Chương 2: VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TQVN THAM GIA XÂY DỰNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ
2.2. VAI TRÒ THAM GIA, PHỐI HỢP CỦA MẶT TRẬN TQVN VỚI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
2.2.2. Thực trạng công tác tham gia phối hợp của Mặt trận TQVN với các cơ quan Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ và bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế
2.2.2.1. Về tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước
Hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở được đẩy mạnh thông qua các phong trào, các cuộc vận động, hoạt động của những người tiêu biểu và chức sắc tôn giáo, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Hội đồng nhân dân và thông qua công tác hoà giải ở cơ sở.
Tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm của Uỷ ban Mặt trận TQVN Tỉnh đã xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống Mặt trận vì thế BTT UBMT các cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan chức năng cùng cấp triển khai nhiều hình thức, hoạt động cụ thể để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Là thành viên của Hội đồng phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, BTT UBMT TQVN Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch hướng dẫn Mặt trận các huyện, phường, xã, thị trấn về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; triển khai đề án 02-212 do Mặt trận chủ trì về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” và phối hợp tham gia tích cực với tư cách là thành viên của đề án 03-212 của Chính phủ về “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn” và đề án 04-212 của
Chính phủ về “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn”. Hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh từ năm 2005 đến nay đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức hơn 200 hội nghị truyền thông với hơn 10.000 lượt người tham dự để tuyên truyền vận động nhân dân có ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thông qua triển khai lồng ghép với việc thực hiện công tác xã hội hoá y tế, giáo dục, TDTT, chăm lo sức khoẻ ban đầu, thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, vệ sinh phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội; xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú trong các cộng đồng dân cư…
Uỷ ban Mặt trận TQVN Tỉnh đã tiến hành ký kết quy chế về mối quan hệ công tác với HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, Sở Tư pháp và nhiều chương trình phối hợp công tác với các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội quán triệt và lấy ý kiến tham gia xây dựng các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ,… cho đội ngũ cán bộ cốt cán Mặt trận và các đoàn thể thành viên để từ đó triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã từng bước nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ cốt cán Mặt trận, các thành viên Mặt trận về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo… nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc mà cụ thể là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Với các hình thức tuyên truyền: đẩy mạnh công tác vận động các tín đồ tôn giáo như tổ chức hội nghị thông báo tình hình kinh tế - xã hội, hội nghị phổ biến kiến thức quốc phòng cho các chức sắc của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh…; phối hợp với các cơ quan liên quan như: Sở giao thông, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, công an, Uỷ ban phòng chống HIV/AIDS, Uỷ ban Dân số - gia đình – trẻ em… truyền thông các chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch hàng năm. Coi trọng công tác nêu gương người tốt việc tốt trên các chuyên mục của Mặt trận; phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự, Công an Tỉnh triển khai thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, thường xuyên nâng cao cảnh giác trước âm mưu
“diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời đấu tranh với những kẻ lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố quốc phòng, giữ vững thế trận lòng dân, xây dựng cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu. Hằng năm đều tiến hành sơ, tổng kết và bổ sung nhiệm vụ cho thời gian tới.
Phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư” do Mặt trận TQVN tỉnh chủ trì tiếp tục được triển khai thực hiện tích cực. Các mô hình tự quản an toàn giao thông được xây dựng và phát triển đồng thời với việc đưa nội dung đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư; tổ chức ký cam kết về đảm bảo an toàn giao thông, duy trì và nhân rộng các mô hình “Khu dân cư không có người sinh con thứ ba trở lên”; xây dựng điểm mô hình bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư; tập hợp, vận động các chức sắc tôn giao tham gia phòng chống tệ nạn xã hội…, mô hình phối hợp: “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”, “khu dân cư 3 không”, “Nhân dân tự quản”,
“Vùng giáo an toàn”, “Dòng họ giáo dục con cháu”… tiếp tục được xây dựng.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế những năm qua nội dung phổ biến giáo dục
pháp luật nhiều nơi cũng chưa sát hợp với nhu cầu tìm hiểu của nhân dân chỉ tập trung giới thiệu, phổ biến các luật, pháp lệnh mà chưa chú ý đến việc phổ biến các văn bản dưới luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành; chưa kết hợp được với việc phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, vì vậy tính thiết thực, hướng dẫn và hiệu quả chưa cao. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung còn nặng về tổ chức hội nghị, tập huấn, chưa khai thác một cách có hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác.
