Chương 4. ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN
4.4. Đề tài thôn quê - những khác biệt giữa thơ chữ Hán và chữ Nôm
Đề tài thôn quê xuất hiện trong thơ chữ Hán và chữ Nôm trong gần suốt tiến trình văn học trung đại Việt Nam. Càng về giai đoạn sau, đề tài thôn quê càng được thể hiện nhiều hơn trong sáng tác chữ Hán, điều này cũng khẳng định sự chuyển dịch đề tài trong văn học. Đó là sự chuyển dịch từ đề tài mang tính chất bình dân trở thành đối tượng thẩm mĩ của văn chương bác học. Nếu thơ chữ Hán nghiêng về vẻ đẹp tao nhã và đậm chất Đường thi thì thơ chữ Nôm nghiêng về vẻ đẹp bình dị và đậm chất dân tộc. Thiên nhiên, cảnh vật thôn quê trở nên đa sắc và phong phú hơn khi được thể hiện ở cả hai dòng thơ.
Thôn quê trong thơ chữ Hán xuất hiện nhiều và phát triển mạnh từ thế kỉ XIII đến hết thế kỉ XIX. Những hình ảnh thiên nhiên và cuộc sống thôn quê ít khi thuộc phạm trù mĩ học của nhà Nho nhưng đã được thể hiện trang trọng qua những vần thơ chữ Hán. Đặc biệt, có nhiều tác giả sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán như: thi nhân thời Trần, Ngô Thì Sĩ, Trịnh Hoài Đức, Cao Bá Quát, Phan Thúc Trực, Đặng Huy Trứ. Điều này cho thấy khả năng bao quát hiện thực của thơ chữ Hán ngày càng mở rộng, có thể phản ánh những điều bình thường, giản dị như thơ chữ Nôm.
Nguyễn Trung Ngạn khắc họa cảnh chùa quê bằng những đường nét thanh nhẹ, âm thanh quen thuộc trong bài Xuân dạ dã tự (Chùa quê, đêm xuân):
Hòa yên phương thảo lục thê thê, Phảng phất tăng gia trụ cách khê.
Mang lý bất tri xuân kỉ hứa, Mãn đình long nhị hiểu oanh đề.
Hoà với khói, cỏ thơm có màu xanh mờ mờ/
Giống như người nhà chùa trú ở cách bên kia khe/ Trong khi bận rộn không còn biết mùa xuân đã bao lâu rồi/ Đầy sân toàn nhụy hoa nhãn, sáng sớm chim oanh kêu.
Bức họa ngày xuân của thi sĩ thời Trần thật mộc mạc và gần gũi. Đặc biệt, thi
nhân đã đưa hình ảnh “nhụy hoa nhãn” vốn bình dị vào thơ tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt của mùa xuân thôn quê.
Thơ chữ Hán của các tác giả trung đại dù được viết ở các thời điểm và không gian khác nhau nhưng đều toát lên vẻ đẹp thanh thoát, tao nhã của quê hương làng Việt. Ở những chặng cuối của tiến trình văn học trung đại, yếu tố cao nhã của thơ thôn quê được thể hiện phong phú, đa dạng hơn. Đôi khi, đó là cách mĩ lệ hóa yếu tố bình dị. Nguyễn Khuyến đã thành công khi đưa thiên nhiên bình dị trở nên thanh tao, nhã nhặn như bức tranh thủy mặc trong bài Xuân nhật I (Ngày xuân I):
Sương khí mông lung mãn địa phi, Thần quang phiêu hốt hận hy vi.
Viên kim quất hạch do tàng giáp, Bồn thuỷ tiên hoa vị giải y.
Là là mặt đất lớp sương sa, Ánh sáng ban mai vẫn mập mờ.
Hạt quất ngoài vườn chờ nứt vỏ, Giò tiên trong chậu chửa bung hoa.
Thiên nhiên cảnh vật trở nên mờ ảo khi được khắc họa trong trạng thái khuất lấp: ánh ban mai thì mập mờ, hạt quất chờ nứt vỏ, giò tiên chửa bung hoa. Tất cả khung cảnh đó được bao phủ bởi lớp sương sa càng tăng thêm độ mờ ảo của thơ chữ Hán viết về vẻ đẹp bình dị của thôn quê.
Đó là sự phát triển trong chiều sâu tư duy nghệ thuật của các nhà thơ trung đại.
