Chương 3. ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT
3.2. Tình cảm, thái độ của tác giả với thôn quê
3.2.2. Con người với tình quê, duyên quê
Viết về thôn quê, các thi nhân trung đại không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên hay cuộc sống lao động lam lũ hàng ngày của người nông dân mà còn cảm nhận được vẻ đẹp thuần hậu, gắn bó đầy nghĩa tình. Nếu như cảnh thiên nhiên, cuộc sống lao động thôn quê được thể hiện qua đôi mắt quan sát tinh tế của thi nhân thì tình quê được phản chiếu qua tấm lòng và tình cảm sâu nặng. Chính sự hòa mình vào cuộc sống hồn nhiên nơi thôn dã đã giúp cho các thi nhân trung đại vơi bớt đi những trắc trở chốn quan trường và hướng về những người dân quê chất phác. Nhà nho đã tìm thấy trong cuộc sống lam lũ của người nông dân sự thanh thản của tâm hồn, niềm lạc quan yêu đời và tình cảm xóm làng, gia đình đầm ấm. Các thi nhân trung đại khi lui về ẩn dật ở thôn quê không những hòa vào cảnh điền viên sơn dã mà còn cảm nhận được tình cảm với người dân lao động.
Văn chương nhà nho từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XV vẫn ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng nho giáo kinh điển, nên chưa xuất hiện nhiều hình ảnh chân thực về con người thôn quê. Đến thế kỉ XV, Nguyễn Trãi về sống bên “con am”, “con lều” ở chốn thôn dã bình yên. Mặc dù vậy, người đọc vẫn cảm nhận được sự gắn bó cũng như tình cảm tha thiết của Ức Trai chốn lâm tuyền, quan tâm tới đời sống của muôn dân. Trong QÂTT vẫn thấp thoáng xuất hiện hình ảnh “Mấy đứa ngư tiều bầu bạn thân” (Tự thán, 32) hoặc “Lao xao chợ cá làng ngư phủ” (Bảo kính cảnh giới, 43).
Đến nửa sau thế kỉ XV, hình ảnh con người thôn quê xuất hiện đông đảo hơn trong HĐQÂTT. Hình ảnh người dân quê dù chưa được khắc họa bằng bút pháp hiện thực nhưng Lê Thánh Tông và các thi nhân thời Hồng Đức đã thể hiện sự chăm lo tới đời sống thôn quê và tư tưởng thân dân sâu sắc. Vì vậy mà khoảng cách giữa thi nhân và nhân vật trong bức tranh quê trở nên gần gũi hơn: người đi cày “cúi khom lưng”, người kiếm cá “Nửa tấm áo tơi che lủn củn”, người hái củi “quảy khom khom”...
Thơ ca thế kỉ XV đã góp phần tạo nên sự phát triển của văn học trung đại Việt Nam.
Khác với Nguyễn Trãi, thôn quê không chỉ là chốn dừng chân ngơi nghỉ của nhà nho trên con đường hoạn lộ mà còn là chốn bình yên để Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó gần trọn cuộc đời. Trạng Trình sống chan hòa giữa thôn dân, trải nghiệm những cảm xúc khác nhau của cuộc sống con người. Trong đó, nhà thơ đề cao đạo lý về tình nghĩa giữa người với người. Tuyết Giang Phu Tử là bậc đại nho đã sống trong tâm thức dân gian. Ông không chỉ tìm niềm vui tao nhã như làm thơ, câu cá, thưởng trà mà còn cảm nhận được sự gắn bó, sự chia sẻ và tình cảm ấm áp của những người dân lao động bình thường nhất:
Lẻ thẻ bên sông bảy tám nhà,
Thú nhàn mừng thấy bạn ngâm nga.
Thơ nên ngồi đợi vừng đan quế, Rượu chuốc han tìm ngõ Hạnh Hoa.
