Giai đoạn từ thế kỷ XVIII - XIX

Một phần của tài liệu Đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam (Trang 50 - 54)

Chương 2. KHÁI QUÁT ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ

2.2. Quá trình phát triển của đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam

2.2.3. Giai đoạn từ thế kỷ XVIII - XIX

Ở chặng cuối của tiến trình văn học trung đại, văn học có nhiều biến động do ảnh hưởng hoàn cảnh lịch sử xã hội. Đây là thời kì mà Nho giáo Việt Nam chuyển sang một hình thái mới, thơ ca phát triển từ khuynh hướng “ngôn chí” sang thơ

“quý chân”. Văn học kết tinh thành tựu trong cả sáng tác chữ Hán và chữ Nôm. Lực lượng sáng tác cũng phát triển đông đảo và tạo thành một đỉnh cao văn học trong tiến trình văn học trung đại.

Thơ ca thời kì này phản ánh chân thực tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống xã hội. Hơn nữa, các thi nhân lựa chọn con đường ẩn dật thôn quê để bảo toàn danh tiết trước những biến động dữ dội của thời cuộc. Chế độ phong kiến Việt Nam đã có dấu hiệu khủng hoảng ở thế kỉ XVI, XVII và đến thế kỉ XIX bước vào thời kì khủng hoảng trầm trọng và trên đà sụp đổ. Đặc biệt, từ nửa sau thế kỉ XIX, đất nước bị thực dân Pháp xâm lược nên các nhà nho thời kì này phần lớn bất mãn với triều đình và trở thành các ẩn sĩ nơi quê nhà.

Nếu như đề tài thôn quê được hình thành ở giai đoạn đầu của tiến trình văn học thì đến giai đoạn cuối của văn học trung đại đã kết tinh rực rỡ với nhiều tác gia, tác phẩm đặc sắc. Một trong những nhân tố tạo nên thành công của mảng đề tài vốn không phải là chủ đạo của nhà nho chính là sự chi phối của hoàn cảnh xã hội. Nhà nho vốn gắn nhiều với nền văn học chữ Hán rơi vào tình cảnh bế tắc và mất dần vai trò chủ đạo trong thời kì đầy sóng gió của sự thăng trầm thời thế. Chính vì vậy, những quan niệm mang tính quy phạm của văn chương bác học dần dần bị thay thế bởi quan niệm văn học gần gũi với đông đảo người dân và hướng tới bức tranh rộng lớn của hiện thực trước mắt. Những chuyển biến về lịch sử, chính trị trên chặng cuối của văn học trung đại là nhân tố thúc đẩy xu hướng văn học mang đậm tinh thần dân tộc, dân chủ phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, tiền đề về văn hóa văn học thời kì này đã góp phần phát triển mạnh mẽ đề tài thôn quê. Đây là thời kì mà văn học ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều có nhiều tác phẩm viết về các vùng miền cụ thể. Tiếp nối từ văn học truyền thống, văn học Đàng Ngoài vẫn tiếp tục phát huy và kết tinh ở nhiều tác giả với nhiều tác phẩm đồ sộ. Bức tranh thôn quê miền Bắc được thể hiện trong thơ Cao Bá Quát, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Khuyến; thôn quê miền Trung được thể hiện trong thơ Phan Thúc Trực, Đặng Huy Trứ; thôn quê miền Nam xuất hiện thuần phác trong thơ Trịnh Hoài Đức. Nửa sau thế kỉ XIX, thôn quê làng Việt trở nên chân thực, sinh động hơn và trở thành cảm hứng chính của nhiều thi sĩ. Xu hướng dân tộc hóa, dân chủ hóa của tư tưởng nhà nho là một trong những yếu tố tác động quan trọng làm nảy sinh cảm hứng hiện thực trong thơ văn.

Những biến động của lịch sử trên chặng đường cuối của chế độ phong kiến Việt Nam có sức tác động mạnh mẽ đối với lực lượng sáng tác văn chương. Bức tranh nông thôn vì thế cũng hiện lên với tất cả đường nét, sắc màu mộc mạc, gần

gũi. Nông thôn Việt Nam trong thơ đã không còn là xóm làng với những con người vô danh mà trở thành chủ đề trung tâm với những vần thơ đạt đến độ điển hình về thiên nhiên, làng cảnh. Có vùng quê nghèo hiện lên với những thiên tai, địch họa, mất mùa và có những vùng quê vẫn tiềm ẩn chiều sâu văn hóa, phong tục tập quán trải qua hàng ngàn đời. Những thi phẩm của các thi gia ở các miền của tổ quốc đều mang vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt của mỗi vùng quê. Sự xuất hiện đông đảo các thi phẩm đặc sắc về thôn quê đã tiếp nối và khẳng định mạch cảm xúc sâu lắng, bình dị luôn dâng trào trong hồn thơ thi nhân đất Việt.

