Điển cố thi liệu Hán học

Một phần của tài liệu Đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam (Trang 129 - 133)

Chương 4. ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN

4.2. Ngôn ngữ nghệ thuật

4.2.1. Điển cố thi liệu Hán học

Viết về thôn quê, bên cạnh vốn ngôn ngữ được chắt lọc ra từ chính đời sống thôn quê và ngôn ngữ văn học dân gian, thơ ca trung đại còn tiếp thu và vận dụng sáng tạo hệ thống điển cố của văn học cổ. Điều này cũng cho thấy sự dịch chuyển đề tài trong thơ trung đại trong việc dùng ngôn ngữ cung đình, cao nhã để thể hiện một đề tài bình dị, dân dã.

Điển cố là những khái niệm gắn liền với văn học trung đại. Vì vậy, mỗi tác phẩm văn học thời kỳ này đều mang mã khóa và tín hiệu nghệ thuật riêng. Giải mã những mã khóa đó phần nào giúp người đọc hiểu hơn về tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Theo Từ điển Tiếng Việt: “Điển cố là sự việc hay câu chữ trong sách đời trước được dẫn trong thơ văn” [131, tr.308]. Như vậy, “điển cố” là những câu chuyện đã trở thành mẫu mực từ cổ xưa được người đời sau trích dẫn trong sáng tác văn học nhằm biểu đạt nội dung được cố định hóa gợi lên từ câu chuyện. Hơn nữa, do đặc trưng thể loại của thơ ca mang tính kiệm lời nên cần có điển cố để tăng hiệu quả biểu đạt. Điển cố là một dạng thi liệu đặc biệt, tạo ra tính hàm súc, cô đọng đáp ứng quy định chặt chẽ về niêm luật của thể loại thơ. Bên cạnh đó, cách dùng điển còn thể hiện tư duy sùng cổ của người trung đại, tính chất cao nhã và sự uyên thâm của tác giả.

Văn học trung đại luôn đề cao việc vận dụng điển cố trong sáng tác. Quan niệm thẩm mĩ thời trung đại hướng về vẻ đẹp của quá khứ, cái đẹp là khuôn mẫu của tiền nhân. Điển cố góp phần làm cho câu thơ giàu ý nghĩa biểu tượng, hàm súc, cao nhã và uyên bác. Việc vận dụng thi liệu Hán học góp phần tạo nên vẻ đẹp tao nhã, mĩ lệ cho bức tranh thôn quê. Điều đó cũng cho thấy sự chuyển biến trong quan niệm thẩm mĩ của văn chương nhà nho. Các thi nhân đã dùng các điển phạm thường biểu đạt đề tài mang tính hướng thượng, cao nhã để thể hiện đề tài bình dị, dân dã. Tuy nhiên, càng về các giai đoạn sau, các điển cố càng xuất hiện chọn lọc hơn. Điển cố được các thi sĩ vận dụng trong cả sáng tác chữ Hán và chữ Nôm khi viết về thôn quê.

Trong bài “Thôn cư” của Nguyễn Sưởng có điển “nước Hoa - Tư” lấy trong Liệt nữ chỉ nơi làng quê mà thi nhân đang ở có cuộc sống hồn nhiên, tươi đẹp:

Hoán xuất Hoa - Tư quốc, Lân kê cách đoản tường.

(Gọi hồn mơ ra khỏi nước Hoa - Tư

Là nhờ con gà hàng xóm ở bên kia bức tường thấp) (Thôn cư - Ở làng)

Nguyễn Trãi thường dùng điển “cày mây cuốc nguyệt” có nghĩa là cày trong mây khói, cuốc dưới ánh trăng trong thơ Từ Di để chỉ những người ở ẩn nơi thôn dã. Trong QÂTT xuất hiện nhiều bài dùng điển này để chỉ cuộc sống lao động thuần phác quen thuộc hàng ngày của người nông dân. Thi nhân còn dùng điển tích “Sông vị đất Sằn” của Khương Tử Nha để nói về cuộc sống của nhà nho chốn quê ẩn dật:

Câu quạnh cày nhàn dưỡng mỗ thân.