Các thi nhân đã đưa thơ ước lệ, uyên bác trở về với đời thường vốn sinh động và chân thực. Ngay cả những tác gia song ngữ cũng có số lượng lớn thơ chữ Hán viết về thôn quê, càng về sau số lượng bài thơ chữ Hán càng tăng: Nguyễn Trãi (7 bài), Nguyễn Bỉnh Khiêm (31 bài), Nguyễn Khuyến (33 bài). Những bài thơ chữ Hán góp phần tạo nên diện mạo trang nhã cho bức tranh thôn quê làng Việt. Điều đó cũng cho thấy sự chuyển dịch đề tài trong thơ chữ Hán khi viết về thôn quê.
Mặc dù xuất hiện sau thơ chữ Hán, thơ Nôm trung đại đã sớm phát triển mạnh mẽ, song hành cùng thơ chữ Hán tạo nên nét đặc sắc riêng của thơ ca trung đại Việt Nam. Nếu thơ chữ Hán chú trọng vẻ đẹp tao nhã thì thơ chữ Nôm lại có khả năng chiếm lĩnh hiện thực và thể hiện cái đẹp bình dị, mộc mạc của cuộc sống đời thường.
Thiên nhiên và cuộc sống thôn quê được khắc họa với tất cả những gì gần gũi, quen thuộc nhất. Đây là thể thơ quốc âm nên có khả năng diễn đạt một cách đầy đủ và tinh tế mọi sắc màu của cuộc sống thôn quê cũng như đời sống tinh thần phong phú của con người. Đối tượng thẩm mĩ trong thơ Nôm hiện lên chân thực, sinh động như chính cuộc sống hiện thực đương thời. Từ QÂTT của Nguyễn Trãi, HĐQÂTT của Lê Thánh Tông và các thi nhân thời Hồng Đức, BVQNTT của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến thơ Nôm Nguyễn Khuyến là cả quá trình phát triển mạnh mẽ của thơ Nôm trung
đại Việt Nam. Thơ chữ Nôm đã khẳng định vai trò, vị trí trong nền thơ ca dân tộc trong việc phản ánh một cách cụ thể, chân thực nhất về bức tranh tổng thể của thôn quê làng Việt. Ngay từ đầu thế kỉ XV, Nguyễn Trãi đã thành công trong việc mở rộng phạm vi phản ánh của thơ trung đại khi hướng về vẻ đẹp bình dị:
Ao quan thả gửi đôi bè muống, Đất bụt ương nhờ một lảnh mùng.
(Thuật hứng - 23)
Tiếp nối thành công đó, những vần thơ Nôm của Lê Thánh Tông và các thi nhân Hồng Đức, thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở rộng hơn phạm vi phản ánh, ngôn ngữ thơ gần gũi hơn với cuộc sống đời thường. Thơ Nôm thực sự trở về với đời sống dân dã khi xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Khuyến. Với khả năng bao quát hiện thực, thơ Nôm có thể diễn tả mọi cung bậc cảm xúc trong lòng người, khắc họa sinh động thế giới tự nhiên phong phú. Từ cảnh lụt lội, mùa màng thất bát đến các lễ hội trong làng đều được cụ Tam Nguyên khắc họa chân thực. Ngay cả những lo toan của nhà nông cũng được thể hiện qua những vần thơ đầy trăn trở:
Năm nay cày cấy vẫn chân thua, Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ, Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa, Chợ búa trầu cau chẳng dám mua.
(Chốn quê)
Nguyễn Khuyến thấu hiểu và cảm thông trước những nỗi vất vả mà nhà nông phải gánh chịu. Những vần thơ dường như không có sự trau chuốt mà tự nhiên như chính đời sống đầy bộn bề, lo lắng. Giọng điệu bao trùm đoạn thơ là tiếng thở dài của thi nhân mà cũng là của đông đảo người dân lao động chốn quê. Rõ ràng, những cảm xúc đời thường với những hình ảnh quen thuộc gần gũi đã tạo nên nét đặc sắc riêng của thơ Nôm đối với thơ chữ Hán trung đại.
