Vai trò tham gia phối hợp của Mặt trận trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, đôn đốc và giám sát việc giải quyết

Một phần của tài liệu Vai trò tham gia của mặt trận tổ quốc việt nam trong xây dựng nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua thực tiễn tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 62 - 69)

Chương 2: VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TQVN THAM GIA XÂY DỰNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ

2.2. VAI TRÒ THAM GIA, PHỐI HỢP CỦA MẶT TRẬN TQVN VỚI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

2.2.3. Vai trò tham gia phối hợp của Mặt trận trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, đôn đốc và giám sát việc giải quyết

2.2.3.1. Vai trò trách nhiệm của Mặt trận trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, và đôn đốc việc giải quyết

Xuất phát từ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, có nhiệm vụ cùng với Nhà nước chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện cho ý chí và nguyện vọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đó, một trong những hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là tham gia công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mà trước hết đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến những đối tượng do Mặt trận Tổ quốc trực tiếp vận động, đến cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giám sát việc thi hành pháp luật về

khiếu nại, tố cáo” [Đ. 13], “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tổ chức việc tiếp dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo; khi nhận được khiếu nại, tố cáo thì nghiên cứu, chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khiếu nại, tố cáo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến phải được người giải quyết khiếu nại, tố cáo xem xét, giải quyết và trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì tổ chức đã chuyển đơn có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm trả lời kiến nghị đó trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết” [Đ. 91]; “Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức Thanh tra nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo” [Đ. 94]. Có thể thấy, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tham gia giải quyết và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được quy định khá rõ.

Công tác tiếp dân của Mặt trận được thể hiện ở 2 hoạt động là: tiếp dân tại trụ sở của Uỷ ban Mặt trận các cấp và phối hợp tiếp dân với HĐND các cấp.

Ngoài ra, đối với các kỳ tiếp dân có nội dung nổi cộm, phức tạp, UBND mời Mặt trận cùng cấp tham dự. Sau khi tiếp dân, nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi trực tiếp cho Mặt trận đối với đơn có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Mặt trận thì Mặt trận trực tiếp giải quyết; các đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nào, cấp nào thì hướng dẫn cho công dân và chuyển cho cơ quan, cấp đó giải quyết, đồng thời theo dõi việc xem xét giải quyết và đôn đốc, kiến nghị giải quyết kịp thời.

Quan tâm giải quyết, xử lý kịp thời, đúng đắn các khiếu nại, tố cáo của công dân là một trách nhiệm lớn của Nhà nước nói riêng và của cả hệ thống chính trị nói chung. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm giám sát việc giải quyết tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước; tham gia, đôn đốc, giám sát việc giải quyết trong những trường hợp được quy định khi công dân trực tiếp gửi đơn khiếu nại tố cáo đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Hoạt động giám sát này thể hiện trên hai phương diện là: Tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chuyển đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; phối hợp, đôn đốc việc giải quyết và thông báo kết quả.

2.2.3.2 Thực trạng công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và đôn đốc giám sát việc giải quyết của UBMT TQVN Thừa Thiên Huế

- Về việc tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Mặt trận Tổ quốc:

Trước đây, việc tiếp dân chưa đặt ra trong hệ thống Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Từ sau khi Nhà nước ban hành Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004, trong đó có quy định UBMT TQVN có trách nhiệm tiếp dân thì đến nay về cơ bản trụ sở của UBMT TQVN các cấp đã tổ chức tiếp dân.

Trong việc tiếp dân sôi động nhất trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, tại cơ quan của Mặt trận các cấp đã thành lập Tổ tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong suốt thời gian bầu cử.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 hệ thống Mặt trận các cấp trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận và xử lý 46 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và đã tiếp 32 lượt người đến khiếu nại, tố cáo; Ban Thường trực UBMT tỉnh đã chỉ đạo, tập trung xem xét, phân loại để chuyển đến Hội đồng bầu cử và các cơ quan có thẩm quyền các cấp ở địa phương xem xét, giải quyết.