(Mạn thuật, bài 7)

Cuốc cày là thú những chồn chân.

(Trần tình, bài 2) Cày ruộng, cuốc vườn dầu hết khỏe.

(Trần tình, bài 7)

Ngoài ra, các điển cố chỉ cuộc sống thôn quê của cổ nhân xưa như: phần dư, thuần lô, ba đường cúc trong “Quy khứ lai từ” của Đào Tiềm... là điển chỉ tình cảm quê hương sâu nặng và ý muốn về quê của các tiền nhân:

Mừng cùng viên hạc quen lòng thắm, Đã kẻo thuần lư bảo hẹn về.

(Tự thán, bài 39)

HĐQÂTT cũng thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc về cuộc sống lao động thôn quê bằng các điển tích tiêu biểu về thôn quê:

Rừng kia bố cốc còn khuya gióng Làng nọ nông phu đã thức nằm.

(Vịnh ngũ canh)

Các thi nhân Hồng Đức dùng điển “bố cốc” trong Tứ thư chỉ loại chim tu hú kêu vào tháng tư âm lịch. Tiếng kêu có ý nhắc người nông dân cấy lúa theo vụ mùa. Cách dùng điển trong thơ Nôm đã giúp cho sáng tác của Lê Thánh Tông và các thi nhân Hồng Đức giàu biểu cảm. Các điển về cây hòe, ngô đồng, chim cuốc, tiếng hàn châm, cầm ve... có khả năng thể hiện được những giá trị về thiên nhiên, cuộc sống thôn quê.

Với nhà thơ song ngữ như Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ ông có sự hòa quyện điêu luyện giữa tiếp thu ngôn ngữ thơ ca ngoại nhập và thơ ca dân tộc. Trong thơ Hán có tính dân tộc và trong thơ Nôm lại có tính cao nhã. Thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu tính dân tộc bởi có sự dịch chuyển đề tài: “Khi xét thơ văn chữ Hán của ông thì tính dân tộc thể hiện không những trong nội dung mà phần nào cả trong nghệ thuật nữa” [86, tr.5]. Đặc biệt thơ Nôm của Tuyết giang phu tử cũng vận dụng sáng tạo các điển cố để tạo nên vẻ đẹp độc đáo của hình tượng nhân vật trữ tình ẩn nhàn nơi thôn dã:

Cày mây, cuốc nguyệt, gánh yên hà.

(Thơ Nôm, bài 19)

Thi nhân dùng điển lều Nam Dương nói về Khổng Minh và cảnh câu cá ở Đồng Giang nói về Nghiêm Quang để thể hiện niềm vui thú với cuộc sống hòa vào thiên nhiên:

Lánh chốn Nam Dương ở một lều.

(Thơ Nôm, bài 28) Đồng Giang rủ một cần câu.

(Thơ Nôm, bài 31)

Với thành tựu đó về nghệ thuật, vị trí của thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của thơ dân tộc: “Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, xét về mặt ngôn ngữ học, là một bước tiến, là một gạch nối giữa thơ thế kỉ XV và thơ Nôm thế kỉ XVII” [86, tr.41]. Cách dùng linh hoạt và sáng tạo các điển cố vừa tạo nên sự cô đọng hàm súc vừa tạo nên những liên tưởng sâu sắc về cuộc sống và con người thôn quê trong thơ thế kỉ XVII.

Đặng Huy Trứ và Nguyễn Khuyến là những nhà nho uyên thâm của thế kỉ XIX, hai thi nhân đều am hiểu tinh thông các điển cố và vận dụng tinh tế trong thơ ca. Ở bài Nguyệt khuy thung thướng (Trăng nhòm cảnh giã gạo), Đặng Huy Trứ đã vận dụng điển tích “Vũ Nghê” (Nghê thường vũ y khúc của Đường Minh Hoàng) để ví với tiếng hò bên cối gạo. Vì vậy, cảnh giã gạo không chỉ miêu tả công việc lao động quen thuộc mà còn gợi lên vẻ đẹp có phần lãng mạn, nên thơ. Bài “Bùi viên cựu trạch ca” (Bài ca nhà cũ ở xóm vườn Bùi) của Nguyễn Khuyến cũng vận dụng một điển tích tiêu biểu về Đào TiềmTư Mã Quang:

Bành Trạch tố cầm ngâm cựu cú, Ôn công tôn tửu lạc dư xuân.

