Chương 2. KHÁI QUÁT ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ
2.2. Quá trình phát triển của đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam
2.2.2. Giai đoạn từ thế kỷ XV- XVII
Bước sang thế kỉ XV, sau hơn hai mươi năm chiến đấu chống quân Minh để giành độc lập, quốc gia Đại Việt bắt đầu một thời kì phát triển rực rỡ nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Chính vì vậy văn học cũng được chú trọng phát triển đáng kể, đặc biệt là sự phát triển của chữ Nôm. Phạm vi phản ánh đời sống hiện thực
trong văn học cũng mở rộng hơn, gần hơn với cuộc sống thôn quê. Thơ viết về thiên nhiên thôn quê thời kì này cũng có bước tiến đáng kể. Thế kỉ XVI - XVII là thời kì chế độ phong kiến bắt đầu có những biểu hiện khủng hoảng về tư tưởng chính trị, xã hội. Nhiều nho sĩ bất mãn thời thế, tìm về chốn quê thanh bình để di dưỡng tâm hồn. Chúng ta phải kể đến sự đóng góp của các tác giả: Nguyễn Húc, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Bảo, Thái Thuận, Hoàng Đức Lương, Lê Thánh Tông và các thi nhân thời Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là thời kì chấn hưng, phát triển văn hóa nghệ thuật, các nho sĩ gắn bó tha thiết với thiên nhiên thôn dã, với quê hương bản quán.
Sau khi chiến thắng giặc Minh xâm lược, triều đình phong kiến nhà Lê đã có vai trò tích cực đối với lịch sử và chú trọng đến quyền lợi của đông đảo nông dân.
Nếu như các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của các triều đại trước đó còn vắng bóng hình tượng nhân dân thì giờ đây người dân lại là hình tượng được ca ngợi trong cuộc chiến giành độc lập. Văn học nửa đầu thế kỷ XV mang khuynh hướng ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi. Văn học tập trung phản ánh cuộc chiến đấu cho độc lập dân tộc, những cố gắng nhằm xây dựng chế độ trong thời bình. Âm hưởng chung của văn học không chỉ là khúc khải hoàn của vua, quan, tướng lĩnh nhà Lê mà còn là khúc tráng ca của toàn dân tộc. Bên cạnh âm hưởng ca ngợi những người hùng của dân tộc, các thi sĩ thời kì này cũng có nhiều bài thơ thể hiện dòng cảm xúc sâu lắng về con người và cuộc sống đời thường nơi thôn dã, sự gắn bó với quê hương.
Nguyễn Húc cảm thông và trăn trở cho hoàn cảnh của người dân lao động kham khổ trong bài Dã lão ai (Thương ông già thôn quê). Lý Tử Tấn tìm thấy niềm an nhiên, thanh tịnh với những cảnh đẹp, sản vật quê hương trong bài Sơ thu (Đầu mùa thu). Đó là “Phong vị quê hương mà Lý Tử Tấn rất yêu mến gợi lại cho ta những vần thơ của Nguyễn Trung Ngạn (thế kỉ XIV) về nhộng chín, cua béo, và rất giống với những vần thơ của Nguyễn Trãi về quả núc nác, rau mùng tơi... hay là của Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỉ XVI) về canh cua rốc, măng trúc, giá đỗ” [87, tr.198].
Với QÂTT và ƯTTT, Nguyễn Trãi đã khẳng định tinh thần dân tộc hóa văn học sâu sắc qua những vần thơ về thôn quê, góp phần tạo nên thành tựu của văn học nửa đầu thế kỉ XV.
Thời Hồng Đức là thời kì thịnh trị của xã hội phong kiến Việt Nam nửa sau
thế kỉ XV, văn học mang khuynh hướng ca tụng, thù tạc chế độ phong kiến. Tuy nhiên, không phải vì thế mà văn học chỉ mang tính quan phương, cung đình. Văn học không những thể hiện niềm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, ca ngợi đất nước trong thời bình mà còn miêu tả thiên nhiên thôn dã gắn liền với đời sống hiện thực. Đó là cảnh thiên nhiên tươi đẹp mang đậm phong vị quê hương và rất mực gần gũi, thân thuộc. Các thi nhân đã miêu tả phong vị quê hương thật thuần phác, dung dị bằng cách sử dụng chữ Nôm - ngôn ngữ dân tộc. Lực lượng sáng tác chủ yếu của thời kỳ thịnh trị là nho sĩ quan liêu, nhất là các triều thần xuất thân từ khoa cử được Lê Thánh Tông tuyển chọn vào Hội Tao đàn. Do đó, nội dung chủ yếu của văn học là nội dung thù phụng, ca ngợi sự thịnh trị của chế độ phong kiến và tài đức của vị vua anh minh. Sự ra đời của Hồng Đức quốc âm thi tập là sự tập trung các trí thức đương thời đã đánh dấu bước phát triển mới của văn hóa, văn học thời kì này.