(Thơ Nôm, 127)
Tình cảm xóm thôn làng mạc nơi com am nhỏ và những người bạn thơ đã nâng đỡ, bồi đắp tâm hồn thơ của người thầy sông Tuyết. Những âm thanh giản dị của cuộc sống thôn dã đủ sức níu hồn thi nhân. Nhà thơ đề cao, trân trọng cuộc sống thanh đạm và nâng lên thành triết lý sống, an nhàn thuận theo tự nhiên. Đó là cuộc sống chan hòa giữa quê hương, làng mạc, gần gũi với nhân dân lao động. Hầu hết các thi nhân trung đại đều xuất thân từ một miền quê yên bình của quê hương bản quán. Vậy nên, sau những năm tháng làm quan với bao thăng trầm, thi nhân đã tìm
đường về quê sống vui thú điền viên, nhàn tản lúc tuổi già: “Bạn có cá tôm dầu được thú/ Cửa chăng xe ngựa bởi không quyền” (Thơ Nôm, bài 22). Đây là lúc họ sống cho riêng mình và gắn cuộc sống của nhà nho với cuộc sống của bà con, thôn xóm.
Không có nhiều thời gian gắn bó với thôn quê như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát là vị khách ly hương và luôn đau đáu nỗi lòng hướng về cố hương. Vậy nên, tình quê trong thơ thi sĩ họ Cao là tình cảm mong mỏi, nhớ thương da diết về gia đình, về quê nhà xa cách. Vậy nên, những vần thơ thôn quê trong thơ chữ Hán của ông luôn chất chứa xúc cảm giản dị mà sâu lắng về tình thân, tình làng xóm.
Bài Quy cố trạch (Về nhà cũ) là khoảnh khắc trở về quê của người con xa xứ dâng trào bao tình cảm mến thương:
Thân thích tạp lai tấn, Khoản khúc tự hàn huyên.
Cảm tạ thân song nhục, Bất khí thượng tư tồn.
(Những bà con thân thích thì tấp nập viếng thăm, Hàn huyên trò chuyện.
Cảm động mà đội ơn nhất là thấy song thân cũng đều đến thăm, Tỏ lòng gắn bó thương nhớ con)
Với Đặng Hoàng Trung thi sao, Đặng Huy Trứ không chỉ thể hiện sự gắn bó, hòa đồng của tác giả mà còn có những vần thơ thể hiện sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc trước những vất vả của người dân lao động. Đó là nỗi lòng trăn trở của một vị quan luôn lo lắng vì dân và tự ý thức về trách nhiệm của mình đối với sự vất vả của muôn dân trong bài Đối phạn (Trước bát cơm):
Kinh sừ mạc nại phong sương khổ, Học thực nguyên vô thủy hạn tai.
Tự thị cao chi sung nhĩ bổng, Thùy tương khẩu phúc phí dân tài.
Canh phu diệp phụ tương đề tỉnh, Thường tận toan tân thủy đắc lai.
Cày trên sách vở, chẳng phải chịu cái khổ của gió sương/ Trồng trọt bằng việc học không hề biết đến hạn hán, thủy tai/ Thế mà lấy mồ hôi, nước mắt của người làm bổng lộc cho mình/
Lẽ nào vì cái lỗ miệng, cái bụng của mình làm uổng phí của cải của dân sao?/ Người thợ cày, chị thợ cấy luôn nhắc nhở/ Nếm bao đắng cay mới có bát cơm này.
Viết về thôn quê, Đặng Huy Trứ thể hiện sự quan tâm và sự gắn bó với cuộc sống lam lũ vất vả của người dân lao động. Với vai trò là “phụ mẫu chi dân” nhưng dường như không có khoảng cách mà là sự gần gũi, chan hòa tình nghĩa giữa ông với
người dân. Thi nhân đã thể hiện tình cảm nồng ấm giữa quan và dân trong một lần đi thăm đồng vụ thu:
Nông nhân khoản khúc tranh tiên đạo, Dã lão tân phân hỷ hậu bồi.
Phủ tự vô năng tàm phụ mẫu, Hoan nghênh đáo xứ hữu anh hài.
