Chương 3. ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT
3.2. Tình cảm, thái độ của tác giả với thôn quê
3.2.1. Thú quê ẩn dật
Các nhà nho Việt Nam đều thấm nhuần tư tưởng xuất - xử của Nho giáo, nên ngay khi trở về với thôn quê, họ đã hòa nhập vào cuộc sống nông thôn, tự tìm cho mình những vui thú giản dị ở chốn quê nhà. Đó là thú vui “điền viên sơn thủy” vốn đã có từ xa xưa. Rời chốn quan trường “lao xao”, các thi nhân tìm về chốn bình yên để di dưỡng hồn thơ. Nhà nho trung đại hài lòng với cuộc sống thôn quê và tâm hồn trở nên trong trẻo, thuần khiết: “Nhà nho tìm thấy được sự thanh thản, siêu thoát với những thú vui đơn sơ, giản dị cùng cuộc sống thôn dã, núi rừng” [161, tr.59]. Chỉ có những thi nhân về ẩn nhàn chốn quê mới có thể cảm nhận được cuộc sống hòa vào tự nhiên với những thú vui tao nhã của các bậc tao nhân mặc khách.
Là người bạn tri âm của Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng là một thi nhân thời vãn Trần, ông chán công danh và sống ẩn nhàn vui thú chốn quê. Vì vậy thơ thiên nhiên của ông giản dị, tự nhiên, cảm xúc thơ được gợi lên từ chính vẻ đẹp dân dã. Thi nhân vui thú cùng trăng hoa, gió trúc và tâm đắc bên bàn cờ, cuộc rượu. Đây là những thú vui tao nhã quen thuộc của các bậc tiền nhân khi ẩn nhàn chốn quê nhà:
Thiềm nguyệt di hoa ảnh, Song phong tá trúc lương.
Vi kỳ nhàn đắc địa, Đối tửu túy vi hương.
(Thôn cư)
Ánh trăng dưới mái hiên di chuyển bóng hoa, Làn gió bên cửa sổ mượn hơi mát của khóm trúc.
Đánh cờ lấy thảnh thơi làm đắc địa, Uống rượu lấy say sưa làm quê hương.
(Ở làng) Nguyễn Trãi cũng đã từng mong mỏi quay về chốn cũ điền viên để thỏa lòng ẩn nhàn. Bởi sau những thị phi chốn quan trường và những sóng gió cuộc đời, chỉ có quê nhà là chốn bình yên, che chở cho tâm hồn thi nhân và đem lại cảm giác an nhiên, thanh tĩnh:
Hà thời kết ốc phong vân hạ,
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.
(Bao giờ nhà dựng đầu non,
Pha trà nước suối gối hòn đá ngơi)
(Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác - Sau loạn đến Côn Sơn cảm tác) QÂTT thể hiện khá phong phú đời sống tinh thần nơi thôn dã của thi nhân với những niềm vui giản dị, đời thường. Dưới chân núi Côn Sơn, thi nhân thưởng ngoạn cảnh trí và tìm thấy niềm vui khi sống hòa vào thiên nhiên. Khung cảnh yên bình ở làng quê giúp thi nhân quên đi những trăn trở trên con đường hoạn lộ, thả lòng mình đón nhận những vui thú điền viên:
Dò trúc, xông qua làn suối, Tìm mai, theo đạp bóng trăng.
Giang sơn bát ngát kìa quê cũ, Tùng cúc bù trì ấy của hằng.
(Tự thán - 7)
Dường như vòng tuần hoàn thời gian của thi nhân luôn đầy ắp những niềm vui giản dị nơi thôn dã. Nhà thơ hài lòng với cuộc sống thanh đạm tự cấp tự túc như một
“lão nông tri điền”: “Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực” (Đào lấy giếng mà uống, cày lấy ruộng mà ăn). Thi nhân còn vui thú thưởng nguyệt, ngắm hoa, đọc sách, ngâm thơ để di dưỡng tâm hồn:
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén, Ngày vắng xem hoa bợ cây.