(Bành Trạch, gảy tố cầm, ngâm câu thơ cũ,

Ôn công - Tư Mã Quang, nhắp chén rượu, vui thú xuân thừa) Nguyễn Khuyến là một nhà nho tinh thông niêm luật của Đường thi cổ điển.

Khi viết về thôn quê, thi nhân đã đưa yếu tố dân tộc vào thơ chữ Hán để tạo nên sắc thái mới cho trường phái thơ tao nhã. Thi nhân là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ. Ông được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam vì những cảnh, người, vật qua cảm nhận của ông đều đậm đà phong vị của quê hương đất nước.

Nguyễn Khuyến đã có những cống hiến quan trọng làm cho ngôn ngữ thơ đi sát với đời sống và chuyển cái tinh túy của đời thường thành thơ: “Đáng để ý nhất là Nguyễn Khuyến đã làm cho thơ chữ Hán của ông biểu hiện được nhiều đặc tính của dân tộc”

[167, tr.398]. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Khuyến rất phong phú không những trong cách nói mà còn rất mỹ lệ, gợi cảm trong cách miêu tả. Cách chọn chữ, dùng từ thích hợp và giàu nhạc điệu đã làm cho câu thơ tả cảnh có một sức gợi mở và miêu tả rất cao. Ngôn ngữ tả cảnh rất chính xác, cách chọn chữ, dùng từ thích hợp, từ ngữ thường lấp láy giàu nhạc điệu, có khả năng gợi tả. Thi nhân sử dụng vốn ngôn ngữ

bình dân nhưng không hề rơi vào sự dung tục hóa, cảnh nào cũng được vẽ, được chạm khắc thần tình vừa gợi hình ảnh vừa dâng trào cảm xúc của chủ thể trữ tình.

Như vậy, với hình thức dùng ngôn ngữ Hán nhưng lại truyền tải nội dung có yếu tố đời thường, các thi sĩ trung đại đã thể hiện tinh thần dân tộc hóa thể loại.

Loại chữ vuông linh thiêng vốn dành cho văn học mang tính hướng thượng, quan phương đã được sáng tạo và phản ánh sâu sắc những điều giản dị, quen thuộc, gần gũi với đời sống nơi thôn dã. Càng về sau, xu hướng ngôn ngữ thơ càng ít dần điển tích, điển cố và giàu giá trị hiện thực hơn.

Điển tích, điển cố là quá khứ, được đúc kết, cô đọng thành đạo lý, chân lý được dùng phổ biến trong văn học thời trung đại. Đây là phương tiện nghệ thuật đặc thù và có khả năng biểu đạt những tâm sự, cảm xúc tinh tế của thi nhân. Thơ chữ Hán trung đại Việt Nam đến thế kỉ XIX đã có sự kết tinh nhiều giá trị. Trong đó, việc sử dụng hình thức ngôn ngữ Hán học để truyền tải đề tài mang tính bình dị, dân dã là một đóng góp độc đáo của các thi sĩ thời kì này. Mỗi nhà thơ đều có cách sử dụng ngôn ngữ mang phong cách riêng và có những đóng góp khác nhau về cách gieo vần, ngắt nhịp, kết cấu, phương thức tổ chức... Như vậy, việc vận dụng điển tích, điển cố trong thơ ca chữ Hán và chữ Nôm viết về thôn quê thể hiện sự chuyển biến trong quan niệm thẩm mĩ của văn chương nhà nho. Các thi nhân đã dùng ngôn ngữ văn chương bác học để biểu đạt bức tranh thôn quê mộc mạc, đời thường, giản dị. Đây là bước phát triển ngôn ngữ theo xu hướng dân tộc hóa, dân chủ hóa thể loại.

Một phần của tài liệu Đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam (Trang 129 - 133)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w