(Quan giá)
Dân cày khẩn khoản tranh nhau dẫn lối/
Bô lão thì mừng rối rít đi theo sau/
Không có tài chăn dân, nghĩ thẹn cho chức phận làm “cha mẹ” dân/ Khắp nơi con trẻ đều vui mừng reo đón/
(Thăm lúa) Nguyễn Khuyến sớm trả mũ áo từ quan về sống ở quê hương ông - vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc bộ. Thơ của ông chan chứa những tình cảm giản dị, thuần phác ở chốn quê. Ông viết về bạn bè, tặng anh vợ, tặng ông hàng thịt. Ông còn làm nhiều câu đối viếng người làng, viếng người thợ rèn, mừng đám cưới, mừng nhà mới... Thành công hơn cả là những bài thơ viết về tình cảm con người chân quê mộc mạc với cuộc sống phong phú bộn bề lo toan. Nguyễn Khuyến không đi ở ẩn để tránh đời như các đạo sĩ ẩn mình chốn lâm tuyền mà gắn bó với bà con chòm xóm, chứng kiến cuộc sống bộn bề của nhà nông: “Chung quanh ông không phải là hươu nai, tùng bách, cũng không phải đạo sáng ở mặt trăng, lẽ mầu ở tinh tú. Cuộc đời của ông ở thôn quê có thơ, có rượu, có cúc, có mai, nhưng vẫn còn xa phong thái thoát trần của kẻ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” (Nguyễn Bỉnh Khiêm) hay “Nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ, hạc là người quen” (ca dao) [130, tr.17]. Nguyễn Khuyến là một nhà nho uyên thâm, tư tưởng của ông có sự hòa trộn giữa tư tưởng Phật, Lão và tinh thần dân tộc. Trong đó, nhãn quan về thời thế, về cuộc sống hiện thực trước mắt ở làng quê đã tạo nên tư tưởng nhân sinh quan vững chắc ở cụ Thượng Và.
Tình vợ chồng, tình cha con, hàng xóm, bạn bè được nhà thơ thể hiện bằng những vần thơ giàu cảm xúc. Quê hương là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và là nơi che chở cho thi nhân khi bất lực trước thời thế. Cuộc sống sinh động, đầm ấm của làng quê Việt Nam được nhà thơ khắc họa cụ thể và chân thực. Vị quan Yên Đổ xúc động trước tình nghĩa chân thành mà giản dị của bà hàng vải, ông thợ cày:
Thị phụ thừa bàn cung thục lệ, Điền ông phát cẩu mại tiên ngư.
(Bà hàng bưng mâm đem biếu vải chín, Ông thợ cày dốc đó bán cho ta cá tươi)
(Hạ nhật - Ngày hè)
Nguyễn Khuyến là nhà nho sống gần dân nhất trong tất cả các nho sĩ ẩn dật thời trung đại. Trước đó, Nguyễn Trãi ẩn nơi suối rừng hoang dã, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân nhưng có khi đứng ngoài quan sát cuộc sống người dân.
Với Nguyễn Khuyến, ông sống hòa mình vào cuộc sống thôn quê, ông gần gũi, chan hòa với người dân lao động. Trong thơ, ông đã thể hiện thành công mối quan hệ thân thiết, chân thành và cảm động của mình với quê hương, với bà con lối xóm.
Chính vì vậy, bức tranh làng cảnh cũng như khung cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam hiện lên đầy sức sống như nó vẫn tồn tại, và ẩn giấu trong đó là những giá trị truyền thống muôn đời của dân tộc.
Ông không chỉ viết về gia đình mà còn làm câu đối, làm thơ để tặng bác thông gia, bác hàng xóm, một anh hàng thịt, một chú thợ nhuộm, thợ rèn... bằng tình cảm chân tình giản dị. Thơ thăm hỏi bạn bè của thi nhân cũng chan chứa tấm lòng thành thuần hậu của ông (Khóc Dương Khuê, Nước lụt thăm bạn, Bạn đến chơi nhà...).Các nhà nho trung đại quan tâm đến đời sống nông dân là điều tất yếu trong xã hội nông nghiệp. Tuy nhiên, các thi nhân trước đó thường thể hiện sự chiêm nghiệm, triết lý hay tìm “đường lối” để tỏ chí. Nguyễn Khuyến viết nhiều về con người, về thiên nhiên, cảnh vật ở nông thôn với tất cả những gì chân thực, gần gũi nhất. Thành công hơn cả là những bài thơ viết về tình cảm của người dân quê mộc mạc. Thi nhân sống chan hoà với gia đình, bạn bè. Thi nhân cảm nhận được tình cảm ấm áp ở chốn quê trong ngày lên lão có anh em, làng xóm:
Chú Đáo bên làng lên với tớ, Ông Từ xóm chợ lại cùng ta.
