Hệ thống tổ chức xuất khẩu gạo

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập WTO đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam (Trang 44 - 47)

Từ năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo với số lượng lớn, nhanh chóng chiếm được vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Xuất khẩu gạo tăng nhanh cả về số lượng và kim ngạch, chất lượng gạo đã có những tiến bộ. Một trong những yếu tố dẫn đến kết quả trên là chúng ta đã có cơ chế đièu hành xuất khẩu gạo. Cơ chế này được hoàn thiện liên tục qua từng năm. Trong đó, Nhà nước thực hiện tổ chức thu mua gạo xuất khẩu thông qua các đầu mối xuất khẩu, và hạn ngạch xuất khẩu gạo, nhằm điều tiết lượng gạo xuất khẩu.

* Chính sách thuế xuất khẩu gạo:

Tính đến trước ngày 10/7/1995, nhằm khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong nước, nên gạo xuất khẩu trong thời gian này không bị đánh thuế. Tuy nhiên, với khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo nhìn chung không ngừng tăng lên, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Vì vậy, để tăng thu ngân sách cho Nhà nước và cũng là để điều chỉnh cơ cấu hàng xuất khẩu, ổn định cung cầu trên thị trường nội địa, từ ngày 10/7-1995 mức thuế xuất khẩu gạo là 1% được áp dụng theo quyết định số 105- TC /TC ngày 10/6/1995 của Bộ Tài chính. Từ ngày 16/9/1995, áp dụng mức thuế xuất khẩu gạo là 2% theo quyết định số 904- TC/TC ngày 15/8/1995 của Bộ Tài chính. Từ ngày 1/10/1995, mức thuế 3% được áp dụng theo quyết định số 1036- TC/TC của Bộ Tài chính.

Đến tháng 8/1996, thấy được những mặt hạn chế trong việc đánh thuế xuất khẩu gạo đó là đánh thuế xuất khẩu nhằm lợi dụng thế mạnh độc quyền trên thị trường quốc tế, tăng thu ngân sách bằng cách đẩy chi phí về thúê cho người tiêu dùng nước ngoài gánh chịu. Nhưng

thực tế cho thấy với lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt khoảng 10% thị phần thế giới không thể coi là nước ta độc quyền xuất khẩu gạo trên thế giới, vì vậy mục tiêu này không đạt được không những thế việc đánh thuế gạo còn làm giảm giá thóc của nông dân ở thị trường nội địa làm giảm lợi ích của người nông dân sản xuất lúa gạo. Vì thế, Nhà nước ta đã quyết định giảm thuế xuất khẩu gạo từ 3% xuống 1% và 0% từ tháng 8/1996. Đây hoàn toàn là một quyết định hợp lý.

* Chính sách quản lý xuất khẩu gạo bằng hạn ngạch:

Trong giai đoan 1996 -2001, gạo là một trong hai mặt hàng nông sản chịu chế độ quản lý bằng hạn ngạch (đường chịu hạn ngạch nhập khẩu) theo nghị định số 58/1998/NĐ- CP ngày 31/7/1998 hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại (1997). Theo NĐ, hàng năm hạn ngạch xuất khẩu gạo được phân bổ vào đầu năm và tháng 9 hàng năm trên cơ sở cân đối cung cầu trong nước, điều kiện sản xuất từng mùa vụ cũng như giá quốc tế. Theo từng năm, hạn ngạch xuất khẩu gạo đã có sự gia tăng đáng kể như từ năm 1996 đến năm 1998, hạn ngạch xuất khẩu gạo đã tăng từ 2 triệu lên 4 triệu tấn.

Từ năm 2001, theo quyết định 46/2001/QĐ-TTg, Chính phủ đã bãi bỏ cơ chế giao hạn ngạch xuất khẩu gạo. Đây là một bước tiến lớn trong cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Việt Nam để giúp người sản xuất nội địa tiếp cận với thị trường thế giới. Thay vào đó, để kiểm soát vấn đề an ninh lương thực trong Điều 6.4 của quyết định 46 cũng nêu rõ rằng “Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định các biện pháp cần thiết nhằm can thiệp có hiệu quả vào thị trường lúa gạo”. Việc lưu ý về các biện pháp kiểm soát trong trường hợp đặc biệt phản ánh mối quan tâm của Chính phủ đối với một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và tầm quan trọng của vấn đề an ninh lương thực.

