy, nhà nho trung đại thường mang tư tưởng “trí quân trạch dân”, đề cao các vị tiên đế có tinh thần thân dân, trọng nông. Tư tưởng đó được thể hiện đầy cảm xúc sau những câu thơ về đề tài thôn quê. Điều đó cũng khẳng định quy luật: “Con người với tính cách là một thực thể văn hóa bao giờ cũng tồn tại trong ba mối quan hệ căn bản: quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ với xã hội và quan hệ với chính bản thân mình” [176, tr.18]. Mỗi tác phẩm văn học được chắt lọc và kết tinh của các mối quan hệ căn bản đó.

Ngoài sự hình thành từ chiều sâu văn hóa dân tộc, thơ thôn quê trung đại Việt Nam còn ảnh hưởng văn hóa của văn học Trung Quốc. Các tư tưởng Nho, Phật, Lão ít nhiều có sự hiện diện trong các trang thơ về thiên nhiên cảnh vật, về cuộc sống con người thôn quê. Nhưng có lẽ, nét đặc sắc trong những trang thơ nhà Nho chính là vẻ đẹp bình dị, hồn hậu, trong trẻo trong đời sống tinh thần của người dân thôn

quê. Từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần thôn quê đều được thể hiện phong phú và tinh tế trong thơ ca trung đại.

Một phần của tài liệu Đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w