Trong thời gian bình thường, hàng ngày nhân dân trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đã gửi khiếu nại, tố cáo (chủ yếu là khiếu nại) đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Bộ phận tiếp dân của Mặt trận đã tổ chức đón tiếp chu đáo, tổ chức nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường trực UBMT xử lý từng trường hợp cụ thể. Những khiếu nại, tố cáo đúng được chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (và trách nhiệm) yêu cầu xem xét giải quyết đúng pháp luật bảo đảm quyền công dân và báo cáo kết quả cho Ủy ban Mặt trận biết; trường hợp thấy không giải quyết đúng quy định, không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì kiến nghị với cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp để xem xét giải quyết. Đối với những khiếu nại không đúng hoặc đã giải quyết đúng pháp luật thì giải thích, vận động nhân dân tuân thủ. Từ năm 2008 đến nay, nhìn chung số lượng công dân đến trụ sở tiếp dân của Mặt trận Tỉnh TT Huế để kiến nghị, phản ánh khá nhiều (năm 2008:58 lượt và tiếp nhận 50 đơn; năm 2009: 124 lượt và tiếp nhận 64 đơn; năm 2010: 55 lượt và 86 đơn; năm 2011: 39 lượt và 23 đơn). Việc phản ánh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hầu hết có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng khác. Đa số các vụ việc được công dân đến kiến nghị, phản ánh đã được xem xét nhiều năm nhưng chưa giải quyết xong hoặc các cơ quan chức năng không xem xét, tiếp nhận giải quyết nữa công dân mới đến UBMT để kiến nghị, phản ánh.

Việc nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo những năm gần đây số lượng tăng hơn so với các năm trước. Các vụ việc vẫn chủ yếu đã kéo dài nhiều năm, phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm, cơ quan chức năng không thụ lý hồ sơ nữa hoặc đã được giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện.

Đối với đơn thư được gửi qua đường bưu điện, được UBMT xem xét nội dung đơn thư khiếu nại tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống Mặt trận thì chuyển đơn và chỉ đạo giải

quyết. Đơn thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác thì xem xét chuyển đơn theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, lượng đơn được chuyển đi không nhiều vì theo quy định tại Thông tri số 06/2000/TT/BTTĐCT ngày 26/7/2000 của BTT ĐCT UBTƯMTTQVN thì “đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo có cùng một nội dung gửi đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có UBMT; đơn thư khiếu nại đã có quyết định giải quyết cuối cùng hoặc đã gửi đến nhiều lần thì lưu hồ sơ không cần chuyển đi” vì như vậy sẽ chồng chéo việc chuyển đơn cùng một vụ việc của các cơ quan chuyển đơn. Hơn nữa, đa số các vụ việc đã được giải quyết nhiều lần, nhiều năm, đã được giải quyết hoặc các cơ quan không thụ lý vụ việc nữa thì theo Luật khiếu nại, tố cáo sẽ không xem xét giải quyết do vậy mà Mặt trận không chuyển đơn và lưu hồ sơ. Với các đơn khiếu nại, tố cáo được Mặt trận chuyển đến các cơ quan đề nghị giải quyết, trong số đó có nhiều phiếu chuyển đơn không nhận được thông báo kết quả giải quyết vì vậy Mặt trận phải đôn đốc trả lời theo quy định của pháp luật

- Về công tác phối hợp và đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Việc phối hợp với cơ quan Nhà nước, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng của Mặt trận TQVN, thể hiện rõ nét chức năng tham gia xây dựng và củng cố chính quyền của Mặt trận. Trong quá trình tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, BTT UBMT các cấp thường xuyên phối hợp với cơ quan Nhà nước hữu quan để nắm thông tin, tình hình, diễn biến của vụ việc cũng như quá trình giải quyết của cơ quan nhà nước. Đối với những vụ việc bức xúc, UBMT kiến nghị cơ quan Nhà nước hữu quan xem xét, giải quyết, còn đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức thành viên nào thì trao đổi, thảo luận với tổ chức thành viên đó để thống nhất nội dung kiến nghị và thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu để nắm diễn biến của vụ việc trong quá trình giải quyết của cơ quan nhà nước.

Thông qua việc thực hiện quy chế phối hợp công tác Mặt trận các cấp thường xuyên và tích cực cử đại diện tham gia các đoàn công tác của HĐND và UBND cùng cấp để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, bức xúc, những điểm nóng về khiếu kiện ở địa phương, phần lớn là những vụ việc liên quan đến giải quyết thu hồi đền bù giải tỏa tái định cư trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế đã được lãnh đạo chính quyền các cấp quan tâm tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết từng vấn đề làm thỏa mãn các nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Đối với những tranh chấp trong nội bộ nhân dân, trước khi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên để cử cán bộ, đoàn viên, hội viên đến hoà giải nhằm hạn chế phát sinh ngay từ cấp cơ sở, khu dân cư. Ở cấp cơ sở, đối với những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp có trách nhiệm tham gia góp ý, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, đôn đốc Uỷ ban nhân dân giải quyết đứt điểm, không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên cấp trên.