Như vậy, thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm có cùng chung một đối tượng thẩm mĩ, nhưng được thể hiện ở các khía cạnh khác nhau ở mỗi dòng thơ. Sự khác biệt đó không đối lập nhau mà bổ sung cho nhau khiến cho thôn quê, cuộc sống nông thôn trong thơ trung đại trở nên sinh động hơn, sâu sắc hơn. Bức tranh thôn quê vì vậy mà hiện lên vừa lung linh, mĩ lệ vừa bình dị, chân thực. Điều này còn cho thấy tính chất song ngữ, mối quan hệ bình dân và bác học của thơ ca trung đại Việt Nam.
Khảo sát và tìm hiểu thơ trung đại Việt Nam viết về thôn quê, chúng ta thấy sự phát triển và mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực của thơ nhà nho. Văn học không chỉ
“thuật nhi bất tác” hay “thi ngôn chí” mà văn học thực sự là tiếng nói của tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, nhãn quan nghệ thuật của nhà văn và của đông đảo người dân đương thời. Con đường phát triển từ thơ “ngôn chí” đến thơ “quý chân” đã phản ánh quá trình vận động vừa tiếp thu vừa sáng tạo của thơ trung đại Việt Nam. Phạm vi đề tài thôn quê được phản ánh ở cả thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm tạo nên bức tranh toàn cảnh, phong phú, sinh động về làng quê Việt.
Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long từng đề cao sức mạnh của văn chương phải có
“lực phong” và “cốt cách” thì mới có thể tỏa sáng rực rỡ muôn đời: “Gà rừng sắc lông rực rỡ nhưng chỉ bay được trăm bước. Chim ưng chẳng có lông đẹp nhưng bay vút trời xanh. Đó là do cốt lực dồi dào và khí thế mạnh mẽ. Tài lực văn chương của người ta cũng giống như vậy... Chỉ có văn thái tươi sáng lại bay lượn được cao thì mới thật sự là chim phượng hoàng lên tiếng hót” [56, tr.345]. Thơ ca về thôn quê mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc không “rực rỡ” nhưng luôn ghi dấu trong lòng người đọc bởi những
“vẻ đẹp vốn có” từ trong sâu thẳm của nền văn hóa, con người Việt Nam.
Di sản thơ ca trung đại Việt Nam sẽ luôn là giá trị tinh thần, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Bởi ẩn sâu bên trong những vần thơ mộc mạc, giản dị ấy là sức mạnh của tinh hoa dân tộc, là “lực phong” và “cốt cách” của tâm hồn Việt. Đọc lại những vần thơ về thôn quê làng Việt, chúng ta càng tự hào và yêu mến hơn truyền thống cha ông thuở xưa, tự hào giá trị tâm hồn Việt.
Tiểu kết Chương 4
Các thành phần nghệ thuật thể hiện đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam là những tín hiệu thẩm mĩ quan trọng khẳng định vị trí của thơ viết về thôn quê trong nền văn học dân tộc. Nghệ thuật thể hiện đề tài thôn quê trong thơ trung đại phản ánh sự phát triển của văn học. Phương thức thể hiện không gian, thời gian trong thơ thôn quê phát triển từ khuynh hướng ước lệ tiến gần hơn tới hiện thực.
Các thi nhân trung đại vận dụng ngôn ngữ uyên bác, ngôn ngữ văn học dân gian và ngôn ngữ đời sống khi phản ánh thiên nhiên và cảnh sắc, cuộc sống phong phú của người dân quê. Sự xuất hiện của các kiểu ngôn ngữ cho thấy sự đa dạng, phong phú của đối tượng thẩm mĩ trong thơ ca trung đại. Bên cạnh đó, giọng điệu thơ có vai trò quan trọng để bộc lộ tư tưởng, tình cảm và thái độ của chủ thể trữ tình. Nếu như
giọng điệu trữ tình hướng về những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình đối với thiên nhiên và cuộc sống, con người thôn quê thì giọng điệu tự sự là những câu chuyện cụ thể về con người thôn quê. Với giọng điệu tự sự, cảnh vật, con người thôn quê hiện lên cụ thể, sinh động hơn. Cùng phản ánh đề tài thôn quê, nhưng giữa thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm vẫn có những đặc điểm độc đáo riêng biệt, tạo thành các góc nhìn khác nhau ngay ở các tác gia song ngữ. Quá trình tiếp thu và sáng tạo nghệ thuật thơ ca của các nhà nho trung đại đã đưa văn học gần sát hơn tới đông đảo người dân lao động. Nghệ thuật dần dần hướng tới cái đẹp bình dị, mộc mạc, thuần phác của thôn quê làng Việt.