Mỗi thi nhân có một cảm xúc riêng về thôn quê, có nhớ nhung, lo lắng, trăn trở... nhưng đều thể hiện sự trìu mến, yêu thương, nghĩa tình sâu đậm. Mỗi bài thơ là một bức tranh quê sinh động ẩn chứa cả đời sống văn hóa của người dân quê mỗi vùng miền. Thôn quê thường gắn với quê hương, gắn với quê cha đất tổ, là tình cảm chân thành, thiêng liêng trong tiềm thức của mỗi con người. Đối với giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm như thế kỉ XVIII - XIX, hình ảnh về thôn quê càng trở nên tha thiết, gần gũi.

Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) là người con xứ Huế, tiêu biểu của văn học Đàng Trong thế kỉ XVIII. Bài thơ Lộc trĩ thôn cư (Xóm thôn ở Mũi Nai) thể hiện cuộc sống ấm no, yên bình của người dân. Thi nhân tự hào với những sản vật mang phong vị thôn quê, cuộc sống an nhiên, tĩnh tại. Trong khi đó, bài thơ cùng tên Lộc trĩ thôn cư (Xóm thôn ở Mũi Nai) của Mạc Thiên Tích (? - 1780) đã ghi lại khoảnh khắc âm thanh “quạ kêu rộn” trên nền xanh biếc của “luống rau rờn”, phảng phất mùi thơm của lúa chín. Các thi nhân cảm nhận vẻ đẹp của Mũi Nai bằng mọi giác quan tinh tế và tình cảm gắn bó, đồng thời phác họa được vẻ đẹp thanh bình, sinh động vùng cực Nam của tổ quốc.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) không chỉ là một nhà chính trị, nhà sử học uyên thâm mà còn là một nhà thơ có tinh thần thân dân sâu sắc. Nhiều bài thơ thể hiện sự chăm lo, gần gũi của thi nhân với những tất bật lo toan hàng ngày của người dân lao động. Bài thơ Độ Thiên Đức giang xuân canh hữu cảm (Qua sông Thiên Đức nhìn cảnh làm ruộng ngày xuân, xúc cảm thành thơ) khắc họa cuộc sống thái bình với cảnh người dân chăm chỉ cần mẫn giữa độ nông nhàn. Khi ngắm cảnh hoa màu, lúa má được mưa nảy nở, thi nhân thấy đó là báo hiệu được mùa trong bài Liên nhật âm vũ ngẫu thư (Mưa dài ngày, trời âm u, ngẫu hứng viết thành thơ). Niềm vui ấy đã

tạo nên những vần thơ đẹp, giàu liên tưởng độc đáo trong bài Bắc trấn hỷ vũ (Bắc trấn vui mừng đón mưa). Hình ảnh “người đàn bà đi cấy, chân giẫm vỡ áng mây”

gợi lên vẻ đẹp khỏe khoắn, chân thực mà sáng tạo về người dân lao động.

Bùi Huy Bích (1744 - 1818) ngắm cảnh ruộng đồng ở ngoại thành Thăng Long gợi lên hứng thú muốn làm bài phú “Về đi thôi”. Bài thơ Quang Liệt xã giang thượng ngâm (Khúc ngâm trên sông xã Quang Liệt) gợi lên cuộc sống “thanh nhàn, yên ổn” mà thi nhân mong mỏi dừng chân khi tuổi già.