2.2.2.2. Về tham gia phối hợp thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn Việc phối hợp giữa Mặt trận các cấp với chính quyền và các tổ chức thành viên để thực hiện các nội dung của Quy chế dân chủ được Mặt trận và các tổ chức thành viên tích cực thực hiện. Trên cơ sở thực hiện Quy chế phối hợp công tác; Mặt trận phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc vận động nhân dân hiểu và thực hiện tốt các khâu dân biết, dân bàn, dân quyết định và dân giám sát theo Quy chế dân chủ; phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những quy định của Trung ương và chính quyền địa phương về thủ tục hành chính, vấn đề đăng ký hộ khẩu, hộ tịch; phổ biến cho dân biết kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kết quả hoạt động của HĐND và UBND; các chủ trương cho vay vốn phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, các khoản huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng; thường xuyên thông báo cho dân biết những công việc trên các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, kết quả kiểm tra, kết quả giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, những đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân ở địa phương.
Kết quả nổi bật trong hoạt động thực hiện dân chủ ở cơ sở là Mặt trận đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do Hội đồng nhân dân xã bầu; hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cửa cộng đồng, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở...
Tỉnh Thừa Thiên Huế qua hơn 10 năm triển khai thực hiện thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đã tạo sự chuyển biến mới về nhận thức và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên nhiều lĩnh vực, tạo sự đồng thuận đoàn kết toàn dân, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng toàn dân. Kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hoạt động gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân của các phần tử chống đối, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Thể hiện nổi bật trên một số hoạt động cụ thể sau:
- Thực hiện Quy chế dân chủ về công tác lấy phiếu tín nhiệm theo Thông tri số 06/TTr-MTTW ngày 25/1/2005 và Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTUMTTQVN ngày 17/4/2008 về hướng dẫn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt ở xã, phường, thị trấn; tiếp tục tổ chức quán triệt và nâng cao nhận thức trong thực hiện Chỉ thị 30/BCT của Bộ Chính trị BCH TW Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của UBTV Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn.
Trong các năm 2006, 2008 đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã; năm 2010, lần thứ ba Mặt trận các cấp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã. Ban công tác Mặt trận khu dân cư của 145/152 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Trưởng thôn tổ chức 1.354 hội nghị cử tri để tham gia góp ý kiến vào bản tự kiểm điểm của các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND cấp xã; có 150.779 người tham dự với 8.723 lượt ý kiến tham gia vào bản tự kiểm điểm các chức danh. Uỷ ban MTTQ các xã, phường, thị trấn đã tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm các chức danh này.
Bảng 2. Kết quả tỷ lệ tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND năm 2010 như sau:
Chức danh
Số phiếu
tín nhiệm/
Tổng số
Tỷ lệ tín nhiệm dưới 50%
Tỷ lệ tín nhiệm từ 50% đến dưới 70%
Tỷ lệ tín nhiệm trên
70%
Số người đạt tỷ lệ tín nhiệm
100%
Số lượng
Tỷ lệ (%)
Số lượng
Tỷ lệ (%)
Số lượng
Tỷ lệ (%)
Chủ tịch HĐND 113/152 2 1,77 4 3,57 107 94,69 26 Phó Chủ tịch HĐND 122/150 2 1,64 8 6,56 112 91,80 20 Chủ tịch UBND 89/151 1 1,12 3 3,37 85 95,51 29 Phó Chủ tịch UBND 171/235 1 0,58 15 8,77 155 90,64 27 Tổng cộng 495/688 6 1,21 30 6,06 459 92,73 102
Qua lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, tác động đến việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở và xây dựng phong cách
“Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của đội ngũ cán bộ, công chức. Cũng qua việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy được vai trò, vị trí của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm của các thành viên trong Mặt trận, các đại biểu chính thức tham gia hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình thực hiện bỏ phiếu; kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đã giúp cấp ủy Đảng, chính quyền hiểu rõ hơn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực quản lý điều hành và tinh thần trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trước nhân dân, sự tín nhiệm của nhân dân đối với lãnh đạo chính quyền, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, xây dựng phong cách làm việc gần dân, sát dân hơn, hoạt động của chính quyền có hiệu lực, hiệu quả hơn.