* Các chính sách bảo hộ liên quan đến doanh nghiệp:

Luật Thương mại khẳng định “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” và ”Nhà nước độc quyền kinh doanh thương mại trong một số lĩnh vực, tại một số địa bàn, đối với một số mặt hàng, đối với theo danh mục do Chính phủ công bố”. Vì vậy, trước năm 1998, Nhà nước độc quyền ngoại thương và chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước mới có thể tiến hành các hoạt động xuất nhập khẩu. Ba mặt hàng nông sản chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biện pháp này là gạo,

đường và rượu. Cụ thể đối với gạo, đến đầu năm 1998, Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh được thí điểm xuất khẩu gạo trực tiếp. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Nhà nước vẫn duy trì hoạt động của hai tổng công ty lương thực là Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Tổng Công ty lương thực miền Nam. Phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo giai đoạn đầu năm 1998 cho hai Tổng Công ty là: Tổng Công ty lương thực miền Bắc là 300 nghìn tấn và Tổng Công ty lương thực miền Nam là 620 nghìn tấn.

Ngoài chức năng kinh doanh lương thực bình thường như các doanh nghiệp khác, 2 doanh nghiệp này còn có chức năng chủ đạo trong việc tiêu thụ thóc hàng hoá của nông dân, làm chủ kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực, điều hoà cung cầu và bình ổn giá lương thực trong nước. Các doanh nghiệp này được ưu tiên cấp vốn xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu và vay vốn tín dụng để mua lương thực theo yêu cầu. Nhà nước cũng hỗ trợ các doanh nghiệp này vận chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc, hay các tỉnh miền núi. Ngoài hai doanh nghiệp Nhà nước này, chỉ có các doanh nghiệp “đầu mối” do Chính phủ Trung ương hay các Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định mới được tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo.

Toàn bộ các doanh nghiệp do Trung ương quản lý được phân 1.080 nghìn tấn. Các điạ phương được 2.520 nghìn tấn.

Đến năm 1999, Chính phủ đã mở rộng danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo lên 47 doanh nghiệp và trong đó có một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Mặc dù các doanh nghiệp này chỉ chiếm 3,69% tổng khối lượng xuất khẩu nhưng sự tham gia của chúng đã tạo nên được sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, làm lợi cho người nông dân và nâng cao hiệu quả chung của việc xuất khẩu gạo.

Trong thời kì 2001-2005, Nhà nước đã quy định rõ bãi bỏ việc quy định các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu gạo tại điều 6/ QĐ 46. Thêm vào đó, NĐ 44/2001- CP ban hành 2/8/2001 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 57/1998 - CP đã cho phép các thương nhân Việt Nam được quyền xuất khẩu tất cả các loại hàng hoá (trừ hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu) không phụ thuộc vào ngành nghề, ngành hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có sự can thiệp hoặc thoả thuận của Chính phủ, Bộ Thương mại sẽ chỉ định doanh nghiệp thực hiện và chỉ đạo việc giao dịch với cá đối tác được Chính phủ nước mua hàng chỉ định. Số lượng gạo

xuất khẩu thuộc Hợp đồng Chính phủ sẽ được phân cho các tỉnh trên cơ sở sản lượng hàng hoá của địa phương, để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh trực tiếp giao cho doanh nghiệp thuộc tỉnh thực hiện; có tính đến quyền lợi của doanh nghiệp đại diện ký hợp đồng.

Xu hướng xoá bỏ các doanh nghiệp đầu mối trong xuất khẩu gạo là một xu hướng tự do hoá thương mại đúng đắn theo quy định của WTO về các doanh nghiệp thương mại Nhà nước.

Xu hướng này đã đem lại tác động mới để thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc thu mua và xuất khẩu gạo theo hướng có lợi cho cả người nông dân và nhà xuất khẩu.

Mục đích hệ thống tổ chức xuất khẩu gạo này là nhằm làm cho gạo Việt Nam có sức cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập WTO đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)