Từ nửa sau thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, xã hội rối ren, thăng trầm với sự hưng phế của các triều đại phong kiến Việt Nam. Thơ thôn quê thời kì này cũng thấm đẫm nỗi niềm ưu ái của thi nhân. Vẫn là bức tranh quê thanh bình, gần gũi nhưng thấm đẫm nỗi u hoài. Thơ Phạm Quý Thích (1760 - 1825) thể hiện tâm sự trắc ẩn thời thế. Lữ xá cảm hoài (Cảm hoài nơi quán trọ), Thu dạ bộ nguyệt hữu hoài (Nỗi lòng trong đêm thu đi tản bộ dưới trăng), Đề dã thự (Đề ở ngôi chùa ngoài đồng)... là những bài thơ tiêu biểu của thi sĩ họ Phạm về cảnh thôn quê đầy cảm xúc trầm lắng. Cảnh vật và con người trong thơ Nguyễn Du (1765 - 1820) lại khoác vẻ tàn tạ, thê lương, u sầu. Thu chí (Thu đến), Dạ tọa (Ngồi trong đêm), Đồng Lung giang (Sông Đồng Lung)... gợi lên bức tranh thôn quê đẹp, nên thơ nhưng lại chan chứa nỗi lòng buồn thảm của thi nhân. Phạm Quý Thích và Nguyễn Du đã tạo nên một sắc màu mới mang đậm dấu ấn tâm trạng của thi nhân trong bức tranh thôn quê.

Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) và Nguyễn Miên Thẩm (1819 - 1870) là những đại diện tiêu biểu cho văn học Đàng Trong của thế kỉ XIX. Đặc biệt, tác giả của Tiên thập cảnh đã đưa vẻ đẹp bình dị của thôn quê Nam bộ vào thơ với niềm tự hào, trân quý: “Miên Thẩm nặng lòng với quê hương đất nước. Ông ghi lại nhiều cảnh đẹp đã đi qua, sống qua, kể cả những cảnh thôn dã với bóng chuối, tàu cau...” [57, tr.1168].

Nguyễn Thông (1827 - 1894) và Nguyễn Khuyến (1835-1909) là hai tác giả tiêu biểu kết thúc giai đoạn văn học cuối thế kỉ XIX bằng những vần thơ giàu chất hiện thực về thôn quê làng Việt. Nguyễn Thông không chỉ gần gũi người dân lao động mà còn chăm lo cho cuộc sống của muôn dân. Thôn cư (Ở thôn quê), Khuyến cần nông (Khuyên chăm nghề nông), Khuyến hưng cừ (Khuyên đào mương thủy lợi), Khuyến tài thực (Khuyên việc trồng trọt)... là những bài thơ chứa chan tình

nghĩa và sự quan tâm của ông dành cho người nông dân: “Ở những bài thơ này, Nguyễn Thông tỏ ra có một kiến thức khá phong phú về nghề làm ruộng” [104, tr.678]. Trong đó, Nguyễn Khuyến là tác gia tiêu biểu viết nhiều về thôn quê trong sáng tác thơ chữ Hán và chữ Nôm. Sự phát triển của lực lượng sáng tác về thôn quê đã thúc đẩy tinh thần dân tộc hóa thể loại. Những bức tranh thiên nhiên thôn quê và những giá trị văn hóa nơi làng quê đã từng tồn tại lâu đời, trở thành nguồn cảm hứng cho thi nhân thời kì này: “Trong những thời kì nóng bỏng của lịch sử, thực tế cuộc sống tràn qua khuôn khổ mà vào nội dung văn học” [74, tr.39]. Đây là thời kì mà thơ ca đến gần hơn tới cuộc sống đời thường của người nông dân.

Như vậy, đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam mang những đặc điểm, đặc sắc riêng ở mỗi thời kì. Ở giai đoạn đầu, văn học không tránh khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, nên bức tranh thôn quê Việt Nam mới được phác họa bằng những nét sơ khai mang tính biểu tượng.

Chính tinh thần dân tộc, dân chủ đã thúc đẩy văn học phát triển và hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc ở giai đoạn thứ hai. Trong quá trình dân tộc hóa, thơ ca được kết tinh rực rỡ ở giai đoạn cuối cùng của tiến trình văn học trung đại. Đó cũng là quy luật tất yếu trong tiến trình phát triển của văn học theo xu hướng dân tộc hóa, dân chủ hóa thể loại. Theo từng giai đoạn, tính chất công thức ước lệ trong thơ viết về thôn quê dần được các tác giả thay thế bằng những chất liệu của đời sống hiện thực đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Vì vậy, bức tranh thôn quê làng Việt mang một gam màu riêng trong sự đối sánh với thôn quê của các nước trong khu vực văn hóa chữ Hán.

Một phần của tài liệu Đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w