(Lên lão)
Bài thơ ngắn gọn gợi tả về một nếp sống văn hóa quen thuộc ở làng quê mỗi dịp đầu xuân nhưng ấm áp nghĩa tình của những người dân quê mộc mạc, hồn hậu.
Những tình cảm tưởng chừng như bình thường ấy đã đi vào thơ Nguyễn Khuyến với một giá trị chân thật, đáng quý. Vượt lên trên quan niệm khắt khe của văn chương nhà nho chính thống, Nguyễn Khuyến viết về tình vợ chồng, tình cha con, hàng xóm, bạn bè với sự gắn bó tha thiết. Chính vì vậy, tác giả Trần Nho Thìn đã nhận xét: “Không đứng bên ngoài hay bên trên để quan sát nữa, cụ Tam nguyên Yên Đổ đã là người có mặt thật sự, hiện diện thường trực trong cuộc sống hằng ngày ấy, tắm mình, đằm mình trong không khí ấy” [176, tr.564]. Thơ ca của Nguyễn Khuyến vừa là sự kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vừa mở ra hướng tiệm cận hơn với văn học hiện thực sau này.
Sống chan hòa, gắn bó nghĩa tình với cuộc sống dân quê cũng là điểm gặp gỡ của các thi nhân trung đại Việt Nam với các thi nhân trung đại ở các nước trong nền văn hóa chữ Hán. Trong thiên “Minh thi” (Bàn rõ về thơ) của Văn Tâm điêu long, tác giả Lưu Hiệp đã sớm nhận thấy sự xuất hiện của hai chữ điền viên trong thi phẩm của các thi nhân thời Hán Hiến Đế (196-220): “Thơ của họ yêu gió trăng, mến điền viên” [56, tr.93]. Vương Duy đời Đường đã một lòng trở về với thôn quê, hướng đến cảnh đồng nội thanh bình:
Thời ủy thiềm tiền thụ,
Viễn khan nguyên thượng thôn.
Thanh cô lâm thủy bạt, Bạch điểu hướng sơn phiên.
(Võng Xuyên nhàn cư)
Lúc tựa vào cây trước hiên nhà, Xa nhìn thôn làng trên đồng nội.
Cỏ xanh vượt lên khỏi mặt nước, Chim trắng chao nghiêng về phía núi.
(Nhàn cư ở Võng Xuyên) Basho là nhà thơ trung đại tiêu biểu của Nhật Bản cũng có những cảm xúc gắn bó với dân quê. Ông đi nhiều nơi từ những đô thị náo nhiệt đến những cánh đồng khô cằn, những làng quê xơ xác của những người nông dân cơ cực, đói nghèo. Thi nhân chứng kiến nhiều cảnh đời trước mắt và ông lặng lẽ ghi lại bằng những bài haiku quen thuộc của mình. Trong thơ ông có thấp thoáng hình ảnh của chúng sinh đau khổ: những em bé nghèo, những người nông dân, những người đánh cá.
Trên bước du hành khắp mọi nẻo thôn quê, Basho nhận ra cội nguồn của hồn thơ:
Nơi bắt đầu thực sự
của thi ca - một vùng đông bắc những bài ca trồng lúa
(Bài 8)
Cùng chung cảm xúc với các thi nhân Trung Hoa và Nhật Bản, các thi nhân trung đại Việt Nam cũng luôn dành những tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng với quê hương thôn dã. Điều đó đã tạo nên bản sắc riêng về văn hóa, văn học của mỗi dân tộc. Tình cảm sâu sắc với thôn quê là sự gắn bó thiêng liêng giữa con người với con người, giữa con người với cội nguồn văn hóa truyền thống, với quê hương bản quán. Tình nghĩa ấm áp đó cũng đã giúp thi nhân vợi bớt đi những lo âu trên đường đời và luôn hướng tới những tình cảm giản dị mà cao quý.