Đối với những vụ việc phức tạp, nổi cộm ở địa phương thì Mặt trận Tổ quốc chủ động kiến nghị và đề xuất ý kiến giải quyết với các cấp uỷ Đảng, chính quyền để nhanh chóng giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

2.2.3.3. Những bất cập, hạn chế trong thực hiện công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Về công tác tiếp dân: Có thể nói, hiệu quả công tác này của Mặt trận chỉ đóng vai trò “người đưa thư” chỉ khác hơn là “người đưa thư được đọc nội dung của thư”. Vì Mặt trận chỉ có nhiệm vụ chuyển đơn và đôn đốc, giám sát việc giải quyết. Trong khi nhiều cơ quan chức năng không thực hiện đúng Luật khiếu nại tố cáo; giải quyết đơn thư chưa thực sự chính xác và không

thông báo kết quả giải quyết đơn cho Mặt trận và Nhà nước cũng chưa thực hiện chế tài nghiêm minh đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm nội dung này. Một số vụ việc kéo dài nhiều năm, đã có sự vào cuộc và cố gắng của nhiều cơ quan nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm gây chán nản, mệt mỏi từ phía cơ quan tiếp dân và người dân khi đến khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó vẫn có một số người dân cố tình không thực hiện đúng các quy định của Luật khiếu nại tố cáo như khiếu nại vượt cấp hoặc không thực hiện quyết định đã có hiệu lực pháp luật gây khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc thực hiện chức năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn nhiều hạn chế bất cập do nhiều nguyên nhân:

- Về cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của Mặt trận còn thiếu và chưa cụ thể nhất là về phạm vi, đối tượng, nội dung, hình thức, cách thức tiến hành giám sát và cơ chế xử lý kết quả giám sát. Những quy định về giám sát nói chung, giám sát khiếu nại, tố cáo nói riêng của Mặt trận trong Hiến pháp, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác mới chủ yếu là những quy định có tính chất chung, và chủ yếu quy định quyền năng giám sát, chưa có những quy định cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm, cơ chế, hậu quả pháp lý, cũng như những điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát của Mặt trận.

Còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những phát hiện, kiến nghị của Mặt trận và trách nhiệm trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát của Mặt trận. Do đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát khiếu nại, tố cáo của Mặt trận còn rất thấp, chưa đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân.

- Hoạt động giám sát khiếu nại, tố cáo của Mặt trận trong thực tế còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao. Giám sát phần nhiều mới được thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến rất nhẹ nhàng tại các kỳ họp, phiên họp của các

cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát, chưa có những phương thức giám sát đúng nghĩa và giám sát hầu như mới chủ yếu ở cấp cơ sở còn cấp tỉnh, huyện và Trung ương còn ít và thiếu cơ chế. Phạm vi đối tượng bị giám sát trong thực tế của Mặt trận còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, thậm chí là bỏ trống. Mặt trận mới chủ yếu tham gia giám sát được một số hoạt động của cơ quan chính quyền, còn đối với hoạt động của cơ quan dân cử và tư pháp thì chưa được bao nhiêu.

- Bản thân Mặt trận và các tổ chức thành viên cũng chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa của công tác giám sát này, xem nhẹ quyền giám sát của chính mình, nói nhiều làm ít, hoạt động giám sát đôi khi chỉ gói gọn trong hoạt động của Uỷ ban Mặt trận, chưa lôi kéo, phát huy tổng hợp sức mạnh các tổ chức thành viên tham gia hoạt động giám sát, còn né tránh, ngại va chạm với các cơ quan Nhà nước. Điều kiện kinh phí, con người, năng lực cán bộ thực hiện việc giám sát còn hạn chế. Bên cạnh đó còn thiếu sự quan tâm và ý thức trách nhiệm chưa cao của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là nguyên nhân làm cho sự tham gia giải quyết và giám sát việc khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc còn bị hạn chế. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được cơ quan nhà nước hữu quan quan tâm giải quyết đúng chính sách, pháp luật. Nhiều trường hợp giải quyết qua loa, chiếu lệ, kết quả giải quyết thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn, phải huỷ, sửa nhiều lần...

Một phần của tài liệu Vai trò tham gia của mặt trận tổ quốc việt nam trong xây dựng nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua thực tiễn tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 62 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)