- Để góp phần phát huy vai trò giám sát nhân dân, từng bước đấu tranh, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội góp phần tham gia xây dựng chính quyền, Mặt trận các cấp đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo Luật Thanh tra và các nghị định, nghị quyết hướng dẫn của Chính phủ. Việc chỉ đạo kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn trong những năm qua đã góp phần vào việc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh trên địa bàn Tỉnh; đã chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân Tỉnh, phối hợp với các sở ban ngành chức năng xây dựng cơ chế, hướng dẫn tổ chức hoạt động cho ban giám sát đầu tư của cộng đồng… thường xuyên đôn đốc hướng dẫn chỉ đạo công tác củng cố, kiện toàn tổng kết hoạt động của ban TTND, ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo nhiệm kỳ. Đến nay, việc tổ chức chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong toàn Tỉnh đã được quan tâm hoạt động từng bước đi vào nền nếp.
Hiện nay, toàn tỉnh có 152/152 ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 100% với tổng số ủy viên TTND trong toàn tỉnh là: 1.379 người.
Hằng năm Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh và cấp huyện đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ TTND, giám sát đầu tư của cộng đồng…
Với chức năng giám sát, kiến nghị giải quyết việc thực hiện chính sách pháp luật trên địa bàn cũng như giám sát hoạt động của các đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước sống trên địa bàn. Giai đoạn 2004 - 2011 các Ban TTND trong toàn tỉnh phát hiện 3.183 vụ, việc, đã kiến nghị 2.571 vụ, việc và được các cơ quan chức năng giải quyết 2.400 vụ việc chiếm tỷ lệ: 75,4%.
Trong các vụ việc trên Ban TTND xã, phường, thị trấn phản ánh, kiến nghị bằng hình thức kiến nghị, trao đổi bằng miệng với lãnh đạo địa phương là chính, chỉ có một số vụ việc lớn Ban TTND mới phản ánh, kiến nghị bằng văn bản. Kết quả là đã thu hồi được 106.870,3m2 đất (chủ yếu là đất rừng, đất
nông nghiệp và một phần đất thổ cư); thu hồi nộp ngân sách nhà nước và trả lại cho công dân 1.570.405.000 đồng; kiến nghị các cấp ủy đảng và cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật 84 cán bộ cơ sở vi phạm.
Ngoài những vụ việc kiến nghị trên các Ban TTND ở xã, phường, thị trấn còn được chính quyền mời tham gia phối hợp cùng với các Ban hoà giải và Tổ hoà giải ở cơ sở tiến hành hoà giải 3.351 vụ việc mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, làm hạn chế các vụ tiêu cực. Qua đánh giá phân loại Ban TTND (của cấp huyện trên địa bàn Tỉnh có 30 Ban hoạt động tốt, đạt tỷ lệ: 19,7 %; 77 Ban hoạt động khá, đạt tỷ lệ: 50,7 %; 38 Ban hoạt động trung bình, đạt tỷ lệ: 25,0%; và 07 Ban hoạt động yếu, đạt tỷ lệ: 4,6%.
Đối với công tác giám sát đầu tư của cộng đồng: Toàn tỉnh đến nay có 77 Ban GSĐTCCĐ với số lượng 768 uỷ viên Ban GSĐTCCĐ và 75 Ban TTND đảm nhận thêm công tác GSĐTCCĐ với 606 thành viên theo thủ tục đúng quy định. Qua 3 năm triển khai từ 2009 đến 2012, các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát được 1.154 công trình trên tổng số 1.634 công trình đã được đầu tư trên địa bàn cấp xã. Quá trình giám sát, đã phát hiện, kiến nghị đến các chủ đầu tư, các chủ thầu 304 các vụ việc sai phạm về vi phạm quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, về thực hiện không đúng chủng loại vậy liệu theo thiết kế, về biện pháp thi công… Qua xem xét kiến nghị của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, có 262 vụ việc được các đối tượng giám sát khắc phục sửa chữa đảm bảo được chất lượng công trình đạt yêu cầu thiết kế và thời gian sử dụng.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở đã góp phần tích cực vào việc thực hiện vai trò giám sát, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, ngăn ngừa những hiện tượng vi phạm pháp luật và tiêu cực tại địa phương nhằm xây dựng Đảng, chính quyền