(Ngôn chí, 10) Đìa cỏ được câu ngâm gió,
Hiên mai, cầm chén hỏi trăng.
(Mạn thuật, 1)
Đó cũng chính là cuộc sống mà Nguyễn Bỉnh Khiêm ca ngợi trong sáng tác thơ chữ Hán và chữ Nôm. Cuộc sống thanh nhàn, thong dong của thi nhân như giao hòa cùng thiên nhiên, những hình ảnh quen thuộc, giản dị của thôn quê cũng đủ tạo nên thi hứng, tạo nên thú vui của bậc minh triết. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã coi cuộc sống có khóm lúa, ruộng tằm là nơi lý tưởng để nhà nho ẩn nhàn và bảo toàn danh tiết của nho sĩ. Nhà thơ chứng kiến sự thăng trầm từ khi nhà Lê đạt cực thịnh đến lúc nhà Mạc chiếm phần lớn Bắc bộ. Thơ văn của ông là một tấm gương phản ánh tình hình xã hội nước ta trong giai đoạn lịch sử ấy. Rời chốn cung đình lao xao, thi nhân về chốn quê nhiều vui thú và cảm nhận được nguồn thi hứng bất tận cho thi ca. Niềm vui bên cuộc cờ, chén rượu, đọc sách, ngâm thơ, thưởng trà, thưởng nguyệt tạo nên cuộc sống tinh thần phong phú của thi nhân.
Con đường hoạn lộ đầy trắc trở không thể giúp nhà nho thỏa chí, Nguyễn Bỉnh Khiêm rút về ở ẩn tại quê nhà và tìm cho mình cuộc sống an lạc, gần gũi với người dân quê. Người thầy sông Tuyết đã tìm thấy sự thanh thản, yên bình của tâm hồn khi sống giữa thôn quê trong trẻo thuần khiết. Một khóm cúc, một con khe cũng đủ thỏa lòng thi sĩ ẩn nhàn :
Công danh bất hệ nhất hư chu, Liêu hướng điền viên, mịch thắng du.
Công danh như một con thuyền rỗng, chẳng buộc vào đâu/ Hãy hướng về vườn ruộng mà
Tài cúc đinh tiền vô tục khách, Cán y khê ngoại hữu thanh lưu.
(Ngụ hứng, 4)
tìm thú ngao du thắng cảnh/ Trồng cúc ở trước sân, không có khách tục đến/ Giặt áo ở ngoài khe, sẵn có dòng nước trong.
(Ngụ hứng, 4) Sự thảnh thơi trong tâm hồn cùng những thú vui giản dị của cuộc sống đạm bạc nơi thôn dã đã giúp thi nhân có cái nhìn lạc quan, an nhiên trước thời cuộc:
Khát uống chè mai, hơi ngọt ngọt, Sốt kề hiên nguyệt, gió hiu hiu.
(Thơ Nôm, 3)
Dù là khách tha hương hay ẩn nhàn chốn cũ thì các thi nhân thế kỉ XVIII - XIX cũng luôn dành những tình cảm tha thiết và sâu lắng đối với thôn quê. Ngô Thì Sĩ tìm thấy sự yên bình, vui thú với “Mấy quyển thơ Đường, một chén trà” (Thu nhật thôn cư tức sự - Ngày thu ở thôn quê). Cao Bá Quát dù là khách ly hương vẫn có những khoảnh khắc “Chốn ao đầm vẫn còn cái thú ngóng mây trời” (Thử mẫu phong sơ - Gió nhẹ thổi qua ruộng lúa). Trong khi đó, Đặng Huy Trứ gác lại những lo toan về mùa màng, về cuộc sống nông thôn đầy khó khăn, thi nhân có những khoảnh khắc hiếm hoi của một tao nhân mặc khách đã tìm được cố nhân chốn ruộng vườn “Non xanh nước biếc như người bạn cũ” trong bài Dã hứng (Cảm hứng nơi thôn dã).