Với vai trò là Tao đàn nguyên súy, Lê Thánh Tông chỉ đạo chặt chẽ về đề tài, cảm hứng mang âm hưởng ca ngợi, thù tạc. Bên cạnh những vần thơ “hướng thượng” mang tính chất công thức, khuôn sáo của lối sáng tác cung đình vẫn có những bài thơ về thôn quê với những hình ảnh thô mộc, dân dã. Tiêu biểu là các bài thơ Vịnh ngũ canh thi, Vịnh cảnh mùa hè trong mục Thiên địa môn; Tứ thú, Họa bài người kiếm cá trong Phong cảnh môn... Những vần thơ xướng họa cung đình của các văn thần Hồng Đức đã gợi lên bức tranh sinh động, phong phú của thôn quê làng Việt trong buổi thái bình thịnh trị. Đồng thời, tác phẩm cũng đánh dấu bước phát triển của thơ Nôm Đường luật trong việc dân tộc hóa, dân chủ hóa thể loại.
Tác giả của Trích diễm thi tập Hoàng Đức Lương cũng đã có những vần thơ về thiên nhiên và cuộc sống thôn quê thanh bình, ấm áp. Thôn cư (Ở làng quê) đã gợi lên vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi:
Tang ám tàm chính miên, Thiềm đê yến sơ nhũ.
Lực quyện ỷ sừ quy, Trú vĩnh quyên thanh ngọ.
(Tằm đang nằm ngủ dưới lá dâu im mát,
Ngoài hiên nhìn thấp thấp, én đang mớm cho con.
Bừa mỏi thì vác về nghỉ, Cuốc kêu lúc bóng nắng tròn)
Văn học thế kỉ XV là một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ trong tiến trình văn học trung đại Việt Nam. Trong đó, sự xuất hiện các tập thơ Nôm với số lượng đồ sộ cùng nhiều bài thơ đặc sắc về đề tài thôn quê đã góp phần tạo nên diện mạo riêng biệt của thơ ca thời kì này.
Chế độ phong kiến Việt Nam đi vào con đường khủng hoảng từ thế kỉ XVI, do đó tư tưởng của các tầng lớp nho sĩ cũng có sự thay đổi đa dạng, nhiều cung bậc cảm xúc: “Điểm đặc trưng dễ thấy nhất của văn chương nhà nho ở hai thế kỉ XVI - XVII là sự gia tăng mạnh mẽ khuynh hướng văn chương của người ẩn dật” [196, tr.142]. Nhiều nho sĩ bất mãn thời cuộc đã tìm về ẩn dật nơi thôn quê để giữ tâm hồn liêm khiết, thanh cao. Trong đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm là tác giả tiêu biểu của thời kì này có nhiều vần thơ gần sát hơn với cuộc sống làng mạc, quê kiểng. Trạng Trình đã nâng cuộc sống nhàn dật lên thành triết lý sống lúc bấy giờ. Nhà thơ chủ yếu sống ở nông thôn nên phần lớn tác phẩm của ông được viết trong bối cảnh nông thôn gắn với am Bạch Vân. Trong nhiều bài thơ, Hán cũng như Nôm, ngoài những tình cảm đối với con người, nhà thơ thường miêu tả cảnh đẹp ở thôn quê và lòng tha thiết của ông đối với cuộc sống nơi “vắng vẻ”.
Trong giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, cả thơ chữ Hán và chữ Nôm tiếp tục phát triển mạnh mẽ và kết tinh thành những tập thơ lớn có giá trị. Đề tài thôn quê chưa phải là đề tài chủ đạo nhưng cũng thể hiện sự quan tâm của các thi sĩ đến đời sống con người và cảnh vật thôn quê. Điều này cho thấy sự chuyển dịch đề tài trong thơ ca trung đại Việt Nam. Đây là nguồn thi liệu “thuần Việt” trong khối lượng thi liệu Hán - Việt đồ sộ của các tác giả. Những thành tựu đó đã tạo nên diện mạo riêng cho thơ thôn quê giai đoạn này.