Nguyễn Khuyến là nhà nho ẩn dật tiêu biểu ở thế kỉ XIX, phần lớn sáng tác của ông viết về thôn quê với tình cảm thiết tha sâu lắng. Đó là niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, là niềm cảm thông trước những cơ cực của nhà nông và trăn trở lo âu trước vận mệnh của dân tộc. Bên cạnh Nguyễn Khuyến đó còn có những vần thơ thể hiện những thú vui tao nhã nơi làng quê của thi nhân - một người sống thanh tao, giản dị nhưng có đời sống tâm hồn tinh tế và sâu sắc.
Cụ Tam nguyên tự phác họa cảnh “tựa gối ôm cần” câu cá trong “Thu điếu”,
“toan cất bút” trong “Thu vịnh” và “say nhè” trong “Thu ẩm”. Nhưng với Nguyễn Khuyến, đằng sau những niềm vui tưởng chừng như an nhàn ấy là cả nỗi niềm trăn trở về dân, về nước. Ông bất lực trước thời thế đổi thay, tài năng và nhân cách của một vị quan như ông cũng không thể thay đổi tình thế đất nước lúc bây giờ. Trả mũ áo trở về quê, ông chỉ biết cảm thông, chia sẻ và bộc bạch nỗi lòng “ưu thời mẫn thế”. Thi nhân tìm thấy niềm vui và sự đồng cảm với ông già cùng xóm khi chia sẻ chén rượu tâm tình:
Trì tửu cách ly đối lân tẩu,
Hà phường trách trách thoại tang canh.
(Ở bên này giậu, cầm chén mời ông già hàng xóm, Nói chuyện tràn về trồng dâu cấy lúa, thế mà lại hay)
(Bài muộn 1- Giải buồn 1)
Câu chuyện về “trồng dâu cấy lúa” nơi thôn quê giúp thi nhân quên đi những khắc khoải, phiền muộn trong lòng. Thôn quê, tình quê luôn là nơi che chở và chia sẻ nỗi lòng của các thi nhân thất thế. Trở về vườn Bùi, thi nhân luôn tìm thấy niềm vui từ chính cuộc sống đời thường dân dã. Những thú vui tao nhã đã vợi bớt đi những âu lo trong lòng thi nhân. Xung quanh nhà thơ là tứ bề ao cá, bờ tre với bầu trời cao rộng, khung cảnh thôn quê bình dị mà nên thơ:
Tây nam trì thủy thanh, Phủ kiến ngư dương dương.
Đông bắc ly trúc đa, Song khai thần khí lương.
Phù cùng tứ xuất nhập, Bằng kỷ tùy đê ngang.
(Hạ nhật ngẫu thành - I)
Phía tây nam có ao nước trong, Cúi nhìn cá bơi lội thung thăng.
Phía đông bắc có bờ tre rậm,
Mở cửa sổ ra khí trời buổi sáng mát mẻ.
Chống gậy tha hồ đi ra đi vào,
Tựa ghế ngồi muốn thấp muốn cao tùy ý.
(Ngày hè, ngẫu thành - I) Viết về thôn quê, các nhà nho trung đại Việt Nam không chỉ thể hiện tinh thần dân tộc mà còn thể hiện tư tưởng, tâm hồn thi sĩ. Những thú vui bình dị nơi thôn dã là nơi di dưỡng cảm xúc và tâm hồn thi nhân, là nơi khởi phát của hồn thơ. Về với làng quê, tâm hồn thi nhân được xoa dịu, che chở khỏi những thị phi chốn quan trường.
Cuộc sống của các vị đại nho vì vậy mà phong phú hơn, hòa vào cuộc sống bộn bề của nông thôn. Do đó, thi nhân càng gắn bó thiết tha hơn với đất mẹ quê hương.